Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
449
123.260.619

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Giải Vàng ảnh báo chí châu Á dành cho Nguyễn Việt Thanh
Tôi nghĩ ảnh báo chí cũng không có gì phức tạp, trên thế giới họ có khái niệm rõ ràng rồi: nó là sự thật, luôn luôn tôn trọng sự thật, phản ánh đúng sự thật. Thế thôi, chẳng có gì cầu kỳ cả.

Lần đầu tiên cuộc thi Nhiếp ảnh báo chí châu Á (Asia Press Photo Contest – APPC) do 14 nước phát triển và 2 tờ báo lớn của châu Á: Asia New Network và China Daily tổ chức đã có kỳ vọng làm một đối trọng với World Press Photo (WPP), giải ảnh báo chí uy tín nhất thế giới hiện nay. Một nhiếp ảnh gia Việt Nam – Nguyễn Việt Thanh (phóng viên Vietnamnews) đã giành giải Vàng ở thể loại ảnh báo chí Cuộc sống thường nhật (Daily Life). Ngày mai, 1.6, Việt Thanh chính thức nhận giải thưởng ở Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh.

Cảm giác của anh khi là người Việt Nam đầu tiên đạt một giải thưởng ảnh báo chí trong một cuộc thi quan trọng ở châu Á?

- Bình thường, vui vui thôi.

Nhưng mà đây là cuộc thi ảnh báo chí mang tính chuyên nghiệp và có uy tín đầu tiên ở châu Á, anh không nghĩ rằng có thể công việc của mình sẽ có cơ hội thay đổi lớn?

- Tôi chỉ nghĩ là số người quan tâm đến ảnh báo chí không nhiều, hơi đâu mà tự hào quá cho mệt mỏi.

Tại sao anh tìm được cuộc thi này?

- Thời gian trước tôi làm trợ giảng cho một giáo viên Thuỵ Điển trong cua đào tạo phóng viên ảnh của quỹ Sida, bà ấy có đưa tôi một mẩu tin thông báo về cuộc thi này. Công việc bận rộn làm tôi quên bẵng đi, đến lúc giở ví ra thì thời hạn nộp ảnh đã gần hết. Tôi chỉ còn kịp cấp tốc làm mấy cái ảnh gửi nhanh, may ảnh sang đến nơi chỉ trước thời hạn khóa sổ có một ngày.

Cuộc thi đưa ra những yêu cầu như thế nào?

- Có một đề bài về “một châu Á đang thay đổi” và chỉ chấp nhận ảnh chụp từ tháng 6/2005 đổ lại. Cuộc thi có 8 thể loại khác nhau: cuộc sống thường nhật, tin tức nổi bật, khoa học công nghệ, môi trường, chân dung, thể thao, nghệ thuật, sự kiện của năm. Tôi được giải Nhất ở thể loại “cuộc sống hàng ngày”.

Anh “kiếm” được bức ảnh này trong trường hợp như thế nào?

- Trước Tết, tôi và các bạn tổ chức một chuyến đi Hà Giang, lúc ngang qua vùng Quản Bạ thấy cảnh cả làng vây xung quanh một cái tivi mới mua về và họ đang thử nó ở ngay vệ đường. Cảm giác sẽ được một cái ảnh hay, tôi dừng xe ngay. Lượn lờ mãi, chờ đám trẻ con coi mình như “chết rồi” tôi mới bấm máy, được khoảng 4, 5 cái gì đó.

Tại sao anh nghĩ rằng sự xuất hiện của cái tivi ở miền núi là một minh chứng cho “một châu Á đang thay đổi”?

- Tôi đã đi qua nhiều vùng miền núi, tôi biết, cuộc sống ở đấy rất nghèo, người dân gần như bị cách ly với thế giới bên ngoài, có người cả đời không đi xa khỏi bản. Đến khi có điện về là người ta đã cảm thấy như cuộc sống “thay đổi chóng mặt” rồi. Và bây giờ là tivi, phương tiện hữu hiệu nhất nối kết họ với miền xuôi, với thành thị, với thế giới. Cái tivi vừa chứng tỏ cuộc sống vật chất của dân miền núi đã khá hơn, và bên cạnh đó cuộc sống tinh thần của họ bắt đầu được mở ra, nó không còn khép kín và lạc hậu như trước nữa. Ở nhiều nơi, sự xuất hiện của cái tivi gần như là sự kiện của cả bản.

Và sự kiện ấy là dấu hiệu cho biết một vùng miền núi bắt đầu văn minh lên?

- Đúng vậy. Đó là sự thay đổi đặc trưng nhất ở khắp các tỉnh miền núi, tôi đến đâu cũng thấy ăngten vệ tinh.

Thật ra từ trước đến nay, ảnh báo chí Việt Nam cũng như tất cả những bộ môn nghệ thuật khác so với mặt bằng chung của thế giới nó vẫn không có vị trí đáng kể, tại sao vậy?

- Đây là ý chủ quan của tôi thôi: thực ra thì nhiều photographer của Việt Nam rất có tài nhưng chẳng qua họ thiếu thông tin và bị định hướng sai. Ngoại ngữ của những người này thường cũng rất tệ, và điều đó ngăn cản họ giao lưu với thế giới bên ngoài.

Anh nhìn nhận như thế nào về ảnh báo chí?

- Tôi nghĩ vấn đề này cũng không có gì phức tạp, trên thế giới họ có khái niệm rõ ràng rồi: nó là sự thật, luôn luôn tôn trọng sự thật, phản ánh đúng sự thật. Thế thôi, chẳng có gì cầu kỳ cả.

Thế còn vai trò và những quan điểm của người chụp, nó sẽ đứng ở đâu?

- Qua cách chụp của mỗi nhà nhiếp ảnh, đương nhiên anh ta đã đưa đến cho độc giả sự nhìn nhận của anh ta rồi.

Yếu tố nghệ thuật, kỹ thuật cao thì sao?

- Những người vừa chụp được những bức ảnh có vấn đề, vừa đảm bảo tính nghệ thuật, kỹ thuật cao, trên thế giới chỉ có mấy người làm được thôi.

Anh nghĩ là mình có làm được điều ấy không?

- Tôi hay nói đùa với bạn bè thế này: tôi chỉ học tập một cách “đần độn” những tay máy số 1 thế giới thì đã gọi là thành công rồi.

Trong lúc chụp anh có bị những yêu cầu về bố cục, ánh sáng... chi phối?

- Một người chụp chuyên nghiệp khi đã giơ máy lên thì đương nhiên phải chuẩn về bố cục, khuôn hình...

Thu nhập từ ảnh báo chí có đủ đảm bảo cuộc sống cho một tay máy chuyên nghiệp?

- Nếu ở nước ngoài thì đủ, còn ở Việt Nam thì không. Bản thân tôi muốn duy trì cuộc sống vẫn phải đi nhặt nhạnh ở ngoài: đi chụp quảng cáo, chụp hội nghị để kiếm tiền.

Hạnh Đổ - VietNamNet
Tin tức khác