Vì vậy, khi đọc anh trút hết tâm cảm. Trong suốt khóa học viết văn với nhau, nhiều lần tôi được nghe Ngọc đọc thơ và có lẽ bài thơ anh đọc nhiều lần hơn cả là Hội họa lập thể: Khi mắt đã no nê. Những quy tắc lên men. Khi sự thật bị thay bằng cái giống như sự thật...
Cứ thế, mắt Ngọc hừng hực sáng, hừng hực cháy. Ngọc không chỉ độc thoại với trái tim mà Ngọc sống với thơ, với đời bằng tất cả ánh sáng của trái tim, thứ ánh sáng của riêng Ngọc, từ Ngọc.
Những lúc không đọc thơ, không tranh luận về thi pháp, về hội họa, trông nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc thật hiền và thật dịu dàng khi chăm sóc cháu Anh Thư (có một thời gian Ngọc đưa con gái nhỏ vào trường sống bên mình), cô con gái duy nhất của anh.
Nhiều lần Ngọc gặp tôi, ngượng nghịu: “Cho mình vay mấy đồng...”. Có mấy đồng, Ngọc mua trứng mua thịt cho con, còn mình ăn rau muối. Thương con, yêu vợ vô cùng nhưng Ngọc lại không có khả năng xua đuổi cái nghèo. Nghèo khó cứ đuổi theo Ngọc, bám lấy Ngọc.
Còn Ngọc lại dồn hết tài năng, trí tuệ, sức lực cho thơ. Lại đau đáu tìm kiếm và quyết liệt đuổi theo cái khát vọng muốn phá vỡ, muốn làm mới, muốn tạo lập những giá trị nghệ thuật mang dấu ấn không chỉ của riêng Ngọc, của một thế hệ mà còn cho cả nền thi ca...
Dù nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc đã vội ra đi nhưng những gì anh để lại - hơn 200 bài thơ - trong số này có không ít thi phẩm sẽ còn mãi với thời gian bởi giá trị đích thực của nó; và đặc biệt hơn, qua thơ, Nguyễn Lương Ngọc còn là một chân dung, một nhân cách sống trọn vẹn, sống hết mình cho nghệ thuật:
Muốn ở lại cùng mặt trời / Mỗi con người / Phải tỏa sáng / Muốn ở lại cùng con người / Mỗi bài thơ / Phải biết sinh ra một bài thơ khác...
Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc “ở lại”, mãi mãi ở lại như thế...