Sau cuốn Nhớ Phùng Quán (NXB Trẻ 2003), tuyển tập các bài viết của bạn hữu về ông, những tưởng là “đề tài Phùng Quán” không còn gì để khai thác nữa. Vậy nhưng với Phùng Quán - Ba phút sự thật, cuốn sách tập hợp những bài viết của ông - trong đó có bài công bố lần đầu, có dòng chữ cuối cùng ông viết trên giường bệnh (năm 1995)... - chúng ta lại được gặp những trang văn thấm đẫm nước mắt và nụ cười của ông, những trang viết khiến ta xúc động và day dứt khôn nguôi.
15 bài viết, mười chân dung (đầy đủ hoặc chấm phá) từ những nhân vật nổi tiếng như Văn Cao, Tố Hữu, Trần Đức Thảo, Nguyễn Hữu Đang (người dựng lễ đài Tuyên ngôn độc lập), Đoàn Phú Tứ, Phùng Cung... đến những đồng đội thời chống Pháp của ông như nhà thơ Hồ Vi, như các liệt sĩ hi sinh ở Huế ngày đầu kháng chiến, ông đều viết với tất cả gan ruột của mình, đều tìm được tiếng nói tri âm để rồi tác giả cùng nhân vật đúc kết, chắt lọc gửi lại hậu thế điều tâm huyết nhất - bản chúc thư bằng “xương máu” của cả cuộc đời mình.
Kết thúc câu chuyện chưa đầy ba trang sách viết về người sinh viên anh hùng Cuba Ăngtôniô Êchxêvania với kế hoạch đánh chiếm đài phát thanh quốc gia của chế độ độc tài Batista để có “ba phút sự thật” - xé toạc bức màn lừa mị của bọn độc tài, trước khi bị bắn chết, Phùng Quán viết: “Cả những đề tài lớn lao nhất như sự thật, như chân lý, đều có thể diễn đạt nó trong vòng 180 giây đồng hồ với điều kiện tác giả phải sẵn sàng đem mạng sống trả giá cho những giây đồng hồ quí báu đó”.
Với nhà thơ Tố Hữu mà ông gọi bằng “cậu”, sau 32 cái tết, Phùng Quán mới thăm lại vì ông phải chờ... đến lúc tác giả của Từ ấy, Việt Bắc không còn quyền lực gì trong tay nữa. Ông thuật lại phút chia tay giữa hai người: “... Nhà thơ nói vui với vợ tôi: "Thằng Quán nó dại”. Khi ra đến gần cổng sắt, nhà thơ dừng lại, nói tiếp, như vẫn không dứt dòng suy nghĩ của mình, “mà cậu cũng dại...”... Tôi bật cười to: “Thưa cậu, thì chính cậu đã viết điều đó thành thơ từ nửa thế kỷ trước: Ai nên khôn mà chẳng dại một đôi lần!”...”.
Bài nào trong tập sách cũng có những đoạn, những dòng đầy ý tứ và thật “đắt” như thế. Cuốn sách còn có nhiều ảnh lưu niệm quí và tiểu sử Phùng Quán. Nhìn một chuỗi ảnh chân dung ông, từ chú bé mang quần trắng áo dài đen đến anh “lính Cụ Hồ” 1954 và nhà thơ trong tấm “áo liệm” do Thu Bồn tặng, trên đó có hàng trăm chữ ký của bạn bè cũng như danh mục dài dằng dặc những tác phẩm Phùng Quán phải “mượn tên” thuở còn phải “viết chui” cũng đủ để ta ngẫm nghĩ đến bao bài học đắt giá ở đời.
Người làm sách gọi đây là tập “ký”; riêng Người bạn lính cùng tiểu đội dài trên 50 trang, tuy mang cái tựa khá là “khô khan”, nhưng theo tôi, đây là những trang vào loại hay nhất của đời văn Phùng Quán, đậm đà chất tiểu thuyết với nhân vật mang khát vọng lớn và nỗi đau của con người như nhân vật của Dostoievsky. Chỉ riêng câu chuyện về nhân vật tai tiếng mà như “vô danh” này đủ làm cho cuốn sách có “sức nặng” rất đáng tìm đọc.