Trước khi đến với văn chương, nguyễn Văn Thọ đã từng là một người lính. Ông nhập ngũ khi vừa tốt nghiệp học sinh phổ thông (tháng 7/1965) và ông đã làm trọn vẹn công việc của một người lính quả cảm. Trải qua bao trận chiến khốc liệt, Nguyễn Văn Thọ trở thành một pho “truyện cổ tích hiện đại”. Sau bao năm xa rời quân ngũ, mãi đến năm 1985, ông mới quyết định viết truyện ngắn đầu tay “Rồi chúng con sẽ trở về quê hương”, tiếp theo là truyện ngắn “Sương đêm” và một loạt tác phẩm khác ra đời.
Nhưng phải đến năm 1999, tập truyện ngắn đầu tay của anh có tên “Gió lạnh” mới ra đời. Bốn năm sau, Nguyễn Văn Thọ cho in tập thứ 2 có tên “Vàng xưa”, sau khi đoạt Giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhưng có lẽ, phải đến “Thất Huyền Cầm”, bạn đọc mới nhận ra Văn Thọ là một cây bút có tài.
Tập truyện ngắn “Thất Huyền Cầm” là tập sách có 10 truyện. hầu như không có truyện nào non lép. Trong đó, có truyện từng đoạt giải thưởng trong các cuộc thi truyện ngắn trên tuần báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ quân đội như: Cõi ảo, Nhà ba hộ, Vườn Maria. Cũng có truyện tuy không được giải nhưng lại được bạn đọc yêu thích như: Một người Đức, Lá bùa, Ám ảnh. Đặc sắc nhất là truyện Vàng xưa, một truyện ngắn có dung lượng lớn…
“Thất Huyền Cầm” là tập truyện gồm 12 truyện ngắn của Nguyễn Văn Thọ. Với tập sách này, có cảm giác ngòi bút của Văn Thọ có phần đằm hơn. Nói như một nhà phê bình: “Cũng là những câu chuyện hậu chiến của người lính, song ở đây, từ Vô danh trận mạc tới Yêu sống, người ta đều nhận ra một Nguyễn Văn Thọ không chỉ từng trải, mà qua những chi tiết gạn lọc của đời sống hôm qua và hôm nay, sự quan sát và chiêm nghiệm đã đến lúc chắt chiu, đọng lại, nhìn nhận cuộc sống một cách sâu lắng và trầm tĩnh”.
Trong tập truyện ngắn mới này, Nguyễn Văn Thọ vẫn chủ trương một lối viết dung dị nhưng đa giọng. Đó là một đặc điểm riêng của văn Nguyễn Văn Thọ để có thể nhận ra anh. “Thất Huyền Cầm” là một nỗ lực trên con đường mà nhà văn Nguyễn Văn Thọ muốn khai phá và thử thách chính mình.