Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
695
116.694.062
 
Đồng chó ngáp …
Đoàn Hữu Hậu

Gọi đây là cánh đồng Chó ngáp ,vì có người cho rằng cánh  đồng quá rộng,  con chó dù khỏe đến đâu chạy qua đây cũng phải …ngáp .  Nhà nước nhiều lần định di dân về đây xây dựng vùng kinh tế mới ,nhưng không thực hiện được, bởi nhiều lý do như không đủ kinh phí, trên mặt phủ một lớp bả cỏ gần cả thướt, nhiều bom đạn lép trong thời chiến …

     

Cách đây mấy tháng có một nhóm thợ thuyền tụ họp về đây định sinh cơ lập nghiệp . Họ cất lên năm, bảy căn nhà đơn sơ trên một gò đất dài, giữa đồng không mông quạnh .

                                               

  

Một ngày thiên hạ xôn xao lên khi Đài truyền hình tỉnh đưa tin, có kèm theo hình ảnh: "  Tại cánh đồng Chó ngáp, một nhóm nông dân trong lúc đào giếng đã phát hiện một pho tượng Nữ thần bằng kim loại quý, chiều cao 50 centimet , nặng 50 kilogam . Tượng nữ thần khỏa thân ngực,mặc váy ngắn,hai chân dũi thẳng, một tay cầm chùy, một tay cầm gươm… Đây có thể là một cổ vật quý, giúp các Nhà Khoa học vén ra bức màn bí mật về một vùng đất vốn còn nhiều bí ẩn ..." .

 

Sáng hôm sau, từ nông thôn đến thành thị người ta bàn tán, xôn xao về cổ vật quý. Nhiều người không xem thời sự địa phương, đã tỏ ra tức tối . 

      

Quán cà phê Bà Ba Thu, nơi được xem là " Trung tâm thông tin" chuyện trên trời dưới đất, của nhóm nông nhàn, mới tờ mờ sáng đã đông nghẹt khách. Ông Hai Lóm - Chủ nhiệm câu lạc bộ nuôi kỳ đà hôm nay chuyển đề tài:

-  Tui bảo đảm đây là cái điềm …tận thế. Hồi nào giờ tui mới thấy đó …cái tượng ngộ lắm … Phật bà gươm ! …Tiên phật còn đánh nhau !…Còn nhiều điều bí ẩn nữa… Ghê quá!…

-  Có gì đâu mà ghê ! Thì cũng bao nhiêu pho tượng khác thôi chớ gì !…Tiếng một cậu thanh niên nào đó xen vào .

-  Mầy có xem hông ?

-  Có chớ sao không !

-  Có …có mà mầy biết đồng Chó ngáp chưa !… Chưa ... chưa biết, nên mầy không biết đó con .Hồi nhỏ tụi tao đi bắt ếch trên đồng đó ban đêm lửa cục nào cục nấy xanh dờn cháy lốm đốm … xanh, đỏ, vàng, trắng đèn ma cháy khắp nơi !… ghê lắm !…Bây giờ mới hiện lên đó! ...

Hai Lóm tán hoài  về pho tượng. Đến trưa đám đông mới giải tán .

    

Còn ở thành thị, thì tuỳ theo công việc, nghề nghiệp ,trình độ người ta cũng bàn tán và nhận định theo cách của mình về pho tượng, nhưng họ có cái nhận xét chung : " Đây là chuyện lạ ".

      

Trong lúc còn bàn cãi với nhau, do nghe sơ qua trên Đài, thì hết sức kịp thời, tờ báo " Lá xanh" cho đăng trên trang nhất tin và ảnh về pho tượng. Nội dung bản tin giống y như đài đã phát hôm trước.

 

Ngã ba Lộ quẹo mấy hôm nay trở thành bến xe. Xe đưa khách đến, xe rước khách đi, người ta tới lui nườm nượp .Người ta đổ sô đi  tìm, để được tận mắt xem pho tượng . Từ Lộ quẹo  tiếp giáp với cánh đồng Chó Ngáp, tới nơi phát hiện pho tượng không có đường đi . Họ nối đuôi nhau thành một hàng dọc. Người đi trước càn lên cỏ, năn rạp xuống, người sau dẫm tiếp lên, rồi người sau nửa dẫm lên… những người đi sau lại dẫm lên…thành lối mòn đường đi . Từng đoàn người già, trẻ, trai, gái, mang theo lủ khủ những đồ đạc thức ăn,nước uống …

 

Vượt hơn ba chục cây số mở đường, tới dãy nhà đơn sơ trên gò đất Chó ngáp, Hỏi thăm về pho tượng, được người dân ở đây chỉ chổ cái hố bên cạnh mô đất đào lem nhem, có cái  míếu đơn sơ mới cất .Còn pho tượng đã đưa về xã. Họ lại quày quả trở ra xã, giữa cái nóng oi bức trên cánh đồng trống mùa nắng hạn.

