Vở rối đưa người xem thấy khung cảnh êm đềm của làng quê Việt Nam và hòa cùng cuộc sống chất phác của người nông dân Việt Nam.
Trên sân khấu nước khá huyền ảo với thủy đình bằng phên nứa mộc mạc, hồ sen lãng mạn, “Hồn quê” đầy ắp những trò diễn truyền thống của rối nước như chọi trâu, cày cấy, đàn vịt, đàn cá bơi lội, múa rồng, phượng, đua thuyền...
Vở diễn có ba phần: Đất nước Việt Nam lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, Con người làng quê đoàn kết, thương yêu nhau và Văn hóa dân tộc tỏa sáng. Nghệ thuật sắp đặt được thực hiện chung quanh sân khấu nước, dẫn dắt người xem tới những hình ảnh giản dị, chân thực và giàu cảm xúc về cảnh lao động, sinh hoạt truyền thống của người dân đất Việt. Một khung cảnh điển hình của làng quê Việt Nam hiện ra trước mắt khán giả với những đụn thóc, bãi sân phơi đầy rơm, vài chiếc chõng tre, những chiếc chum nước bên giếng khơi...
Trong nền nhạc hiện đại và hiệu ứng của ánh sáng, cuộc sống đời thường, rất đỗi thân quen của người nông dân đầy những vất vả, lo toan nhưng luôn mang lại niềm vui, tiếng cười.
Có thể nhận thấy những tâm hồn, tính cách hồn hậu ấy qua sự xuất hiện của các diễn viên trong vai những nghệ nhân đục con rối bên cối xay thóc, cối giã gạo, các bà các chị áo nâu, đầu thắt khăn mỏ quạ tất tả đi chợ thổi cơm, ngồi dệt bên khung cửi, nhóm bà con nghỉ chân và cùng nhau nói chuyện rôm rả bên gốc cây đa đầu làng sau buổi gặt về, những lão nông rít điếu cày, những ông lão đánh cá, câu ếch.
Ðể dàn dựng vở diễn, các nghệ sĩ nhà hát phải lao động sáng tạo cật lực để thiết kế sân khấu, tạo hình con rối, chuẩn bị đạo cụ. Trong đó, có nhiều đạo cụ, anh em nghệ sĩ phải đặt mua ở các vùng quê ngoại thành Hà Nội.
Yếu tố âm nhạc và ánh sáng tăng giảm, rất ăn nhịp với các cảnh diễn, tạo nên điểm nhấn cho các chi tiết, các hành động của diễn viên. Khi thì nhộn nhịp, vui tươi, khi lại gấp dáp, dữ dội.
Đạo diễn còn tạo khả năng dẫn dắt các cảnh diễn bằng những động tác múa và hề chèo.
Giám đốc Nhà hát múa rối Trung ương, đạo diễn Vương Duy Biên cho biết: "Một tác phẩm múa rối ấn tượng, không chỉ giới thiệu được vẻ đẹp của loại hình rối nước mà còn làm sinh động cho các nhân vật rối bằng các hình thức nghệ thuật biểu diễn mới”.
Từ ý tưởng đó, việc đưa nghệ thuật sắp đặt và các yếu tố nghệ thuật đương đại vào nghệ thuật múa rối "thổi" vào "Hồn quê" hơi thở dân tộc một cách sinh động.
Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến cho rằng dường như đạo diễn đưa thêm nhiều chi tiết sắp đặt, hơn nữa có những câu thoại thừa không phù hợp với một số cảnh diễn. Dù sao, không thể phủ nhận tác phẩm "Hồn quê" đã thành công khi tìm cách thể hiện mới cho loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Ðiều đặc biệt là nếu những vở diễn như thế này biểu diễn cho người nước ngoài, sẽ giúp họ hiểu hơn về cuộc sống cũng như tâm hồn người Việt Nam.
Vở rối “Hồn quê” vẫn còn được ê-kíp dàn dựng chỉnh sửa và hoàn thiện, chắc chắn sẽ đưa đến người xem nhiều điều mới lạ.
Sau những đánh giá cao về các vở rối của Nhà hát múa rối trung ương trong thời gian qua, lần này “Hồn quê” một lần nữa khẳng định hướng đi của nhà hát, bên cạnh việc phát triển rối nước, sẽ luôn tạo điều kiện cho việc tìm ý tưởng cho các cách thể hiện mới nhằm thu hút công chúng, nhất là trẻ em.
Được biết, trong tháng tới, Nhà hát múa rối trung ương sẽ phối hợp với chuyên gia sân khấu Yanisbel Victoria Martinez đến từ Tây Ban Nha thực hiện các vở rối kết hợp có chọn lọc nghệ thuật truyền thống và hiện đại.