Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
312
123.261.672

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Về dư luận truyện ngắn dòng sông tật nguyền giống cánh đồng bất tận : Cứ để lương tâm người viết tự biết lấy!
SCL nhận nhiều bài góp ý ,trao đổi trong đó có Nhà thơ Xuân Sách,một nhà thơ của Văn nghệ quân đội lâu năm , xin ghi nhận ý anh : Bạn đọc thừa biết ai chép ai, tốt nhất là để độc giả phán quyết ..Và cám ơn những tác giả trao đổi về vấn đề này.scl trích một vài ý kiến trên LDO xem như không trở lại vấn đề này.

Sau khi Báo Người Lao Động số ra ngày 26-6 có đăng bài phỏng vấn ông Phạm Thanh Khương tác giả Dòng sông tật nguyền, về cái “sự giống” của hai truyện ngắn trên, nhiều nhà văn, nhà phê bình văn học đã có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này

Nhà văn Sương Nguyệt Minh (người biên tập truyện ngắn Dòng sông tật nguyền): Có một số chi tiết rất... Nguyễn Ngọc Tư

 

Khi truyện ngắn này gởi tới tòa soạn tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi không phải là người đầu tiên được đọc mà là chị Đỗ Bích Thúy, sau đó theo các khâu biên tập, nó tới tay tôi là Trưởng Ban Văn xuôi của tạp chí. Khi đọc xong, tôi thấy nó có phần hao hao Cánh đồng bất tận và tôi có ghi vào phiếu biên tập là có một số chi tiết rất Nguyễn Ngọc Tư.

 

Không phải chờ đến khi có dư luận, trong Ban Biên tập của tạp chí Văn nghệ Quân đội lúc quyết định cho in vẫn có một số ý kiến và mỗi người vẫn nhận ra phần hao hao của hai truyện ngắn. Tôi có gọi cho anh Khương hỏi anh đã đọc Cánh đồng bất tận chưa thì anh bảo là chưa đọc. Trước đó, tại trại viết văn Đại Lải, anh Khương có kể về việc anh ấp ủ viết một truyện ngắn, đại khái là về nghề chài lưới và có người cha, tôi không nhớ rõ lúc đó cụ thể cốt truyện thế nào nhưng tôi bảo anh ấy cứ viết. Lúc đó, chưa có Cánh đồng bất tận. Mãi một năm sau tôi mới được đọc cái truyện ngắn mà anh ấy cho rằng anh ấp ủ từ thời ở trại viết Đại Lải, tuy nhiên tôi cũng muốn nói, dù anh Khương có ý định từ lâu nhưng truyện anh Khương xuất hiện sau truyện của chị Tư thì không thể nói là chị Tư lấy ý tưởng của anh Khương khi đặt vấn đề ai ảnh hưởng ai. Tôi cũng không khẳng định là anh Khương lấy ý tưởng của chị Tư bởi nếu đủ chứng cớ để khẳng định chắc chắn tôi đã phản đối việc đăng tải truyện ngắn này.

Tôi nghĩ, trong văn chương cũng có những sự trùng hợp ngẫu nhiên. Các số phận ở những vùng đất, làng quê nhiều khi có sự gặp gỡ.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên: Chỗ nào khác lại là những chỗ khá... vụng!

Kể ra, khi đọc bản thảo của bạn bè, đồng nghiệp, cũng có vài ba lần tôi bất giác nhíu mày vì có vài tình tiết, nhân vật như mình gặp đâu đó rồi, tôi góp ý cho người viết ngay và họ có sửa. Tuy nhiên, để “gặp gỡ ý tưởng” như Dòng sông tật nguyền với Cánh đồng bất tận thì đây là lần đầu tiên tôi gặp và không khỏi nghi ngờ (chứ không phải nhíu mày và ngạc nhiên) và ngạc nhiên hơn là gặp khi Dòng sông tật nguyền đã được in ra và Cánh đồng bất tận đã nổi đình nổi đám.

Thứ nhất là về mô típ: người cha hận đất liền đưa con trôi nổi-dòng sông nương thân-những cuộc tình-cô con gái bị hãm hại-người cha thay đổi một chút thái độ, nó trùng nhau đến lạ. Từ những cái giống đó đưa đến nội dung cũng sẽ giống. Cứ như lời anh Khương phát biểu trên Báo Người Lao Động hôm qua, là trùng hợp ngẫu nhiên đi, thì thời điểm viết là một chuyện, thời điểm xuất hiện và đăng tải lại là một chuyện khác. Người làm văn chương cần phải có sự tự trọng riêng của mình, một nhà văn chân chính chỉ cần trùng một chi tiết có thể gây tổn thương cho họ. Huống chi, đây ảnh hưởng cả phối cảnh. Tác giả cũng thừa nhận là giống, tôi nghĩ, cả tác giả và người biên tập đều có lỗi với bạn đọc trong chuyện này. Dù văn chương không nhất thiết cứ phải rạch ròi và kéo nhau ra tòa, hãy cứ để lương tâm người làm văn tự biết lấy.

