Con đường gian khó
“ Mặc dù chúng tôi đã cố gắng hết sức, nhưng trước tình hình vi phạm bản quyền hết sức nóng bỏng hiện nay, chúng tôi vẫn chưa làm được là mấy. Số tiền bản quyền ít ỏi mà các nhạc sỹ nhận được chỉ bằng 1/20 của số tiền đáng lẽ chúng tôi phải đòi được. Trên 95% quyền lợi về bản quyền của các nhạc sỹ vẫn bị xâm hại”, nhạc sỹ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC mở đầu buổi gặp mặt bằng những lời giãi bày chân thành như vậy.
Được thành lập từ năm 2002, VCPMC thuộc Hội Nhạc sỹ VN, có tài khoản và con dấu riêng, hoạt động theo điều lệ và tuân theo các quy định của pháp luật. Từ tháng 2-2006, VCPMC tách ra thành một đơn vị hoạt động độc lập. VCPMC đại diện cho 830 nhạc sỹ thông qua các hợp đồng ủy nhiệm. Từ tháng 11-2005, VCPMC trở thành người đại diện hợp pháp cho các nhạc sỹ ở 16 nước và vùng lãnh thổ thông qua hợp đồng ủy thác ký kết với COMPASS (Hiệp hội các nhạc sỹ và nhà soạn lời Xin-ga-po). Các nhạc sỹ VN có bản nhạc hoặc ca khúc được sử dụng ở nước ngoài sẽ nhận được tiền tác quyền thông qua VCPMC với giá trị ngang bằng với mức quy định ở nước mà ca khúc đó được sử dụng. Các nhạc sỹ nước ngoài cũng nhận được tiền tác quyền khi bản nhạc hoặc ca khúc của họ được sử dụng tại VN theo mức thu tác quyền của VCPMC. Bắt đầu từ tháng 7 năm nay, khi Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực, VCPMC sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng để triển khai mạnh mẽ việc thu tiền tác quyền ở các lĩnh vực biểu diễn, nhà hàng, karaoke... Doanh thu của VCPMC ngày càng tăng, năm 2005 mức thu tiền bản quyền gấp 3 lần năm 2002.
Mặc dù đánh dấu 4 năm hoạt động bằng những “cột mốc” đáng kể trên nhưng ai cũng hiểu “mười mươi”, đạt được những thỏa thuận với các đối tác trong việc thu tác quyền là việc không hề đơn giản. Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm các quyền nhân thân và quyền tài sản, nhưng hiện nay các quyền về tài sản của chủ sở hữu tác phẩm đang bị vi phạm nghiêm trọng. Cơ quan cấp phép biểu diễn thẩm định tác phẩm và cho phép biểu diễn mà tác giả không hề được hỏi ý kiến. Ngoài ra, việc các trang web vi phạm bản quyền âm nhạc cũng khiến không chỉ các nhạc sỹ, ca sỹ mà VCPMC thật sự “đau đầu”. Cả đĩa nhạc vừa phát hành liền bị đưa lên mạng và người nghe cứ thế tải xuống “vô tư”, chẳng cần mua đĩa nữa.
Để có kinh phí hoạt động, VCPMC được vay không lãi và trả chậm của CISAC với số tiền lên tới trên 40.000 USD, vì số phần trăm trích lại từ các hợp đồng bản quyền chưa thể đủ trang trải. Nhiều khó khăn phải đối mặt và cả gánh nặng tài chính nhưng ông Phương quả quyết: “Tôi tin là chúng ta không thất bại. Thất bại thì trước hết tôi phải ngồi tù!”.
Nhìn sang các nước
Cùng dự buổi gặp mặt, ông giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên minh Các hiệp hội Quyền tác giả Âm nhạc thế giới Ang Kwee Tiang, cho biết: ở các nước phát triển, thông qua hệ thống các trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc, các nhạc sỹ nhận được số tiền bản quyền bằng khoảng 60% thu nhập. Tại Pháp, số tiền này còn chiếm tới 80%.
Ông Ang Kwee Tiang ước tính, khoảng 5-7 năm nữa, vấn đề bản quyền tác giả âm nhạc ở VN mới được cải thiện thật sự vì nhận thức của người sử dụng tác phẩm chưa cao cùng với các quy định còn chưa chặt chẽ và chưa được thực thi hiệu quả. Ông hy vọng, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan hữu quan, ý thức của người sử dụng được nâng cao; sự phối hợp chặt chẽ của các nhạc sỹ; VCPMC ngày càng kiện toàn tổ chức và hoạt động ; khoảng cách giữa VN và các nước về vấn đề bản quyền tác giả âm nhạc nói chung và các lĩnh vực khác sẽ ngày càng được rút ngắn.