Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
309
123.262.280

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Nông thôn trong văn học: Mảnh đất “bạc màu”?
Lướt qua gian sách của các cây bút trẻ, nay khó tìm ra những bông trái nảy mầm từ mảnh đất nông thôn. Một phần vì vốn sống, một phần vì e rằng nông thôn là mảng đề tài tới nay đã “bạc màu”.Trung Quốc có khoảng 900 triệu nông dân; Những năm gần đây, dù nông thôn Trung Quốc đã biến đổi ghê gớm nhưng ngày càng ít nhà văn quan tâm đến đề tài này.

Khi Nhà nước tập trung vào phát triển kinh tế ở các thành phố lớn trong thời kỳ mở cửa, hàng loạt tiểu thuyết liên tục ra đời, kể về những đổi thay trong chốn thị thành, về đời sống cá nhân nơi phồn hoa đô hội đang vượt ra khuôn mẫu cũ để vươn tới tự do cá nhân… khiến độc giả dần cũng quen với đời sống ở những đô thị lớn.

 

Tờ Chinanews đã cho rằng, người ta hầu như chưa biết gì nhiều về nông thôn Trung Quốc ngày nay, một phần không nhỏ là bởi hiện có quá ít những tác phẩm văn học viết về nông thôn.

Trông người lại ngẫm đến ta! Trong những cuốn sách ra đời mấy năm trở lại đây, những cuốn mang màu sắc và hơi thở của đồng lúa, nương rẫy, bờ kênh, lũy tre… chỉ đếm trên đầu ngón tay (dĩ nhiên chỉ tính các tác phẩm “đọc được”, chất lượng trung bình khá trở lên).

Những tác phẩm về nông thôn, chủ yếu là của những cây bút cũ, đã có tên tuổi và hầu hết là sách được tái bản (Mảnh đất lắm người nhiều ma, Hậu Chí Phèo...).

 

Lướt qua gian sách của các cây bút trẻ, lại càng khó tìm ra những bông trái nảy mầm từ mảnh đất nông thôn. Một phần vì vốn sống, một phần vì e rằng nông thôn là mảng đề tài tới nay đã “bạc màu”, những cây bút trẻ e ngại, thậm chí không có cảm hứng để viết về nó.

Trong nỗi niềm “thương nhớ đồng quê”, người đọc vẫn được yên ủi bởi vẫn còn một Nguyễn Ngọc Tư can đảm đứng trên Cánh đồng bất tận hay Đỗ Bích Thúy vẫn mang những nỗi da diết của Tiếng đàn môi sau bờ rào đá.

 

Một đại diện cho miền núi phía Bắc, một của miền sông nước phía Nam, cả hai nhà văn nữ trẻ này đã chăm chỉ cày trên mảnh đất giờ chỉ còn rất ít người để mắt tới.

Cánh đồng bất tận có thể chưa phải là một tác phẩm hoàn hảo, lời kể theo nhân vật tôi đôi khi in quá rõ tiếng nói của tác giả... nhưng thực sự khiến rất nhiều người cảm động và thêm yêu thương những vùng đất ở miền quê tưởng chừng đã bị lãng quên.

Ấy vậy mà tác phẩm này đã khiến tác giả “lao đao” suốt một thời gian. Viết về đề tài nông thôn hiện lên như một công việc vừa vất vả, vừa thách thức, lại vừa “nguy hiểm”!

Những tác phẩm viết về nông thôn thường là của chính những cây bút giờ đang sinh sống ở nông thôn. Dường như cuộc sống gấp gáp quá khiến người ta không có đủ thì giờ để “đi xa nhìn lại”, trông lại miền quê khi đã bước chân lên chốn thị thành.

70% dân số Việt Nam đang sinh sống và lao động ở nông thôn. Ở đó, những mảnh đất tổ tiên để lại vẫn được tiếp tục gieo hạt và vun xới, những mảnh đời (tưởng chừng bình yên) phải vật lộn với cuộc sống với những nỗi cô đơn và biết bao đổ vỡ (tưởng chừng chỉ tồn tại ở chốn phố phường).

 

Những người gieo chữ nghĩa văn chương ơi, lẽ nào lại để nông thôn là mảnh đất vắng người cày? 

 

Rất hay nhưng...

Nguyễn Thế Hoàng Linh: Đề tài này Nguyễn Huy Thiệp đã khai thác rất hay từ con mắt của một người đã lên thành thị. Tôi chưa có nhiều kinh nghiệm, có thể sẽ khai thác đề tài này nhưng giờ thì chưa đủ năng lực.

Từ Nữ Triệu Vương: Rất hay! Nhưng tôi không sống ở nông thôn nên tôi viết về nông thôn sẽ rất non. Nông thôn bình yên nhưng thành phố trống trải cảm giác và cô đơn, đổ vỡ. Tôi còn rất trẻ và cần va đập. Ở tuổi này, tôi cần sự đổ vỡ hơn sự bình yên cho tôi.

Bìa cuốn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”
Cát Yên - TPO
Tin tức khác