Tôi thấy, Cánh đồng bất tận chân thực và xúc động hơn nhiều so với Dòng sông tật nguyền. Và, những chỗ nào Dòng sông tật nguyền giống với Cánh đồng bất tận lại là chỗ... được nhất của truyện. Còn lại, chỗ nào khác hoặc vụng về, hoặc sáo, hoặc xử lý hơi... văn chương ô mai. Đấy là chưa nói đến, đôi chỗ chửi và cảm thán lại hao hao... Nguyễn Huy Thiệp. Mà chửi và cảm thán trong văn phong của Thiệp nó hay và tới độ, còn ở đây, nó lại chệch ra khỏi quỹ đạo và khiến truyện đôi chỗ hơi... buồn cười.

 

Nhà văn Nguyễn Bình Phương: Tôi cũng thấy hai truyện hao hao giống nhau

Không chờ đến nghe dư luận mà khi đọc truyện Dòng sông tật nguyền, tôi cũng đã thấy nó hao hao giống Cánh đồng bất tận. Có một điều mà tôi muốn nói, dù truyện anh Khương có một số lần xuất hiện trên tạp chí Văn nghệ Quân đội nhưng đây là lần đầu tiên tôi đọc anh ấy. Tôi cũng thích một số truyện ngắn của Ngọc Tư nhưng Cánh đồng bất tận không phải là truyện tôi thích. Và, Dòng sông tật nguyền, tôi cũng nói thẳng là tôi càng không thích. Nhưng để nói cái nào hơn cái nào khi tôi đọc thì dĩ nhiên là truyện của cô Ngọc Tư hay hơn truyện của anh Khương.

 

Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu: Giống cả chi tiết thì phải nghi ngờ

Tôi nghĩ rằng, sự giống nhau này chắc chắn không phải là Ngọc Tư lấy ý tưởng của Phạm Thanh Khương vì Tư là một người bản lĩnh. Mặc dù truyện cô ấy thiên về cốt truyện, nhưng cô ấy có giọng riêng và đã thành giọng riêng thì làm sao lại... ảnh hưởng của ai?

Sau khi đọc Dòng sông tật nguyền, điều làm tôi liên tưởng không phải là sự hao hao mà là sự giống. Đành rằng, cuộc đời có thể có một người số phận y chang nhân vật trong Cánh đồng bất tận nhưng nếu có một truyện ngắn giống nhau ở chi tiết thì buộc tôi phải nghi ngờ.

Tôi biết, cái hay của truyện Cánh đồng bất tận là phản ánh hiện thực rưng rưng từng con chữ và văn học hiện nay cần nhiều những tác phẩm như thế, phản ánh như thế nhưng không phải “hao hao” như thế. Hơn nữa, những dòng sông, cánh đồng Tư tả đặc thù lắm, đẹp lắm, cái không gian sông nước ấy khó có thể tìm ở vùng quê khác. Những con sông của miền Bắc thường nguy hiểm, dữ dằn hơn, nên nếu có những dòng sông miền Bắc trong văn chương thì không gian nó cũng phải khác. Đọc Dòng sông tật nguyền xong tôi cứ hỏi, liệu có nhất thiết đưa không gian của vùng này vào vùng nọ không?

 

Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn: Giống nhau về cốt truyện có thể chấp nhận được

Tôi chưa đọc Dòng sông tật nguyền nên xin không so sánh sự giống và khác nhau với Cánh đồng bất tận. Theo quan điểm của tôi, hai tác phẩm truyện ngắn giống nhau về cốt truyện có thể chấp nhận được. Nhưng tất cả các tình tiết, các nhân vật giống nhau thì rõ ràng một trong hai tác phẩm là đạo văn. Ví dụ có 5 nhân vật trong truyện, nhưng giống nhau đến 2 hoặc 3 nhân vật có thể bỏ qua, còn giống cả 5 thì rõ ràng là ăn cắp. Nhà văn có thể lấy cảm hứng sáng tạo từ tác phẩm của đồng nghiệp nhưng không được phép sao chép một cách quá sức lộ liễu, phải có sáng tạo của riêng mình. Tôi có 7 năm theo kiện chuyện bản quyền, nên hiểu đây là vấn đề cực kỳ tế nhị và vô cùng rắc rối.

 

Cánh đồng bất tận , xin đọc :

http://vannghesongcuulong.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=2396&LOAIID=2&LOAIREF=1&TGID=218

Giòng sông tật nguyền ,xin đọc :

http://vannghesongcuulong.org/forum/forums/thread-view.asp?tid=989&posts=1#M2542

 

Ảnh : Chân dung Sương Nguyệt Minh.

Hoàng Nguyên Vũ - Trần hoàng Nhân ghi - LDO