Hầu hết những người đến Triển lãm Mỹ thuật ĐBSCL lần thứ 11, khai mạc vào sáng 16-8-2006 tại Trung tâm văn hóa Thông tin tỉnh Vĩnh Long cho thấy một bước tiến dài của mỹ thuật ĐBSCL...
Ba gian phòng dành trưng bày gần 200 tác phẩm dự Triển lãm Mỹ thuật ĐBSCL 2006 đã mở ra một không gian nghệ thuật tạo hình của nhiều trường phái, đầy màu sắc, giàu cảm xúc và thể hiện rõ lao động nghệ thuật nghiêm túc của gần 200 họa sĩ, nhà điêu khắc góp mặt 13 tỉnh, thành của khu vực. Thoát ra những bức tranh khổ nhỏ không quá 0,5m2, vượt khỏi những chất liệu cơ bản như sơn dầu, lụa... Triển lãm Mỹ thuật ĐBSCL 2006 lần này đưa người xem bước vào một không gian của những bức tranh được đầu tư công phu, chất liệu đa dạng như sơn dầu, lụa, khắc gỗ, bột màu, acrylie, composit, nhựa tổng hợp, pô-ly, dán giấy, khắc mi-ca, đồng với khổ trung bình từ 2 - 4m2, màu sắc tinh tế, bố cục chặt chẽ, đan xen giữa trường phái lập thể - trừu tượng... Mỗi một bức tranh diễn đạt cảm xúc mỗi khác, giúp cả người không hiểu về hội họa cũng có thể cảm nhận được “phần hồn” mà tác giả gửi gắm qua tác phẩm.
“Một góc Tháp Mười” của tác giả trẻ Lê Thanh Tùng (Long An) tạo ấn tượng lạ; tác giả đã vẽ đồng lúa bằng gam màu xanh đen chứ không phải màu vàng tươi tắn, mà toát lên cảm xúc buồn buồn... Dường như đó là nỗi buồn toát lên từ nỗi nhớ da diết một miền quê, có một mái nhà tranh cô độc lẻ loi giữa đồng lúa mênh mông với gió làm bầu bạn. “Những nghệ nhân dân gian” của Trần Công Hiếu (Đồng Tháp) mạnh mẽ với gam màu vàng - đỏ nóng bỏng, rực rỡ, những vòng tròn xòe đầy màu sắc kết hợp, quyện lấy nhau, bố cục hợp lý gợi nhớ về những những kỷ niệm tuổi thơ với chiếc lồng đèn giấy đủ màu, được bàn tay của những nghệ nhân chăm chút làm ra. Tạ Thị Ánh Hồng (Vĩnh Long) có tư duy đề tài khá độc đáo, “Thời quá độ” cho thấy tác giả đã “bạo gan” kết hợp giữa phong cách lập thể và trừu tượng để vẽ nên một tác phẩm như thể hiện sự tiếc nuối những miền quê yên bình với nhà tranh tường gạch đang bị những tòa nhà cao tầng xâm lấn dần. Rất nhiều tác phẩm gây ấn tượng mạnh như sự đau đớn, trăn trở ở “Hội chứng chiến tranh” của Lê Công Uẩn (Cà Mau), màu đỏ rừng rực sức sống qua “Đất lửa” của Hoàng Anh (Tiền Giang), sự thanh khiết trong “Gần bùn” của Đặng Can (Vĩnh Long), sự bay bổng ở “Diều” của Nguyễn Ngọc Trãi (Long An), màu vàng đầy tính chiến đấu trong “Đối đầu” của Nguyễn Thanh Giang (Kiên Giang), màu trắng bàng bạc lãng mạn ở “Mùa hoa bần” của Tín Trung (Tiền Giang), màu đỏ tươi quyến rũ qua “Đàn sếu đã về” của Phan Anh Lộc (Tiền Giang)... Họa sĩ Trần Huy Oánh, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá rằng: “Triển lãm năm nay cho thấy lực lượng họa sĩ, điêu khắc ở ĐBSCL ngày càng tiến bộ. Nếu mười năm trước đây, mỹ thuật ĐBSCL gần như chỉ có vài nghệ sĩ tạo hình, đề tài và kỹ thuật thể hiện đơn điệu. Vậy mà giờ đây ĐBSCL đã có một triển lãm mỹ thuật đạt chất lượng cao mọi mặt. Không chỉ đông đảo về số lượng họa sĩ, điêu khắc, mà còn sản sinh được những tác giả trẻ có sức sáng tạo mạnh mẽ, độc đáo. Tuy chưa thể sánh với các trung tâm lớn Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, nhưng mỹ thuật ĐBSCL đã cho thấy sức bật mạnh mẽ và bước tiến nhảy vọt”.
|