Chinh phục thị trường số 1
Trong làng sách VN, từ lâu thị trường TP.HCM vốn là nơi có sức mua mạnh nhất. Điều này được các nhà sách tư nhân ở Hà Nội “ngộ” ra hơi trễ. “Khi chứng kiến sức mua của bạn đọc Sài Gòn vào dịp hội sách tháng ba vừa qua, chúng tôi nhận định đây là thị trường sách số 1 của cả nước, và đặt ngay văn phòng đại diện. Doanh thu từ đây tăng lên đáng kể” - đó là ghi nhận của anh Vũ Hoàng Giang, phó giám đốc Công ty Nhã Nam.
Theo sự điều nghiên thị trường của Nhã Nam, bạn đọc ở Sài Gòn rất chuộng các sách công cụ, sách nghiên cứu. Riêng mảng sách văn học, họ cũng chuộng các tác phẩm mới, hay, nổi tiếng, có mặt nhanh tại VN không kém với các nước.
Điển hình cho thị hiếu này là dịp cuối 2005, Nhã Nam phát hành quyển sách Thế giới trong một ngày. “Đây là tập sách hoàn toàn mới về ý tưởng và phong cách của nhà văn Olivier Rolin. Chúng tôi nhanh chóng dịch và xuất bản ngay khi sách được ấn hành ở Pháp. Và sự thật thì quyển này bán rất chạy tại thị trường TP.HCM, còn Hà Nội - nơi đặt đại bản doanh của Nhã Nam - thì bán rất chậm”.
Nhà sách Đông A với thương hiệu Văn Mới gây chấn động ở cách làm các tuyến sách văn học trong nước, cũng đang hướng đến thị trường Sài Gòn. “Chúng tôi đã đặt một văn phòng đại diện tại quận Bình Thạnh và hi vọng sau một năm hoạt động, doanh thu tại chi nhánh TP.HCM sẽ vượt doanh thu ngoài Hà Nội” - anh Trần Đại Thắng, chủ nhà sách Đông A, cho biết...
“Văn Mới nhận thấy nhu cầu về các sách văn học trong bạn đọc rất cao. Vấn đề là cách tổ chức tác phẩm ra sao. Chúng tôi thực hiện các sách văn học trong nước theo hai hướng: một là những tác phẩm mới nhất của các tác giả đã nổi tiếng; hai là những tác phẩm hay được phát hiện từ những tác giả mới toanh. Như thế, tủ sách Văn Mới hiện đang được bạn đọc đón nhận tốt, và tại TP.HCM doanh số phát hành cũng cao”(trước chỉ chiếm 20% doanh thu toàn quốc).
Cùng với Nhã Nam, Đông A, các thương hiệu sách từ Hà Nội như AlphaBooks, nhà sách Hương Thủy cũng đang tích cực tham gia thị trường Sài Gòn bằng các thương hiệu sách gây ấn tượng. Chẳng hạn AlphaBooks vừa qua cho in lại tập sách Quân vương - một tác phẩm chính trị kinh điển, từng được Napoleon làm sách gối đầu giường.
Trong “cơn Nam tiến” của các nhà sách miệt ngoài, những thương hiệu hàng đầu tại TP.HCM vẫn còn nhiều việc để làm cho thị trường sách ngày càng tiến bộ hơn. Hiện nay việc tổ chức các hệ thống bán lẻ sách tại thị trường TP.HCM chưa tốt lắm.
Chẳng hạn các trung tâm sách lớn như Fahasa, Phương Nam vẫn chưa thiết lập một hệ thống tra cứu tìm sách bằng máy tính, nhằm phục vụ việc tìm mua được nhanh hơn. Hoặc một cách bố trí các trước tác của một tác gia lớn theo khu vực cố định trong nhà sách để tôn vinh tác giả và dễ tìm cho bạn đọc, cũng chưa thấy nhà sách nào làm.
Chạy đua đến... bạn đọc
Khi sát bên cạnh nhà sách Minh Khai xuất hiện một cửa hàng mang tên Sách Hà Nội với mức giảm giá 20-50% cho khách hàng, mọi người thấy việc ghé vào một nhà sách giảm giá như thế tiện lợi hơn rất nhiều.
Thực tế, các nhà sách tư nhân Hà Nội khi vào Nam đã mang theo một phong cách bán hàng giảm giá kiểu các phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí của đất Hà thành. Những chiếu sách trên lề đường Sài Gòn cũng phần lớn nhận nguồn sách từ Hà Nội.
Tuy nhiên, theo anh Đoàn Tử Hoan - chủ nhà Sách Hà Nội, việc bán giảm giá như thế cũng không phải là tốt lắm. “Bởi vì mỗi nhà làm sách chất lượng bìa, ruột, in ấn khác nhau, nhưng vì tỉ lệ chiết khấu được đẩy lên cao giống nhau, bạn giảm giá thì mình cũng giảm, riết rồi cạnh tranh như thế thành ra không lành mạnh”.
Còn theo quan điểm của anh Nguyễn Quý Dũng - giám đốc nhà sách Cảo Thơm ở Đà Nẵng, hiện nay việc ấn định giá sách còn tùy tiện và vẫn cao so với thu nhập của số đông bạn đọc trong nước.
Việc này phải cải thiện, nhất là khi nền xuất bản phát triển và các đơn vị làm sách đã khẳng định được thương hiệu của mình. Hiện nay Cảo Thơm có năm nhà sách tại Đà Nẵng, hai nhà sách ở Huế và một nhà sách ở Hội An nhưng tại TP.HCM chỉ mới có văn phòng đại diện.
Theo xu hướng “Nam tiến” đang diễn ra mạnh mẽ, anh Dũng cho biết trong năm tới Cảo Thơm sẽ ra mắt một nhà sách tại TP.HCM.
Để chen chân vào thị trường sách vốn “rậm rạp” tại TP.HCM, mỗi thương hiệu đang cố đón bắt thị hiếu bạn đọc để phục vụ tốt hơn.
Động thái “chạy đua” mới nhất là khi nhà sách Trẻ tại TP.HCM vừa thực hiện bộ sách triết học của Kant và Hegel do Bùi Văn Nam Sơn dịch đang rất thu hút bạn đọc, ngay lập tức Công ty Nhã Nam cho tái bản bộ sách “danh tác triết học” với các tập đầu của Friedrich Nietzsche (Buổi hoàng hôn của những thần tượng) và Arthur Schopenhauer (Siêu hình tình yêu siêu hình sự chết).
Đây là những tác phẩm kinh điển từng một thời là sách best - seller tại Sài Gòn trước đây. Nay trong bối cảnh bạn đọc cần tiếp cận nhiều nguồn tư tưởng, khám phá những tư duy của người đi trước, việc tái bản các bộ sách này đang làm phong phú hơn thị trường sách TP.HCM. Bởi loại sách này mà bán tại Hà Nội thì luôn chậm hơn Sài Gòn, anh Giang thừa nhận thế.
Hình ảnh : Chọn sách tại Sách Hà Nội - Ảnh: Thanh Đạm