Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
307
123.261.743

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Đồng bằng sông Cửu Long: Lũ sắp về
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước sông Mê Kông ở các trạm thượng nguồn đang lên, biên độ nước lên lớn nhất trong ngày là 0,84m tại trạm Kratié (Campuchia). Mực nước lúc 7 giờ ngày 3.7 tại các trạm chính dọc sông Mê Kông: Vientiane 4,50m; Paksé 4,48m; Kratié 10,69m; Phnom Penh 2,01m. Mực nước sông Cửu Long cao nhất ngày 2.7 tại Tân Châu là 0,92m và Châu Đốc 0,85m. Trong những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên nhanh dần. Đến ngày 10.7.2006, mực nước tại Tân Châu có khả năng lên mức 1,70m và tại Châu Đốc lên mức 1,50m, sau đó còn tiếp tục lên cao.

Đề nghị nâng mức báo động lũ lên 0,3 - 0,5m/cấp

Ngày 19.6, tại hội thảo về tác động nguồn nước sông Mê Kông ở vùng ĐBSCL do Hội Khoa học thủy lợi TP.HCM phối hợp với Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (QHTLMN) tổ chức, tiến sĩ Tô Văn Trường, viện trưởng Viện QHTLMN, cho rằng những số liệu làm cơ sở dự báo lũ hiện nay không còn phù hợp với thực tế về kết cấu hạ tầng hiện nay ở vùng ĐBSCL. Ông đề nghị nâng mực nước báo động thêm 0,3-0,5m/cấp (tại Tân Châu: cấp 3 từ 4,2m lên 4,5m, tại Châu Đốc, từ 3,5m lên 4m).

Trong khi đó, theo kết quả khảo sát của Viện quy hoạch thuỷ lợi miền Nam, tình trạng xói lở xảy ra trên các đoạn sông uốn khúc như đoạn Tân Châu, Hồng Ngự, Sa Đéc; đoạn sông có mặt cắt hẹp đột ngột, đầu các cù lao, cồn cát, bãi bồi như cù lao Ông Hổ, cù lao Lác, cù lao Linh… và hiện tượng biến đổi lòng sông Tiền, sông Hậu khiến nạn sạt lở nghiêm trọng bờ sông diễn ra trên toàn tuyến.Tốc độ xói lở trung bình là 5 – 10m, đặc biệt có nơi lên tới 50m. Hiện nay, tình trạng xói lở trên sông Tiền nguy ngập hơn sông Hậu.

Người dân đang đối mặt với họa sạt lở

Tại Tân Châu (An Giang), vụ sạt lở tại Vàm Kinh Xáng thuộc ấp Long Thành, xã Long An suốt chiều dài 70m, sâu vào đất liền 15m, 9 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Theo cư dân địa phương, nạn sạt lở ngày càng phức tạp hơn. Ở khu vực chợ Tân An, từng sạt lở một đọan dài 15m, sâu vào bờ 4m. Tại khu vực Chợ Cũ Tân Châu ven sông Tiền cũng đã sạt lở thêm 1.800m2, 51 hộ không còn nhà ở. Chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, riêng xã Tân An xảy ra 3 điểm sạt lở, 2.360m2 đất ở, nhà kho, nhà máy xay xát phải di dời khẩn cấp hoặc tháo dỡ nhưng không biết sẽ dựng lại ở đâu! Tại Đồng Tháp, hiện nay có tới 94 điểm sạt lở ở 42 xã, phường của 9 huyện, thị. Khoảng 3.000 hộ đang sinh sống trong vành đai sạt lở, cần được di dời về nơi an toàn.

Trong khi An Giang đầu tư 1 tỉ đồng để thực hiện các bước quy hoạch dự án, chọn vị trí để mỗi năm đầu tư 40 tỉ đồng san lấp nền, thi công cơ sở hạ tầng và hoàn thành dự án dân cư thu nhập thấp thì Đồng Tháp vẫn phải lo toan do thiếu mặt bằng tái định cư. Tỉnh nói “còn khó khăn” thì chắc chắn dân sẽ tiếp tục sống trong vùng nguy hiểm.Trong khi đó, chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long chỉ mới hoàn tất 51.807 căn nhà trên tổng số 150.255 căn cần xây dựng (tỉ lệ 34,5%).

Nhiều trợ giúp từ bên ngoài

13 địa phương sẽ nhận được viện trợ từ chương trình phát triển nhà ở ĐBSCL, gồm: Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, sau khi Bộ Tài chính và Cơ quan phát triển Pháp (AFD) đạt được thỏa thuận vay vốn không hòan lại hôm 12.6. Theo thỏa thuận này, ngân hàng phát triển nhà ĐBSCL (MHB) nhận nguồn vốn của AFD trị giá 25 triệu euro để cho vay các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, sắp xếp lại các khu dân cư, giải quyết nhu cầu tái định cư, phát vay vốn trung dài hạn giúp dân vùng lũ tạo cơ sở sản xuất, kinh doanh... Được biết, từ tháng 7.2003 đến nay, từ nguồn tài trợ của ngân hàng tái thiết Đức (KfW) trị giá hơn 3,6 triệu euro, dự án khôi phục cơ sở hạ tầng vùng lũ lụt thuộc tỉnh Đồng Tháp được thực hiện nhanh hơn. Dự án đã xây dựng trên 18 cụm, tuyến dân cư thuộc 9 huyện. Từ nguồn vốn này, 3.546 căn nhà được lắp dựng, hợp vệ sinh; 18 nhà trẻ được xây dựng, 5 trạm cấp nước mặt, 13 trạm cấp nước ngầm, nhiều đường sá, hệ thống thoát nước ở 18 cụm, tuyến dân cư xây dựng hòan chỉnh. Ngân hàng này hứa tiếp tục xây dựng thêm 4 trạm nước ngầm trong các cụm tuyến dân cư. Theo tỉnh Đồng Tháp, nhờ nguồn tài trợ của ngân hàng tái thiết Đức, tỉnh Đồng Tháp đã hoàn thành 205 cụm, tuyến dân cư vượt lũ, đủ sức bố trí 45.000 hộ cư dân ở vùng ngập sâu, vùng sạt lở định cư.

Hội Chữ thập đỏ Thụy Sĩ cũng đã giúp 15.000USD cho 500 hộ nghèo ở 50 xã thuộc các huyện Phú Tân, Tân Châu, Châu Phú, Thoại Sơn và thị xã Châu Đốc của tỉnh An Giang để sửa chữa nhà ở, ổn định cuộc sống và đảm bảo điều kiện môi trường chung sống với vùng ngập lũ hàng năm. Đầu tháng 4, có hơn 250 căn nhà đã được sửa chữa hoàn chỉnh và số còn lại sẽ hoàn tất trước mùa lũ năm nay. Hội Chữ thập đỏ Thụy Sĩ cũng đã tài trợ 500 căn nhà vượt lũ bằng khung tiền chế và lợp tôn cho hộ nghèo tại 5 xã trong vùng tứ giác Long Xuyên, thuộc tỉnh An Giang. Tuy có những tài trợ như vậy, nhưng nhu cầu nhà tái định cư ở vùng sạt lở vẫn là điểm nóng do cầu quá lớn.

Lũ ngập nhà dân. Ảnh tư liệu 2005. Hoàng Tuyên

Gia Khiêm - SGTT.com.vn