Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
568
116.825.922
 
Chuyện tình nhà thơ lớp
Mai Bửu Minh
Chương 3 - Ba

-Minh…ơi…chuẩn bị đi lao động…

 

Tôi bật người giật mình thức dậy khi nghe tiếng Ngân gọi. Trời đã sáng bừng rồi. Tôi ra sau hè súc miệng, rửa mặt thì thấy Ngân ở bên kia con rạch đang mở cửa chuồng thả vịt. Hơn hai mươi con vịt ta, trắng phau, lạch bạch theo nhau bước ra khỏi chuồng. Ngân chui vào chuồng dưới sàn nhà và khi bước ra cái rổ trên tay Ngân đầy trứng. Ngân nhìn tôi cười cười.

 

Tôi bước ra trước sân, uể oải vặn mình và làm vài động tác thể dục cho cơ thể thư giãn bớt ê ẩm sau mấy ngày vùi đầu trong công việc đồng áng . Rút cái leng định đi ra ruộng khai nước, tôi chợt nghĩ ra cái cớ để khỏi lao động ở trường và hành động ngay. Tôi xì hơi hai cái bánh xe đạp của mình và yên tâm vác leng ra ruộng. Đất của tôi mới xuống giống được hai hôm, cần phải canh không cho nước đọng vũng làm thúi mộng hạt giống mới sạ. Phần đất này giống như những mảnh đất ven sông khác cao hơn đất ở vùng trong rất nhiều, nên khi qua mùa lũ, nước mới rút luôn luôn khô trước. Tuy nhiên vào vụ hè thu đất ở đồng sâu họ vừa thu hoạch xong là làm đất, sạ giống ngay, tranh thủ để khỏi bị chìm đồng bởi con nước rằm tháng Bảy.

Mặc dù chuyện làm ruộng trúng hay thất chẳng thành vấn đề quan trọng đối với gia đình tôi , bởi có mặt tôi "đại diện" cho gia đình làm ruộng là đủ rồi. Nhưng, chẳng lẽ thiên hạ sạ lúa, thu hoạch lúa còn mình sạ lúa thu hoạch cỏ hay sao? Nên mọi người làm sao tôi cũng phải làm y như vậy giống một nông dân nhà nòi thực thụ. Khi bắt tay vô làm chẳng ai muốn việc làm của mình thua sút người ta, chính vì thế càng phải chăm sóc kỹ lưỡng hơn. Chuyện nhà trường bắt buộc học sinh lao động,  để giáo dục thanh niên biết rõ giá trị lao động,  ý thức được lao động là vinh quang v.v…có lẽ đối với tôi cũng thừa, bởi vì rõ ràng tôi có ngại lao động đâu, mà còn lao động hết khả năng của mình nữa chớ. Khi đến trường, mọi chuyện lao động mang tính giáo dục quá nên trở thành nhàm chán, làm như chơi mà chơi cũng như làm.  Nhà trường đã xin được địa phương cấp cho một hecta ruộng và đã bắt đầu sử dụng mùa này.

 

-Minh tính không đi lao động a ?

 

-Đang lao động nè, không thấy sao?

 

-Ờ…nhưng lao động tập thể,  lao động xã hội chủ nghĩa cơ…Đi đi,  để tổ mình hạng bét à…

 

-Đi chớ sao không? Tranh thủ chăm sóc ruộng "cá thể" một chút mà…Tôi cũng đã xong việc và làm tỉnh đi vô trại ruộng. Ngân lẽo đẽo theo sau cũng vẫn với bộ đồ bộ đội. Cái nào mới thì mặc đi học, cái nào cũ thì mặc ở nhà hay mặc đi lao động như hôm nay. Dù sao, tôi cũng công nhận cô bé mặc đồ bộ đội sửa lại trông dáng khỏe khoắn tươi tắn hơn.

