Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
697
116.729.532
 
Khóm chua
Nguyễn Thanh Xuân

Trên bìa cuốn tạp chí kỷ niệm 10 năm thành lập huyện Tân Phước có hình thiếu nữ cười rạng rỡ, tay cầm quả khóm bổ đôi chào mời du khách. Màu vàng tươm mật, thứ hương mật chắt ra từ đất Đồng Tháp, nơi túi phèn tích tụ hàng vạn năm. Điều kỳ thú đẹp như bài thơ chưa chép thành vần. Anh bạn nhà báo tỉnh cùng đi rất háo hức khi nhìn những liếp khóm xanh đậm, xếp đều đặn như đội ngũ của quân đoàn tinh nhuệ thiện chiến thọc sâu vào vùng đất - trận  địa dữ dội.

 

- Ở thành phố, nghe nói Đồng Tháp, mình cứ hình dung cánh đồng hoang vắng, có tiếng gió đồng, bìm bịp gọi nước… nào ngờ được chạy trên đường nhựa láng bong, ngắm cánh đồng đẹp như mộng thế này!

 

Tiếng anh Bình loáng thoáng vì xe chạy nhanh, vì tôi đang ngỡ ngàng trước những ngôi nhà hiện đại hai bên đường. Nhờ trái khóm mà dân ở đây giàu có, sắm xe máy, nuôi con học đại học. Dừng xe lại quán nhỏ, nếm miếng khóm vừa thu hoạch của chủ vườn, tôi hỏi Bình:

 

- Anh thấy khóm ở đây thế nào?

 

- Trái to, ngọt đậm hơn những vùng đất cao. Tại sao đất nhiễm phèn mà cây khóm lại "chịu kết" dữ vậy ha?

 

- Thì chính cái chua của đất mà khóm càng ngọt dữ chứ gì nữa?

 

- Chú nói giỡn hoài. Dân phố lại dạy học, tán thơ văn, biết gì cây với đất mà đoán mò?

 

Tôi mỉm cười không tranh cãi với anh. Hai chúng tôi đến ngã năm Hoàng Gia (Bắc Đông), nơi có ngôi nhà của tôi dựng cách đây gần 20 năm nghỉ lại một đêm để thấm hương vị của Đồng Tháp. Chẳng phải bỗng dưng khóm ngọt vậy đâu? Nó đã từng bao chua chát người tôi đấy. Hôm nay, tôi trở về chứ đâu phải khách viếng thăm...

 

                                                  *

 

Tôi đi khẩn hoang bởi nhiều lý do. Đồng lương giáo viên còm cõi, khát vọng đổi đời đã gọi tôi về Đồng Tháp. Đất hoang mênh mông, bằng phẳng. Tôi như con ngựa non tung vó nơi thảo nguyên bạt ngàn. Sức trẻ, đất mới. Một điền trang cây trái ngọt lành cứ ám ảnh giấc mơ tôi. Công việc đầu tiên là đào bờ bao, xác định ranh giới, trồng bạch đàn, làm kinh xả phèn. Hơn 10 ha toàn tràm mù, cỏ năn, cỏ mờm, chỉ có cách khai thác dần dà kiểu tằm ăn dâu mới xuể. Ông Năm Hoàng Gia, người sống ở đây kỳ cựu, dặn dò những cư dân mới:

 

- Trước hết, cứ săn chuột, rắn, bắt cá, đốn củi bán lấy tiền mua gạo, nước mắm, dầu thắp. Sau đó, lên liếp trồng mì, khoai mỡ. Lúa thì đừng mong... Người nào trồng được lúa, qua cho đặt lên lưng mà nấu.

