Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
305
123.261.612

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Người muốn hiến tặng những vật báu bằng hổ phách
Được tin một cán bộ hưu trí muốn chuyển hàng trăm báu vật gia bảo về Bảo tàng TP Cần Thơ để phục vụ công chúng, lập tức chúng tôi có mặt ở gia đình ông, bên một con đường tại quận 3, TP HCM.

Ông tự giới thiệu là bác sỹ, sinh năm 1931 ở tỉnh Vĩnh Long, trong một gia đình đại địa chủ. Tuổi nhỏ học ở Cần Thơ, có nhiều kỷ niệm nơi đó nên bây giờ với “kho báu gia bảo”, ông muốn đưa về Cần Thơ.

Dáng ông cao lớn, khuôn mặt thanh thoát, dẫu đã lớn tuổi nhưng còn giữ được vẻ điển trai một thời. Ông trò chuyện mạch lạc và khá dí dỏm. Khi câu chuyện đã mặn mà, thân tình, chúng tôi nói thuở thanh niên chắc ông đào hoa lắm.

Ông tủm tỉm cười: Ông từng có mối tình với hoa khôi của cả xứ hồi đó, nhưng rồi ông tập kết ra Bắc, hẹn hai năm trở về không ngờ đó là cuộc hẹn hơn 20 năm. Cô người yêu chờ ông 8 năm mới lấy chồng. Sau này gặp lại, họ đều đã thành ông thành bà và cùng giữ tình bạn đẹp.

 

Ông ra Bắc lấy vợ người Quảng Ninh. Trong phòng ngủ của ông còn treo tấm chân dung bà lúc 16 tuổi, một bông hoa mới hé nở đậm nét đẹp kín đáo, nền nã. Nay bà đã gần 70, nét xuân sắc còn lưu luyến ở khuôn mặt phúc hậu, dáng đi nhẹ nhàng và giọng nói trong trẻo.

Ông bà có hai người con, một trai một gái đều khá giả phong lưu. “Chúng nó chồng một ô tô vợ một ô tô đều tự lái lấy cả”- Ông giới thiệu như vậy.

Năm ngoái ông phải trải qua cuộc phẫu thuật tim, chữa bệnh nghẽn động mạch vành. Bây giờ sức khỏe đã bình phục nhưng ông không còn dám tự chạy xe máy, cũng hạn chế đi xa.

 

Ông lo lắng về “kho báu gia bảo”, muốn được gửi vào nơi có khả năng bảo quản lâu bền, phục vụ đông đảo công chúng trước khi nhắm mắt và ông nghĩ đến Bảo tàng Cần Thơ.

Xuất xứ “kho báu” cũng như hành trình đi qua cuộc chiến tranh khốc liệt để trở về với ông sau ngày giải phóng theo lời ông kể là một câu chuyện dài, xin gác lại dịp khác và chúng tôi cùng ông xem từng món đồ quý giá.

Ông giở tấm vải che cái tủ kính khá lớn giữa nhà, chúng tôi hơi bị lóa mắt bởi màu vàng óng của các đồ vật để bên trong, thêm ánh sáng phản chiếu, màu vàng càng rực rỡ.

 

Đồ vật có nhiều hình dáng: Tròn như quả trứng, phẳng như mảnh ván, hình trái tim, hình tháp, hình ô van, con dao găm … lớn bé đủ kiểu. Thoạt trông như bằng nhựa, ông giải thích: “Nhựa thông, tức là hổ phách chứ không phải nhựa làm từ hạt PE”. Hổ phách được tinh chế, lọc hết tạp chất, nên trong suốt và vàng óng.

Tuy nhiên, đáng quý không phải là những mảnh hổ phách tinh lọc mà ở chỗ những mảnh ấy bao giữ bên trong nhiều loại côn trùng, bướm, lúa mạch, cỏ, hoa…

 

Đây mới là điều kỳ diệu: Giữa lòng chất nhựa đặc, côn trùng, bướm, hoa, cỏ … vẫn giữ được nguyên vẹn, như đang sống. Cánh bướm mỏng mảnh dang rộng như đang bay. “Nhìn qua kính lúp còn thấy được lớp lông tơ trên cánh bướm”- Ông cho biết.

Có một con bướm sải cánh đến 24 cm được ép nguyên vẹn trong tấm hổ phách nom thật lộng lẫy. Ông cho chúng tôi xem con bướm, giọng không giấu niềm tự hào: “Ít có con bướm lớn thế này. Cách nay hai tháng tôi thấy trên truyền hình có giới thiệu cuộc triển lãm về côn trùng bên Anh. Họ chỉ có khoảng dăm chục con, còn tôi có hơn trăm con, của họ để trong tủ kính dễ bị hư hỏng còn của tôi tất cả nằm trong hổ phách không thể hủy hoại bởi thời gian”.

