Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.408 tác phẩm
2.747 tác giả
553
116.838.550
 
Thời áo trắng
Hoàng Mai Quyên
Chương 11

Thế rồi lớp tôi đã vắng cô đến hai tuần. Mặc dù đến tiết văn của cô có cô khác dạy thay nhưng chẳng hiểu sao bọn tôi vẫn thấy thiếu thiếu điều gì đó. Cái cảm giác một ngôi nhà thiếu vắng đi người cha, người mẹ có lẽ là cảm giác chung của bọn tôi. Tuần đầu vắng cô bọn con trai khoái nhất. Chúng mặc sức quậy phá mà chẳng sợ ai trừ điểm đạo đức cả. Ngay tuần đầu ấy, lớp tôi đã bị nêu tên trong buổi sinh hoạt dưới cờ vì tội mười mấy bạn cúp tiết leo rào trốn ra khỏi trường. Khi bị cờ đỏ ghi tên, "bọn ác" còn trách móc nhau :

 

- Chỉ tại thằng Tấn mập. Cái thân bự như voi của nó quá nặng nên leo rào chậm rì hà. Nếu không đâu có bị bắt như vầy.

 

Thằng Tấn cũng không vừa, sừng sộ quay lại cự:

 

- Tao đã vạch kế hoạch đi ra bằng cổng chính đàng hoàng mà tụi bay không biết che chắn con nhỏ cờ đỏ nên mới bể phải leo rào…

 

Thôi thì đủ thứ lý do và lập luận để đổ lỗi cho nhau. Ngay cả những trò chọc phá nhau không thể tưởng tượng được cũng xảy ra ở lớp tôi. Số là thằng Hiền có tánh hiền như con gái thế mà bữa nọ cũng đành bỏ tiết ra về. Lý do quái chiêu đến nỗi lớp trưởng Hiệp không thể báo cáo được giữa lớp. Sau này tôi mới biết Hiền bị mấy đứa bọn ác lén lấy hộp quẹt đốt đít quần.

 

Cuối cùng điểm hẹn của cả bọn là ở văn phòng của thầy giáo vụ. Mỗi đứa vừa phải viết bản tự kiểm, bị thông báo về gia đình vừa bị phạt phải quét sân trường. Điểm thi đua của lớp tôi tuột dốc thảm hại khi đứng hạng chót toàn trường. Đến tuần hai vắng cô, trong tiết tự sinh hoạt, thằng Thịnh "mỏ vịt" đứng dậy la làng :

 

- Không ai la rầy buồn quá ha các bạn.

 

Bọn con trai hưởng ứng bằng nhiều giọng cười quái chiêu nhất. Tuy vậy, cả lớp đều cảm thấy thiếu vắng người cô đã từng theo sát bọn tôi trong từng hoạt động. Mỗi khi sinh hoạt dưới cờ, nghe lớp đạt thành tích cao bọn tôi đều hướng về cô với nụ cười rạng rỡ. Còn mỗi khi lớp bị phê bình điều gì đó, ánh mắt buồn rầu của cô lại nhìn về phía lớp và bọn tôi đọc được trong đó bao điều lo lắng. Còn bây giờ, mỗi tiết sinh hoạt vắng cô, bọn tôi không biết san sẻ cùng ai. Đến lúc này tôi mới hiểu vị trí quan trọng của cô chủ nhiệm đối với lớp như thế nào. Đến đầu tuần thứ ba, thằng Thịnh "mỏ vịt" vừa bước vào lớp đã la lớn như lệnh vờ:

 

- Tin đặc biệt đây, tin đặc biệt đây vừa nói nó vừa quơ quơ tờ báo "Tuổi trẻ chủ nhật" trên không trung. Tính hiếu kỳ khiến cho bầu không khí đại náo của lớp tôi im lặng. Sau một hồi tằng hắng lấy giọng, thằng Thịnh mới chịu "bật mí".

 

- Trong tờ báo này có đăng bài của cô mà cái quan trọng là cô viết về tụi mình. Các bạn có muốn nghe không? Tựa bài là " Những nốt nhạc xanh ".

 

- Đọc đi, đồ cha già ó đâm, màu mè hoài.

 

Tiếng ai đó la lối. Chờ cho lớp im lặng Thịnh mới chịu đọc bài báo thì ra trong những ngày dưỡng bệnh, khi vết thương ở tay đã lên da non, cô tôi đã cầm viết để ghi lại những cảm xúc của mình khi chứng kiến những tình cảm thật xúc động của học trò đối với mình. Trong bài viết có đoạn nói về những giọt nước mắt của học trò khi thấy cô bị phỏng có những keo thuốc, những cọng lông gà mà lũ học trò đã đội nắng đi tìm. Và có cả tấm lòng của những học sinh cũ khi họ đã vượt qua hàng trăm cây số trở về thăm cô trong một vài tiếng ngắn ngủi rồi lại trở lại trường học. Cô gọi những tấm lòng ấy là những nốt nhạc xanh vang lên từ cuộc sống để tiếp nối mãi bài ca sư phạm mà cô và bao đồng nghiệp đã chọn.

