Sau khi tốt nghiệp THPT, trong một lần khai hoang ở gần nhà, anh cuốc phải mìn còn sót lại từ chiến tranh. Người ta mang Tấn vào Bệnh viện Trung ương Huế. Tỉnh lại sau 15 ngày hôn mê, anh đau đớn biết rằng mình chỉ còn khuỷu tay trái và đôi chân bị tháo ngang khớp gối. Nhiều lần tự vẫn nhưng dường như ông trời không muốn triệt đường sống của anh. Sau những lần đấu tranh tư tưởng quyết liệt, cuối cùng Tấn chấp nhận về nhà sống cùng bố mẹ.
Đã sống thì phải sống có ích. Từ suy nghĩ này, anh bắt đầu mày mò tập viết bằng miệng, rồi bằng cánh tay. Sau một thời gian thành thạo, anh Tấn quay sang học vẽ. Nhờ các thầy cô giáo ở Trường trung học An Lương Đông (Phú Lộc) mượn sách chuyên môn của Trường cao đẳng Mỹ thuật, một mình anh tự mày mò nghiên cứu cách chia tỉ lệ, pha màu.
Tác phẩm đầu tay Tấn vẽ chân dung bố nhưng không đạt. Thế là lại cân đo, xem xét, bắt đầu lại từ đầu. Một năm sau, tài vẽ tranh của anh nổi danh khắp vùng, nhiều người mang ảnh người thân trong nhà nhờ anh họa lại. Giáo viên các trường tìm đến nhờ anh vẽ tranh phục vụ giảng dạy.
Năm 1981, anh là một trong những người khuyết tật đầu tiên ở Thừa Thiên - Huế có tranh triển lãm ở Hà Nội nhân Ngày quốc tế người tàn tật. Sau lần ấy, anh Tấn được Sở Lao động - thương binh - xã hội lắp chân giả và bắt đầu tập đi. Di chuyển được, anh kiêm luôn cả việc viết tin, bài cho đài phát thanh huyện để kiếm thêm chút tiền mua rau mua gạo. Cũng nhờ tài năng độc đáo này mà anh “bén duyên” cùng cô giáo mầm non Ngô Thị Phát.
Khó khăn bắt đầu từ ngày hai vợ chồng có đứa con đầu tiên. Vợ trở lại lớp học sau thời gian sinh con, một mình “bố Tấn” phải ở nhà thay tã, pha sữa cho con. Bốn đứa con lần lượt qua tay anh chăm ẵm những khi vợ đi làm.
Sống bằng nghề vẽ thuê tranh truyền thần, tranh minh họa, thậm chí là chân dung, apphich quảng cáo... vợ chồng anh bươn chải nuôi con qua ngày tháng. Nhiều người ở thành phố vượt 30km về làng nhờ anh vẽ tranh. Thu nhập có khi không được tính bằng tiền mà bằng lúa, gạo, khoai, sắn. Anh Tấn vẽ và làm việc nhà, kể cả việc chăm sóc các con, đều bằng cánh tay và bằng miệng. Nhưng không phải chỉ bấy nhiêu. Ngoài nghề chính vẽ tranh, anh còn học chữ Nôm dịch văn bia và ghi thư pháp, dạy thêm Anh văn, toán, lý cho học sinh trong làng.
Ở làng nghèo Trung Chánh, người ta coi anh Tấn là người có tài, học rộng, biết nhiều và luôn dành sự kính trọng, yêu thương