Sau hơn 4 tháng tiến hành khai quật (từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 8/2006) tại khu vực Tam Bảo của chùa Đậu (huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây) - một di tích văn hóa lịch sử Quốc gia nổi tiếng, các nhà khảo cổ học của Viện Bảo tàng lịch sử VN và Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tây đã phát hiện được gần 200 cổ vật quý hiếm, có giá trị lịch sử văn hóa cao, bao gồm các vật liệu kiến trúc với 4 loại hình chính là gạch, ngói, diềm trang trí, tượng con giống và các đồ gốm sứ.
Điểm nổi bật ở bộ sưu tập các vật liệu kiến trúc mà các nhà khảo cổ thu được là các viên gạch cổ thời Trần (thế kỷ 13-14) và thời Mạc (thế kỷ 16) dùng để bó móng, bó nền với những nét hoa văn trang trí rất độc đáo, tinh xảo, mang tính chuyên biệt của cả một giai đoạn lịch sử như:
Rồng yên ngựa, chuột chầu hoa sen, cá hóa rồng, hoa sen và nhiều loại linh thú khác. Chất liệu các viên gạch là đất nung màu đỏ sẫm hoặc màu vàng có lẫn nhiều tạp chất rất lạ.
Bên cạnh đó, bộ sưu tập gốm sứ được tìm thấy ở chùa Đậu với các đồ gốm men nâu, men ngọc, men tráng văn in, men trắng vẽ lam và các hoạ tiết trang trí chủ yếu là hoa lá và phong cảnh, đã chứng minh cho sự phát triển của nghệ thuật gốm sứ của người Việt ở thế kỷ 16-17.
Theo đánh giá của các nhà khảo cổ học, việc một số lượng tương đối lớn các di vật cổ quý được phát hiện ở chùa Đậu đã góp phần khẳng định thêm giá trị lịch sử - văn hóa cũng như ý nghĩa của ngôi chùa này trong đời sống sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng tôn giáo của người dân đất Việt nói chung và cư dân khu vực châu thổ sông Hồng nói riêng.
Hiện nay, toàn bộ số cổ vật thu được tại chùa Đậu đã được Bảo tàng tỉnh Hà Tây đưa về, lập hồ sơ bảo quản và lên kế hoạch tổ chức trưng bày trong thời gian ngắn nhất.