 

Mắc cười nhất là khi thằng Thịnh đọc đến đâu, lớp tôi lại có người đứng lên ưỡn ngực tự nhận " tui đó, cô viết về tui đó". Ngay cả đoạn cô viết về các anh chị sinh viên vượt qua bao cây số về thăm cô cũng có đứa đứng lên vỗ ngực " Tui đó tui đó… ". Chỉ đến khi có đứa la lên "Mày có là sinh viên đâu mà nhận tao đó, tao đó" thì người đó mới chịu ngồi xuống trong tiếng cười rần rần của bạn bè.

 

Rồi cô tôi cũng tới lớp được qua ba tuần dưỡng bệnh. Ngày cô trở lại trường, không chỉ lớp tôi mà một số học sinh các lớp khác cũng đổ xô đến cổng trường đón cô. Đứa nào cũng tranh nhau ngắm nghía khuôn mặt của cô và đều ngạc nhiên thốt lên :

 

- Ua, mặt cô không hề có cái thẹo nào cả.

 

Cô cười thật hiền khi lý giải :

 

- Chính sự quan tâm lo lắng của các em đã lấp đầy những vết thương để cô mau lành bệnh đó.

 

Chúng tôi đón cô về lớp giống như bầy con đón người mẹ đi xa trở về. Đứa thì nắm tay, đứa thì líu lo bao chuyện vui buồn. Kể cả chuyện các bạn leo rào bị bắt phạt, chuyện Hiền bị đốt quần rồi lớp bị xếp hạng chót. Có lẽ không muốn để cô buồn, Hiệp lớp trưởng đã khỏa lấp bằng tin vui mới nhận được :

 

- Cô ơi, lớp mình có tin vui về học sinh giỏi đó cô.

 

- Ua, ai đạt được học sinh giỏi cấp tỉnh vậy ta?

 

Giọng nói của cô đầy ắp niềm vui. Và khi biết tôi đạt giải ba học sinh giỏi môn Văn, Hiệp đạt giải ba môn vật lý cô cứ vuốt mãi mái tóc dài của tôi mà khen ngợi :

 

- Khá lắm, giá như cô không bị phỏng thì còn bồi dưỡng thêm cho em được.

 

Tôi chỉ còn biết ấp úng :

 

- Dạ, cũng nhờ cô dạy bảo cho em. Nếu cô không dạy em cách đọc sách và đọc thêm những bài lý luận văn học thì có lẽ em cũng không đạt được giải này.

 

Cô bước lên bục giảng và lời lẽ của cô nghe sao thật ân tình, ấm áp :

 

- Cô rất vui trước kết quả học tập của các bạn Mai và Hiệp. Thành tích này không phải ngẫu nhiên mà có được, mà nó là kết quả của sự cố gắng, nỗ lực của hai bạn trên đường học vấn. Cô đã nhiều lần nói với các em, con đường học vấn là con đường chông gai khó nhọc nhất. Để đạt đến đích, con người phải phấn đấu hết sức mình. Và khi đến được bến bờ rồi, người thành đạt ấy đựơc ví như những người tài, những bông hoa của đất. Bạn Hiệp thì các em đã biết rồi, gia đình cũng khó khăn đơn chiếc. Bạn vừa học vừa làm phụ tiếp gia đình thế mà bạn vẫn học giỏi đo là nhờ ý chí của bạn. Trong lớp mình có nhiều bạn có hoàn cảnh gia đình khá hơn nhưng không có ý chí, không có nghị lực nên đã sống những tháng ngày vô ích. Những tiết trống, thay vì leo rào trốn ra ngoài, thay vì đốt quần nhau, các em cùng nhau giải những bài khó thì hay biết bao. Cuối năm, nếu như vì học lực kém mà một số em bị cấm thi tốt nghiệp thì đã là điều đáng buồn nhưng có những em bị cấm thi vì đạo đức loại yếu thì đó là một nỗi đau lớn cho các em và gia đình. Cô không muốn lớp mình sẽ có bạn bị cấm thi tốt nghiệp vì đạo đức yếu cả. Vài năm nữa đây, khi đã bước vào đời, sẽ có lúc các em tiếc nuối những năm tháng rong chơi vô ích này. Cô nhắc lại lời của nhân vật Pa ven Coócsaghin trong tác phẩm " Thép đã tôi thế đấy" để tặng các em làm hành trang trong cuộc sống " Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những tháng ngày đã sống hoài sống phí… ".

 

Cả lớp tôi im lặng.Chẳng biết bọn quậy ở xóm nhà lá nghĩ gì và thấu hiểu điều gì nhưng sự im lặng ấy như một dấu hiệu để minh chứng tâm hồn của họ đang cố gắng vươn lên những điều chân, thiện, mỹ.

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9    10    11   12    13    14    15   
Hoàng Mai Quyên
Số lần đọc: 1403
Ngày đăng: 15.11.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ai làm được - Hồ Biểu Chánh
Thời áo trắng - Hoàng Mai Quyên
Chuyện tình nhà thơ lớp - Mai Bửu Minh
Cùng một tác giả
Thời áo trắng (truyện dài)