 

-Trời ơi, xẹp lép hết trơn rồi…tôi giả bộ ngạc nhiên- Hay là Ngân đi trước đi, mình dắt xe đi vá, khi nào xong Minh đạp theo ngay…

 

-Thôi, giờ này đã trễ rồi, hai đứa mình đi chung xe của Ngân đi, chớ chờ vá xe xong biết khi nào…

 

-Nhưng,  trại ruộng trống trải, để xe ở nhà không có ai, Minh cũng không yên tâm, mất là hết xe đi học à…

 

-Minh dắt xe sang nhà Ngân, gởi đó…Khi nào về sẽ mang đi vá…

 

Thế là tôi hết đường kiếm cớ ở nhà, đành phải đi chung với Ngân trên chiếc xe đạp "cà chớn" của cô bé.  Chiếc xe đạp này đã hành tội tôi cho bỏ cái tật lười biếng,  nó cứ sút dây sên cho tôi tha hồ gắn và mệt bã mồ hôi bởi chở cô bé đàng sau…

 

-Nó cứ tuột xích hoài!  Thế mà chú Tư sửa cũng không được.  May mà mới thay cả bộ săm lốp…

 

-Phải thay bộ dĩa, líp mới được. Răng dĩa,  líp mòn, nhọn hoắc,  dây sên thì dãn quá rồi…

Thấy tôi khá vất vả với chiếc xe,  Ngân nói như phân trần, tôi vừa thở dồn vừa phàn nàn. Tới trường, các lớp đã tập trung xong và đã bắt đầu đi ra đồng.  Mới rời sân trường,  học sinh còn đi thành hàng một theo lối mòn, ra được một đoạn,  đã chia ra làm nhiều nhánh đi theo trên các bờ mẫu của những thửa ruộng lúa đã lên xanh.

 

Cánh đồng lúa hai vụ được bao bọc bởi con đê nhỏ đang phơi mình trắng bạc làm thành một đường viền xinh xắn tựa như da con trăn khổng lồ chuẩn bị lột thay da.   Những ô đất đã sạ giống xong,  có miếng đã lên xanh, có miếng vừa xam xám đất, những ô đất người ta đang dọn cỏ, đắp bờ, nước còn trắng xóa. Những bờ mẫu mới đắp còn ướt rượt, láng lẩy bùn non và thẳng tắp tạo nên những ô đất vuông vức. Những thềm đìa có che những túp lều, những mái trại để nghỉ ngơi, ăn cơm và chứa nông cụ chỉ lớn cỡ bằng manh đệm trải ra. Những đôi bò bê bết bùn đất, cặp thì kéo bừa,  cặp thì kéo trục, quần quật đi dưới ngọn roi người điều khiển. Tiếng máy bơm nước sình sịch ở những ô đất thấp hơn nước ra để sạ giống đồng loạt với những miếng lân cận. Tiếng hét giục bờ và có cả tiếng roi quất…

 

tiếng la của bác nông dân nào đó răn đe tụi học trò đi sụp bờ mẫu mới đắp của mình. Tiếng gọi nhau ơi ới, tiếng cười hô hố, quái đản của tên nào đó nổi hứng bất chợt và có cả tiếng hợp ca hào hùng: "Nào anh em ta…" của nhóm học trò xem lao động như ngày hội. Những nơi đất cao, bờ mẫu cứng thì tụi tôi đi ở trên, chỗ nào thấp thì đi dưới nước. Nơi ngập tới mắt cá, nơi ngập tới bụng chân, có đứa sụp rãnh, lỗ chân bò v.v…chới với té nhào, văng bùn đất tứ tung…

Tổ hai của tôi hôm nay vắng mặt Đào, còn hiện diện bảy nam, một nữ, lại là nữ thủ trưởng tôi thấy ngay cả Dũng tổ phó của tôi cũng làm cho có, chẳng chút nhiệt tình, chẳng hề phấn khởi. Ngân phải gương mẫu, nhỏ nhẹ động viên thúc giục khéo léo không dám để chạm tự ái các chàng. Đứa thì xắn đất, đứa thì bê đất đắp vào vị trí  được định vị bằng  hai sợi dây căng thẳng mà lớp đã phân công làm bờ mẫu, đứa vét đất bùn tô lên cho bờ mẫu được láng, cao .

