Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
320
123.262.376

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Giới thiệu sách: 50 sự thật làm thay đổi thế giới
Giữa tháng trước, NXB Văn hóa - Thông tin cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “50 sự thật làm thay đổi thế giới” của Jessica Williams, một nhà báo kiêm nhà sản xuất chương trình truyền hình cho hãng BBC. Trước nhân loại, 50 sự thật mà tác giả này công bố thực sự là loại thông tin gây sốc cho dù nhiều người đã cảm nhận được một phần sự thật ấy từ lâu, từ nguồn thông tin này hay nguồn khác.

Jessica Williams dẫn thông tin từ nhiều nguồn, như Tổ chức Ân xá quốc tế, Tổ chức Giám sát nhân quyền, Tổ chức Minh bạch quốc tế Kenya, Tổ chức Quyền riêng tư quốc tế, Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Đánh giá hiểm họa quốc gia đặc tình Hoa Kỳ, ủy ban Cứu nạn quốc tế… Một số tổ chức nói trên đã trở nên quen thuộc trên phạm vi toàn cầu, nhưng cũng có cái tên lạ tai không mấy người biết tới. Jessica Williams tập hợp thông tin, phân tích và tổng hợp chúng dựa trên nhãn quan sắc bén sau khi đã tham khảo những bài báo có tính chuyên đề phù hợp với những gì mà bà quan tâm. Khối lượng thông tin đồ sộ được tung ra kèm theo những luận giải có tính dẫn dắt, tạo bối cảnh. “50 sự thật”, vì thế, làm cho người đọc liên tưởng tới một sự thay đổi thế giới - tới tận gốc rễ chăng?

 

Những sự thật được kê ra qua gần 500 trang sách - bao gồm cả bảng tra nguồn tin và những chú giải thuật ngữ - thật sự là cú sốc nặng cho những ai quan tâm tới sự tồn vong của thế giới này. “Khoảng 30 triệu người châu Phi mắc HIV dương tính”, “Trữ lượng dầu mỏ của thế giới có thể cạn kiệt vào năm 2040”, “Một phần ba dân số thế giới đang có chiến tranh”, “Mỗi năm có 10 ngôn ngữ không được sử dụng nữa”, “Trên thế giới, cứ 5 người có một người sống với mức dưới 1 đô la một ngày”, “Cứ mỗi phút lại có hai người chết vì tai nạn xe hơi”, “Mỗi con bò ở Liên minh châu Âu được bảo trợ 2,5 đô la/ngày - con số cao hơn mức sống của 75% người dân châu Phi”…

 

Những sự thật được Jessica Williams giới thiệu không đơn thuần mang tính thống kê. Bên những số liệu là những câu chuyện cụ thể mà bà đưa ra nhằm thuyết phục độc giả về mối nguy cơ có thật. Khi quả quyết “mỗi giờ địa lôi giết chết hoặc gây thương tật cho ít nhất một người”, Jessica Williams cảnh báo thế giới: “Vẫn có 42 nước chưa ký Hiệp ước chống mìn, và họ vẫn đang tích trữ khoảng 180 triệu quả mìn” cho dù thảm họa là rất rõ. ở Ba Lan, mỗi năm trong thập kỷ thứ 7 của thế kỷ XX, lượng mìn còn sót từ Đại chiến thế giới thứ II giết chết khoảng 10 người. “Đi trên phố, bạn thấy bằng chứng đau lòng ở quanh mình. Cứ 236 người Campuchia lại có 1 người bị què chân cụt tay”; và chỉ ít năm trước, đã có nhiều người như Margaret Arach - người Uganda, Taha Ziyadeh - công dân 16 tuổi của Jordan…phải đối mặt với tử thần vì mìn - thứ vũ khí giết người mà có người còn ngô nghê tưởng rằng “chỉ là một vật lạ có ích”.

 

Jessica Williams viết rằng “có 27 triệu nô lệ trên thế giới hiện nay”, kiểu người mà số đông trong chúng ta tưởng rằng đã “tuyệt chủng” . Nữ tác giả kể câu chuyện của Mende - một bé gái Sudan đã phải làm nô lệ trong 6 - 7 năm trước khi trốn thoát khỏi gia đình người chủ ở Luân Đôn - rồi đưa ra con số báo động :”Khoảng 14.000 người bị buộc làm nô lệ tại Sudan kể từ năm 1986”. Hiện tại, lao động bị ràng buộc là hình thức nô lệ phổ biến nhất, ảnh hưởng tới khoảng 20 triệu người. Dạng nô lệ truyền thống, tức con người bị bán như một món hàng, cũng vẫn còn…

 

Người ta đã đánh giá rất cao “50 sự thật làm thay đổi thế giới” kể từ khi nó xuất hiện trên thị trường Mỹ cách nay 2 năm. BBC Liverpool gọi đó là “một cuốn sách nhất thiết phải đọc”. Tờ Guardian đánh giá :”Một cẩm nang nghiên cứu dành cho thế hệ không biểu trưng”… Những sự thật lớn đã được Jesica Williams tập hợp lại và giá trị của nó thật rõ ràng, đơn giản như một tác giả đã viết trên tờ Church Times là “thúc đẩy hành động”.

 

Vài “sự thật” đáng chú ý

- Một phụ nữ Nhật Bản trung bình có thể sống tới 84 tuổi - chỉ số tương ứng ở người Botswana là 39.

- Trung Quốc có 44 triệu phụ nữ mất tích.

- Có 44 triệu lao động trẻ em ở ấn Độ.

- Mỗi năm có hai triệu thiếu nữ và phụ nữ phải chịu hình thức cắt âm hộ.

- Khoảng 12.000 phụ nữ và thiếu nữ bị bán sang Tây Âu mỗi năm.

- Có 300.000 binh lính trẻ em đang đánh nhau trong các cuộc xung đột trên toàn thế giới.

- Hơn 150 quốc gia sử dụng biện pháp nhục hình.

- Hơn 70% dân số thế giới chưa từng nghe nhạc hiệu truy cập mạng.

- Mỗi năm, số người chết vì tự sát nhiều hơn chết vì xung đột vũ trang.
Lê Trần Vân Anh - HNMO
Tin tức khác