Liên hoan ca trù 2005 đã bị dư luận cho là giống một báo cáo về lớp dạy ca trù 2 tháng của Quỹ Ford; và người nghe phải mệt mỏi vì nghe đi nghe lại tất cả các ca nương biểu diễn chỉ có 3 bài theo quy định của ban tổ chức. Rút kinh nghiệm, lần này Đêm ca trù toàn quốc (ngay cả tên gọi cũng được cân nhắc và rút gọn, tránh bị phiền toái và "bẻ hoẹ" về các khái niệm "liên hoan" hay "báo cáo"...) sẽ mời các đoàn ca trù và nghệ nhân đại diện cho 16 tỉnh thành trong cả nước có ca trù, hòng phác ra diện mạo toàn diện của loại hình nghệ thuật này. Sẽ phục dựng nhiều điệu hát và điệu múa cổ.
Nhiều nghệ nhân cao tuổi sẽ biểu diễn, như: cụ Nguyễn Phú Đẹ, 84 tuổi, kép đàn ở Hải Dương; cụ Nguyễn Thị Chúc, đào nương 75 tuổi ở Hà Tây; đào nương Võ Thị Tăng 84 tuổi ở Nghệ An; và cũng không vắng mặt những ca nương trẻ đang nổi như Bạch Vân, Thuý Hoà, cầm chầu Nguyễn Văn Mùi, kép đàn Phan Khuê (Hà Nội),...
Cũng khác với Liên hoan ca trù 2005, Đêm ca trù toàn quốc 2006 sẽ làm sống lại cả ba không gian của ca trù, đó là hát thờ (lâu nay vẫn mượn từ của loại hình Chèo để gọi một cách không chính xác lắm là hát cửa đình), hát chơi và hát Chúc hỗ (tức hát lối cung đình). Theo ban tổ chức, lần này chọn Nhà Hát lớn thay cho Văn Miếu vì nơi đó hợp hơn cho việc tái tạo cả ba không gian hát.
Hiện nay, Viện Âm nhạc Việt Nam đã hoàn thành hồ sơ quốc gia về Di sản Hát ca trù của người Việt, dự kiến trình lên Hội đồng Nhà nước vào đầu tháng 7/2006. Tranh luận lâu nay xung quanh xuất xứ và thời điểm ra đời của ca trù nay được xác định trong hồ sơ này là: Ca trù có từ thế kỷ 15, căn cứ vào tài liệu đầu tiên tìm được tính cho đến nay có nhắc đến hai chữ Ca trù là chữ khắc ở đình Đông Ngạc (Quốc Oai, Hà Tây). Khác với cồng chiêng Tây Nguyên hay Quan họ có phạm vi phổ biến tương đối khu biệt, ca trù xuất hiện rải rác ở nhiều nơi trong 16 tỉnh thành, phần lớn là Bắc Bộ, ngoài ra cũng có ở TP.HCM, song ngạc nhiên hơn là người ta còn tìm thấy ca trù cổ cả ở Quảng Bình.
Hát ả đào (Tài liệu của Phạm Duy, chụp năm 1952)