Giáo dục hay khiêu dâm?
“Bọn trẻ bây giờ xem phim khiêu dâm từ rất sớm, trước khi chúng thật sự nếm mùi chăn gối” – phát biểu của Larry Clark, một trong những đạo diễn bộ phim sặc mùi tình dục Destricted. Trong cuốn phim ngắn này, Clark phỏng vấn nhiều thiếu niên về chủ đề tình dục và sau đó cho một đối tượng trong đó xuất hiện cùng một diễn viên khiêu dâm. “Khi tôi còn nhỏ, chẳng ai nói với tôi gì cả (về chủ đề tình dục). Bây giờ, người ta có thể lên mạng và tìm bất cứ gì. Thiếu niên đang gí mũi vào phim khiêu dâm và họ nghĩ đó là cách để chăn gối” – Clark nói tiếp, về cuốn phim mang tính “giáo dục” của mình (ít nhất đó cũng là cách nghĩ của Clark). Mang đến Cannes phim Shortbus, đạo diễn Mỹ John Cameron Mitchell cũng đồng ý rằng thế hệ trẻ ngày nay đang tăng cường độ sử dụng Internet để thay thế tình dục thật.
Trong Shortbus, Mitchell sử dụng loạt diễn viên không chuyên đồng ý tham gia những cảnh sex thật một cách trần trụi và ông cũng không nghĩ rằng bộ phim của mình là một thứ khiêu dâm trá hình hay đại loại như vậy. Ngoài ra, còn có nhiều phim khác cũng biến loạt màn bạc tại thành phố nghỉ mát Cannes thành phòng ngủ, chẳng hạn Princess của đạo diễn Đan Mạch Anders Morgenthaler. Bộ phim này có thể khiến bất kỳ nhà mô phạm hay xã hội học nào nhăn mặt bất bình. Nội dung kể về câu chuyện một thầy dòng quyết định phá hủy toàn bộ “di sản”, gồm các cuộn phim khiêu dâm của người chị/em quá cố mình (vốn là diễn viên khiêu dâm) và nhận đứa con gái 5 tuổi của cô ấy về nuôi. Điểm khác biệt giữa Princess với các phim đề tài khiêu dâm khác trình chiếu tại LHP Cannes là Morgenthaler thể hiện nó bằng ngôn ngữ hoạt hình.
“Tôi quyết định làm một phim về ảnh hưởng khiêu dâm trong xã hội bởi tôi thấy phim khiêu dâm đang thâm nhập mọi ngóc ngách, từ quần áo đến đồ chơi. Có “một cách khiêu dâm” để kinh doanh, bởi sex luôn giúp dễ bán. Tôi rất giận về vai trò lan tràn của hình ảnh khiêu dâm”. Gần tương tự Anders Morgenthaler, nhóm đạo diễn Anh-Na Uy cũng hợp tác để sản xuất phim khiêu dâm kỹ thuật số Free Jimmy... Sex trở thành chủ đề chính tại Cannes năm nay với mật độ phim dày đặc đến mức nhà điều phối chương trình LHP Cannes Henri Behar phải thừa nhận rằng chẳng bao giờ Cannes đầy mùi vị sex đến vậy.
Khác biệt phim sex Mỹ và châu Âu
Hầu hết phim nói trên là sản phẩm từ các hãng độc lập chủ yếu từ châu Âu, chẳng hạn ThinkFilm, Samuel Goldwyn Films, IFC Entertainment, Tartan USA hoặc Film Sales Co... Đơn giản, các hãng lớn Hollywood ít khi dám phá rào sản xuất loại phim nặng sex bởi tính nghiêm khắc từ luật kiểm duyệt điện ảnh Mỹ. Những phim cực nặng xuất hiện tại LHP Cannes năm nay thật ra chỉ làm chơi cho vui chứ ít nhà phát hành nào dám rớ đến. Xem tường thuật từ các hãng Reuters hoặc AFP về nội dung một số phim, có thể thấy nhiều phim thật ra là khiêu dâm chính hiệu, chẳng hạn Red Road của đạo diễn Andrea Arnold; Exterminating Angels của Jean-Claude Brisseau; Taxidermia của Gyorgy Palfi, Cashback của Sean Ellis… (trừ Red Road, không phim nào kể từ đầu bài viết có trong danh sách 20 phim từ 30 quốc gia dự tranh Cành cọ vàng).
Cũng cần nói thêm, cách sản xuất phim ở châu Âu và Mỹ là rất khác. Mỹ luôn đặt tiêu chí thị trường lên hàng đầu; trong khi châu Âu vẫn theo khuynh hướng thể hiện tự do tư tưởng cá nhân. Đó là lý do tại sao châu Âu luôn có nhiều phim “nóng” hơn Mỹ. Tính thị trường của Hollywood thể hiện ở chỗ, phim của họ không chỉ được chiếu tại Mỹ mà còn cần thiết phải thâm nhập rộng vào thị trường toàn cầu. Phim “giáo dục giới tính” kiểu châu Âu hẳn nhiên khó có thể được phát hành tại những quốc gia châu Á.
Nói cách khác, Hollywood là chuyên nghiệp và châu Âu vẫn thích amateur. Và những phim đề tài sex tại LHP Cannes 2006 chỉ là tập hợp những tiếng nói đơn lẻ, thể hiện một thái độ, chứ không phải là một xu hướng của điện ảnh thế giới được thể hiện bằng sự lấn át dòng phim “lai” sex tại Cannes năm nay. Khi LHP Cannes khép lại vào chủ nhật này, sẽ chẳng còn ai nhớ đến chúng nữa.
Lindsay Beamish (trái) và Soo-Yin Lee, hai nữ diễn viên trong phim Shortbus