Tới nay, ĐBSCL chỉ có duy nhất một NNC ở ấp Phú Hoà (xã Đông Hoà Hiệp, huyện Cái Bè, Tiền Giang) được tổ chức JICA (Nhật Bản) tài trợ toàn bộ kinh phí (1,8 tỉ đồng) để trùng tu. NNC này rộng trên 1.000m2, gồm 5 gian, cất theo hình chữ đinh với trên 100 cây cột bằng gỗ quý, được các nhà khảo cổ Nhật Bản xếp vào loại "cửu đại mỹ gia" ở VN.
Xã Tân Bình (huyện Bình Minh, Vĩnh Long) cũng có NNC xây dựng cách nay trên 130 năm. Theo thời gian, nhà bị hư hỏng nền, vách... nên ông Nguyễn Viết Thanh - người đang thừa kế sử dụng - phải trùng tu lại một phần, nhưng vẫn ý thức giữ cho ngôi nhà giữ được nét cổ xưa. Tuy nhiên, số lượng những NNC được gìn giữ, bảo quản như thế rất hiếm hoi ở vùng đất miệt đồng này.
Theo Ban quản lý di tích (Sở VHTT Tiền Giang), toàn tỉnh hiện có trên 350 NNC, còn sử dụng tốt chỉ khoảng 100. Khi xây dựng chợ thị xã Gò Công đã có NNC bị xóa sổ. Chủ nhân các NNC hầu hết không đủ kinh phí trùng tu chống xuống cấp, ngân sách cũng chưa kham nổi. Đó là tình trạng chung đối với hầu hết các NNC ở ĐBSCL.
Ở Bạc Liêu, ngay tại thị xã có hàng chục NNC với các lối kiến trúc phương Đông, phương Tây hoặc thuần Việt. Tiêu biểu trong số đó là NNC ở phường 5 (phủ thờ dòng họ Cao Triều) xây dựng thời gian khoảng cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20. TP.Cần Thơ cũng có làng cổ Bình Thuỷ - Long Tuyền (quận Bình Thuỷ) là địa bàn từng hiện diện nhiều NNC. Tuy nhiên, do chủ nhân không có tiền tu bổ nên khá nhiều NNC ở những nơi này xuống cấp trầm trọng. Ngược lại, một vài NNC khi được "làm mới" lại thì hoàn toàn biến dạng: Ở phường 3 (thị xã Bạc Liêu), tại vị trí một NNC xây dựng từ năm 1900 đã được thay thế bằng một biệt thự với lối kiến trúc hiện đại!
Chưa nói tới chuyện quản lý, đầu tư trùng tu, tới nay nhiều địa phương ở ĐBSCL vẫn chưa tiến hành việc khảo sát, thống kê số lượng nhà cổ trên địa bàn. Trong khi đó, qua việc trùng tu NNC ở xã Đông Hoà Hiệp (huyện Cái Bè, Tiền Giang) cho thấy việc bảo quản, trùng tu lại nhà cổ đòi hỏi những yêu cầu rất nghiêm ngặt.
Từ hình ảnh còn lưu giữ và qua lời kể của những người hiểu biết lịch sử ngôi nhà này, các chuyên gia Nhật đã quyết định phục chế toàn bộ ngôi nhà theo kiến trúc nguyên bản. Phần vách mặt tiền xây bằng gạch, giai đoạn sau được tháo dỡ, phục chế lại bằng chấn song gỗ kiểu xưa đã trả lại nét kiến trúc hài hoà ban đầu.
Kiến trúc sư Kaneda (Trường Đại học Nữ Chiêu Hoà, Nhật Bản) - người chịu trách nhiệm giám sát thi công - đã ở tại đây suốt thời gian gần 7 tháng thi công. Ông Trần Tuấn Kiệt (người đang thừa kế NNC này) cho biết: Chỉ những bộ phận nào của ngôi nhà hư hỏng trên 90%, các chuyên gia khảo cổ Nhật Bản mới quyết định thay thế. Ý tưởng giữ nguyên kiến trúc ban đầu được thực hiện rất nghiêm ngặt.
Ngành du lịch Tiền Giang và chủ nhân hiện nay của NNC này liên kết hình thành điểm tham quan cho khách du lịch tại đây. Đã có khá nhiều khách du lịch các nước Pháp, Australia, Nhật Bản... đến tham quan. Từ sự thu hút khách tham quan của NNC ở xã Đông Hoà Hiệp, có thể nói, nhà cổ là một địa chỉ rất có ý nghĩa đối với những người quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử kiến trúc ở Việt Nam (nói chung), ở ĐBSCL (nói riêng).
Liệu rồi, sau một thời gian nữa, người ta sẽ nói "thật đáng tiếc" khi những NNC lần lượt bị xóa sổ. Để điều đó không xảy ra trước khi quá muộn, ngay từ bây giờ, các địa phương ở ĐBSCL phải nhìn những NNC cũng là di sản văn hoá cần được giữ gìn, bảo vệ...
Ảnh : Một góc ngôi nhà cổ ở Đông Hòa Hiệp sau khi được trùng tu.