Tối qua 11.6, sông Hương một lần nữa đã bừng sáng lung linh với hàng vạn hoa đăng lưu luyến tiễn khách, kết thúc 9 ngày đêm Festival sôi nổi, hấp dẫn và an toàn. Thời tiết khắc nghiệt với cái nắng như thiêu đốt, kèm theo những trận gió nam khô khốc từ Trường Sơn ào ạt thổi về vẫn không thể ngăn được bước chân du khách lũ lượt đổ về với Huế.
Điều tạo nên đẳng cấp cho Festival Huế 2006 chính là tính quốc tế đã được chuyển sang một cung bậc mới, từ giao lưu gặp gỡ chuyển sang đối thoại, hợp tác và phát triển. Sự có mặt của đối tác truyền thống Pháp, bên cạnh các đoàn nghệ thuật nước ngoài như: Anh, Nga, Trung Quốc, Argentina, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia... đã đưa nghệ thuật xích lại gần công chúng hơn. Thay vì công chúng phải ngơ ngác trước những chương trình nghệ thuật quá xa lạ do sự khác biệt trong ngôn ngữ nghệ thuật, nay sự hợp tác gần gũi và dễ cảm nhận hơn. Công chúng xem Ký ức, Hạn hán và Cơn mưa Vol.2 của nhà biên đạo Pháp Ea Sola do các nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam biểu diễn, đã tìm thấy sự gần gũi trong âm nhạc, ngôn ngữ diễn xuất...
Đã có một phố đi bộ được kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật đường phố bên dòng sông Thames với sông Hương qua sự góp mặt của các nghệ sĩ đường phố Anh, các nhóm guitar của Huế, phòng trà Searenar... Vở diễn Vòng cát cũng là kết quả hợp tác giữa Nhà hát Monte Charge de Pau (Pháp) và Nhà hát tuồng Việt Nam, hoặc vở Tìm gió cũng là một kết quả đối thoại giữa nhạc jazz phương Tây - ban nhạc Mazcal Jazz Unit (Pháp) với âm nhạc truyền thống Việt Nam qua các nhạc công, nhạc cụ truyền thống Việt Nam và cây saxophone Trần Mạnh Tuấn. Nhã nhạc cung đình Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã tìm được tiếng nói chung bên cạnh Nhã nhạc cung đình Việt Nam... Các loại hình nghệ thuật trong nước quy tụ về Huế cũng đã được chắt lọc hơn với các chương trình: Ánh Tuyết và ATB, ban nhạc Mặt Trời Đỏ, tiếng dương cầm Phó A My, Đoàn ca múa nhạc Bông Sen (TP.HCM), Đoàn ca múa nhạc Thăng Long (Hà Nội)... Hơn 138 suất diễn liên tục, nối kết đã thu hút đông đảo công chúng đến tận phút cuối.
Bên cạnh đó, Festival Huế 2006 cũng ghi nhận sự hội tụ của hơn 40 hoạt động văn hóa cộng đồng, lễ hội cung đình và dân gian sôi nổi, hấp dẫn. Đã có 14 kỷ lục Việt Nam qua Festival được đề xuất xác lập, trong đó đặc sắc nhất phải kể đến là bức tranh "Thế giới này là của chúng em" của thiếu nhi Huế dài 200m, tác phẩm sắp đặt "Lưỡng long vờn hoa sen" của đôi vợ chồng người Úc và chiếc nón Huế (có đường kính 12m, cao 4,5m, nặng khoảng 200 kg) với chiếc quai màu tím Huế bay lơ lửng trên sông Hương do Công ty THHH Chiến Thắng (TP.HCM) thực hiện... Lần đầu tiên, Festival cũng đã đón nhận sự xuất hiện của hàng loạt bất ngờ từ những giá trị văn hóa tiềm ẩn của Huế như hoa giấy Thanh Tiên, nét trầm mặc rêu phong của "Hương xưa làng cổ"- Phước Tích, sự năng động hấp dẫn của Lăng Cô...
