Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
403
116.818.118
 
Một mùa hè chưa xa...
Nguyễn Quốc Lãnh

 

Lời nói đầu: Đây là mẫu hồi ức về một thời đã in vào tâm trí tôi và thâm tâm có nhu cầu viết ra như một sự trải lòng… Bài viết sẽ nhắc đến tên của nhiều người mà tôi nhớ, biết hoặc từng tiếp xúc của 47-48 năm trước. Họ là chủ hộ những gia đình đầu tiên đến với A Sao A Sầu A Lưới A So, cùng thế hệ với thân sinh tôi. Nhờ phúc trời nếu còn thì cũng đã trên dưới 90, vào hạng thượng thọ. Cũng gần nửa thế kỉ trôi qua, rất nhiều người trong đó, tôi không liên lạc được, không có thông tin gì về họ hoặc con cái họ. Nếu có kể đến ai mà biết chắc đã quá vãng thì kèm lời cầu nguyện (RIP). Rất mong thân nhân của những người được/bị kể đến dù còn hay đã khuất hoan hỷ đón nhận.      

***

I.

Ban đầu, xã Thủy Phước của tôi có hơn 60 gia đình ghi danh đi kinh tế mới A Sầu A Lưới. Trước ngày lên đường non tháng, chính quyền có tổ chức một đoàn nhiều thành phần trong đó có thầy Y. và 3 chủ hộ khác đại diện cho những người ra đi, đi thực tế tại A Lưới, ngay nơi người dân xã nhà sẽ đến ở. Cả đi và về 3 ngày. Sau đợt tham quan, nhà thầy nườm nượt người thăm hỏi, trông ngóng thông tin thực địa. Thầy cáo ốm một tuần, không tiếp bất cứ một ai. Cùng với một người đồng hành, thầy lẳng lặng xin rút tên khỏi danh sách. Thầy được kỳ vọng là người chăm sóc học vấn cho trẻ con chúng tôi sắp tới ở vùng cao vào những ngày đầu. Chuyện vỡ lở, các gia đình đó bị chính quyền lên án, phê phán nặng nề, quy kết tội gây hoang mang cho bà con. Lại thêm vài gia đình ngập ngừng. Chốt sổ xã Thủy Phước có 54 hộ chính thức lên đường, cùng với gần 300 hộ của 6 xã khác (Thủy Trường, Thủy Lương, Thủy Phù, Thủy Châu, Thủy Biều, Thủy Xuân) đến với vùng cao A Sao A Lưới vào ngày 10 tháng 7 năm 1975. Tổng số nhân khẩu vùng đồng bằng đến với vùng cao lúc đó là 1823 người.

Có đến 5 xã được bố trí ở bờ tây sông A Sáp, từ thôn Ca Nôn xã Hương Lâm trải dài đến ranh giới xã Hồng Thượng. Phần lớn ở dọc các con suối Cân Te, Pa Re, Khe Kiền,… là các chi lưu của sông A Sáp. Xã Thủy Phước được chia làm 2 tổ ở hai bên suối Pa Re, bắt đầu từ Đường mòn Hồ Chí Minh, đi ngược lên thượng nguồn, nhà cách nhà 40m. Ở bờ trái, số 1 là nhà ông Hiền, số 2 nhà ông Lý hải quân, số 3 nhà ông Tảo, số 4 nhà tôi,… số 13 nhà ông Sở, ... số 15, 16 nhà ông Thái (RIP), ông Bông,… số 21 nhà ông Sự tổ trưởng, số 24 nhà ông Trí Lùn (xin lỗi vì đã dùng hỗn danh), kề đó nhà ông Năm và kết thúc ở số 27, nhà bạn Quý có bố nhận giữ trâu cho tổ sản xuất. Đi vào khoảng năm trăm mét là Hậu cứ 108. Ở bên phải suối Pa Re, số 1 (tức số 28) là nhà ông Chức, số 4 nhà mệ Tẩu, số 6 ông Hiển, số 10 ông Dũng giữ bò,… Ông Khâm số 50 cùng với 3 người con kề nhau và cuối cùng là nhà ông Diệm Xanh, số 54, sát bìa rừng.   