        Đến xã,người ta cho hay pho tượng đã đưa về huyện. Mọi người ra xe lên huyện. Phòng Văn hóa huyện bảo là đã đưa về … tỉnh.

                         

                                               

Bảo tàng, từ ngày nhận pho tượng xem như báo vật, cho đóng kín vào thùng cây, chờ ý kiến ngành chủ quản. Dân chúng đến vây chặt Bảo tàng yêu cầu cho xem pho tượng. Xét đây cũng là lý do chính đáng, lãnh đạo Bảo tàng định đem ra trưng bày nhưng có ý kiến : " Trưng bày thì phải giải thích… Mà muốn giải thích được thì phải nhờ các nhà khoa học …Chúng ta chưa có một thông tin nào về pho tượng …Trong khi chờ đợi trung ương cho ý kiến, mình nên làm trước một bước để đáp ứng yêu cầu nhân dân địa phương mình đồng thời mở dịch vụ …"  Ý kiến rất hay, được lãnh đạo nhất trí.

 

Một số nhân viên có năng khiếu ăn nói  cùng với hai Phóng viên báo chí được phân công lên đường làm nhiệm vụ.

                       

Suốt mấy ngày " tầm sư học đạo" trên đất "cố kinh" hết Viện nầy sang Trường đại học nọ, cuối cùng nhờ ai đó chỉ đường, đoàn đã tìm đến "đại gia" đa tài bá nghệ. Quá trình học vấn của vị nầy đáng được ghi nhận : Lúc chưa bảo vệ xong luận án Tiến sỹ sử học, ông chuyển sang nghiên cứu Triết học phương đông. Đựợc hai năm ông chuyển sang học hàm thụ ngành địa chất, thấy không êm ông lại nghiên cứu môn ngoại cảm - tử vi . Và gần đây ông lại chuyển sang nghiên cứu cùng lúc ba thứ thơ ca, hội họa, điêu khắc . Bạn học  đã phong cho ông hàm Giáo sư (!?).  Đặt giữa bàn làm việc của ông là tấm bảng mê - ca khắc chữ " Giáo Sư TÀO VĂN "

             

Sau khi xem băng hình, nghe trình bày cùng với một cọc tiền dày cọm đặt trên bàn, ông tằng hắng rồi vào đề :

 " …Căn cứ vào những dữ kiện ,có thể đưa ra gỉa thuyết rằng đây là dấu vết của một Quốc gia có nền văn hóa phát triển rực rỡ. Quốc gia nầy giáp ranh với quốc gia Phù Nam có tên là Phù Đông . Cánh đồng Chó ngáp có khả năng là kinh đô của Phù Đông . Nơi đây tiếp giáp nhiều luồng văn minh Đông - Tây nên ta thấy pho tượng mang đầy đủ những dấu vết của các nền văn minh đó. Chẳng hạn Pho tượng vừa giống Thần Vệ Nữ - Ai cập, vừa hao hao Nữ thần Apsara, vừa na ná Nữ Thần Tự do ở Mỹ vừa mang dáng dấp Bà E-Vơ của phương tây lại có cái nét của bà Chúa xứ - Núi Sam lại giông giống Nữ thần Nê-Va  Chàm…

-  Nhưng thưa giáo sư pho tượng tay cầm gươm, tay cầm chùy có ý nói gì à ?!

-  Một tay cầm kiếm là biểu tượng chống giặc ngoại xâm, còn tay kia không phải là cầm chuỳ mà là biểu tượng chống giặc HIV …Có lẽ đất nước Phù Đông nầy bị tiêu diệt bởi giặc giã và bệnh SIDA … Bộ anh tưởng bệnh HIV mới có đây sao !?…

-  Giáo sư nói nơi đây là kinh đô Phù Đông, vậy sẽ còn nhiều tượng và những báo vật khác ?

-  Chắc chắn là như vậy !… Vì không thể có một pho tượng như vậy nằm trơ trọi, mà còn nhiều cổ vật quý khác …Có thể xem pho tượng nầy là một "báu vật  quốc gia …"

 

 

Ngay sau đó Đài truyền hình và tờ báo Lá Xanh phát và đăng nguyên văn bài nói của Giáo sư  Tào Văn  .

Quán cà phê bà Năm Thu, bảy, tám người cầm tờ báo và lại bàn tán về bài nói của giáo sư Tào Văn .

