Gần như không thể có một hành động nào của nhân vật được phép vô nghĩa, bởi thời gian dành cho Hàn Mặc Tử, cho vở kịch không có nhiều - chỉ là 100 phút cuối cùng, 100 phút diễn.
Trong ngần ấy thời gian, chất chứa quá nhiều về một cuộc đời, một tài hoa, quá bất hạnh và quá nổi tiếng, quả là trong có 100 phút, cũng chất chứa quá nhiều tham vọng của đạo diễn về một cái gì phải thật khác lạ, thật đặc biệt.
Sân khấu với những dải lụa trắng, một mảnh trăng bán nguyệt cũng trắng, Hàn Mặc Tử trong bộ quần áo trắng và trang phục của nhân vật hầu như một màu trắng.
Màu trắng có dụng ý của đạo diễn NSƯT Lê Hùng và tác giả Phan Cao Toại, điều này tạo nên cảm giác lạnh lẽo và một sự cô đơn thấm đẫm trong không gian.
Cái lạnh lẽo và cô đơn của Hàn Mặc Tử, người thơ đã phải chịu đựng trong quãng đời bệnh tật của mình.
Thơ của Hàn Mặc Tử tràn ngập trên sân khấu, lần đầu tiên như thế, một giọng đọc thật đặc biệt thể hiện bài thơ, và chính những bài thơ của nhà thơ đã thể hiện nhất định phải là một vở kịch hay rồi. Thơ của Hàn Mặc Tử không được ... ngâm mà là hát - một chi tiết "đắt" trong vở kịch.
Đạo diễn Lê Hùng cũng khá cao tay khi thiết kế hai nhân vật - hồn và xác của Hàn Mặc Tử. Hồn luôn phải cõng xác trên lưng để có thể trụ lại và sống được.
Một nhà thơ tài hoa, bạc mệnh, một thân xác ngày một mục rữa trong khi những dòng thơ không thôi tuôn trào.
Tâm hồn của Hàn Mặc Tử quá lớn lao, một trái tim quá nhạy cảm, quá nhân hậu, quá yêu đời. Qua "tay" Lê Hùng dựng lại, đột nhiên trở nên "tinh tế" hơn nhiều!
Trong cái nặng nề, bất hạnh của nhà thơ, đạo diễn Lê Hùng đã xây dựng những "bức tranh đẹp, nhiều màu sắc": Cảnh đám cưới trong trại phong với hình ảnh cách điệu của đóa cúc rực vàng sân khấu, của đêm tân hôn và vầng trăng là người làm chứng...
Có một băn khoăn, một chi tiết chưa "phê" lắm khi người xem ra về, vẫn cho rằng hình như các diễn viên "chưa đạt được tầm". Nhưng cũng thế là nỗ lực nhiều rồi, một sự vượt trội thật sự rồi, so với mặt bằng lâu nay của sân khấu.