Đồng loạt như nhau, tất cả các ngôi nhà này cùng hướng về phía đông nam, đều có kích thước 4x6 mét, mái lợp tranh cột cây rừng, phên lách. Tuy cùng có chiều cao hơn 2 mét nhưng do ngọn tranh phủ xuống nên nhà nào trông cũng lụp xụp, lè tè, vào ra phải cúi đầu. Có đến 4, 5 nhà chưa hề đón người đến ở. Đó là những ngôi nhà đã có người bốc thăm trúng nhưng chủ nhân cứ lừng chừng không chịu dọn đến rồi dứt áo ra đi trước khi cả xã hân hoan đón gia đình lên đoàn tụ vào ngày Mồng Sáu Tết Bính Thìn (1976). Họ chỉ trú chân ở A Lưới khoảng 5-6 tháng nên họ hoàn toàn không biết, cũng thêm chừng ấy thời gian nữa thì nơi họ vừa rời đi có một cái tên rất hay: xã Hương Phong… Đây là những người đầu tiên bị chính quyền lên án với tội danh phá hoại chính sách kinh tế mới của nhà nước thời hậu chiến. Tên tuổi những gia đình này được thông báo rộng rãi trong các cuộc họp dân toàn xã. Bắt giữ người, bắt đền bù tất cả chi phí gạo cơm mắm muối dầu đèn xe cộ đi lại kể từ khi đăng ký lên vùng cao… là những biện pháp được chính quyền nhiều lần lặp lại như một hình thức trấn áp tinh thần những gia đình đang “dùng dằng nửa ở nửa về”.

Ở các tổ sản xuất thuộc các xã khác, tình hình cũng tương tự. Số bạn học của tôi trên lớp cứ vơi đi từng tuần. Đầu năm học, có gần 40 bạn mà đến tháng ba, tháng tư hình như chỉ còn phân nửa. Đầu năm học, chúng tôi phải giành nhau vào sân trong những buổi đá bóng nhưng đến cuối năm, mỗi bên chỉ còn 5-6 người. “Nhà bạn ấy bỏ đi rồi” là một điệp khúc quen thuộc trong mỗi giờ sinh hoạt lớp cuối tuần.

Mùa hè năm 1977 đến với chúng tôi như thế đó.

Thực ra, vào khoảng nửa cuối năm 1976, đã có nhiều gia đình lén lút ra đi sau khi hưởng 1 năm chế độ dành cho người đi kinh tế mới. Trước biến cố 30-4-1975, họ vốn là những người buôn bán nhỏ, công chức và một số không ít do hoàn cảnh phải tham gia quân đội của chính quyền Sài Gòn. Tài sản, nghề nghiệp và cả nguồn sống bỗng chốc trôi theo thời cuộc. Gác lại tất cả, họ cúi mình xuống bám đất rừng kiếm sống. Kinh nghiệm sản xuất trên những cách đồng cò bay thẳng cách không làm sao áp dụng được cho những nương lúa cheo leo bên sườn núi. Ở nơi heo hút này không biết kết nối với ai để buôn có bạn bán có phường. Kiến thức bàn giấy của chế độ cũ không có nhiều cơ hội lưu dung trong xã hội mới ở vùng cao. Đi kinh tế mới với họ như là một sự thăm dò thời thế. Lịch sử của cải cách ruộng đất đã không lặp lại. Không kiếm sống được ở nơi này thì mưu sinh nơi khác thôi. Vậy là ra đi.