 

Ông có danh ở đất này - ngã năm ở đây mới có tên là Ngã Năm Hoàng Gia. Tám đứa con của ông sinh ra và lớn lăn tự nhiên và khỏe mạnh như tràm mù. Da rám nắng đỏ nâu màu đất, chưa biết đến chữ ''thuốc'', ''nhà thương'' là gì. Cảm ư? Nhảy ùm xuống tắm nước phèn là hết cảm. Rắn hổ ư? Cho tay vào bao chộp nhanh, bắt sống đem về trong khạp làm thịt dần. Còn chuột bắt được bẻ cổ cho vào túi quần. Tôi chẳng thể làm như thế. Phải canh tác ổn định lâu dài chứ? Nhưng trồng cây gì mới được. Đến nông trường Tân Lập, Nguyễn Văn Phùng, thấy người ta trồng khóm mà phát ham. Khóm dễ trồng, chịu phèn, chi phí ít, lời nhiều. Trái lớn gần một ký, giá trên ngàn đồng. Thu hoạch xong, có ghe từ Cần Thơ, Hậu Giang, từ Long An, thành phố Hồ Chí Minh đậu chờ sẵn, bao nhiêu cũng mua hết. Con giống thì cứ chịu khó vào liếp thu lượm, chủ bán rẻ vì mình giúp họ dọn dẹp cho trái mau lớn. Trồng ngay cũng được, nếu bỏ xuống đất ẩm dâm vài tháng sau trồng càng tốt. Con khóm có sức sống dẻo dai, chỉ cần hút sương mà vẫn xanh tươi, khỏi tưới nước. Gặp lụt, nhổ lên chờ nước rút, trồng lại cũng không sao. Nó chịu nước, chỉ khi nào ngập lâu, quá củ hủ mới thối. Gốc còn, sau vẫn nảy con mới. Thế là chúng tôi đua nhau trồng khóm. Ai cũng vui cười... chuyến này giàu to rồi. Vụ đầu cầm chắc cái Honda Nhật, thay cho cái xe đạp cà tàng. Vụ tiếp dành tiền xây nhà khang trang để định cư trên đất mới, thoát khỏi phòng tập thể nóng như rang. Lòng tôi phơi phới ngân nga: "Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương…". Có quyền mơ ước chứ sao? Ai cấm giấc mơ? Những ngày chủ nhật, đến thăm các chủ vườn khóm, ngồi trong nhà gạch bông mát rượi với kinh nghiệm chăm sóc xử lý khóm, với nụ cười rạng rỡ của họ truyền cho sức mạnh niềm tin. Thọc tay vào nhổ cỏ cho khóm, gai cào băm bét nhưng cũng chẳng đau. Tôi đang tự ru mình trong giấc mơ ngọt ngào của mùa khóm đầu tiên... Ôi, những trái ngọt trên đất phèn chua.

 

Chiều rải nắng vàng xuống dòng kinh xanh. Những chiếc ghe ầm ầm xé nước, tạo đường sóng trắng trào dâng vỗ oàm oạp vào đôi bờ lặng lẽ. Đất trời bao la, vời vợi. Những liếp khóm chạy dài xanh thẳm đẹp như tranh. Hiển hiện sự sống no ấm bình yên. Đất chẳng phụ người. Khóm chịu đất mới cứ tốt bời bời, lá chĩa lên như lưỡi gươm răng cưa, đẹp hào hùng như người lính xung kích, đi mở đường thoát vòng vây lẩn quẩn của đói nghèo lam lũ. Bạn bè quây quần bên chung rượu, với rắn bông súng nướng bằng cỏ năn bên bờ liếp. Họ chúc mừng tôi và chúng tôi chúc mừng nhau. Vài tháng nữa thôi, ước mơ thành hiện thực. Nhưng rồi mưa xối ào ào, nước về ngập trắng đồng. Nước nhấn chìm tất cả, một tháng mà dài vời vợi. Khóm chết ngợp, lá úa vàng rồi rũ xuống. Chưa có bờ bao, đành phó mặc cho trời. Gặp nhau, nụ cười gượng gạo và héo hắt. May mắn cho tôi. Nhờ gò đất cao, liếp lên hai lớp, khóm lại tốt nên vẫn còn quá nửa sống sót. Gặp phù sa mới bồi và chăm sóc cẩn thận, số còn lại xanh tươi mỡ màng. Xử lý bằng khí đá, mùa xuân khóm trổ bông đều chang. Bông khóm đỏ như ngọn đèn lồng hình chóp hài hòa với màu xanh thẳm. Lá như bàn tay êm ái đỡ bông dâng lên cao dần. Sáng chiều đều đặn và cần mẫn như con ong, tôi chắt chiu từng gàu nước tưới mát cho nó lớn nhanh. Thôi, ta lấy chất bù lượng. Trái to nặng ký chắc dễ bán cho thương lái khó tính? Trái chuyển sang màu lục, mắt khóm nở to da căng mọng nước. Hái thử trái đầu, bổ ra ăn đã bắt đầu vị ngọt. Thế nhưng lũ chuột đồng, khỏi cần mời, đêm nào chúng cũng kéo đến nếm thử vài chục trái. Chúng ăn rất khoảnh. Chọn trái to, khoét một 1ỗ nhỏ cỡ trứng gà, rồi bỏ sang xơi quả khác. Năm Hoàng Gia đến thăm và dặn:

 

- Đừng la to mà chuột giận, phá càng dữ đó nghe! Con cứ dọn sạch xung quanh liếp đi. Mai, cùng lấy em dẫn bầy chó sang săn đuổi, tìm hang bắt, vài lần là êm liền hà!

 

Nhờ có bạn bè với gia đình ông Năm mà tôi có mùa thu hoạch. Ở nơi này không có những người thương tình hỗ trợ quả là khó giữ được cái ăn. Lắm họa trời đến rình rập chả trách bao người đến hăm hở rồi lại bỏ ra đi...

                                                    *

 

Tháng sáu, những cơn mưa đầu mùa chợt đến. Sau cơn mưa, khóm chín rất nhanh. Trái phơn phớt màu vàng, chín từ cuống dần lên quả. Đã nghe trong gió hương thơm của khóm. Phải thu hoạch khi vừa chín bói nếu không thành rượu mất. Thời gian gom thành đống chờ thương lái, nó sẽ chín là vừa. Tôi được mùa, mừng xiết kể. Trái to đều, thịt ngọt. Không biết bộ rễ của nó thế nào mà chuyển từ đất chua thành vị ngọt lừ đến thế? Hái tặng bạn bè đồng khổ, tặng ông Năm và những đứa con ''sát chuột'' của ông. Ai cũng vui và quyết năm sau trồng khóm thay khoai mì. Những trái chuột khoét thì nấu canh chua làm mồi nhậu thả cửa. Những trái to đẹp chất đống chờ khách hàng...

 

Một ngày. Hai ngày. Cả tuần. Chẳng bán được cho ai. Chủ ghe xem xong, lắc đầu, chê này chê nọ. Họ có ngàn cái để chê, để ép giá.

 

- Cậu bán ký thì 400 đồng một ký. Đếm trái thì hai trăm đồng một trái. Tui mua hết cho. Đang mùa, chỗ nào cũng khóm cả, rẻ sình hà!

 

Đúng là đang mùa thu hoạch thật. Nhưng chẳng lẽ bán như cho vậy? Thì ra, họ ranh ma quá mức. Nơi tôi ở, xe đạp vẫn còn khó. Chỉ có độc đạo đường kinh, ghe thuyền là số dách. Không bán cho chủ ghe thì chỉ còn có cách... đổ xuống kinh Bắc Đông mà về!

 

Miệng ăn khóm xót rát, khô đắng quá! Ngày nào cũng khóm, nhìn đâu cũng khóm, nghĩ mà hãi hùng. Làm sao tống khứ đi cho rảnh nợ. Mấy ai học được hết chữ ngờ?

 

- Tui chịu bán cho chị đó!Nhưng cân đàng hoàng nghe? Không cù cưa đòi bớt bát nữa đâu đấy!