-  Hay thật ! Giáo sư nói là ở đồng Chó ngáp còn nhiều cổ vật nửa…Mấy thằng bây chuẩn bị đi đào !… Hai Hóm vẫy tay, lớn tiếng .

- Đúng đó !  Đi làm thử một chuyến xem sao!… Biết số phần !…

- Nghe nói Nhà nước thưởng cho ai đào được cổ vật ,tiền nhiều lắm à !

-  Ư !…Ngộ thật à nghen !…Tui cũng không ngờ ấy chớ! Mấy năm trước tụi tui vô đó bắt chuột hoài mà có biết đâu !…

Tại một góc sân vườn cà phê ở Thị xã, dành cho trí thức, một người đàn ông trạc sáu mươi tuổi, trán hói, mang cặp kính trắng rộng vành, có vẻ giống Giáo sư, đập tay xuống bàn một cái bốp, mặt hầm hầm  :

-  Thằng cha  nầy láo thật ! Thế mà gọi là Giáo sư !…Nói vậy mà nghe được !…Thằng chả đoán mò, tổng kết từ cổ chí kim . Còn dám nói còn nhiều cổ vật!…Đồ láo toét !….

-  Ừ mà thằng chả nói nghe có lý nhỉ !… Một ông Nhà văn cười khà khà đáp lại .

-  Ổng hay đó chứ !…Một ông khác chen vào.

- Hay !…hay cái con khỉ !…Muốn kết luận được nó, ít nhất phải có cuộc hội thảo khoa học chớ !…có đâu !…Giáo sư tán lại

- Đúng đó ! Theo tôi cần phải có cuộc hội thảo khoa học …                          

                                   

Bảo tàng đã phải tuyển hết số nhân viên của mình cho tập đi tập lại theo bài nói chuyện của Giáo sư Tào Văn để làm thuyết minh viên báo vật quốc gia, phục vụ khách hàng. Song không ai "làm nổi" cái chuyện ấy,vì không truyền cảm được cái thần của pho tượng cho người khác nghe . Cuối cùng Bảo tàng đành gác lại chuyện trưng bày cổ vật .

Bà con đến đông nghẹt đòi xem cho bằng được "báo vật quốc gia"… Nhưng bà con thông cảm !… chờ có lệnh mới !…

                                                 

 

Mô đất mới đào vừa ráo nắng, giữa cánh đồng Chó Ngáp ,nơi người ta đồn đào được pho tượng,bỗng dưng mọc lên một cái miếu. Người ta xầm xì rằng "Ba" đạp đồng lên quỡ trách tại sao phá chổ yên nghỉ của bà … Lỡ phá rồi thì phải cúng kiến thờ phượng,đàng hoàng Bà mới tha cho . Ai có lòng thành bà sẽ phù hộ …

       

Dòng người đỗ sô về Miếu Bà ngày càng đông.

 

                                               

Theo dấu con đường mòn từ mí lộ quẹo vào Miếu Bà mới hình thành mấy hôm,dưới ánh nắng chói chang, ông Hai Lóm đang đốc thúc đám đông người, hì hục đào, khiêng đất đắp đường đi .. Thoạt nhìn người ta dễ ngộ nhận đây là một công trình của Nhà Nước. Những dân công lưng trần đẫm ướt mồ hôi, không rõ tên họ gì , ở đâu, vừa làm vừa nói râm ran:

-  Gáng lên anh em !… Mình làm công quả mà…Phật Bà phù hộ cho chúng ta !…Ong hai Lóm vừa chạy lăn xăn, vừa nói, thỉnh thoảng lại hát lại hát bài con kênh xanh xanh…

-  Có khi nào mình đào được một pho tượng nửa hông ta ?!…Một người nào đó trong đám dân công.

-  Biết đâu chừng…

-  Báo, Đài nói ở đây là kinh đô của nước" Phù Tây "đấy !…

-  Ừ ! Biết rồi !…

    

Không đầy một ngày, con đường dẫn vào vào Miếu Bà, trên ba chục cây số đã hoàn thành, cao ráo, rộng rãi, khang trang, thẳng tắp .

           

Sau đó cặp hai bên đường mới đắp, nhà cửa, hàng quán mọc lên như nấm . Đó là những tiệm bán thứ đồ cúng như nhang đèn, hoa quả, và quán giải khát . Khách " hành hương" vào chổ " Miếu Ba"  ai cũng mua một vài thứ .

