Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
306
123.261.740

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Mừng thọ nhiếp ảnh gia Võ An Ninh 100 tuổi : Chúc các bạn trẻ cố mà đi nhiều...
Ông sinh năm Đinh Mùi (1907) tại phố Hàng Gai, Hà Nội. Cầm máy từ năm 18 tuổi, cả một đời tận hiến cho nhiếp ảnh Và, tình yêu cuộc đời, yêu con người, yêu đất trời Tổ quốc mãnh liệt như đã tăng thêm sinh lực cho trái tim ông vượt qua những cơn co thắt hiểm nghèo, chiến thắng cái chết sinh học cách đây đúng 4 năm - tháng 1-2002. Một buổi sáng đầu năm 2006, chúng tôi đến nhà mừng thọ, ở tuổi 100, ông rưng rưng cảm động, ngồi trên chiếc xe lăn tay, tinh tường, minh mẫn, hào hứng ôn chuyện đi sáng tác thời đang khỏe; dặn dò các thế hệ trẻ cố mà đi nhiều, thật nhiều vào để nhìn, để giữ lại những hình ảnh đẹp của quê hương... Ông là nghệ sĩ nhiếp ảnh bậc thầy Võ An Ninh!

Ảnh đẹp Sa pa

Người ta gặp nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh ở Hoa Lư, ở ngoại thành Hà Nội, lên đất than Quảng Ninh, thơ thẩn trên xứ ngàn hoa Đà Lạt, xuống tận Sóc Trăng để dự lễ hội Ooc Om Bok, và trở đi, trở lại Sa Pa. ông nói: “ Tôi không tự kiêu, nhưng đố ai yêu Sa Pa hơn tôi. Tôi lên đấy từ lúc chưa hề có nhà trọ, còn phải ở nhờ nhà dân. Khó mà nhớ nổi là bao nhiêu lần. Ngồi tàu hỏa lên Lào Cai, có hôm sáng vào Sa Pa chiều về, có hôm sáng đi, 12 giờ trưa về lại Lào Cai, đi đi, lại lại để tìm, để chờ áng mây che phủ ngọn Phan si pan tan, lộ đỉnh núi ra là bấm máy ngay. Mỗi lần đối diện với Sa Pa là mỗi lần khác. Mê lắm!”. Thực vậy, Võ An Ninh đã có mặt ở Sa Pa, có ảnh đẹp Sa Pa từ năm 1933, năm 1954, 1955, 1956 rồi 1960 cụ lại lên, nhưng tác phẩm Đôi nét thủy mặc Sa Pa thì đến năm 1961 mới ra đời. Ngay sau đó, ảnh này đã đem về cho tác giả bằng khen trong salon ảnh nghệ thuật quốc tế BIFOTA (Berlin). Để có những tác phẩm về Sa Pa, cụ Võ vẫn còn nhớ như in việc anh Thái, cán bộ ở địa phương đã dắt ngựa để cụ vào tận vùng sâu Lao Chải chọn góc chụp. Lần đó vào năm 1961, cụ ăn, ở nhà đồng bào dân tộc Mông hơn một tuần chờ sương mù, chờ đám mây “như ý” để thu giữ một Sa Pa tuyệt vời-mang đậm chất thơ, phong cách Võ An Ninh. Có thể nói, đến nay, hàng vạn ảnh Sa Pa của nhiều tác giả đã được công bố, song Sa Pa của cụ Võ vẫn riêng một dáng vẻ đặc sắc. Cụ chung thủy với đất trời, và cả con người. cuối năm 1994,Võ An Ninh lại ngồi tàu hỏa lên Sa Pa thăm người cũ, cảnh xưa mà tặng sách ảnh của mình để cảm ơn.

 

Ảnh nạn đói năm 1945

Năm 1937, cụ triển lãm ảnh cá nhân đầu tiên ở Huế, được ban tổ chức tặng huy chương vàng cùng giải thưởng lớn (grand prix). Cũng trong năm này, Võ An Ninh được Giải thưởng ngoại hạng tại Paris (Pháp), tiếp theo là nhiều giải thưởng, huy chương cao quý về ảnh nghệ thuật ở trong nước và ở các salon quốc tế tại các quốc gia: Bồ Đào Nha, Liên Xô, Cộng hòa Dân chủ Đức... Nhưng với cụ, phần thưởng quý nhất là các bộ ảnh lịch sử của đất nước đã thực hiện, như phóng sự ảnh về nạn đói thảm khốc năm 1945. Bộ ảnh tố cáo trước dư luận thế giới cảnh tang tóc, những thân hình gầy guộc đói ăn, trơ xương,những em bé trần truồng nằm co quắp và chết trong đói lạnh... Một hãng truyền hình Nhật dựa vào những hình ảnh đó dựng thành thiên phóng sự xúc động, và một nhà xuất bản của Nhật in thành tập sách, là một chứng cứ, cáo trạng về tội ác của phát xít Nhật, thực dân Pháp trong thời kỳ xâm lược Việt Nam. Đó là phóng sự ảnh có một không hai mà cụ đi bằng xe đạp và dùng chiếc máy ảnh Đức hiệu Zeiss Ikon (sản xuất năm 1928, với giá 32,5 đồng, một số tiền rất lớn khi ấy) đi khắp các nẻo đường đói ăn để chụp. Chiếc máy ảnh này là một “người tình chung thủy” theo cụ cho đến tận ngày nay.

