Đau thương, bi kịch tột cùng
Sân khấu được bài trí đơn giản đến không ngờ, thuần một màu trắng những mảnh vỡ, của vôi bột, bệnh tật, của cả những đau thương ập vào tâm hồn thi sĩ. Ở đó, bắt đầu một vòng tròn luân hồi của kiếp người, từ khi được mẹ sinh ra đến khi lìa trần với 4 phần: định mệnh, đau thương, điên loạn và vĩnh hằng. Định mệnh đã giao cho Hàn Mặc Tử vừa chào đời đã là một người làm thơ, thế nhưng tai họa bất ngờ ập đến, ông bị bệnh phong, chính quyền đến rắc vôi bột và bắt ông vào trại. Những người yêu lần lượt đến chào ông đi lấy chồng. Quằn quại sống trong cô đơn, trong những giấc mơ kiếm tìm hạnh phúc, thế nhưng dù bị người yêu ruồng bỏ, dù luôn sống trong bi kịch với những cảnh điên loạn, đau thương, bi kịch tột cùng, tâm hồn Trí vẫn thăng hoa, vẫn để lại những bài thơ tuyệt vời. Cô đơn trong đêm nhưng khi bất chợt gặp ánh trăng lên, những lời thơ của Hàn Mặc Tử lại trào ra lấn át nỗi đau thể xác. Và để rồi đến một ngày kia, trăng tàn, giai nhân cũng nhạt nhòa hình ảnh, người thơ trở về với cõi vĩnh hằng, trong hàng nghìn ánh nến soi rọi đường về với Chúa...
Vai Hàn Mặc Tử có tới 3 diễn viên đảm nhận, một là con người bình thường (Công Dũng đóng), một là thân xác (Hoàng Tùng đóng), một là linh hồn (Như Lai đóng). Con người bình thường đòi hỏi một cuộc sống bình thường, trong khi thân xác và tâm hồn lại luôn giằng kéo không để anh ta được yên. Lê Hùng đã đưa vào vở diễn một triết lý xuyên suốt, đó là sự đấu tranh không ngừng giữa tâm hồn và thể xác. Nói cách khác là thân xác luôn hành hạ tâm hồn, đó là sự dằn vặt, đau đớn khôn nguôi của một nhà thơ tài năng, luôn khao khát được sống, khao khát được thương yêu nhưng luôn bị chối bỏ...
Đưa cảnh khỏa lên sân khấu
Sáng tạo và đầy cảm xúc, đạo diễn Lê Hùng đã rất thành công khi đưa khán giả lần đầu tiên đến với cuộc đời của Hàn Mặc Tử qua sự kết hợp giữa thơ và kịch hình thể. Cũng là lần đầu tiên, khán giả sẽ gặp những cảnh khỏa thân trên sân khấu. Đó là hình ảnh những giai nhân hòa dưới ánh trăng, tinh khiết và đầy khát vọng trong những cơn mơ của thi sĩ họ Hàn mà chưa một đạo diễn nào dám đưa lên sân khấu.
Và giá như Lê Hùng biết tiết chế, kỹ lưỡng hơn, 100 phút cuối của Hàn Mặc Tử sẽ giá trị hơn nhiều. Đơn giản và dễ nhận thấy nhất, lời thoại của các nhân vật đã không làm cho người ta thấy được sự đau đớn đến tột cùng, những giày vò, mâu thuẫn đối chọi nhau giữa linh hồn và thân xác Hàn Mặc Tử. Giá như lời thoại được chuẩn bị kỹ hơn, sâu sắc hơn, diễn viên chính (vốn là một diễn viên phim truyền hình) diễn thuyết phục hơn thì thành công của vở kịch đã không dừng ở đấy.
Ảnh : Hình ảnh những giai nhân hòa dưới ánh trăng, tinh khiết và đầy khát vọng trong những cơn mơ của thi sĩ họ Hàn