 

Bà chủ nghe mắt sáng rỡ. Trúng mánh, gặp đàn ông nóng tính, biết gì mua bán… Không thèm đếm, tôi nhét mấy trăm ngàn vào túi. Hai năm nai lưng làm hùng hục như trâu cày, kiếm được cỡ ba người vào ăn một quán cơm bình dân. Ngậm ngùi thương xót người đi khai hoang. Tự an ủi ''mình còn có bán chút đỉnh, bạn bè mất trắng thì sao?''

 

Chờ cái nắng tháng sáu bớt rát da thịt, nhét đầy ba bao chỉ xanh, ước chừng ba trăm trái, quyết chở về chợ bán thử xem có rẻ sình thế không? Cái xe cố sức cõng tôi và ba bao khóm, bò chậm chạp, tiếng kêu rin rít như lão già bị suyễn gồng hết công lực. Con đường đất gập ghềnh, cõng nặng nề bao kiếp người khốn khó đã từng qua đây. Cái đất này lạ lắm. Hễ mưa thì nhão nhoét trơn nhầy như bôi mỡ. Nhưng nắng lại rắn xanh như sắt nguội, đạp lên cắt vào chân như mảnh chai sắc. Nắng và gió bốc hơi phèn lên hơi ngồn ngột rất khó thở. Tóc cứng lại dựng đứng như rễ tre. Da khô, đen sạm, người già trước tuổi. Chỉ toàn đàn ông bám trụ, người đẹp chưa thể đến nơi này. Đã hàng trăm lần đi lại trên đường này, toàn đi trong đêm tối mù mịt. Nhớ đêm ba mươi tết, xong việc mới trở về trường. Ghé vào một ngôi nhà xin miếng nước, chủ nhà ân cần tiếp đãi, tiễn đi một quãng, đưa cho một bó nhang và dặn:

 

- Cháu đốt một cây cho đốm sáng kẻo người ta đụng mình thì nguy!

 

Vừa đạp xe, tôi vừa nhớ kỷ niệm đốt nhang rọi đường, Những vất vả ấy giờ đang thu gọn trong ba bao khóm này. Cố sức mà chở đến nơi mới được. Đến chợ Bà Bèo, ánh điện sáng trưng. Thế là được nửa đường ra quốc lộ, đến chợ Long Định là như khỏi lo. Nhưng hơn mười cây số còn lại quả là khó khăn: người ta đang làm lộ nhựa. Đường bị cày ủi nham nhở, có đoạn phải xuống đẩy bộ. Chạy được độ năm cây số thì xe gãy sườn. Trời tối thui, mồ hôi sũng ướt. Tiến lui đều không xong, biết làm sao? Ghé vào nhà dân mượn dao, chặt vài cành bạch đàn, bó lại sườn xe như kiểu kẹp sương gãy, buộc lại dẫn đi tiếp cho đến chợ Long Định. Không thể chở về tất cả chỗ khóm này. Tôi quyết định bán bớt cho nhẹ. Làm thầy giáo giờ đi bán dạo, quê dữ lắm nhưng cùng lối, biết tính sao? Có đám nhậu, tôi hỏi: "Mấy anh mua giúp ít khóm. Tôi lỡ đường, hư xe'". Họ lắc nguây nguẩy. Muối mặt, trở ra, gặp mấy chị tuổi sồn sồn, có chị đang mang bầu ngồi chơi, tán chuyện, cười rổn rảng.

 

- Mua khóm đi mấy chị ơi!

 

- Anh ở đâu mà bán khóm giờ này? Thôi, mua giúp người ta đi mấy bà!

 

Thế là vừa bán, vừa cho cũng được một bao. Vẫn còn hai bao nữa. Chị mang bầu nói:

 

- Anh để xe và đồ đây tụi tui coi cho. Đến phía trước, chỗ bán tạp hóa đó nhờ chủ mua hết luôn thể!

 

Cô chủ trạc hai lăm tuổi, đang ngồi tính sổ, nhìn quen quen. Hình như tôi đã gặp ở đâu? Đánh bạo bước vào, cô ta ngẩng lên, thoáng bối rối, ngạc nhiên:

 

- Trời, sao thầy lại ở đây? Em là Ngân, học trò của thầy. Thầy không nhớ em à? Mời thầy ngồi uống nước?