Ra khỏi địa bàn xã là một sự trần ai. Luôn có dân quân du kích phục sẵn trên đường từ ủy ban xã đến cầu C10. Có nhiều dân quân bị phê bình nghiêm khắc bởi không thực hiện phận sự của mình. Cũng phải thôi. Dân quân du kích hôm nay bắt bớ người khác thì chính bố mẹ họ, bản thân họ sẽ ra đi vào hôm sau hoặc hôm sau nữa. Ban đầu các gia đình ra đi vào đêm khuya, âm thầm trong những cơn mưa để những người có trách nhiệm ngăn chặn lười ra khỏi nhà trong thời tiết không thuận lợi. Đến Bốt Đỏ cũng là lúc trời vừa sáng. Có tiền thì mua vé xe về Huế. Không thì lại tiếp tục cuộc hành trình đi bộ về đến Bình Điền rồi xuống đò dọc xuôi dòng Hương giang đáp bến ở chợ Đông Ba. Sau thì họ đi công khai vào khoảng 4-5 giờ chiều, trên vai là mấy bó rau khoai. “Đi đâu?”, “Đi bán rau heo!”, “Đưa theo trẻ con làm chi?”, “Để cho chúng biết kéo ghế, biết ăn cơm dĩa!”. Vậy là thoát nhưng chưa hết. Đến Bốt Đỏ cũng đã 7-8 giờ tối, phải vạ vật qua đêm ở mấy lều tranh xóm chợ muỗi như vãi trấu. Lại bị công an hỏi thăm. Mấy bó rau heo lại là bình phong che đậy cho hành động chống đối chủ trương kinh tế mới của nhà nước(!?). Đã có người bị đuổi ngược trở lại, dọa bắt giam vào đồn vì công an cũng đã được thông báo và nhờ phối hợp đối phó với sự ra đi ào ạt của người dân.

II.

Dấu hiệu của những gia đình sẽ bỏ đi là bán đồ đạc trong nhà. Bàn ghế tủ giường là những thứ đầu tiên được đem bán. Vào khoảng 1972-1973, đồng bào các dân tộc bắt đầu  chuyển từ rừng sâu núi cao “về vị trí Đằm xây dựng cuộc sống mới”(*). Sau hàng chục năm thay đổi chỗ ở tránh bom đạn, ngoài bếp lửa ra thì trong căn nhà của bà con hầu như không có vật dụng gì khác. Tiếp xúc với người kinh tế mới vậy là nảy ra nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Cần lắm cái tủ để đựng áo quần, phải có bộ bàn ghế ngồi tiếp khách và cái sạp tre ọp ẹp phải thay bằng cái giường vững chắc để nghỉ lưng… Người bán thì cần bán. Người mua thích thú khi được mua. Rồi đến bộ vec-tông, bộ comple sang trọng, cả giày dép lễ hội vốn chỉ được diện trong những sự kiện quan trọng cũng đem bán nốt. Dỡ nhà bán tôn luôn. Đói! Bán mà ăn thôi! Cán bộ ơi! Cái kìm, cái búa, cái rựa, cái cuốc, nồi niêu soong chảo… tất tần tật cái gì bán được đều bán hết. Đến lúc sắp ra đi, mỗi người chỉ còn một hai bộ áo quần. Chỉ mấy bộ áo dài xứ Huế là không thể thuyết phục được chị em đồng bào thời đó, thậm chí cho không cũng không lấy. Giặt giũ cẩn thận. Gấp lại ngay ngắn. Ngậm ngùi bỏ lại trên đầu giường cho nhẹ hành trang.

Ấn tượng nặng nề nhất của tôi khi ấy là chứng kiến sự ra đi của anh X. Anh X. cao to, đẹp trai, có bộ râu quay nón. Là hộ độc thân. Tôi thường đến nhà anh mượn sách. Nhà anh trưng bày nhiều tranh tượng Đức mẹ Maria, Chúa Giê-su,… Nghe nói trong đó có sáng tác của anh. Anh là cái gai trong mắt cán bộ với cái cớ là bộ râu. “Ai cho phép anh để râu?”. “Báo cáo cán bộ tôi không có tiêu chuẩn dao lam”. Vậy là anh được đặc cách mua dao lam theo diện phân phối ở cửa hàng mậu dịch quốc doanh Bốt Đỏ hoặc Hương Lâm. “Sao không cạo râu. Ngoan cố à?”. “Báo cáo cán bộ, tiêu chuẩn cấp trên cho không đủ dùng”. Lại nâng tiêu chuẩn lên!

