Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
297
123.261.537

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Hành trình đi tìm ánh sáng của cô gái mù
30 tuổi nhưng nhìn Thanh Tú trẻ như cô gái 20. Từ nhiều năm nay, tác giả của cuốn tự truyện Tôi mù? (NXB Hội Nhà văn) vừa phát hành ngày 15-6, miệt mài trên con đường đi tìm ánh sáng Sinh ra tại một làng nhỏ chuyên trồng rau gia vị của Hà Nội, tuổi thơ của Tú trôi qua êm đềm như bất cứ đứa trẻ nào lớn lên ở thôn quê. Song quãng thời gian mà cô cho là “tuyệt vời đẹp” ấy không ở với cô lâu. Ngày mang thai Tú, mẹ không may bị cúm nên 10 năm sau khi cất tiếng khóc chào đời, cô dần phải làm quen với cuộc sống không có ánh sáng. Trước đó, Tú vẫn đến trường, yêu văn học nên 7 tuổi đã đọc tiểu thuyết, nhưng đôi mắt cứ mờ dần do bệnh tăng nhãn áp. 10 tuổi, bệnh nặng quá, cô không tiếp tục đi học được nữa.

Chạy chữa khắp nơi không được, cô phải từ giã ánh sáng. 16 tuổi, Tú đứng trước nguy cơ bị vỡ nhãn cầu. Các bác sĩ khuyên nên bỏ đi đôi mắt, nếu không sẽ bị đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. “Lúc ấy tôi còn bé, bất hạnh lại đến một cách từ từ nên tôi không bị sốc”.

Có lẽ cú sốc lớn nhất trong đời Tú, một nỗi đau tưởng chừng lớn hơn việc mất đi đôi mắt, là sự ra đi vĩnh viễn của người cha thân yêu sau một tai nạn giao thông lúc cô 13 tuổi. Càng thương mẹ chịu đựng quá nhiều nỗi đau, lại một mình tần tảo nuôi ba chị em ăn học, cô càng rơi vào sự cô đơn. “Tôi ương bướng lắm, đến nỗi mẹ phát cáu. Tôi không thích sống giả dối và đôi khi cũng biết là mình quá quắt”.

 

Câu chuyện kỳ lạ

Năm 1994, Thanh Tú tình cờ gặp nhà văn Nguyên Bình, lúc này đang luyện khí công với hy vọng chữa bệnh thiểu năng tuần hoàn não cho vợ. Một chuyện kỳ lạ xảy ra. Hôm đó khoảng 4 giờ sáng, ông ngồi dậy tập và bỗng nhiên thấy căn phòng sáng lên như ban ngày. Rất hoang mang, ông đem kể cho mọi người nghe, “vậy là chú đã khai mở con mắt thứ ba rồi đấy”. Ngay lập tức, Nguyên Bình nghĩ đến những người mù và tìm đến họ để dạy. Nhưng lúc đó ông đã lầm.

Thanh Tú là học trò đầu tiên của thầy Bình, song cô đến với ông không phải với hy vọng đôi mắt nhựa của mình sẽ biến thành mắt thật mà bởi vì cô đang bị bệnh eczema rất nặng, bàn chân cứ lở loét hết tưởng như không thể đi được nữa. “Gặp thầy Bình, tôi tin ngay vào con người ông. Tôi quyết định tập xem thử chân mình có khỏi không”. Tập được mấy tháng, Tú thấy có ánh sáng trước mắt mình. Người đầu tiên cô nhìn thấy chính là thầy giáo mình, nhưng tia sáng chỉ lóe lên rồi tắt hẳn. Điều này khiến cả thầy và trò đều nhầm lẫn phương pháp này có thể giúp ích cho người mù. Và họ rơi vào ảo giác, nhất là với những người nhạy cảm như Tú, cô đã bị sốc. “Tôi cứ nhìn thấy ma quỷ, thánh thần xung quanh mình. Phải mất hơn hai năm mới xóa hết được ảo giác này” - Tú nói.

Tú lấy lại bình tĩnh là nhờ phương pháp dưỡng sinh phục hồi chức năng do nhà văn Nguyên Bình nghĩ ra sau khi từ bỏ phương pháp khí công. Nó giúp mở ra những khả năng mà tự nhiên đã ban cho con người. Đây là phương pháp chính của chương trình “Ánh sáng của người mù” mà nhà văn dạy cho những người mù từ năm 1999 đến nay, rất đơn giản mà hiệu quả lại cao. Đã có 2/3 người mù sau khi tập luyện đạt kết quả ở những mức độ khác nhau và chính họ lúc đầu cũng không tin là mình nhìn được dù đó chỉ là trong chốc lát với những vệt ánh sáng đứt đoạn.

 

Tôi mù?

