Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
306
123.261.619

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Vòng Cát: tác phẩm hợp tác Việt Pháp
Trong số khá nhiều sáng tác sân khấu tham gia Festival Huế 2006, vở diễn gây được sự chú ý của khán giả chính là một sản phẩm kết hợp giữa Tuồng Việt Nam và Kịch mặt nạ Pháp. Đây là sự giao duyên giữa sân khấu Tuồng với những đặc trưng cơ bản của sân khấu phương Đông và sân khấu mặt nạ phương Tây, đại diện cho thể loại kịch drama phương Tây.

Sự kết hợp này khởi nguồn từ việc đạo diễn của Nhà hát Monte Charge sang Việt Nam và được xem nghệ thuật Tuồng truyền thống. Ông cho rằng, giữa sân khấu Tuồng  của Việt Nam và loại hình kịch mặt nạ dân tộc của Pháp có những điểm tương đồng. Điều gì  sẽ xảy ra nếu kết hợp giữa loại mặt nạ đặc biệt được vẽ trực tiếp  lên mặt diễn viên như ở Tuồng và loại mặt nạ người diễn viên đeo trên mặt như cách diễn của Nhà hát Monte Charge?

 

Thông qua một câu chuyện dân gian giản dị như loại chuyện mẹ kể con nghe về người đàn ông được giao phó trọng trách gánh vác quốc gia với những phẩm cách tốt đẹp mà không may lại mang khuôn mặt xấu xí đến mức khiến người đối diện phải kinh hoàng, đến độ lúc nào cũng phải mang mặt nạ. Quá tự ti, anh trao lại ngai vàng cho người chú táng tận lương tâm, bỏ vào rừng xanh, giao thần dân trăm họ của mình vào tay kẻ bất lương. Đất nước loạn lạc, người mẹ đau khổ. Nhờ có sự giúp đỡ của cô gái yêu thương anh và những người trung thực khác, anh nhận ra trách nhiệm của mình, chiến đấu với người chú lang sói... Vở diễn gây được ấn tượng về sự mới mẻ, khác lạ. Các diễn viên Tuồng nói tiếng Việt diễn tự tin bên những người bạn diễn nói tiếng Pháp và... họ vẫn hiểu nhau, diễn khá ăn ý với nhau. Quan trọng hơn, khán giả thông qua những câu thoại xen kẽ Việt - Pháp này, theo cái cách người trả lời nêu lại câu hỏi, đã nắm được trọn vẹn thông tin được chuyển tải. Đôi ba câu thoại ngắn, diễn viên Pháp cố nói bằng tiếng Việt, diễn viên Việt thoại theo tiếng Pháp đã gây được những tràng cười thú vị cho khán giả. Nội dung đơn giản, chủ đề chuyển tải tới khán giả cũng không phải là sự đa nghĩa, đa tầng nhiều nên sự tiếp nhận  phù hợp của khán giả cũng hỗ trợ nhiều cho đêm diễn. Múa Tuồng đầy tính chất tượng trưng ước lệ đến trình diễn trong không gian tả thực phương Tây có cái vẻ lạ lẫm và khá hấp dẫn tiêu biểu như màn đi ngựa Tuồng trong khung cảnh tuyết rơi rất tả thực, rất thật trên sân khấu. Những diễn viên vẽ mặt của Tuồng dường như tạm quên đi cách sử dụng cơ mặt để biểu đạt để hướng tới hài hòa trong phong cách diễn của những diễn viên đeo mặt nạ thiên nhiều về tính ngoại hình.

 

Tuy vậy, không ít nuối tiếc khi người làm nghề ngồi lại bên nhau. Tích truyện đơn giản, nhưng nếu khai thác tốt hơn, công tác đạo diễn được triển khai triệt để hơn khi làm việc với kịch bản thì hình ảnh chủ đạo của một ông vua xấu người đẹp nết sẽ không chỉ là khái niệm phải chấp nhận như vậy. Trên sân khấu, mới chỉ có những lời thoại đưa ra đánh giá về những phẩm cách tốt đẹp về vị vua trẻ tuổi này mà chưa có được hành động nào để chứng minh cho những đánh giá đó, do vậy chủ đề tư tưởng chưa sâu sắc đối với người xem. Rồi những con người tốt, những con người trung thực chưa được khai thác để sự giúp đỡ của họ đối với nhà vua có phần còn hời hợt. Và phần nào đó cảm giác phía Pháp đã làm giàu cho ngôn ngữ biểu hiện của họ còn phía Việt, chúng ta chưa có được sự đổi mới, làm mới thích đáng cho mình.

 

Nhưng cho dù còn nhiều điều tiếc nuối thì vở diễn vẫn đã giành được cảm tình của đông đảo người xem, vẫn là một sản phẩm ngồ ngộ, dễ thương trên sàn diễn đang rất cần tìm kiếm cho mình một hình thức mới trong bối cảnh chung của sân khấu Việt Nam hôm nay, đặc biệt là tìm một con đường phát triển cho mình của các loại hình sân khấu truyền thống.

 

Cảnh trong vở "Vòng cát"

Cao Ngọc - HNMDT