… Trong một đêm tối trời vào khoảng gần nửa đêm, cả xóm tôi hoảng hốt thức giấc khi nghe tiếng kẻng chát chúa. Người gõ kẻng theo giấy tờ là ông Huỳnh Cảng nhưng ông tự xưng là Huỳnh Công Cảng. Ông này khoảng 27-28 tuổi, bị chột mắt, dở người. Anh em chúng tôi hay gọi là ông Kiểng Đang tức là Cảng Điên. Mấy phút sau dân quân du kích xuất hiện. Súng ống đầy đủ, áo quần chỉnh tề. Ông Cảng bị điệu lên ủy ban xã. Ông khai một điều duy nhất. Đánh kẻng để gọi giáo dân thôn Hương Hòa đi làm lễ phong chức linh mục cho anh X. Sau đó anh X. hay vắng nhà một cách bất thường. Rồi anh ra đi. Sự ra đi của anh có vẻ không giống với mọi người…

… Thời sự mỗi đêm trước khi đi ngủ của anh em chúng tôi là điểm danh tổ mình còn bao nhiêu gia đình và dự đoán ai sẽ là người tiếp theo ra đi. Tan sương sáng hôm sau thì kiểm tra nhà nào đã là nhà hoang. “Ba mạ ơi, chỉ còn 9 nhà”, “Tối qua có đến 3 nhà bỏ đi luôn!”, “Nhà chú P. đi nửa đường thì bị lộ phải quay về”…  Trong một bữa ăn sáng nọ, chưa cần anh em tôi báo cáo, ba tôi đã nói: “Nhà C. và nhà D. tối qua bỏ đi rồi”. Chúng tôi ngạc nhiên nhìn nhau. Cầm theo mấy củ sắn luộc, chúng tôi chạy như bay đến hai nhà kia. Đúng thế thật.  Tro bếp vẫn còn ấm. Lông gà rơi vãi khắp nơi. Cửa để ngỏ nhưng không còn người. “Mấy sáng trước có ba, bốn tiếng gáy đáp trả. Sáng nay chỉ duy nhất tiếng gáy của gà nhà mình”. Ba tôi nói rồi thủng thẳng vác cuốc ra vườn. Gần 50 ngôi nhà hoang xuất hiện trong đó nhiều ngôi nhà thay đổi chủ hai ba lần. Nhà mệ Tẩu chẳng hạn. Khi mệ đi thì ông Đến dọn đến ở. Ông Đến đi thì ôn mệ Sư đến thay. Nhà số 3 kề nhà tôi cũng tương tự. Ông Tảo bỏ đi thì anh Bông dọn đến. Ông Cảng thay chỗ khi anh Bông ra đi… Có khi, vài ba ngày chúng tôi không gặp ai, thậm chí cũng không thấy ai đi ngang qua ngỏ nhà mình. Hoang tàn. Hiu hắt. Yên ắng. Vắng lặng như một bãi chiến trường…

