Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
351
123.263.380

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Hàng quán mở nhạc: Phải trả phí bản quyền?
Một thông tin gây “tê tái” cho các hàng quán, kể cả cho chủ các loại phương tiện giao thông… là Chính phủ đang có một dự thảo nghị định rằng: Cứ mở nhạc cho khách nghe nhằm “mục đích thương mại” là phải trả phí bản quyền!

Có mở là có thu

 

Quy định trên có nghĩa là tất cả các hàng quán, siêu thị, xe taxi, xe buýt, tàu hỏa, nhà ga, sân bay… hễ mở nhạc là “dính” phí bản quyền.

 

Hẳn nhiên là các đối tượng được đề nghị trả phí phản ứng gay gắt. Bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc công ty Du lịch Hà Nội Tourist tại TP.HCM, nêu ý kiến: “Chúng tôi tổ chức tour cho khách hàng chú ý đến chất lượng phục vụ vệ sinh, an toàn, lịch sự, giá cả… Việc mở nhạc chỉ nhằm phục vụ giải trí cho khách hàng chứ không phải là dịch vụ tạo ra nguồn thu chính cho chúng tôi. Khách hàng bước lên xe là để đi du lịch chứ không phải để… nghe nhạc! Do đó nếu bắt chúng tôi trả phí bản quyền là không hợp lý”.

 

Ông Nguyễn Văn Hạnh, giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa, cũng bức xúc: “Khách hàng đến siêu thị mua hàng. Họ quan tâm đến chất lượng sản phẩm, giá cả, chất lượng phục vụ… chứ không quan tâm đến việc siêu thị có mở nhạc hay không. Âm nhạc chỉ là một dịch vụ đi kèm rất nhỏ nhằm tạo không khí tươi vui, tại sao lại thu phí?”.

 

Bà Hoàng Trang, Giám đốc công ty Sen-advertising, đơn vị kinh doanh chương trình giải trí trên tuyến đường sắt Bắc Nam phân tích: "Giả sử trên chuyến tàu có phát chương trình ca nhạc, gala cười… xen lẫn với quảng cáo trên các chuyến tàu, tuy công ty không thu tiền từ khách hàng đi tàu nhưng có thu từ quảng cáo thì đó mới là trường hợp phải trả phí bản quyền”.

Vấn đề là làm sao xác định được việc mở nhạc trong hàng quán có nhằm mục đích thương mại hay không?

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Quý - Trưởng đại diện Cục Bản quyền tại TP.HCM giải thích: “Mục đích thương mại được hiểu theo nghĩa rộng. Có thể nguồn thu chính là từ việc sử dụng trực tiếp tác phẩm được thu âm, thu hình. Ví dụ: kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính viễn thông hay sử dụng tác phẩm nhằm quảng cáo sản phẩm khác trên các phương tiện giao thông. Ngoài ra, tuy không thu phí từ khách hàng nhưng hàng quán sử dụng tác phẩm như một dịch vụ cộng thêm để thu hút khách hàng đến với mình thì cũng phải trả phí bản quyền”.

Như vậy các khách sạn, nhà hàng, quán cà phê, hãng du lịch… cứ mở nhạc phục vụ khách thì được coi là “có mục đích thương mại” và phải trả phí bản quyền

 

Hợp luật nhưng không khả thi

 

Theo luật sư Hoàng Ngọc (Công ty Luật Gia Phạm), quy định như trên là phù hợp Bộ luật dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ nhưng sẽ khó khăn về tính khả thi: chứng minh thế nào là “nhằm mục đích thương mại”, trả tiền như thế nào, trả cho ai, trả bao nhiêu và cách tính phí cho từng đối tượng cụ thể…

Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn, công ty Phạm và Liên Danh, cũng đồng quan điểm khi cho rằng quy định trên phù hợp các quy định về bảo vệ quyền tác giả. Trên thế giới, bất kỳ đơn vị nào sử dụng sản phẩm âm nhạc nhằm mục đích kinh doanh đều phải trả phí bản quyền. Một quán cà phê sang trọng, thiết kế đẹp, không gian dễ chịu mà lại thiếu âm nhạc thì cũng giảm sự thu hút khách hàng. Hoặc siêu thị mở nhạc truyền thống khá hay được khách hàng cảm thấy thích, thường xuyên tìm đến mua hàng… Đó cũng là “chiêu” thu hút khách hàng, cũng nhằm gia tăng thị phần, nhằm "mục đích thương mại”.

Ông Quý giải thích thêm cơ sở ban hành quy định: “Quy định này phù hợp với quy định của công ước Bern và thông lệ của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Anh, Pháp, Mỹ đã làm như thế này rồi. Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển và trong khu vực châu Á thì chưa đủ điều kiện thực hiện”.

Liên hệ với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, được biết mới đây trung tâm đã làm việc và đưa ra mức phí ban đầu cho một số khách sạn lớn ở Hà Nội và TP.HCM, dự định sẽ áp dụng chính thức khi nghị định có hiệu lực. Hiện trung tâm đang xây dựng mức phí chuẩn, có chú trọng đến tính chất đặc thù địa phương. Các đô thị lớn sẽ có mức phí khác với các tỉnh, thành vùng sâu, xa. Theo đó, các quán cà phê lớn sẽ khác với các quán bình dân. Đối với hộ kinh doanh nhỏ lẻ, các quán cà phê bình dân thì có thể thu qua báo cáo thuế hàng tháng và do các địa phương hỗ trợ.

 

Tuy nhiên, vẫn có cảm giác rằng dự thảo trên đưa ra để đáp ứng yêu cầu đảm bảo quyền tác giả là chính, mang tính “ghi nhận” là chính. Còn giải pháp thì rất khó bởi thực tế, nội việc thu tiền tác quyền hiện nay là quá khó khăn. Và việc “phân tích” xem việc mở băng, đĩa có mục đích kinh doanh hay không lại không dễ dàng khi còn liên quan đến một cơ chế giám sát, kiểm tra.

Nếu đúng chỉ là một dự thảo có tính “ghi nhận” thì chẳng lẽ lại thêm một quy định không khả thi sắp ra đời?

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình - Trưởng khoa Luật sư, Học viện Tư pháp:

Trên thế giới chỉ có một vài quốc gia phát triển mới có quy định trên nhưng họ khá chặt chẽ và đồng bộ trong việc xác định mục đích thương mại. Một tác phẩm văn học nghệ thuật (kể cả ghi âm, ghi hình) đã phát hành trước công chúng được coi là sản phẩm cuối cùng bán ra thị trường. Do đó, người tiêu dùng có quyền sử dụng sản phẩm vào các mục đích khác nhau. Tuy nhiên, nếu sử dụng sản phẩm vào mục đích kinh doanh (thương mại) trực tiếp thì họ vẫn phải trả phí bản quyền.

Do đó, cần phân loại rõ mục đích sử dụng cụ thể với các đối tượng và chỉ nên thu với các đối tượng sử dụng trực tiếp nhằm mục đích thương mại. Trường hợp sử dụng tác phẩm như một dịch vụ đi kèm (cộng thêm): siêu thị mở nhạc, quán cà phê mở đĩa DVD… thì không nên thu vì hoạt động kinh doanh gián tiếp ấy khó tính được giá trị cụ thể.

Ảnh : Chơi nhạc tại quán cafe Piano, Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM.

THANH HẢI - Pháp luật TP.HCM cuối tuần, TTO
Tin tức khác