Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
308
123.262.290

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Đưa cải lương ra “mặt tiền”
Một kế hoạch táo bạo của Nhà hát Trần Hữu Trang: lần đầu tiên cải lương ngốn tiền tỉ để diễn ở... nhà thi đấu 4.000 chỗ ngồi. Một sự lãng mạn kiểu nghệ sĩ? Hay một tầm nhìn “chiến lược” cho cải lương trong thời buổi cạnh tranh? Chúng tôi đi tìm câu trả lời qua cuộc trao đổi với ông Phan Quốc Hùng - giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang. Ông tâm sự:

Những năm gần đây làm công tác quản lý cải lương chúng tôi thấy rất buồn. Cứ ngó sang các lĩnh vực ca nhạc, thời trang thấy người ta làm live show hoành tráng mà thèm.

 

Cải lương mình thì 60 năm qua vẫn không có gì đổi mới về hình thức, bó hẹp trong sân khấu hộp vài trăm ghế, nhà hát cũ kỹ, hệ thống ánh sáng âm thanh lạc hậu, muốn sáng tạo cái gì cũng khó! Do đó chúng tôi đã họp lại, bàn nhau đưa cải lương ra “mặt tiền” một lần, chứ lâu nay cải lương cứ ở trong "hẻm" hoài thấy tủi thân quá!

 

* Nếu được ra "mặt tiền" thì cải lương phải có những chiêu thức gì để xứng tầm với vị trí đắt đỏ ấy?

 

- Chúng tôi sẽ dàn dựng một sân khấu đa năng, hoành tráng, nhiều chiều với dàn âm thanh ánh sáng hiện đại để phục vụ 4.000 khán giả. Màn này vừa kết thúc sẽ có màn khác nổi lên, liên tục và sống động. Tất cả nghệ sĩ cải lương nổi tiếng sẽ góp mặt trong chương trình, kể cả những nghệ sĩ hải ngoại có tài và có lòng chúng tôi đều đón nhận.

 

Những màn đánh nhau thời loạn lạc sẽ huy động các cascadeur và hàng trăm diễn viên quần chúng tham gia. Ngoài ra còn kết hợp nhiều hoạt động của các nghệ thuật bạn: múa, hợp xướng, nhạc nhẹ, vũ kịch...

 

* Nghe rất hấp dẫn, nhưng đấy mới chỉ là những cái bề nổi về hình thức, nếu làm không khéo sẽ rất giống một chương trình tạp kỹ cải lương. Quan trọng vẫn là kịch bản...

 

- Ai cũng biết Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là một kiệt tác văn học đi vào tâm hồn người Việt mình từ bao đời nay. Chúng tôi tin tưởng giao cho Hoàng Song Việt và Hoa Hạ chuyển thể sang kịch bản cải lương thành vở Kim Vân Kiều.

 

Hiện kịch bản đã hoàn thành về mặt tổng thể chia làm bảy phân cảnh. Mỗi phân cảnh sẽ do một êkip thực hiện độc lập với một nàng Kiều riêng dưới sự chỉ đạo của tổng đạo diễn Hoa Hạ.

 

* Các chương trình ca nhạc, thời trang ngốn nhiều tỉ đồng đầu tư đã là chuyện thường, nhưng một vở cải lương mà hao đến hơn 1,8 tỉ đồng thì quả là ... chuyện lạ! Ai sẽ đứng ra bỏ tiền?

 

- Trong tháng này chúng tôi sẽ chính thức trình lên lãnh đạo thành phố để xin duyệt kinh phí. Hi vọng sẽ được cấp khoảng 1,2 tỉ đồng. Còn lại chúng tôi sẽ vận động tài trợ, bán vé, bán bản quyền truyền hình, bán ấn phẩm, tặng phẩm lưu niệm, băng đĩa...

 

* Trước đây sân khấu cải lương cũng từng có thể nghiệm nhưng hình như vẫn chỉ để... cho vui.  Ông có tự tin với kế hoạch mới lạ này không?

 

- Tôi xác định đây không còn là thể nghiệm cái mới nữa mà là một cú đột phá táo bạo của cải lương để tự mở cho mình một hướng đi mới, có thể cạnh tranh với nhiều hoạt động nghệ thuật thời thượng khác. Tôi tin khán giả sẽ ủng hộ và đến xem đông.

 

* Nhưng nếu khán giả có đến kín rạp thì vẫn lỗ. Vậy liệu sau cú đột phá này, mô hình cải lương chất lượng cao sẽ được "sống" tiếp thế nào?

 

- Giá vé đắt nhất là 200.000đ, rẻ nhất chỉ 30.000đ và rõ ràng là có bán hết vé thì vẫn lỗ. Nhưng chúng tôi xác định: nếu có thất bại về doanh thu thì nghệ sĩ chúng tôi vẫn thành công ở khía cạnh những người làm nghề đã cố gắng hết sức để vực dậy cải lương, đúng theo chủ trương của đề án nâng cấp sân khấu cải lương thành phố.

 

Ngược lại, nếu chương trình thành công, nếu các nhà đầu tư vẫn còn có lòng thì chúng tôi sẽ tiếp tục cống hiến để duy trì sân khấu cải lương này.

 

Nói thật, cải lương bây giờ rề rà lắm rồi, lỗi nhịp với cuộc sống hiện đại lắm rồi, tụi tui đi diễn mấy tỉnh miền Tây mà còn chẳng có đông người  xem vì người ta mê tivi hơn. Phải làm cái gì đó thôi, không thể chờ đến lúc cải lương vô viện bảo tàng ngồi chơi với hát bội rồi mới tá hỏa!

 

Chương trình có tên Cải lương Gala 2006, dự kiến ra mắt vào tháng 12-2006 tại nhà thi đấu Phan Đình Phùng.

 

Bảy nàng Kiều (Tú Sương, Thanh Ngân, Thoại Mỹ, Cẩm Tiên, NSƯT Thanh Thanh Tâm, Tài Linh, NSƯT Lệ Thủy) sẽ xuất hiện riêng biệt trong bảy phân cảnh nối tiếp nhau ứng với từng giai đoạn trong cuộc đời của Thúy Kiều từ lúc trẻ đến khi về già.

 

Nhạc phẩm của các nhạc sĩ NSƯT Thanh Hải, Phạm Duy, Thanh Tùng với chất liệu âm nhạc dân tộc sẽ được trình bày bởi các ca sĩ nhạc nhẹ như Cẩm Vân, Hồng Nhung, Mỹ Lệ, Quang Dũng... trong trang phục của vở diễn nhằm lột tả nội tâm nhân vật. Ngoài ra còn có sự thể hiện của dàn hợp xướng Nhạc viện thành phố, Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen...

 

Hình ảnh : NSƯT Lệ Thủy và NS Minh Vương sẽ lại cặp đôi với nhau qua hình tượng Thúy Kiều và Từ Hải trong phân cảnh Từ Hải lầm mưu Hồ Tôn Hiến - Ảnh: Hồng Sơn
HOÀNH OANH - TTOL
Tin tức khác
Họa cát kim sa (13.07.2006)