Tin chắc rằng hướng mình đang đi là đúng, thầy Bình nói với Tú “một ngày nào đấy, thầy sẽ không còn trên cuộc đời, con là người trong cuộc, con hãy viết đi để cho mọi người được biết”. Và Tú đặt bút viết Tôi mù? trong suốt bảy năm, lúc thì bằng chữ nổi, lúc thì bằng loại chữ mà Tú đã được học khi mắt còn sáng. “Khi họa sĩ Trần Đại Thắng mang cuốn sách tới, tôi không nhìn được, anh về rồi tôi mới thấy, tôi rất thích bìa sách” - Tú nói.

Hầu như ngày nào Tú cũng nhìn được thế giới xung quanh, lúc này hoặc lúc khác, ít hoặc nhiều. Có khi cô ngồi đọc sách cả mấy tiếng đồng hồ. Cô biết, Hà Nội đã thay đổi rất nhiều, từng ngày, từng giờ. Chỉ có mẹ và Tú là vẫn như xưa. Mẹ đã lục tuần rồi mà vẫn làm được hướng dẫn viên du lịch. Tú đã trưởng thành, hiểu biết nhiều mà khuôn mặt vẫn giữ được vẻ hồn nhiên, thơ ngây.

“Mẹ đôi khi vẫn nghi ngờ tôi đã biết hôm nay bà mặc đồ gì. Mẹ bảo, bắt được kiến rồi mà sao đi vẫn bị vấp?”. Tất nhiên, tìm lại nguồn sáng đã mất đâu phải là điều dễ dàng. Và Tú vẫn đang tiếp tục tìm. Ai gặp cũng nhận xét Tú là người can đảm, rất bản lĩnh nhưng cô tự thấy mình thật yếu đuối. Đôi lúc cũng thấy nản lòng, nghĩ thôi an phận cho xong một đời nhưng dường như Tú chỉ có một con đường là tiến về phía ánh sáng. Hai mươi năm, rất nhiều sóng gió đã qua đi, trả về cho cô cuộc sống bình yên trong ngôi nhà thân thuộc song cô vẫn không quen được với bóng tối, không chấp nhận được khi quanh mình luôn là bóng đêm Cô muốn làm chủ thứ ánh sáng thần kỳ đã đến với mình và bạn bè.

Vậy khi đã tới nơi rồi, Tú sẽ làm gì? Sẽ giúp người mù khác tìm ra ánh sáng - Tú nói. 3/4 người mù ở Việt Nam không có hy vọng chữa khỏi bằng y học. Phương pháp này không chỉ giúp người mù nhìn thấy mà còn cho họ một tinh thần thoải mái, chiến thắng bệnh tật (bệnh eczema của Tú đã khỏi mà không cần đến thuốc) và nghị lực trong cuộc sống.

 

Tôi mù? (*)

Tự truyện của một cô gái bất hạnh phải sống với đôi mắt nhân tạo một lần nữa lại chứng minh giới hạn của khoa học hiện đại.

Bốn mươi lăm ngày tuổi, Thanh Tú đã phải lên bàn mổ lần đầu tiên và 16 năm sau phải múc bỏ đôi mắt bệnh tật của mình, thực sự đi vào bóng tối. Trong màn đêm mịt mờ, thẳm sâu do mặc cảm, tủi hổ... do cả những lời trách móc bâng quơ của những người xung quanh, cô gái co rúm mình, rúc sâu trong vỏ ốc tự ti. Vậy mà, từ trong nỗi mặc cảm đó, cô bứt mình ra, hòa nhập với mọi người.

Ánh sáng lóe lên từ niềm tin. Thanh Tú đã thấy được thầy, mẹ và thấy vạn vật xung quanh. Dẫu ánh sáng đến với Tú không thường xuyên. Cô vẫn nhầm bà chủ quán vừa đi vào là một con chó, hay hai cô bé lên mười cô lại thấy thành hai cụ bà 50... Tú uống bia, Tú ca hát và luyện tập với mọi người. Trong những ghi chép của cô, hình ảnh cụ Hạ, cụ Nhung, bé Trang, chị H... những mảnh đời cùng chung nỗi bất hạnh đang xích lại gần nhau, cùng tìm sức mạnh.

Gần 150 trang sách lướt qua, dấu chấm hỏi trong tựa sách vẫn còn lửng lơ đâu đó. Tôi mù? Hay không mù? Chỉ có mình Tú biết. Ai cũng hiểu,nghị lực và niềm tin trong từng con chữ của cô gái này chính là hành trang quý giá nhất mà cuộc đời đã dành tặng cho cô. Với niềm tin bỏng cháy trong lòng, cô đang song hành cùng mọi người trong cuộc sống và bình thản lắng nghe những thanh âm kỳ lạ của những ước mơ.

 

Phương Quyên

(*)Tự truyện của Nguyễn Thanh Tú, NXB Hội Nhà văn, Công ty Đông A ấn hành

Thanh Tú: Hầu như ngày nào tôi cũng nhìn được thế giới chung quanh. Ảnh: Minh Tú

Thu Huyền - NLD