Thái chạy lăng xăng chút chỗ này, chút chỗ khác nơi thì kêu sửa chút chút, nơi thì ngợi khen,  nhè nhẹ động viên với tư cách của nhà lãnh đạo.

 

Đang đào đắp, tôi nghe tiếng hét: "Minh…đất…" vội quay lại và kịp thời nghiêng mình tránh một tảng đất bùn do Nguyên quăng tới. Trời xui đất khiến, ngay lúc đó, Ngân ngồi ngay hướng đất bay tới và ngẩng đầu lên để hứng trọn tảng đất bùn vô mặt. Cả bọn sững sờ, Nguyên chạy tới với gương mặt tái mét và bị tôi gạt phăng ra. Thái cũng đã chạy tới và chống nạnh, lên lớp bài chính trị về ý thức lao động cho Nguyên nghe. Tôi lôi tay Ngân đi theo mình đến cái đìa lục bình gần đó, Ngân dùng dằng không muốn đi, toan quỳ xuống vốc nước dưới chân để rửa mặt.

-Sình không đó, bộ muốn đui hả, đi theo tui…Không chịu đi theo, tôi nhấc bỗng bồng đi à …

Ngân chẳng nói gì được và nghe các bạn nhao nhao giục bước theo tôi nên riu ríu bước đi. Bỏ mặc công việc và phận sự ở đó cho Thái, Dũng điều hành, tôi đưa Ngân đến cái đìa nho nhỏ, vẹt lục bình ra một khoảng trống để cho Ngân gục mặt xuống rửa. Tôi đưa tay kỳ cọ gương mặt tròn tròn của Ngân mà chợt nhớ đến vết nhớt bẩn bám trên ấy hôm khai giảng và lòng bỗng thấy xôn xao cảm giác kỳ lạ. Ờ, có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời tôi nắm tay con gái,  lại còn kỳ cọ trên gương mặt bầu bĩnh dễ thương này . Gương mặt cô bé sạch dần, miệng phun phèo phèo nhưng hai mắt còn nhắm cứng, tôi bảo:

 

-Sao không mở mắt…

 

-Đau rát quá Minh ơi…

 

-Đau gì cũng phải chịu. Bộ muốn đui hả? Gục mặt xuống nước, cố mở mắt ra nheo nheo, chớp chớp, đảo tròng qua lại cho bùn nó ra, để lâu nhiễm trùng à…

 

-Nhưng…nhưng cay quá, xốn quá mở không được.

 

-Không hả…chưa dứt lời, tôi rửa tay và vạch mắt cô bé ra. Bùn đất quỷ quái gì mà chui tọt vào đôi mắt ti hí này được chứ, nó có bao lớn đâu. Nhưng khi vạch mắt cô bé ra tôi mới hết rủa thầm và kéo nhẹ ngón tay lấy bùn hai bên khoé ra.

 

-Hết chưa, sao không mở mắt ra ?

 

-Còn…còn ở bên trong cộm lắm.

 

-Đảo mắt qua trái, qua phải…Ờ…ờ thấy rồi, mà nó nằm tuốt bên trong…Ngân gục mặt xuống nước mở mắt ra chớp chớp vài cái xem.

 

-Cũng không hết, chắc mù quá…

 

-Tầm bậy…sợ mù sao không khóc đi cho nước mắt trào ra cuốn đi bùn đất. Đâu coi…nó nằm tuốt bên trong, phải có cái khăn tay…vạt áo tui đưa vô là đui thiệt à. Ngân vạch mắt ra, tôi xem có gì khều được…

 

Hai tay  Ngân đang vạch mí mắt, nghe tôi nói vậy vội trả lời.

 

-Khăn hả? Trong túi của Ngân có, Minh lấy đi.

