Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
297
123.261.540

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Tranh Việt Nam đến với công chúng Italia
Lần đầu tiên tranh của các họa sỹ Việt Nam được triển lãm tại một địa chỉ hết sức sang trọng: Palazzo Valentini - nơi thường xuyên có các cuộc bày tranh của các danh họa Italia và thế giới. “Rồng và bướm” - Tên cuộc triển lãm đang diễn ra tại Festival Mùa Xuân của Italia ở Roma (từ 16/6 đến 16/7/2006)...Nằm trong “Tháng Văn hóa Việt Nam tại Italia”, “Rồng và bướm” được coi là sự kiện đặc biệt, bởi từ trước đến nay, Festival này chỉ dành cho các tổ chức và cá nhân người Roma, rất ít khi họ cho phép các nước khác tham gia, kể cả các tổ chức ngoài Roma.

Hơn 80 bức tranh  của hơn 30 họa sĩ Việt Nam - từ những hoạ sỹ thế hệ trường mỹ thuật Đông Dương, qua hai cuộc kháng chiến cho đến những gương mặt trẻ hôm nay đã được trưng bày tại Palazzo Valentini ở quảng trường Vittoriano.

 

Ngoài bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhiều tác phẩm mang sang Italia triển lãm lần này được mượn từ sưu tập của các cá nhân và Gallery.

Trong đó có những bức mượn từ bộ sưu tập của hai cựu đại sứ Italia tại Việt Nam. Trong bộ sưu tập của hai vị cựu đại sứ này có rất nhiều tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái và Trần Văn Cẩn.

Triển lãm còn giới thiệu 16 bộ trang phục chọn lọc trong tổng số 286 hiện vật (là trang phục) của các dân tộc mà Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang quản lý.

 

6 họa sỹ Việt Nam gồm Thành Chương, Bùi Hữu Hùng, Đinh Quân (sơn mài), Phạm An Hải (trừu tượng) và hai họa sỹ trẻ Đặng Phương Việt, Ngô Bá Hoàng (sơn dầu) đã sang Roma dự khai mạc.

 

Thành Chương cho biết: “Đây là cuộc triển lãm có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Giới hội họa có một cảm giác vinh dự, vì tranh của họ được trưng bày ở một nơi mà theo chúng tôi được biết, xưa nay chỉ bày tranh của các danh họa thế giới.

 

Triển lãm đã  gây ngạc nhiên và cảm giác thích thú cho người xem phía bạn. Điều này chứng tỏ, mỹ thuật Việt Nam đã và đang hòa nhập với ngôn ngữ chung của hội họa thế giới.

Trong khi còn rất nhiều người Italia chưa biết đến Việt Nam thì triển lãm này cũng như “Tháng văn hóa Việt Nam tại Italia” đã làm cho họ hiểu về con người và đất nước chúng ta hơn”.

 

Nhiều người dân ý đến xem triển lãm ngắm nghía rất kỹ và đưa máy ảnh chụp từng bức tranh. Họa sĩ Thành Chương cho biết, xem tranh ở một số bảo tàng của ý, ông thấy nền mỹ thuật Việt Nam đang đi rất đúng hướng.

 

Nền mỹ thuật của ta đã không hề bị lạc lõng, kém cỏi giữa nơi được coi là thánh đường của hội họa. “Thậm chí, tôi tự tin hơn về mình, cũng như tự hào về nền hội họa của đất nước mình. Thành công đạt được của triển lãm “Rồng và bướm” là hơn cả sự mong muốn” - Thành Chương nói.

 

Triển lãm này cũng là cơ hội để các họa sĩ Việt Nam tự khẳng định. Các bức tranh được chọn trưng bày chủ yếu bởi các chuyên gia mỹ thuật nước bạn, đứng đầu là nhà phê bình Angelo Bucarelli.

 

Ông Trương Quốc Bình - giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, ông rất tự hào, bởi đồng thời với triển lãm tranh của các họa sĩ Việt Nam, tại Palazzo Valentini ở quảng trường Vittoriano  cũng đang diễn ra cuộc bày tranh của họa sỹ nổi tiếng Mondigliani.

Cổng ra vào tòa lâu đài ở quảng trường Vittoriano treo hai tấm phông lớn về hai cuộc triển lãm đang diễn ra cùng thời gian này. “Tôi đã sang Italia nhiều lần, nhưng chưa có lần nào có cảm giác phấn khởi như lần này, nhất là được tận thấy sự trọng thị của phía bạn đối với văn hóa Việt Nam” - Ông Bình nói.

Có được cuộc triển lãm “Rồng và bướm”, theo ông Trương Quốc Bình, trước hết là nhờ sự chuẩn bị âm thầm của nhà báo, nhà văn nổi tiếng người Italia Corrado Rugger và doanh nhân Việt kiều Nguyễn Hữu Hùng. Corrado Rugger đã sang Việt Nam nhiều lần.

 

Ấn tượng với văn hóa Việt Nam và vì tình yêu Việt Nam, Corrado Rugger đã thuyết phục được ngài Enrico Gasbarra - Thị trưởng thành phố Roma đồng ý mời Việt Nam tham gia Festival Mùa Xuân, với các chương trình triển lãm tranh, biểu diễn thời trang, ẩm thực, và hội thảo về thương mại- du lịch.

 

Ông Nguyễn Hữu Hùng là việt kiều Italia hồi hương năm 1995, hiện sống tại Hà Nội. Ông được Nhà nước Italia phong tước hiệu “Hiệp sĩ cộng hoà Italia” năm 2000, vì đã có công đóng góp tích cực trong việc phát triển mọi mặt trong quan hệ giữa Việt Nam và Italia, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa và du lịch. Với mong muốn đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới, ông đã cùng Corrado Rugger chuẩn bị cho cuộc triển lãm này từ cuối năm 2005. 

 

Ảnh : Tác phẩm Dưới mặt trời.Thành Chương
Hoàng Nghĩa Nam - TPO