Mãi gần đây, đọc Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Hương Phong (1975-2020),  trang 10 tôi mới được biết, “Năm 1977, dân số xã từ 332 hộ giảm xuống còn 105 hộ”. Tức là chỉ đúng 2 năm xây dựng kinh tế mới, số gia đình của xã đã mất đến hai phần ba. Đó là số liệu tổng thể trên toàn xã Hương Phong. Riêng với Tổ 2 thôn Hương Hòa, tiền thân là xã Thủy Phước của tôi thì có phần khác. Đến thời điểm này cả xã Thủy Phước còn đúng 4 hộ là nhà ba tôi, ông Nguyễn Văn Lục (RIP), nhà ông Trương Văn Huệ (RIP), nhà ôn mệ Sư (RIP), nhà ông Huỳnh Cảng và anh Trường con ông Dương Thụ (RIP). Gia đình ông Thụ hơn 10 người đã ra đi mấy tháng trước nhưng anh Trường dứt khoát ở lại. Cứ coi như là hộ độc thân, là năm. Vài gia đình còn lại co cụm bên nhau sát với Đường mòn Hồ Chí Minh. Bên kia suối là nhà ông Huệ, nhà ôn mệ Sư. Bên này là nhà tôi, nhà ông Cảng. Anh Trường ở tạm với nhà tôi.

 

III.

Giáng Sinh 1975, có một đoàn tu sĩ của Giáo xứ Phủ Cam lên làm lễ tại nhà ông Thái, ông Bông thuộc xã Thủy Phước. Đúng một năm sau, lại có một đoàn của Dòng Thánh Tâm thực hiện nghi lễ Giáng Sinh ngay tại hội trường của xã Hương Phong. Ngẫu nhiên sau đó có một số gia đình Công giáo bỏ đi. Một dư luận được dấy lên: Đoàn Áo Đen (ám chỉ các tu sĩ) đã lôi kéo con chiên ra đi để chống đối chính sách kinh tế mới của nhà nước. Ngộ nhận này chỉ được xóa bỏ khi hàng loạt gia đình ra đi tiếp theo bất kể có hay không có tôn giáo. Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Hương Phong (1975-2020) ghi nhận sự ra đi của người dân là vì “gặp nhiều khó khăn bởi thiên tai, sự phá hoại của thú rừng, sự thiếu thốn về lương thực” (trang 177). Chỉ những người trót xem Hương Phong là quê hương thứ hai mới dám bám rừng, bám đất kiếm sống qua ngày.

… Trong lúc người lớn hoang mang lo lắng không biết mình sẽ sống với ai đây thì bọn trẻ con chúng tôi lại khác. Cái cảm giác mạo hiểm, hồi hộp lo sợ khi xô của xông vào một ngôi nhà hoang mới lạ lùng sung sướng làm sao. Những quả bóng tennic, vài cái cần câu, mấy cái vợt bóng bàn, cầu lông, có khi là cái cuốc, cái xẻng gãy cáng,… là chiến lợi phẩm của những buổi trốn giấc ngủ trưa đi khám phá. Trong những lần ấy, ấn tượng nhất của anh em tôi là vào nhà ông Hiển. Ông và ba tôi nhận nhau là đồng hương bên kia bờ giới tuyến. Con cái ông là bạn học với anh em chúng tôi. Trước 1975, nhà ông làm bánh kem ở ngã ba An Lăng. “Cảm ơn các cháu đã giúp đỡ. Các cháu ạ. Đây là những thứ phải 5-6 năm nữa mới có cơ hội dùng đến. Nhẹ tay thôi”. Ông nói với các anh chị thanh niên khi chuyển những thùng khá nặng từ bên kia sông A Sáp vào nhà ông cách đó hơn cây số. Thì ra, đó là đồ nghề và hương liệu làm bánh kem. (Bác Hiển ơi! Bác lạc quan quá đấy. Phải đến năm 2000, tức là 25 năm nữa, ở thị trấn, vâng thị trấn chứ không phải xã nhà ta mới có hiệu bánh kem đầu tiên!). Ngoài một số khay, khuôn bánh còn có hàng trăm hộp tinh bột quế, hình như được nhập về từ Mỹ. Không ăn được thì phá. Chúng tôi cạy nắp, hất vào nhau. Từ đầu tóc cho đến áo quần nhuộm một màu nâu đỏ sực nức mùi quế nồng nàn. Hương quế thấm đẫm trong hơi thở, lan tỏa vào giấc mơ. Mãi sau này, chỉ nghe phảng phất mùi quế là cả một mùa hè như thuở hồng hoang lại hiện về trong tâm trí chúng tôi…

Vĩ thanh

Chỉ có duy nhất một gia đình ra đi trong trật tự là nhà ông Võ Duy Lê. Năm 1976, ông được chọn làm tài xế lái xe cho Bệnh viện A Lưới. Một năm sau, ông đưa cả nhà ra thị trấn và ở đó cho đến hôm nay.