 

Tôi thò nhanh hai ngón tay vào cái túi áo không cài nắp trên ngực của Ngân nhưng không thấy gì cả chỉ thấy người mình bừng bừng lên cảm giác xấu hổ bởi cái mà hai ngón tay chạm phải. Lạy trời, lần này tôi nhẹ nhàng gắp cái khăn ở bên túi kia ra, không chạm cái gì …hết. Tôi cẩn thận lấy bùn đất ra khỏi mắt Ngân với tâm trạng không còn vô tư như lúc đầu nữa nên bàn tay cứ run run. Lạy chúa, con không hề có chút tà tâm, không có ý lợi dụng, con là kẻ vô tội…

 

-Hết cộm rồi, còn xốn xốn một chút. May mà Ngân không mù…nếu mù, Ngân bắt Minh dắt đi ăn xin.

 

-Bậy nữa…Mù thì bắt tội thằng Nguyên, tui có tội gì…

 

-Ô…Tại Minh né để trúng Ngân…cô bé nhìn tôi nheo nheo đôi mắt nhỏ rí, đỏ hoe và cười tươi khoe cả cái răng sâu đã nhổ mất để lại một "cửa sổ ra cửa sổ".

 

Sau khi lao động xong, tôi chở Ngân về trên chiếc xe đạp quái ác và theo kinh nghiệm của cô bé là không nên đạp tròn vòng để bị tuột dây sên, tôi cà nhắc cà nhắc mà lòng không thấy bực nữa. Nhưng, dù có thích chạy chậm, cũng phải tới nhà. Tôi mượn xe cô bé để về nhà mình ăn cơm. Trong tôi đang nảy lên ý định tốt đẹp khi nhớ lại bộ giò dĩa, sên líp của chiếc xe đạp mình mới thay ra hôm nào. Có lẽ tận dụng lại vẫn còn tốt hơn xe của Ngân nhiều.

 

Chiều đó tôi mang xe đến để trả cho Ngân với tâm trạng phấn khởi vì vừa làm một việc có ích. Rõ ràng, căn bệnh quái ác của chiếc xe Ngân đã hết. Nhưng, khi đến nhà chú Tư, tôi thấy Thái đang ngồi nói chuyện với Ngân trước hành lang, trong tay Thái đang cầm một chai thuốc nhỏ mắt. Tôi không khoái anh chàng này bởi mỗi khi gặp anh ta là y như tai của tôi ngứa ngáy. Tôi gật đầu chào theo phép lịch sự, dựng xe của Ngân vào vách nhà và thản nhiên dắt xe mình ra. Chiếc xe của tôi cũng đã được bơm căng phồng hai bánh. Tôi ngượng ngùng bước đi, Thái gọi giật giọng:

 

-Đi sao Minh, ở chơi đã…Hú hồn phải không? Rõ là đùa nghịch vô ý thức, chút xíu nữa có ân hận cũng không được.

 

-Ngân có mù, tui nuôi suốt đời, ông khéo lo…

 

Tôi nói nửa đùa, nửa tỏ thái độ không vui với Thái vì anh ta nói chuyện mà cứ như đang khiển trách tôi vậy.

 

Tôi ra về trong tâm trạng bực bội lạ kỳ. Đi ra, đi vô không biết làm gì, tôi ra thăm ruộng mà hồn để đâu đâu, chả biết có chỗ nào đọng vũng không? Tôi lại quay vô trại, toan mở tập ra xem bài ngày mai mà cũng chẳng muốn đọc. Hình như cơ thể của tôi đang bão hòa mọi nhu cầu, hay quá mỏi mệt. Mỏi mệt sao không muốn nằm nghỉ. Tôi nhớ lại cảm giác khác lạ khi mình kỳ cọ rửa đất bùn trên gương mặt bầu bĩnh của Ngân, nhớ cảm giác  xấu hổ khi hai ngón tay mình chạm vào áo ngực của Ngân. Hình như…hình như tôi đang chờ cái gì mà mắt thỉnh thoảng cứ nhìn cây cầu ván nối liền hai bờ con rạch nhỏ…

                                             

***

 

Thi học kỳ xong, mỗi lớp phải làm một tờ báo tường mừng xuân. Xong thời gian học quân sự, trường sẽ sơ kết học kỳ, có tổ chức cắm trại thi đua các mặt. Thái đã ra lệnh bắt buộc mỗi người phải đóng góp một bài, ai không nộp sẽ bị hạ điểm đạo đức…Ban biên tập gồm Thái, Ngân và Đạt. Thái chịu trách nhiệm chung, Ngân coi nội dung và Đạt lo trang trí hình thức tờ báo.