 

Ông giở tiếp tấm vải che nóc tủ: 8 bức tượng Phật màu đen cánh gián, mỗi bức đặt trong một hộp kính. Tượng cao hơn gang tay với các tư thế ngồi đứng khác nhau. Ông bật sáng mấy bóng đèn điện phía sau, tức thì các bức tượng đang từ màu đen cánh gián chuyển sang màu đỏ hồng trong suốt, óng ánh như ngọc.

Ánh sáng đã xuyên qua được các bức tượng! Thì ra các bức tượng được tạc bằng hổ phách, “nhưng là hổ phách đã hóa đá”- Ông giảng giải. Hổ phách đã hóa đá vẫn giữ được vẻ đẹp trong suốt nhưng đã rất cứng và nặng như đá.

 

Ông bảo chúng tôi bê thử một bức tượng có tên là Ngũ Phúc Long Môn, rồi bê tiếp bức tượng bằng đồng lớn tương tự mà ông có ở bên cạnh. Chúng tôi ngạc nhiên vì bức tượng bằng hổ phách nặng như bức tượng bằng đồng, khoảng năm sáu ký.

Ông cười bảo: “Tượng bằng hổ phách hóa đá này nặng hơn tượng bằng đồng một ký đấy, chứ không phải bằng nhau đâu. Tôi đã cho cân thử và thắng ông bạn hàng xóm một tô phở ăn sáng”.

 

Ông chỉ lên tường: Bốn bức tranh chạm khắc trên bốn tấm hổ phách hóa đá thoạt nom như gỗ gụ lâu đời. Khi bật sáng đèn điện phía sau thì các bức tranh màu đen cánh gián cũng chuyển sang màu đỏ hồng óng ánh.

 

Hai bức chạm hình tiên nữ cưỡi voi và sư tư, hai bức chạm ông Ác và ông Thiện giữa khung cảnh cây cỏ, mây núi. Mỗi bức cao hơn mét, cạnh đáy hơn hai tấc, cạnh trên thon nhỏ chút ít, khá đều nhau làm thành một bộ cân đối, đẹp khó tả.

Nhưng quý giá nhất là bức tượng Phật Di Lặc cao khoảng 0,6 mét, rộng mỗi bề khoảng 0,7 mét theo ước lượng gang tay của chúng tôi. Tượng đặt trong một hộp kính lớn để riêng trên chiếc bàn gỗ cổ. Báu vật cuối cùng ông giới thiệu với chúng tôi.

Quả ông cũng tinh tế và khéo. Dù đã xem cả tiếng đồng hồ hàng trăm vật gia bảo của ông, khi ông giở tấm vải che bức tượng Phật Di Lặc, chúng tôi không khỏi trầm trồ.

 

Chạm khắc tinh xảo, uy nghi, đường bệ, cũng làm bằng hổ phách hóa đá nên khi bật sáng bóng đèn điện phía sau thì đầu và một vài bộ phận tay chân ửng đỏ hồng trông rất linh thiêng.

Riêng cái bụng tượng quá lớn, ánh sáng bóng đèn nhỏ không soi qua được thì vẫn màu đen. Ông cho biết bức tượng nặng hơn 70 ký. Riêng khối hổ phách hóa đá lớn như thế đã là báu vật.

 

Còn một số bức tượng nhỏ khác cũng bằng hổ phách hóa đá đặt rải rác trong nhà của ông. Trong đó, chúng tôi thích nhất là bức tượng Lý Thiết Hoài vai cõng bầu rượu, đầu ngửng cao, một chân đứng thẳng, một chân co trên chiếc gậy tre với dáng vẻ vô cùng sinh động.

 

Bức tượng lại được gắn trên một cái bệ có mô tơ điện xoay tròn nên càng hấp dẫn. Thấy chúng tôi nhìn ngắm say mê, ông cười bảo:“Vô giá đấy”.

Ông ngỏ ý tặng chúng tôi một vài món: Dao găm có một con bướm ở lưỡi và hai con côn trùng ở cán, quả trứng có bông lúa mạch bên trong, hình chiếc tháp Ep-phen của Pháp.

Ông bảo trị giá của chúng cũng đến mấy cây vàng. Chúng tôi nhận liền. Không có khả năng thẩm định giá trị “kho báu gia bảo” của ông, chúng tôi nhận món đồ nhỏ về cắt một mẩu đốt để ngửi xem đúng hổ phách hay nhựa PE. Quả có thơm mùi hổ phách.

 

Hình : Chiếc dao găm bằng hổ phách ép giữ một con bướm và hai con côn trùng

Bích Hương - Sáu Nghệ - TPOL