 

Nuốt từng chữ một bài báo đăng bài "Những người phát hiện ra báu vật bây giờ sống ra sao?", đăng tải hình ảnh ba bà mẹ khắc khổ cùng  mấy đứa nít, trần truồng rách rưới, vợ con của những người tìm ra báo vật, đến nay chưa được hưởng quyền lợi gì của Nhà Nước. Lý Hốn - Một chuyên gia sưu tầm đồ cổ là thành viên Câu lạc bộ đồ cổ Đông nam á, cuộn tờ báo lại vội vả cùng mấy gả tuỳ tùng xuống ngay đồng Chó ngáp để tìm "tác gỉa"

      

Tới nơi, các bà vợ cho biết là đã được các ông chồng uỷ quyền tác gỉa lại, Lý Hốn vào đề ngay :

- Tôi được biết các anh chị đào được cái nầy hết sức vất vả, hiện đang gặp nhiều khó khăn… Tôi cảm thấy xót xa quá!…Theo luật phát hiện đồ cổ thì những báo vật thuộc về tài sản quốc gia, người nào đào kiếm được thì sẽ được hưởng huê hồng 15%

-  Ua nghe nói huê hồng tới 30% lận mà !…

-  Làm gì 30% …Vả lại chuyện của các chị còn lu bu lắm … Còn phải chờ Nhà Nước định giá…rồi thủ tục …biết chừng nào mới nhận được tiền. Bây giờ tôi bàn với các chị như thế nầy… Tôi chi cho các anh 150 triệu đồng coi như tôi mua đứt pháp nhân  về việc tìm ta cổ vật …Nghĩa là từ đây về sau tôi là người tìm ra nó, chớ không phải chồng các chị nửa …Được tôi gia tiền liền …Còn giấy tờ ra Uỷ ban Xã tôi lo!… Đó mấy bà thấy… Tôi còn phải tính toán với mấy ông ở xã nửa chớ .

-  Vậy là tụi tui chỉ có bao nhiêu thôi à ?!…

-  Chớ sao , coi như mua đứt bán đoạn, từ nay về sau tôi là chủ sở hữu cổ vật đó . Tôi có tư cách pháp nhân làm việc với Nhà nước sau nầy… Được thì các thay mặt chồng ký vào đây,tôi giao tiền, giấy tờ còn lại tôi làm …

-  Bây giờ, xin ông 200 triệu đi, nghe đâu pho tượng nầy quý lắm. Mai mốt Nhà Nước trả cho ông gấp mấy lần gía nầy… ông sướng!…

-  Cái đồ nầy bất quá…mà thôi tôi thống nhất trả 180 triệu . Đồng ý thì ký , không thì thôi , để các bà chờ Nhà Nước đi !…mọc râu !…

-  Thôi thì tụi tui đành chịu vậy. Sau nầy nếu được thưởng nhiều , ông cho tụi tui thêm nhé !…

-  Ờ ! Sau rồi tính  !…

Giao tiền và cầm tờ giấy thảo sẳn đưa cho ba người ký tên vào, Lý Hốn quày quả đi ra Uỷ ban xã thị thực . Tại đây nhờ tài "ngoại giao" ông ta được chính quyền xã hoàn thành thủ tục  "Giấy chứng nhận quyền tác gỉa tìm ra cổ vật ở đồng Chó Ngáp"do Chủ tịch xã ký tên đóng dấu.

                                                  

Tin ông trùm đồ cổ mua đứt pháp nhân pho tượng 300 triệu đồng lan đi nhanh chóng. Làm mọi người nôn nao, nhất là những người thiếu công ăn việc làm.

   

Xung quanh Miếu Bà, nhiều dấu bới cỏ, đào đất lem nhem như chó táp .Họ đào,bới tìm… cổ vật. Ban đầu vài ba người đào lén ban đêm, dần về sau số người đào ngày càng đông và công khai. Họ căng lều, lán trại để ở để …đào. Mạnh ai nấy cặm ranh đất để đào, tìm kiếm cổ vật. Có người mang cả vợ con theo để cùng làm . Muốn đào được đất họ phải bốc cả một lớp cỏ mục gần một thước, phơi nắng hai , ba ngày sau đốt đi, rồi  mới đào . Những người đến trước mặc nhiên trở thành những chủ đất . Họ cặm cọc phân lô . Người đến sau muốn đào đất tìm cổ vật phải thuê đất. Từ chổ đất cho không ai lấy, bây giờ phải thuê giá mười mét vuông 5000 đồng.

           

 

 

Cùng một lúc từ bốn phía, của 4 xã giáp ranh với đồng Chó ngáp, bốn đám đông người nhắm ngay Miếu bà nơi có cặm cột cờ,dọn cỏ đào đất, đắp đường đi . Họ cũng là như những người được chính quyền địa phương vận động, với quyền lợi là được ưu tiên đào đất tìm cổ vật,không phải trả tiền thuê đất .