 

Tuy rất thích các hoạt động mang tính chất sinh hoạt Văn học nghệ thuật như thơ, văn, đàn, hát nhưng tôi ghét cái giọng bắt buộc của Thái nên cắt một bài sưu tầm dài thượt về nguồn gốc tết Việt Nam và các tục lệ v.v…trên một tờ báo Văn nghệ nộp cho lớp.Đến khi gom bài biên tập, tôi nghe Ngân than.

 

-Minh ơi!Anh Thái bảo Minh có làm thơ sao Minh không nộp thơ, lại đưa sưu tầm. Cả lớp mình chỉ có bài thơ của Thái, bài tùy bút của Ngân, còn lại toàn là chuyện vui, chuyện ngụ ngôn, sưu tầm v.v…Minh lựa một bài thơ nào đó đưa cho báo tường của lớp đi.

 

-Nộp gì nữa?  Minh đã thực hiện đúng chỉ tiêu của lớp đề ra, ông Thái không bắt lỗi gì được đâu "Bổn phận sự và trách nhiệm vụ của một người học sinh dưới mái trường Xã hội chủ nghĩa, học trong lớp 11C này là phải có một bài"…Tôi đã làm đúng như lời Thái dạy rồi mà…

 

-Minh…hình như có…thành kiến gì với Thái. Minh bỏ qua tất cả mà nhiệt tình cống hiến cho lớp…

 

-Cống hiến…Ôi chu choa…cao cả quá, vinh quang quá thế mà tớ chẳng biết đấy…

 

Tôi nhại giọng Bắc ngạo Ngân, cô bé không giận mà còn dai.

 

-Ô…Minh cứ nhại con bé Bắc Kỳ này nhưng phải vui vẻ cho Ngân xin một bài thơ nha. Anh Thái bảo, Minh làm thơ hay lắm mà…tại Minh không nhiệt tình.

 

-Anh Thái nói, anh Thái bảo, anh Thái muốn, sao anh Thái không làm đi? Tôi phát quạu khi nghe vậy- Làm thơ mà cứ ngỡ như làm lớp trưởng, muốn làm có nhiệt tình là được…Bởi vậy thơ mới chẳng ra thơ, vè chẳng ra vè, văn tế chẳng ra văn tế đó…Ờ, tôi không nhiệt tình đó, anh Thái làm gì tôi nào.

 

-Xem đó…Ai đã làm gì mà anh bốc lên thế? Anh hùng hổ ngay cả với Ngân như vậy à?

 

-Ừ…tôi cộc cằn lỗ mãng, tại tôi không ưa nhìn thiên hạ luôn tỏ ra ta đây hơn mọi người. Ta là Đoàn viên ta hơn hẳn bạn bè mọi mặt và ta có trách nhiệm kềm cặp, giáo dục như cha mẹ lo dạy bảo cho con cái…thì có giỏi giáo dục cái thằng thiếu nhiệt tình này đi…

 

Ngân mở to đôi mắt nhìn tôi trâng trâng. Anh mắt đó vừa ngạc nhiên, vừa vời vợi niềm thông cảm ngọt ngào. Tôi bỗng thấy mình nổi nóng không đúng lúc, đúng người. Ngân đối với tôi nào có gì quá đáng…Nhưng lỡ rồi. Có như vậy…Ngân mới hiểu tôi hơn.

 

-Xin lỗi Minh nếu như Ngân có làm gì đó để Minh giận. Thật ra, chuyện tờ báo tường, Ngân lo là lo cho tập thể…Hay, người ta khen cả lớp chớ có khen riêng cá nhân Ngân đâu.

