Trong khuôn khổ hợp tác giữa Hội Địa tin học Nhật - Việt và Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Địa lý VN đã tiến hành số hoá một số bản đồ Hà Nội từ năm 1873 - 1942. Thông qua kỹ thuật chồng bản đồ, các nhà nghiên cứu đã bước đầu tìm thấy vị trí thành Thăng Long thời Nguyễn. Theo đó, ở phía bắc, phố Phan Đình Phùng đi xuyên qua mép trong của tường thành cửa Bắc hiện nay vẫn còn.
Tại đây có thể nhận diện được nhiều phố như Quán Thánh, Yên Ninh, Hàng Bún, Hàng Than, Cửa Bắc, vườn hoa Vạn Xuân cùng hệ thống sông hồ, giải thích được việc tồn tại bến thuyền tại khu vực Hàng Than thời bấy giờ.
Phía đông, phố Lý Nam Đế hiện nay được xây dựng trên nền đường cũ và chạy phía bên trong tường thành. Tường thành trước kia là đường xe lửa bây giờ. Cầu Cửa Đông là vị trí của cửa Đông trước đây. Phố Phùng Hưng là con đường chạy bên ngoài bờ thành. Tại khu vực này có thể nhận diện được nhiều phố như Hàng Da, Hàng Điếu, Hàng Cót, Hàng Giấy, Đồng Xuân, Hàng Đường... Đặc biệt, cắt ngang phố Cầu Gỗ có một con sông thông hồ Gươm với các hồ nằm phía trên.
Phía nam, thành có hai cửa là cửa Đông Nam và cửa Tây Nam. Đường Trần Phú hiện nay là con đường cũ bên trong thành, chạy song song với tường thành. Đường Nguyễn Thái Học chạy bên ngoài tường thành. Phố Cao Bá Quát được xây dựng trên nền tường thành cũ. Cửa Đông Nam nằm trên phố Tôn Thất Thiệp, ngay sát ngã ba Trần Phú - Tôn Thất Thiệp. Tuyến đường dẫn đến cửa Tây Nam trước đây nay chỉ còn một đoạn là phố Bà Huyện Thanh Quan. Cửa Tây Nam hiện nay không còn dấu vết, nhưng có thể hình dung nó nằm đâu đó trên đường thẳng kéo dài từ phố Bà Huyện Thanh Quan cắt qua Bệnh viện Xanh Pôn. Nếu kéo dài nữa con đường này sẽ cắt ngang phố Hàng Cháo. Như vậy có thể khẳng định phố Hàng Cháo là một phần con đường dẫn đến cửa Tây Nam thời đó.
Phía tây, đường Hùng Vương hiện nay nằm trên nền đường cũ chạy song song với tường thành. Cửa Tây chính là vị trí Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay. Toàn bộ khu vực phía tây thành hiện nay nằm trong quần thể Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể nhận thấy phố Ông ích Khiêm dẫn đến chùa Một Cột là một phần con đường đã có thời đó để dẫn đến cửa Tây. Phố Mai Xuân Thưởng là một phần của đường đi vào cửa Tây, phần còn lại của con đường này hiện nay nằm trong khu vực Phủ Chủ tịch.
Hệ thống phố xá Thăng Long thời Nguyễn cơ bản được sử dụng làm nền cho các con đường hiện nay. Tuy đây mới chỉ là kết quả nghiên cứu bước đầu, nhưng đã chỉ ra một số điểm mới về phạm vi cũng như vị trí của hoàng thành thời Nguyễn. PGS - TS Nguyễn Đình Dương - Hội Địa tin học Nhật - Việt cho biết, việc ứng dụng những công nghệ mới như kỹ thuật chồng bản đồ sẽ mang lại những cái nhìn mới rất quan trọng, khách quan và chính xác hơn về lịch sử địa lý, góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội hướng tới kỷ niệm 1.000 năm.
Ảnh : Cửa Bắc - dấu vết còn lại của thành Thăng Long xưa.
|