Trong ba ngày ba đêm, mỗi tour sẽ thiết kế nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc và độc đáo, nhiều chương trình lễ hội lớn và đặc trưng của Huế. TTO sẽ lần lượt giới thiệu các chương trình cụ thể tại Festival Huế.
Ngay từ ngày 3-5, Trại Sáng tác Ðiêu khắc Quốc tế "Ấn tượng Huế-Việt Nam 2006" - nằm trong khuôn khổ của Festival Huế 2006 - đã khai mạc qui tụ 26 nhà điêu khắc đến từ các châu lục. Trại sáng tác Âm nhạc Quốc tế lần thứ nhất với chủ đề “Âm sắc Huế - Việt Nam 2006” cũng đã khai mạc vào ngày 21-5 với sự tham gia của 34 tác giả đến từ sáu quốc gia trên thế giới.
Festival Huế - 2006 bao gồm chương trình IN và chương trình OFF, qui tụ nhiều loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp, chất lượng cao của rất nhiều quốc gia trên thế giới, kèm theo đó là các chương trình du lịch khám phá cố đô Huế sinh động, hấp dẫn.
Chương trình IN là sự hội tụ các đoàn nghệ thuật tiêu biểu và chuyên nghiệp của VN, Pháp, Nga, Trung Quốc, Anh, Argentina, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan diễn ra tại những sân khấu được dàn dựng công phu tại Hoàng thành Huế và biệt cung An Định.
Chương trình OFF - gồm nhiều hoạt động trình diễn văn hóa, nghệ thuật, và những lễ hội có tính cộng đồng cao với sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật của VN và các nước như: Pháp, Úc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan...
Ngoài Đại Nội, biệt cung An Định, Hồ Thuỷ Tiên, nhiều địa điểm khác trong thành phố Huế, các vùng nông thôn sẽ được tổ chức thành các trung tâm lễ hội, với những buổi quảng diễn nghệ thuật hoành tráng, sôi động, sân chơi dân gian, phố ẩm thực, hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ, du lịch, thương mại.
Lễ khai mạc: Hơn 100.000 người có thể tham dự trực tiếp
Khai mạc Festival Huế 2006 là đêm hội được xây dựng theo tiêu chí dân tộc, hiện đại, mang đậm sắc thái văn hoá VN và đậm chất văn hóa Huế, diễn ra hoành tráng, kết hợp giữa nghệ thuật biểu diễn sân khấu và nghệ thuật pháo hoa độc đáo của nghệ sĩ pháo hoa lừng danh thế giới người Pháp Pierre Alain Hubert.
Không gian trình diễn nối kết từ Ngọ môn đến quảng trường và Kỳ đài. Sân khấu chính thiết kế theo phương thức sân khấu quay, gắn sân khấu chính với hồ nước và không gian trình diễn cộng đồng. Với chương trình nghệ thuật diễn xướng tổng hợp, đa sắc màu, có qui mô lớn, sôi động và hấp dẫn, phô diễn tinh hoa của nghệ thuật truyền thống VN, nghệ thuật truyền thống Huế.
Không như các Festival trước đây, một phần khán đài được ban tổ chức dành ra 3.000 chỗ ngồi để bán vé cho những ai có nhu cầu dự đêm khai mạc (với giá 100.000 đồng/vé). Không gian xung quanh sân khấu và khán đài của quảng trường Ngọ môn có thể đủ chỗ cho khoảng 100.000 người khác tham dự cùng lúc.
Đêm hoàng cung
Diễn ra trong Đại Nội Huế vào các đêm mùng 3, 6 và 9-6-2006. Đó là một chương trình nghệ thuật gắn với lễ hội, tái hiện vẻ đẹp lung linh của Đại Nội về đêm với các sinh hoạt văn hóa trong các cung điện Huế xưa như: Nhã nhạc, Múa cung đình, Tuồng Huế, Ca Huế; nghệ thuật ẩm thực cung đình đa dạng của Huế trong các chương trình dạ tiệc cung đình…
Có sáu trò vui đặc sắc nhất của cung đình Huế được tổ chức, gồm: Ca Huế thính phòng, Uống trà Huế, Thả thơ, Đố thơ trên lồng đèn, Đổ xăm hường và Đầu hồ được tái hiện để phục vụ du khách. Đêm Hoàng cung sẽ mang đến cho Festival Huế một sắc thái mới, tạo ấn tượng và cảm xúc cho người tham dự, làm cho Hoàng cung Huế trở thành một nơi không chỉ đáng xem, mà còn là nơi để vui chơi và thưởng thức nghệ thuật ẩm thực Huế.