 

Cũng năm 1945, Võ An Ninh thực hiện bộ ảnh về thủ đô Hà Nội và Bác Hồ - trước và sau Quốc khánh 2-9, về toàn quốc kháng chiến 1946. Với Sài Gòn, cụ đã “giữ” lại được các hình ảnh trong sự kiện quý giá: Ngày 19-3-1950, thanh niên cùng nhân dân Sài Gòn xuống đường đấu tranh phản đối Mỹ gởi 2 tàu chiến Anderson và Sticken thuộc hạm đội 7 cặp bến. Hơn 70 năm cầm máy, cụ được Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhì, Huy chương Vì sự nghiệp nhiếp ảnh Việt Nam. Giai cấp công nhân vùng mỏ Quảng Ninh tặng danh hiệu “Công dân số 1” của mỏ than, và UBND TPHCM tặng danh hiệu Công dân danh dự của TPHCM.

 

Một bảo tàng cá nhân

Trò chuyện với chúng tôi, cụ còn thú vị chỉ vào bức Đẩy thuyền ra khơi in trong sách ảnh 100 năm kiệt tác ảnh Việt Nam : “Trong ảnh, từ người lớn đến trẻ con, không một người nào nhìn vào máy ảnh cả, tôi bấm đúng 1 kiểu, khoảnh khắc ấy thật sinh động và tự nhiên...” , và cụ ân cần nắm tay tôi dặn dò: “Tôi chúc các bạn trẻ cố mà đi nhiều như tôi, đi thật nhiều vào, để giữ lại những hình ảnh tuyệt vời của quê hương”. Cụ Võ cười thật tươi, nhắc lại hai câu đối của nhà thơ Vũ Khiêu tặng nhân lễ mừng thọ 70 tuổi: “Một nửa mắt nhìn đời thu cả tinh hoa trời đất lại, Bảy tuần thưởng Tết đem bày cảnh sắc cổ kim ra...” Rồi cụ hóm hỉnh: “Ai chụp ảnh cũng phải nhắm một bên mắt cả, chứ không phải nhìn đời bằng nửa con mắt đâu đấy nhé...”.

 

Nghệ sĩ Võ An Ninh không chỉ hăng say tìm kiếm nhiều đề tài sáng tạo, mà chính cụ lại là nguồn cảm hứng sáng tạo của nhiều nhà nhiếp ảnh, điện ảnh. Hơn 20 năm trước, NSND Đào Trọng Khánh đã làm phim nhựa tài liệu: Một phần 50 giây cuộc đời về nghệ sĩ Võ An Ninh, tạo được tiếng vang trong nước và quốc tế. Cụ chính là nhân chứng hiếm hoi, là tài sản quốc gia và quốc tế, không chỉ của nghệ thuật nhiếp ảnh-nghệ thuật của khoảnh khắc không bao giờ lặp lại, mà chính nghệ sĩ này, với cuộc đời qua hai thế kỷ, đã nắm giữ hàng vạn khoảnh khắc quý giá! Gia đình cụ đang tiến hành xin UBND TPHCM làm bảo tàng Võ An Ninh. Đây là ý tưởng hay, và cực kỳ ý nghĩa nếu thành hiện thực. Bởi bấy lâu nay, công chúng trong và ngoài nước chỉ biết đến một số ảnh nạn đói năm Ất Dậu, Sa Pa của cụ qua báo, tivi, nếu có một bảo tàng cá nhân tập hợp đầy đủ gia tài khổng lồ của lão nghệ sĩ tài năng hiếm có này, thì đó sẽ là một địa chỉ văn hóa sang trọng và hiếm có không chỉ cho hôm nay.

Đồng Đức Thành - NLDO
Tin tức khác
Họa cát kim sa (13.07.2006)
"Du nữ ngâm" (03.07.2006)