Thương trường là chiến trường
“Muốn làm giàu hãy làm một doanh nhân, nhưng đừng làm một doanh nhân lạnh lùng, tàn nhẫn”. Lời giới thiệu trên tờ chương trình này hàm ý như một thông điệp mà các nhà làm phim gửi đến khán giả xem ra không có gì sai nhưng nó lại chẳng có gì đúng so với những gì diễn ra trong phim. Truyện phim kể về một chủ doanh nghiệp tơ tằm tên Hà, chỉ vì muốn giành giật căn nhà mặt tiền để bán sản phẩm, đã tìm đủ cách triệt hạ, làm phá sản người chủ cửa hàng cũ. Để trả thù Hà, Hùng- người chủ cửa hàng cũ - đã mượn tay người yêu là Thu, vốn là người thông thạo trong làm ăn, đến làm việc cho Hà và lừa anh ta vào một vụ làm ăn mafia để Hà khuynh gia bại sản.
Đấm vào không khí
Thật ra, chuyện vay trả trả vay vốn là một quy luật mà xưa nay những người làm sân khấu, làm phim đều đã từng khai thác để “răn dạy” người đời phải biết ăn ở sao cho phải lẽ, có trước, có sau. Ý tưởng này có thể không mới, nhưng nếu những người làm điện ảnh có một câu chuyện hấp dẫn, thuyết phục thì bài học vẫn luôn trở nên mới. Thế nhưng, Hàng xóm là một bộ phim vừa cũ về ý tưởng lại vừa quá sơ sài, nghèo nàn trong truyện kể. Sau một hồi diễn tả cách người này hại người kia, hồi tiếp theo sắp đặt cách người kia chuẩn bị hại người nọ, và thế là hết phim! Nhưng có một chi tiết hết sức ngờ nghệch đến khó tin là sau khi tận tay chụp hình ảnh Hùng ngoại tình với Thu và đưa lên mạng để phá vỡ hạnh phúc gia đình Hùng, chủ doanh nghiệp Hà lại đi cầu khẩn Thu vào làm việc cho mình, dẫn đến việc Thu rắp tâm hại Hà. Chưa hết, khi Thu chuẩn bị hại Hà thì tình cờ nghe vợ Hà than vãn, biết rõ thực chất Hà cũng chỉ là kẻ làm ăn manh mún, không phải đại gia, Thu đem lòng trắc ẩn bỏ ý định phá hại. Thế nhưng ở cuối phim, người ta lại thấy Hà gào lên thảm thiết, ống kính đặc tả gương mặt Hà quay cuồng đau khổ như thể đã thật sự bị một cú lừa, trong khi khán giả thì biết tẩy rằng nhân vật này đang hiểu lầm! Nỗi đau ấy cứ như cú đấm vào không khí!
Xem xong phim Hàng xóm, “cảm xúc” lớn nhất để lại người xem là sự tiếc xót! Tiếc và xót vì một kịch bản kém chất lượng như thế vì sao lại phải tốn hàng tỉ đồng để làm phim nhựa. Nếu cứ để nguyên xi như vậy mà làm phim video thì đây cũng sẽ là một bộ phim truyện video nhạt nhẽo. Những hình ảnh đặc tả, những cú máy chuyển động cố tạo ra ngôn ngữ điện ảnh, cũng như kỹ thuật âm thanh surround... đều trở nên vô nghĩa khi lồng vào đó một nội dung không chỉ quá tầm thường mà còn không thiếu những chi tiết giả tạo, phi lý.