Lạc quan như nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy trong bài tham luận “Thơ ca, cái mới nối tiếp cái mới”, cũng chưa chỉ ra được diện mạo thơ của thành phố trong ba mươi năm kể từ ngày thống nhất đất nước. Điểm tên những nhà thơ thế hệ sau 1975 góp mặt trên thi đàn thì có, tiếc thay, nền thơ nếu quanh đi quẩn lại cũng chỉ những cái tên xuất thân từ thập niên 80 thế kỷ trước trong khi TP.HCM đổi mới đã 20 năm, thì rõ là còn thiếu lắm.
Nhà thơ Chim Trắng - chủ trì hội thảo - đã minh định bốn nội dung cần bàn về thơ là: Thơ đang ở đâu trong dòng chảy của các phương tiện nghe nhìn thời hội nhập; Có hay không những cuộc cách mạng để thơ Việt Nam có thể “thoát xác”; Công chúng hiện nay đối với thơ như thế nào; và những nhà thơ - con người của chữ nghĩa - đang làm gì cho thơ.
Thế nhưng ngay nội dung đầu tiên là những thành tựu của thơ - cứ liệu để xác định thơ đang ở đâu giữa cuộc đời - vẫn còn mờ nhạt. Đã thế, có vài ý kiến đăng đàn phê phán sự lạm phát các tập thơ dở hiện nay. Có người bức xúc nói thẳng: “không hiểu sao thơ dở đến thế mà các NXB lại cho xuất bản”.
Nhà thơ Trần Hữu Lục bình tĩnh điểm lại những trang thơ của TP.HCM ở hai chặng đường 30 năm (từ 1945 đến 1975 và 1975 đến 2005) đưa ra nhiều điểm khác nhau bất ngờ. Khoảng thời gian trong chiến tranh, có rất nhiều bài thơ lấy cảm hứng từ đất, từ người, từ cuộc sống ở Sài Gòn - Gia Định.
Tỷ lệ cân đong đo đếm cụ thể là 119 bài thơ của 52 tác giả giai đoạn 1945 – 1975 có đến 60 bài thơ viết về thành phố, với những tên tuổi trong 30 năm ấy cũng rất xôm tụ: Lê Anh Xuân, Chim Trắng, Kiên Giang, Trần Bạch Đằng, Trần Quang Long, Lê Điệp…Trong khi 30 năm sau, tập thơ chọn đến 230 bài của 128 nhà thơ, nhưng chỉ có 20 bài lấy cảm hứng từ TP.HCM. Như vậy hoá ra, thời bình, người làm thơ nhiều hơn, nhưng thơ về thành phố lại ít đi.
Cũng bởi vì thơ thành phố trong khoảng thời gian qua chưa có thành tựu, nên mọi người quay sang chỉ trích những lệch lạc trong thơ. Hoá ra làm thơ khó thật! Nhà thơ Lam Giang đăng đàn nói về những phát triển của thơ trong thời gian gần đây, phê phán những cách tân của các nhóm thơ thành phố, tiện thể phê phán cả Lê Đạt là phản cảm, dẫn chứng bằng câu “Em đùi thắng cảnh mắt danh lam”.
Than ôi, hội thảo thơ, tức là nhà thơ nói về thơ, như thế thành ra rối rắm cả.
Đi về hướng… sắp tới
Gần đây giới phê bình văn học cho rằng đang có những đợt cách tân thơ, và dự báo sẽ có những cuộc cách mạng về thơ. Thậm chí có những nhà thơ trẻ không ngần ngại tự nhận mình đang mang một sứ mệnh làm cách mạng cho thơ Việt Nam… Ngược lại không khí ấy, nhà thơ Inrasara cho rằng sẽ không có cuộc cách mạng thơ nào trong tương lai gần.
Nhà thơ Chăm chứng minh điều này khá kỹ lưỡng: để có một cuộc cách mạng văn chương cần hội đủ 4 yếu tố: Có những nhóm thơ, trường thơ gồm những người sáng tác cùng thời, có cùng quan điểm sáng tác; và những người này có lập ngôn về quan điểm thẩm mỹ theo họ; Nhóm thơ ấy phải có diễn đàn độc lập; và có một lớp độc giả được chuẩn bị tinh thần và tri thức đủ để sẵn sàng đón nhận tác phẩm của họ.
Cả bốn điều kiện ấy, theo Inrasara, đều đang thiếu đối với làng thơ Việt Nam chứ không riêng gì thơ thành phố. Chẳng thấy ai phản biện ý này, và nếu quả thực như vậy, thì có thể thơ Việt Nam sẽ còn lâu mới “thoát xác” (chữ dùng của nhà thơ Chim Trắng) được.
Chưa hết, nhà thơ trẻ Lê Thiếu Nhơn với tham luận “Giải mã ảo giác thơ trẻ” đã kết luận: “Nhiều bạn trẻ đồng hành của tôi mải mê dồn sức lực dồi dào và quý giá nhất đời người vào những cách tân đã lỗi thời của nước ngoài. Những tiểu xảo bị nhầm lẫn là hay ho như ám ảnh hoá, tượng trưng hoá, lập thể hoá của trường phái “thơ mông lung”, những chiêu thức tưởng chừng là tinh diệu như phản ý tưởng, phản tu từ và khẩu ngữ hóa của trường phái “hậu tân thi trào”, đáng tiếc thay đã được chôn vùi ở Trung Quốc từ thập niên 80 thế kỷ trước. Một thực tế nữa là phong trào thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào của một bộ phận những người làm thơ trẻ. Vài nhà thơ vớ được những hình thức thơ đã thải hồi ở phương tây như “thơ hậu hiện đại”, “thơ dự phóng”, “thơ trình diễn” và hớn hở reo lên bằng tâm trạng phấn khích…”.
Và Lê Thiếu Nhơn hy vọng: “Nhân loại hàng ngàn năm nay đã chấp nhận biết bao thiên tài, và vẫn còn đủ chỗ cho những thành tựu rực rỡ tiếp theo”. Vâng, vấn đề là làm sao có những thành tựu, đi như thế nào trên con đường sáng tạo để có thành tựu. Câu hỏi ấy vốn của riêng mỗi người, mỗi người sẽ tự trả lời, chẳng phải nhờ hội thảo mà có được.
Còn việc đổi mới thơ, nhà thơ Nguyễn Gia Nùng đến từ Nha Trang cho rằng công việc đổi mới thơ của mỗi nhà thơ xuất phát từ cách nghĩ của cuộc sống cộng đồng, và “mỗi người có một cách đổi mới, chẳng ai bắt chước ai được”.
Và như thế, hội thảo thơ khép lại.
Inrasara: "Không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần" - Ảnh: L.Điền