Thiên ký sự Kỹ nghệ lấy Tây vừa được in và phát hành bởi ngành Đông Nam Á học của Đại học Cornell, tại Ithaca, New York, Mỹ. Người dịch và giới thiệu là thạc sĩ Trần Viết Thúy, giảng viên tiếng Việt tại Đại học Cornell. Thật ra công trình nghiên cứu và dịch thuật này đã được thực hiện từ cách nay khá lâu. Mùa hè năm 2000, khi tôi đến Cornell dự buổi thuyết trình của Peter Zinoman về bản dịch Số đỏ (với tên sách Dumb luck, Nxb Đại học Michigan in năm 2002) thì cũng được biết từ 1996, một nghiên cứu sinh người Việt là Trần Viết Thúy đã lấy tác phẩm Kỹ nghệ lấy Tây của nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-1939) làm đối tượng nghiên cứu và dịch thuật.
Sau khi đỗ thạc sĩ, chị Thúy đến Đại học Cornell dạy môn tiếng Việt. Gần đây, được giáo sư Kieth Taylor và các đồng nghiệp nghiên cứu giảng dạy Đông Nam Á học ở Đại học Cornell khuyến khích, Trần Viết Thúy mới đem bản dịch và bài nghiên cứu từ gần mươi năm trước ra xem lại, đưa cho đồng nghiệp biên tập và in thành sách trong loạt sách nghiên cứu về Đông Nam Á (Studies on Southeast Asia Series) của Đại học Cornell.
Giới thiệu tác phẩm này của Vũ Trọng Phụng với công chúng đọc tiếng Anh (mà trước hết là giới Việt học ở các nước), Trần Viết Thúy lưu ý đến việc tác giả sử dụng không phải một mà là hai cái “tôi” tác giả với sắc thái khác nhau trong thiên ký sự. Nhưng điều mà chị tập trung tìm hiểu nhiều hơn cả chính là hiện tượng nói “tiếng bồi” của các nhân vật.
Không chỉ “tiếng Tây bồi” ở người Việt mà cả “tiếng Việt bồi” ở người Tây; “tiếng bồi” là sản phẩm của những người không phải là người bản ngữ nhưng lại phải dùng nó cho đời sống thiết thực. Nói rộng ra đây không chỉ là sản phẩm của thế giới thời thực dân các thế kỷ 17-20, mà ngay ở thế kỷ 20-21, cái gọi là “tiếng bồi” vẫn ít nhiều có khả năng sản sinh trong các cộng đồng nhập cư; nó là một phần đời sống kèm theo nhiều nụ cười và nước mắt của một phần nhân loại tha hương.
Lại nhớ năm 1936 khi viết lời tựa cho ký sự Kỹ nghệ lấy Tây in thành sách riêng, Phùng Tất Đắc muốn coi tác phẩm này của Vũ Trọng Phụng không chỉ là một thiên phóng sự, mà “muốn đặt nó vào hàng những công trình có ảnh hưởng xa rộng hơn, những công trình có thể vạch hướng cho văn nghệ, những công trình giúp được tài liệu cho đời sau khảo xét về buổi này”. Cảm nhận này cách nay 60 năm của nhà văn họ Phùng về ý nghĩa tác phẩm của Vũ Trọng Phụng có vẻ như rõ ra với công trình dịch thuật này.
|