Điêu khắc gia Nguyễn Văn Yến – một trong những người thầy đầu tiên của chuyên ngành điêu khắc tại Trường Mỹ thuật Gia Định, Trường Mỹ thuật Thủ Dầu Một và Trường Mỹ thuật Biên Hòa; người từng gắn bó gần trọn đời cho sự nghiệp đào tạo Mỹ thuật Điêu khắc và phát triển Nghệ thuật tạo hình Việt Nam - không còn nữa. Ông vừa từ trần ngày 26-5-2006.
Năm 1934, Nguyễn Văn Yến được tuyển vào Khóa 10 - Trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương (Ecole des Beaux- Arts de l’ Indochine) tại 42 Yết Kiêu - Hà Nội.
Tốt nghiệp ngôi trường đào tạo mỹ thuật danh tiếng nhất Đông Dương thời bấy giờ (do họa sĩ Pháp Victor Tardieu làm hiệu trưởng đầu tiên), ông vẫn chưa thỏa mãn với chính mình. Với bao khát khao tuổi trẻ, lòng đam mê và sự kiên trì theo đuổi nghề điêu khắc, năm 1953, ông là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất giành được học bổng tu nghiệp tại Hàn lâm viện Mỹ thuật Carrara (Ý).
Được đặt chân đến Roma, Florence… - cái nôi của những di tích kiến trúc, lịch sử, những công trình mỹ thuật và nghệ thuật điêu khắc châu Âu, với biết bao những tác phẩm hội họa, những tượng đài, phù điêu… đã trở thành những tuyệt tác bất tử gắn liền tên tuổi bao nhân tài và thiên tài thời Phục Hưng như: Michelangelo, Leonardo da Vinci, Antonio Lombardo, Girolamo Campagna, Raphael… là dịp để ông thỏa chí học hỏi từ người thầy mình – nhà điêu khắc Évariste Jorchère (thủ khoa số 1 Giải điêu khắc Roma), và các giáo sư, các bạn đồng học.
Về nước, Nguyễn Văn Yến lao vào sáng tác. Nhiều tác phẩm của ông được trưng bày tại Ý, Pháp, Indonesia… Trong khuôn viên Bệnh viện Grall (Bệnh viện Nhi đồng 2 hiện nay) hiện còn bức phù điêu chân dung hai bác sĩ nổi tiếng là Calmette và Yersin do ông làm từ năm 1963. Bức tượng Chọn lọc (Người sàng gạo) của ông đặt tại chân cầu thang dẫn lên Thư viện Quốc gia Sài Gòn.
Họa sĩ Trang Phượng (Ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy TP Hồ Chí Minh) từng là học trò của thầy Nguyễn Văn Yến, đã ghi trong sổ tang thầy mình những dòng cảm động: “Thầy muôn vàn kính yêu của em! 50 năm trước em là đứa học trò nhỏ của Thầy, nhờ công lao chăm sóc dạy dỗ của Thầy, nên con đường nghệ thuật của em đi đến ngày hôm nay. Sự nghiệp của em là công sức của Thầy…”
Năm 1994, điêu khắc gia Nguyễn Văn Yến sửa lại tác phẩm “Thiên tai” (sáng tác năm 1966).