Mùa hè năm 1978, sau lễ kỷ niệm Đệ Tam Chu Niên (ba năm đi kinh tế mới A Lưới), chính quyền tiến hành quy hoạch địa bàn xã lần thứ nhất. Trừ thôn Hương Thịnh vẫn ở chỗ cũ, bờ đông sông A Sáp, số dân còn lại của ba thôn Hòa Phú Cường ở bờ tây được quy tụ về xung quanh ủy ban xã, nơi xa nhất không quá 2 km. Đây cũng là nơi tập trung bệnh xá, trường học, cửa hàng mậu dịch của xã. Hai bên đường mòn Hồ Chí Minh khu vực này và hữu ngạn suối Cân Te trở nên đông vui, cây cối xanh tươi, đầm ấm tiếng người.

Thôn Hương Hòa (được tạo thành từ cư dân của 2 xã Thủy Trường và Thủy Phước) được bố trí ở thượng nguồn suối Cân Te, cách Đường mòn Hồ Chí Minh hơn cây số, làm tiền đồn phía tây nam cho xã nhà. Thôn có 22 hộ, trong đó chỉ có 5 hộ là của xã Thủy Phước cũ. Anh Trường chính thức tách thành một hộ riêng, độc thân. Giữa năm 1980, theo tiếng gọi của gia đình, anh vào nam. Trước đó, nhà ông Cảng cũng đã bỏ đi. Năm 1981, ôn mệ Sư qua đời. Ba người con lấy vợ ra riêng cũng lần lượt về quê.

Đến năm 1982, cả xã Hương Phong còn 44 hộ với 216 nhân khẩu.

Năm 1991, nhà tôi chuyển ra sinh sống tại Bốt Đỏ, cách nơi ở cũ hơn 10 km, kết thúc 16 năm gắn bó với mảnh đất và con người xã Hương Phong.

… Nếu không kể thế hệ thứ hai, thứ ba tách hộ lập gia đình thì trong số 54 hộ đầu tiên của xã Thủy Phước đi kinh tế mới A Sầu A Lưới, ngay tại xã Hương Phong ngày nay còn lại duy nhất một hộ là gia đình ông Trương Văn Huệ. Tính rộng ra cho cả vùng A Lưới thì còn mẹ tôi ở Bốt Đỏ và ở thị trấn thì có gia đình ông Võ Duy Lê…

 

Chú thích: (*) Theo Lịch Sử Đảng Bộ Huyện A Lưới (1945-2015), trang 175.

 

 

 

 

 

Nguyễn Quốc Lãnh
Số lần đọc: 278
Ngày đăng: 19.09.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những thầy cô giáo không ngạch bậc - Nguyễn Quốc Lãnh
Dọc đường văn nghệ (Phần 89) Nguyễn Thị Ánh Huỳnh với khung trời thi ca rất riêng - Trần Dzạ Lữ
Một chuyến hành hương núi Thị Vải - Phan Anh
Dọc đường văn nghệ (Phần 90) Phương Tấn – người khéo tận dụng thời gian cho thi ca - Trần Dzạ Lữ
Pompei, hình ảnh sống trên một thành phố chết - Trương Văn Dân
Tưởng như bâng quơ... - Nguyễn Quốc Lãnh
Ký ức củ mài - Hoàng Xuân
Phú Quốc, âm vang và hào khí phố biển - Nhiều Tác Giả
Cô Hai Sâm - Hoàng Thị Bích Hà
20 năm – nghe thầy kể chuyện trường xưa - Bùi Hoàng Linh