 

                                 *          *         *

 

Mấy ngày cuối cùng của đợt học quân sự, trong khi cả trường sôi nổi chuẩn bị hội thao thì Ngân, Đạt cũng gấp rút lo cho tờ báo. Ngân, Đạt và Thái trưa không về nhà, chiều còn nán lại đến sụp tối mới về.

 

Một bữa, tôi tò mò hỏi Đạt tình hình làm tờ báo, người chịu trách nhiệm khá quan trọng cho chất lượng tờ báo tường của lớp. Đạt có nét của một họa sĩ ngay từ những ngày còn học cấp một khi thực hiện những bài tập thủ công, môn vẽ. Ngoài ra, nó còn một năng khiếu khiến bạn bè cùng trang lứa khâm phục, thầy cô quý mến: Đó là khả năng âm nhạc. Giọng hát của Đạt rè rè chứ có gì thu hút người nghe, nhưng đôi tay của Đạt đặt lên cây đàn ghita tạo nên những âm thanh mê hoặc hồn người. Không riêng gì với loại ghita tân nhạc mà với loại đàn ghita phím lõm dùng cho cổ nhạc Đạt cũng sử dụng một cách thành thạo đủ mọi bài bản của một nghệ sĩ đàn cổ. Đôi bàn tay tài hoa ấy cũng đã từng đánh trống, chơi đàn cổ, đàn nhị và như có ma lực nếu gặp phải một loại nhạc cụ nào đó. Nó còn có thể phù phép chơi nhạc cổ trên cây ghita tân nhạc mà người nghe cứ tưởng đang chơi trên cây đàn phím lõm…như một phù thuỷ.

-Làm thì làm chớ không có hứng. Báo tường mừng Xuân gì mà toàn là sưu tầm với chuyện vui. Có được bài thơ văn tế…của Thái và bài tuỳ bút của Mai-ka…Mày làm sao mà khi nhắc đến mày là cô nàng buồn buồn…

 

-Ai mà dám động đến các nhà "lãnh đạo"…mậy.

 

-Sao mày không đưa bài thơ "Đông Xuân " bài đó được và cũng hợp với chuyện lao động trong nhà trường mình. Còn bài sưu tầm gì mà dài quá, chép y nguyên thì chiếm hết tờ báo, cắt đi thì không đầy đủ nên gác lại rồi…Mày giận tụi nó à, sao không sung như năm ngoái…

 

-Tao ghét…để cho tụi nó lo…

 

-Ghét ai? Mai-ka à? Xạo…

 

-Không…tại tao…tao bất mãn…

 

-Bất mãn gì! Đưa bài thơ "Đông Xuân " cho tao…tờ báo của cả lớp chứ của riêng đứa nào…

Chiều đó, tôi bắc ghế ra ngoài hiên ngồi đàn và hát một mình. Gió lay khe khẽ những tàu lá chuối, man mát lướt trên da thịt tôi và lòng nghe khoan khoái. Tôi cảm thấy tự ái được ve vuốt phần nào nên bớt bứt rứt. Giỏi sao tụi nó không bắt buộc mọi người " giết văn-mần thơ "để có bài hay mà đăng trên báo tường của lớp. Hứ, còn lâu tôi mới đưa bài thơ ấy cho tụi nó. Để lúc báo làm xong tôi sẽ cho Ngân và Thái đọc bài thơ này chơi, mới biết tôi ra sao. Hừ…phải có ai quen ở tờ báo tỉnh mình gởi bài thơ này cho họ sửa chữa giúp và đăng trên ấy mới đã…Tôi trở vô nhà, lục quyển sổ chép thơ của mình ra và đọc lại bài thơ đã làm hôm lao động ở trường. Nghe cũng hay quá đi chớ. Có mấy chữ còn hơi gượng gượng một chút nhưng sẽ tìm được chữ khác thay vào…Hai câu kết này như vậy là được rồi, lạc quan, phấn khởi quá, thơ chớ phải văn xuôi đâu mà phải nói huỵch toẹt hết ý ra. Tôi nhẩm đọc lại bài thơ :

 

Nước rút

Con đê uốn mình phơi nắng

                 Như một đường viền xinh xắn

Trên cánh đồng:

         Những ô nước trắng, ô cỏ xanh…như áo hoa.