      

Hai ngày sau, bốn đội thi công đã đắp xong bốn con  đường , có chiều dài trên ba chục cây số, giao điểm nhau tại Miếu bà .

Anh cán bộ quy hoạch nói với Chủ tịch xã :

-  Anh Sáu à ! theo như bản đồ thì tại cái Miếu nầy là trung tâm đồng Chó Ngáp, có tọa độ là 0 . Em thấy có cái gì linh thiêng . Không thể có một sự trùng hợp ngẫu nhiên như vậy…

-  Ờ cũng ngộ hả !…

-  Tới đây dân cư tập trung về đây thành một ấp. Bây giờ anh định đặt tên ấp là gì ?

-  Đây là đồng Cho ngáp hay là đặt tên ấp là… Chó Ngáp !

-  Không được cái tên gì nghe kỳ cục,dân gỉa… thiếu văn hóa !

-  Vậy thì đặt là ấp Chó táp, bởi vì đất đai đào hang ổ lem nhem giống chó táp …

-  Cũng không được!…Chó ngáp hay chó táp gì cũng một thứ . Ngáp là hả họng chậm . Còn táp là hả họng lẹ !…cái nào cũng là chó hả họng .

-  Vậy thì nên đặt là ấp Miếu bà , gì có cái Miếu bà !…

-  Đặt như vậy có nghĩa là mình mê tín dị đoan, theo đuôi quần chúng hông ?!…

- Ờ !…Thôi thì thế nầy. Thành ngữ có câu : " Chó ngáp phải ruồi" .Hay là mình đặt tên ấp là Phải Ruồi vừa để nhớ tên gốc của nó , vừa nói lên sự trúng mánh của vùng đất nầy !… 

- Phải Ruồi !… tên nghe hay !…được !…            

 

 

             

Cả cánh đồng chó ngáp hàng trăm hécta bị đào xới dày đặc, gần như lật ngược cả cánh đồng .Người ta cố tìm kiếm cổ vật, nhưng chỉ thấy toàn là … bom đạn lép. Chủ của những căn nhà đầu tiên trên đồng chó ngáp bây giờ là những chủ tiệm giàu có chuyên mua  phế liệu sắt vụn , bom đạn lép. Những người đào tìm cổ vật, chuyên bán bom đạn lép đễ lấy tiền mua thức ăn " tái sản xuất ".

Đông người, thiếu các phương tiện sinh hoạt,vệ sinh không đảm bảo, thiếu ăn, nước uống, bệnh tật hoành hành, nhiều người đã cuốn gói ra về .

                                               

Bốn cha con ông Hai Lóm, một con trai, hai con rễ,nhóm nhiệt tình nhất trong việc đào bới , đã cuốn gói lặng lẽ ra đi hồi hôm.  

-  Ê sao cha con ông gìa nầy im re ra về vậy mậy. Một thanh niên nói với ông bạn đào đất của mình .

-  Tui nghi thằng cha nầy đào được tượng Nữ thần rồi rút đó mầy!

-  Ừ ! dám lắm à !… Cho nên mấy thằng chả đi êm re!…

Nhiều người cố bám ở lại với hy vọng may ra tìm gặp một cổ vật để đổi đời , song họ quá uể oải … vì  cánh đồng Chó ngáp không còn chổ nào để đào được nửa.

                                               

Lý Hốn xuống  đồng Chó ngáp hớt hải để tìm lại các chủ nhân cũ của pho tượng Nữ Thần , thì mới hay các chủ nhân nầy đã bán đất, bán nhà đi biệt dạng từ lâu rồi . Tức mình ông ta đi xung quanh mấy căn nhà cũ lục soát , thì phát hiện ra cái lò rèn. Tìm kiếm những dấu vết xung quanh, người ta nhặt được từ dưới hố những mãnh khuông , khi ghép lại đó là tượng Nữ Thần . /. 

 

Tháng 7 /2002

Đoàn Hữu Hậu
Số lần đọc: 3285
Ngày đăng: 01.02.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người đàn bà bơi trên sóng - Bích Ngân
Mùa xuân của má - Nguyễn Trọng Tấn
Đóa hồng đêm sinh nhật thứ 20 - Nguyễn thị Mộng Thu
Kẻ giết người - Nguyễn Ngọc Phan
Bông trang đỏ - Thái Phong
Niềm hạnh phúc lắng sâu - Tường Oanh
Đi qua giao thừa - Hoàng Đình Quang
Cái ra-dô cũ - Thảo Bích
Hai chị em - Khánh Liêm
Tiếng hát trong cỏ - Lá Me