Vũ khúc cung đình và nhã nhạc Huế
(Nhà Hát Nghệ Thuật Cung Đình Huế)
Nhiều vở múa có tính hoành tráng, quy mô diễn viên đông, phô diễn được vẻ đẹp rộn ràng, lấp lánh và kỹ thuật, kỹ xảo, thể hiện sự phát triển nâng cao nghệ thuật múa hát cổ truyền của người VN. Múa hát cung đình sẽ gợi nhớ về những vẻ đẹp truyền thống của múa tế lễ, chúc tụng, tiếp đãi sứ thần ở kinh đô xưa.
Nhã nhạc Huế bắt nguồn từ 8 loại lễ nhạc cung đình thời Lê là Giao nhạc, Miếu nhạc, Ngũ tự nhạc, Cửu nhật nguyệt giao trùng nhạc, Đại triều nhạc, Thường triều nhạc, Đại yến cửu tấu nhạc, Cung trung nhạc. Đến triều Nguyễn, lễ nhạc cung đình VN đã phát triển thành hai loại hình Đại Nhạc và Nhã Nhạc (tiểu nhạc) với một hệ thống các bài bản lớn. Nhã nhạc cung đình Huế có sắc thái riêng, rộn ràng, uyển chuyển mà rất uy nghiêm, trầm hùng, sẽ được trình tấu trong không gian hoành tráng của Nhà hát Duyệt Thị đường - và nhiều địa điểm khác của Hoàng cung.
Lễ nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Ca múa nhạc truyền thống Huế
(Nhà Hát Ca Kịch Huế)
Ca Huế là một hệ thống bài bản phong phú gồm khoảng 60 tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc theo hai điệu thức lớn là điệu Bắc, điệu Nam và một hệ thống "hơi" diễn tả nhiều sắc thái tình cảm đặc trưng. Điệu nam là những bài âm điệu buồn, nỉ non, ai oán. Điệu Bắc gồm những bài ca mang âm điệu tươi tắn, trang trọng. Đi liền với Ca Huế là dàn nhạc Huế với bộ "ngũ tuyệt" Tranh, Tỳ, Nhị, Nguyệt, Tam, xen với Bầu, Sáo và bộ gõ. Ca Huế quyện vào Lý Huế, Hò Huế một cách đặc sắc.
Âm sắc Việt
Âm nhạc truyền thống VN sẽ được tôn vinh trong không gian tao nhã và sang trọng của Cung Diên Thọ. Qua chương trình này khán giả sẽ thưởng ngoạn những giai điệu mang phong cách riêng biệt. Ca nhạc Huế, kết hợp hài hòa những tinh hoa của hai dòng âm nhạc dân gian và bác học với hai điệu thức lớn là điệu Bắc tươi tắn, trang trọng, điệu Nam buồn, nỉ non, ai oán, và một hệ thống "hơi" diễn tả nhiều sắc thái tình cảm, một phong cách riêng biệt rất Huế: buồn mà không lụy, vui nhưng khoan thai, nhẹ nhàng, tao nhã. Ca trù là nghệ thuật hát thơ, có đầy đủ quy tắc về điệu, về nhịp, về nét hoa mỹ, về cách biến tấu, ứng tấu, kỹ thuật hát rất tinh tế, công phu.
Theo chân những người đi mở cõi đến vùng đất phương Nam, những làn điệu dân ca và dòng nhạc bác học (nhạc Lễ - cung đình Huế) đã kết hợp nhau hình thành nên đờn ca tài tử phù hợp với tính cách phóng khoáng của con người Nam bộ. Cùng với thời gian, đờn ca tài tử dần bước lên sân khấu biểu diễn trở thành Cải lương ngọt ngào, bi ai mà phóng khoáng.
Âm sắc Việt sẽ có mặt nhóm Ca Trù Thái Hà với nghệ nhân lão thành Nguyễn Văn Mùi - nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, ca sĩ Thúy Hòa và Kiều Oanh, nhóm Ca Huế Phú Xuân với dàn ngũ tuyệt gồm Nghệ sĩ lão thành Trần Kích, các nghệ sĩ Trần Thảo, Nguyễn Đình Vân, Trần Diệp, Tôn Nữ Lệ Hoa, cùng nghệ sĩ Thanh Tâm và nghệ sĩ ưu tú Khánh Vân, nhóm nghệ sĩ cải lương gồm nghệ sĩ ưu tú Bạch Tuyết và nghệ sĩ ưu tú Thanh Hải từ TP.HCM.