         Những cái chòi, cái trại…mọc nhanh xa xa

          Tiếng hét giục bò bước

          Tiếng máy bơm nước giòn vang

                                  Đuổi kịp mùa màng

Từng đàn cò trắng, cò ma…đến hôi tép cá

Những bờ mẫu con con ra đời vội vã

Những tấm lưng khom khom, ai đào đất, đắp bờ

Những đôi bò

             bê bết bùn đất

                         kéo cày, kéo bừa, kéo trục…quần quật

Đất cày lật lên, bừa nhỏ, trục phẳng lì.

Người nông dân-chân đi

                             Cùng nhịp với cánh tay vung lên quăng hạt giống

Lúa đã ngâm- ủ- nứt nanh- đâm mộng

                                              chui mình dưới lớp bùn

                                          để rồi , bật tung

                         xám đất.

Đẹp nhất

             Khi lúa lên xanh

      Thành

              Ao mới

Khoác lên mảnh đất quê hương

Cho lòng người- phấn khởi…"

 

Đang mải mê với câu chữ của mình, tôi bất giác phát hiện ra có người đứng phía sau lưng nên vừa quay phắt lại vừa đứng lên. Và, tôi hết hồn , cùng với tiếng kêu "Ai…ái…" là cảm giác ngượng ngùng ập đến trong tôi khi mặt mình chạm phải khuôn ngực của Ngân đang nghiêng người nhìn trộm công việc của tôi.

 

-Minh xấu quá nha. Nhà thơ mà giấu tài nha…

 

-Đâu có…Đưa đây…sổ tay chép thơ mình thích mà…Tôi chống chế một cách vụng về và toan giật lại quyển sổ mà Ngân vừa chộp lấy. Nhưng không hiểu sao tôi lại không phát cáu lên được trước hành động của cô bé. Có lẽ, hai tiếng "nhà thơ" đã mê hoặc tâm lý tự cao của con người mình rồi.  Tôi thấy cũng chẳng cần thiết phải giấu diếm gì nữa!

 

-Đạt nói bài thơ "Đông xuân " của Minh; đúng là bài này rồi. Báo còn chừa chỗ để chép bài này đấy. Ngân tuyên bố tịch thu, tác giả có tức cứ kiện, cứ mắng con nhỏ này…hì hì…

 

Tôi làm sao mà tức  giận được cô bé đứng trước mình đang hớn hở như bắt được của một cách hồn nhiên như thế kia chứ. Ngân đưa tay vén mái tóc ra sau lưng để lộ đôi má lúm đồng tiền trông mới ưa nhìn làm sao!

 

-Ừ…lấy thì lấy, ai hơi đâu giận, hơi đâu tức cô tổ trưởng dai như đỉa…Mà dở thì đừng có chê à.

 

-Hay hay dở rồi sẽ được đánh giá…hì hì…miễn có người dai, lì năn nỉ xin bằng được là sướng quá.

 

Nói xong cô bé quay người đi ngay không thèm từ giã. Tôi ngẩn ngơ nhìn, toan giữ Ngân lại, nhưng không tìm được cái cớ gì để lên tiếng, đành lặng im nhìn theo bước chân khuyên của Ngân. Bước chân đã nhẹ nhàng đi vào hồn tôi, cho tôi bao ước mơ của thời mới lớn. Bước chân đã làm tôi lớn lên; cho tôi biết chờ mong, biết nhớ thương, biết hờn ghen. Bước chân đã xa rồi mà sao lòng tôi còn  mãi xôn xao.

Chương : 1    2    3   4    5    6   
Mai Bửu Minh
Số lần đọc: 1408
Ngày đăng: 23.07.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cùng một tác giả
Hắn và tôi (truyện ngắn)
Hồng Sa Mạc (tuyển truyện)
Ngoại tình (truyện ngắn)
Ông Hai Thủ (truyện ngắn)
Đêm khó quên (truyện ngắn)
Nổi đau (truyện ngắn)