Hết quan sát hỏi han thì ông tìm sách đọc, ông đọc trên những dòng chữ và suy đoán bên ngoài con chữ. Ông ghi chép không chỉ bằng nét bút mà còn bằng một niềm đam mê kỳ lạ với tất cả những gì lướt qua mắt ông, tim ông. Không bỏ sót bất cứ cái gì, không coi thường bất cứ cái gì, ông làm đầy lên những tập sách chỉ với một đề tài duy nhất: Nam bộ. Và bằng trái tim Nam bộ, tâm hồn Nam bộ, ông đã cảm nhận rằng trong câu thơ "Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao...", Nguyễn Bỉnh Khiêm nói về thứ giá sống ưa thích của người Nam bộ chứ chẳng hề là thứ sương giá lãng mạn nào như người đời thường ngộ nhận.
Một cách nhìn khác, có thể đã góp phần tạo nên tính cách phóng khoáng lạc quan của người Nam bộ trong những câu thơ mà lẽ ra phải làm trào nước mắt: "Tây Ninh đi dễ khó về/Con đi tàu sắt, con về tàu cây/Trên mui có thắp đèn cầy/Con về thăm mẹ chuyến này mà thôi!". Đùa với cái chết của chính mình, đó là điều đâu phải ai cũng làm được. Sơn Nam viết về người bồi bàn mà khiến người ta ngỡ như đang nghe nói về một nhà tâm lý học. Ông giải thích tên Dương Đông - Phú Quốc nghe thật thuận tai mà cũng thật bất ngờ, xuất phát từ sự chân phương của sự việc: chỉ là do nhiều cây dương mọc gần nhau mà thành tên, cũng giống như Dương Tơ, Dương Cờ... vẫy thôi...
Nói chung, đọc Sơn Nam giống như người ta nghe câu chuyện dài không có đoạn kết do một ông già cứ rỉ rả kể mãi, những chuyện cố cựu nơi xóm làng, chẳng có cao trào, chẳng có cốt chuyện, nhưng vẫn đủ làm say mê nhiều thế hệ người, bất kể người đó thuộc giai tầng nào trong xã hội.