Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
450
123.260.643

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
18g30 ngày 3-6, khai mạc Festival Huế 2006: Đánh thức những gia tài văn hóa đang im ngủ...
Mỗi kỳ festival, khi Huế chuẩn bị vào hội hè, những cây xanh được tỉa tót, những viên gạch vỉa hè được chăm chút, đường phố sạch và đẹp hơn... khiến nhiều người lại có cảm giác Huế như đang chuẩn bị một lễ cưới lớn.Nếu lần festival đầu tiên tình trạng khách sạn “cháy” phòng là một vấn nạn thì giờ đây số phòng đã gấp hơn hai lần thời điểm năm 2000 với hơn 4.000 phòng của 34 khách sạn xếp hạng sao, trong đó có thêm nhiều khách sạn 3-4 sao.

TT - Với thương hiệu “Festival Huế”, sau sáu năm Huế đã đạt được những thành tựu mà festival được coi như một động lực đáng kể.

Nhân lên vẻ đẹp phố phường

Nếu nói người Huế xây khách sạn chỉ để “mai phục” khách vào mỗi kỳ festival thì chẳng đúng, vì sẽ không ai dại đầu tư hàng chục tỉ đồng để đón khách trong mươi ngày diễn ra festival (mà phải hai năm mới có một lần như vậy).

Đây chính là “hiệu quả ngầm” của mỗi kỳ festival: cứ sau mỗi kỳ hội hè các giá trị văn hóa Huế lại được quảng bá trên báo chí, các kênh truyền hình: hình ảnh đẹp và thơ của đô thị cổ kính này với những món ăn mang hương vị ẩm thực riêng Huế, vẻ sâu lắng và trữ tình của ca Huế trên sông Hương, nếp sống khoan hòa của người Huế dưới những ngôi nhà cổ kính và xanh bóng cây vườn...

Festival chính là bệ phóng cho những giá trị ấy bay lên, lan tỏa, chinh phục và thu hút du khách tìm về ngày mỗi nhiều hơn.

“Thức dậy” từ hoàng cung đến làng quê...

Không phải ngẫu nhiên mà lần này Huế vẫn tiếp tục chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” như Festival 2004 . Trước khi nói đến chuyện “hội nhập và phát triển”, Huế phải đi tìm lại những di sản văn hóa của mình.

Mỗi kỳ festival, Huế lại có thêm những di sản văn hóa được tôn vinh sau khi được mang ra khỏi lớp bụi thời gian đã lưu cữu hàng thế kỷ. Năm 2004, trong phần lễ hội chỉ mới tái hiện một phần nhỏ lễ hội Nam Giao thôi nhưng đã thật sự là chương trình “đinh” của mùa festival trước.

Lần này lễ hội Nam Giao được tái hiện đầy đủ cả ba phần: xuất cung, tế giao, hồi cung, và dự kiến sắp đến sẽ lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận lễ hội Nam Giao này là di sản văn hóa phi vật thể.

Kinh thành Huế cũng được sống lại với những “Đêm hoàng cung” lộng lẫy của khi xưa với cuộc sống của các ông hoàng bà chúa, vương tôn công tử sau Tử Cấm Thành.

Việc tái hiện những đêm xưa của cung cấm sẽ khiến du khách hình dung cận cảnh hơn cuộc sống quá vãng vàng son, thay vì chỉ chiêm ngắm những đền đài điện các uy nghi, những ngai vàng phục chế mà không hình dung được hơi thở cuộc sống của tiền nhân.

Và vì thế “Đêm hoàng cung” lại là một cái “đinh” mới của festival lần này. Có thể kể thêm về lễ hội Truyền lô - xướng danh tiến sĩ, vinh qui bái tổ cũng lần đầu tiên được tái hiện tại festival này.

Còn nhớ festival đầu tiên, năm 2000, những chương trình chỉ gói gọn trong khu Đại Nội; đến lần sau có thêm những khu nhà vườn Phú Mộng - Kim Long, những người dân quê vùng cầu ngói Thanh Toàn tham gia; rồi lần thứ ba, hội hè đã lan lên tận miền tây Thừa Thiên -Huế với “Âm vang Trường Sơn”, về tận biển với “Thuận An biển gọi”.

Còn festival này có thêm ngôi làng cổ Phước Tích cách Huế gần 50km tận vùng cực bắc tỉnh. Ngôi làng cổ xưa ngỡ đã lãng quên với những ngôi nhà rường đẹp tuyệt vời và nghề gốm truyền thống đến festival này khiến không ít du khách từ Huế ngược ra đây để sống những ngày “hương xưa làng cổ”.

Một miền quê Thanh Tiên (Phú Mậu, Phú Vang) đang bừng thức dự phần vào hội hè, chinh phục du khách qua vẻ đẹp hồn hậu của bông hoa giấy truyền thống. Những bức tranh của làng Sình cũng góp mặt vào cuộc chơi mang những cảm thức nghệ thuật dân gian bí ẩn huyền hoặc lại tạo nên những nét hấp dẫn khác...

Cứ thế, mỗi kỳ festival lại thấy miền đất này có thêm những giá trị văn hóa - nhân văn tỏa sáng, dù rằng đấy có thể là những vẻ đẹp ngỡ như đã lãng quên, hoặc cũng quá ư quen thuộc.

Festival Huế 2006 là một festival đặc biệt bởi gắn liền với kỷ niệm 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân. Mùa hạ của bảy thế kỷ trước (năm 1306) công chúa Huyền Trân cất bước về thành Đồ Bàn theo vua Chiêm bấy giờ là Chế Mân để đất Đại Việt có thêm hai châu Ô, Lý. Vùng đất sính lễ của vua Chiêm ấy bây giờ là dải đất từ Quảng Bình đến Quảng Nam mà trung tâm của nó là miền Thuận Hóa, từng là kinh đô của nhà Nguyễn. 

Một tiết mục trong chương trình khai mạc Festival Huế 2006 - Ảnh: L.Đ.Dục

 

LÊ ĐỨC DỤC - TTO
Tin tức khác