Festival Huế 2006 không những đã khẳng định được thương hiệu của chính mình với bức thông điệp là điểm đến an toàn và quyến rũ của du khách trong nước, quốc tế, mà còn là nơi gặp gỡ, trở về của những người xa Huế ở khắp mọi miền đất nước và nước ngoài, những tên tuổi lớn như giáo sư Trần Văn Khê, họa sĩ Lê Bá Đảng...
Chuyện bên lề Festival Huế 2006: Chọn người làm...vua !
Chiều 10.6, lần đầu tiên lễ hội Nam Giao trong khuôn khổ Festival Huế 2006 được phục dựng đầy đủ 3 phần: Xuất cung, Hành lễ tế Giao và Hồi cung, đã diễn ra hoành tráng với sự tham gia của hơn 500 diễn viên trong vai các nhân vật: vua, quan, binh lính, lễ nhạc, đoàn tùy tùng và voi ngựa... Thế nhưng trước đó, việc lựa chọn ai sẽ vào vai "vua" trong lễ hội này đã gặp không ít khó khăn.
Ban đầu BTC dự kiến sẽ mời một lãnh đạo trung ương đảm nhiệm vị trí này, nhưng sau đó phương án đã không được chấp thuận, bởi đây là lễ hội chứ không phải nghi lễ Nhà nước. Vậy là, việc chọn "vua" sẽ do tỉnh quyết định. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế đã hạ quyết tâm, phải phục dựng lễ hội Nam Giao trọn vẹn, đúng mô thức đặc trưng của một lễ Nam Giao trong lịch sử. Ý kiến của Thường vụ Tỉnh ủy là nếu không có ai chịu "làm vua" thì lãnh đạo tỉnh sẽ nhận nhiệm vụ này. Gút thắt quan trọng của công việc tổ chức xem như đã được mở. Thế nhưng, ngay sau đó, có thông tin cho rằng: Trong lịch sử triều Nguyễn (dưới các triều đại Tự Đức và Duy Tân) có hai lần lễ tế Giao không do vua đích thân làm chủ bái mà một vị quan đại thần thay thế, sau khi tế về hai vị quan này đều ngã bệnh mà chết. Vì vậy, trong lễ tế, người chủ bái nhất định phải là vua (tức phải có chân mệnh Thiên tử). Mối liên hệ có tính tâm linh huyền bí này có thực sự linh nghiệm hay không, nhưng rõ ràng không ai dám đem tính mạng mình ra để thử!
Một phương án khác đã được đặt ra với lý lẽ, đây là lễ hội được phục dựng chứ không phải khôi phục lại nghi lễ tế trời nguyên xi, vì vậy "vua" chỉ có tính tượng trưng và tất nhiên phải do một nghệ sĩ đóng. Tiêu chí chọn "vua" được bàn thảo và đi đến thống nhất: người đóng vua phải là nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) trở lên, có khả năng diễn xuất... Ở Huế, người hội đủ tất cả những yếu tố này không ai khác ngoài NSƯT Ngọc Bình, Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc truyền thống Huế. Mấy chục năm hoạt động nghệ thuật, từng vào vai đủ mọi tầng lớp từ vua, quan, lãnh tụ đến quần chúng nhân dân, nhưng khi nhận nhiệm vụ vào vai "vua" trong lễ tế Giao, NSƯT Ngọc Bình cũng... rất lo lắng. Suốt gần một tháng qua, anh đã "phát tâm" ăn chay nằm đất để xin trời đất được thực thi nhiệm vụ suôn sẻ. Ngoài ra, anh còn một đề nghị "cuối cùng" là sau khi "đóng vai vua", nếu có mệnh hệ gì đề nghị xem xét giải quyết chế độ... cho vợ con!
Lễ hội Nam Giao đã diễn ra thành công với sự theo dõi của đông đảo du khách và đồng bào cố đô Huế. NSƯT Ngọc Bình đã xuất sắc hoàn thành vai "vua" trong lễ tế Giao lần đầu tiên, được phục hiện sinh động và ấn tượng.
N.L |
|