 

Ngân theo chồng về buôn bán ở Long Định. Chồng của Ngân giàu có, có ghe lớn. Tôi kể chuyện đi khai hoang, chuyện khóm không tiêu được, phải bán rẻ như cho...

 

Vợ chồng Ngân tiếp tôi rất chu đáo, không cho về giữa đêm. Ngân nói:

 

- Thầy cứ ở đây nghỉ. Chỗ khóm còn lại để đó cho em. Ở đây dễ bán lắm. Cỡ ngàn rưỡi một ký tận. Thầy có đất trong đó sau này có giá lắm, đường nhựa chuẩn bị tới rồi. Vụ thu hoạch sau để em cho ghe, cho người giúp thầy. Chắc chắn gỡ vốn có lời, đỡ cực thân. Công suất bao năm thầy sao nỡ bỏ?

 

Học trò hơn thầy nhiều thứ. Mình chỉ biết sách vở, tính toán làm ăn kém quá. Ai lại nước đến chân mới nhảy? Cứ cui cúi làm, không hợp tác. Nếu chịu tìm hiểu, dò giá thì biết bao người sẽ giúp được mình. Lần sau ư? Chẳng thể có lần sau nữa đâu! Bao sức lực, tiền của tôi đã chi vào đó. Thời gian còn phải bám lớp, chăm lo cho học trò. Phải chọn lấy một thôi. Muốn làm giàu chỉ có cách bỏ nghề. Tôi nhờ vợ chồng Ngân kiếm người sang đất.

 

Hơn mười năm, giờ mới trở về thăm và tất cả đã đổi thay...

                                                  *

Tôi quay sang phía Bình, anh đang lim dim phả khói thuốc thơm, có vẻ đang suy nghĩ, tâm đắc điều gì...

 

- Đó chuyện của em ngày trước nơi này là thế. Trái khóm còn chua đến tận bây giờ!

Bình thong thả nói từng tiếng:

 

- Chú có biết vì sao mà khóm của chú ''chua'' không? Vì lẽ đơn giản thôi. Bởi nó thiếu "đường". Thiếu ''đường'' tất sẽ chua!

 

- Anh lại cười em? Em nói thật mà...

 

- Thì anh cũng nói thật. Sao không tin kia chứ?

 

Mãi lúc sau, tôi mới nghĩ ra. Phải rồi, ngọt chua do đất, nhưng quan trọng hơn do con đường vô ra, đường tính toán khôn ngoan... Một mình tôi, chỉ có quyết tâm sao tạo được con đường? Đành chịu nhận trái khóm chua. Tôi chịu Bình, bái phục "đại ca". Khổ tận cam lai là luật ở đời. Phải biết kiên trì chờ đợi. Giá nhường nóng giận, đừng vội bỏ ra đi thì nay đâu là khách của Đồng Tháp. Hơn 10 ha đất ấy, giờ đây chỉ dám nhìn mà mơ. Sao tôi mua nổi? Rồi tự an ủi theo kiểu A.Q: "Giàu, nghèo do số".

Nguyễn Thanh Xuân
Số lần đọc: 2563
Ngày đăng: 20.05.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đi thăm biển chết - Huỳnh Kim
Đảo ngọc kết chuổi cờm trên biển - Hồ Tĩnh Tâm
Lương Hòa - MônCaĐa - Thanh Giang
CHIẾN THẮNG MÙA XUÂN 1975 - Võ Quê
Vùng đất đổi màu xanh - Nguyễn An Cư
Huyền thoại trên sông Tiền - Đậu Viết Hương
Ngọn sóng Rạch Gầm - Hoài Giang
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đến với bạn đọc 120 nước như thế nào? - Huỳnh Hùng Lý
Bò Ba Tri - đủng đỉnh nên giàu - Từ Phạm Hồng Hiên
Sống lại những làng dừa - Phan Lữ Hoàng Hà