Cuối tuần, ông Gói thường dắt con gái đi bộ quanh Bờ Hồ, ngắm đền Ngọc Sơn. Nửa thế kỷ đã trôi qua, Văn Dương Thành mỗi lần về lại Hà Nội, thường đi bộ đến cầu Thê Húc, vào Thủy Tạ ngồi nhớ cha. Bởi thế, cuộc triển lãm lần này của chị với tên gọi Những cánh cổng cổ xưa là một cuốn nhật ký ghi lại những cảm xúc sâu nặng với Thủ đô và cha mẹ. Đối với Văn Dương Thành, những tòa kiến trúc, những cánh cổng nặng nề vững chãi như đưa Thành về lại hoài niệm xưa, gợi nhớ và biểu hiện cho người cha đầy nghị lực, sẵn sàng che chở dìu dắt các con. Còn thiên nhiên, cây lá, hoa cỏ lộng lẫy tỏa hương quanh các cánh cổng xưa, tượng trưng cho người mẹ: Lòng mẹ chỉ có biết hy sinh, dâng tặng, chỉ cho mà không có nhận.
Người xem nhận ra Ô Quan Chưởng với kết cấu vững chãi, giãi giàu mưa nắng, bao phong ba vẫn sừng sững còn đó, một trong những viên ô đẹp biểu tượng của Hà Nội. 25 bức tranh sơn dầu và acrylic của Văn Dương Thành tại triển lãm đều lấy cảm hứng từ thành phố ruột thịt mà đi đâu chị cũng thấy nặng lòng. Kia là Những cây đèn Ngọc Sơn, Cổng đền Quán Thánh trong đêm, Nhà nhỏ bên tháp Ngọc Sơn, Một Ô Quan Chưởng dưới hòa sắc rực nắng hè, hoặc trong mưa xuân lắc rắc hoặc chìm lẫn vào bầu trời dưới ánh hoàng hôn đỏ ối đầy tiếc nuối nhớ nhung.
Những cánh cổng xiêu vẹo bên tam quan thấp thoáng sau rặng hoa chuối đang đơm bông: Hoa chuối và Cổng cổ. Bố cục này cố ý diễn tả nặng về một bên, chi tiết từng cánh hoa đang vươn nở, lộ ra những tầng chuối non mơn mởn, còn nửa hình hoa, cuộng hoa khỏe khoắn vươn vụt lên, đong đưa bên những tàu lá chuối xanh ngắt đầy ánh mặt trời. Hương chuối ngọt chan chát lan tỏa, phía sau là những viên gạch đỏ loang lổ dấu thời gian. Cổng xưa xiêu vẹo song vẫn trường tồn, một nét tương phản giữa vật thể do con người tạo nên và màu xanh do thiên nhiên tạo thành. Hai thái cực đó như dương và âm, như ngày và đêm song rất hài hòa, tạo nên sự cân bằng đẹp đẽ.
Ngoài 15 bức tranh đã bày tại một số Bảo tàng Mỹ thuật và Gallery ở nước ngoài và Việt Nam, Văn Dương Thành giới thiệu một chuỗi tranh mới vẽ tại Hà Nội còn ướt nét sơn như Nhìn từ phòng vẽ, Ô Quan Chưởng mùa xuân, Hoàng hôn trên Ô Quan Chưởng... Đặc biệt bức tranh Nhà họa sỹ Auguste Renoir ở Nice Thành vừa vẽ trực tiếp từ trong khu vườn của danh họa được mang về Hà Nội để chia sẻ cùng các bạn sinh viên Mỹ thuật.
Dù phong cách của Văn Dương Thành là biểu hiện và nửa trừu tượng, người xem vẫn nhận ra rất rõ motiv Việt Nam: Những mái ngói mũi hài mốc thếch, rặng cây trăm tuổi thân xù xì uốn cong, những tàu lá chuối ôm ấp nặng hoa. Có lẽ vì thế mà người xem tranh ở châu á và châu âu đều có thể chia sẻ và cảm nhận bản thông điệp hội họa của Văn Dương Thành.
Ảnh minh hoạ