Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
705
116.702.537
 
Tâm sự của một người đàn bà bỏ chồng
Hương Hà

Tôi ngồi vào bàn. Chiếc máy vi tính chắn ngang trước mặt và trang trắng đã hiện ra. Tôi sẽ phải viết những chữ mà không người đàn bà nào trên đời này muốn viết. Đơn xin ly hôn. Ly hôn! Tức là hạnh phúc đời mình coi như chấm dứt. Nghĩa là bao nhiêu điều mơ ước của cuộc sống vợ chồng khi chưa cưới hỏi chỉ là thứ phù du, rơm rác. Nghĩa là chấm hết cho một cuộc tình mà ngày xưa, khi tình yêu tưởng là đẹp nhất cuộc đời này. Nghĩa là bao nhiêu hứa hẹn, thề nguyền ném tọt vào quá khứ.

 

Chỉ thiếu bốn ngày nữa thôi là tròn một tháng, một tháng tôi lúc khóc, lúc cười, lúc líu lo nói cho thoả thích để những người thân của tôi yên tâm về mình nhưng cũng là những lúc câm lặng một mình đến ghê sợ. Một tháng phải đối diện với cô đơn, niềm đau và nỗi buồn.

 

Tôi lấy chồng, một người chồng theo đúng nghĩa của nó. Anh ta tốt nghiệp đại học, làm kỹ sư cầu đường, rồi bây giờ làm cán bộ tài chính của một công ty thép lớn nhất Việt Nam. Trẻ trung, có công ăn việc làm ổn định mà lại là một chỗ làm việc nhiều người mơ ước. Có một vẻ ngoài thật hào hoa, phong nhã, ra dáng một công tử có học thức. Con trai một trong gia đình không giàu có nhưng cũng đủ khả năng chu cấp bất cứ thứ gì anh ta yêu cầu, đòi hỏi. Thời sinh viên đã nghênh ngang xe gắn máy ngược xuôi Hà Nội – Thái Nguyên trong những ngày nghỉ. Bây giờ ngự trong một căn nhà lầu có mặt tiền ngay trên con lộ chính lên Thành phố Thái Nguyên, mà căn nhà này nay mai sẽ thuộc về anh ta, tức là thuộc vợ chồng tôi, nếu như tôi tiếp tục sống với anh ta. Vậy thì một người phụ nữ “khốn nạn” (anh ta thương gọi tôi như vậy ) như tôi thì tôi còn hạnh phúc nào bằng, sung sướng nào bằng. Có lẽ anh ta nghĩ rằng: tôi sinh ra trong một gia đình không được hạnh phúc. Ngay từ nhỏ, bố tôi đã để mẹ con tôi lại là đến sinh sống ở một nơi khác, cách Thái Nguyên cả ngàn cây số. Tôi sống với mẹ, lớn lên trong sự đùm bọc thương yêu của mẹ. Mẹ không để tôi thiệt thòi, ráng nuôi tôi, cho tôi ăn học và tôi cũng tốt nghiệp đại học như ai. Hơn thế, tôi còn được kết nạp Đảng ngay trong khi còn là sinh viên. Không biết trước mắt chồng tôi, bấy nhiêu thứ có làm anh ta xúc động và có một chút tự hào nào về tôi không? Nhưng hình như không thì phải. Có lẽ anh ta chỉ muốn có một điều: đã là vợ thì chỉ biết có làm vợ theo đúng nghĩa đen của nó. Có nghĩa là: phục tùng tuyệt đối. Khi tôi bắt đầu đi làm thư ký giám đốc cho một công ty chuyên buôn bán thép của nước ngoài, thì cũng là bắt đầu những ngày đen tối của đời tôi. Không, nói như thế chưa chính xác. Nó phải bắt đầu từ ngay sau khi cưới. Một đám cưới dềnh dang, đông đúc và tưởng như ngập tràn hạnh phúc. Chiếc xe hoa chở hai đứa chúng tôi chạy môt vòng thật nhiêu khê trên con đường chính rộng thênh thang. Chạy chậm thôi để camera quay được cả nụ cười mãn nguyện của hai đứa. Hôm nay, có lúc tôi xem lai dĩa hình ngày cưới, cũng có khi tôi mỉm cười. Sao hạnh phúc thế nhỉ. Mà hạnh phúc ở đâu. Ngày sau khi cưới tôi trở thành một vật sở hữu. Anh ta muốn tôi luôn bên cạnh anh ta. Những lúc nào không ở bên nhau là anh ta hình dung ra tôi đang lăng nhăng với một ai đó. Mỗi khi không bên cạnh anh ta  là tôi phải giải trình mình đã đi đâu làm gì, có ai biết. Những lời giải trình của tôi có lúc làm anh ta hài lòng, một sự hài lòng theo anh ta nói là: “ Em nói vậy thì anh biết vậy, chứ anh có ở đó đâu mà biết”. Cũng có những lời giải trình dẫn đến sự giận dỗi hàng nửa tháng trời. Mọi chuyện kéo dài như vậy, đã có những lúc tôi không giải thích nữa mà chỉ nói rằng: “ Nếu anh nghĩ em đi đâu  là em đi đó, được chưa”. Thế là như lửa thêm dầu. Anh nhìn tôi với ánh mắt nghi ngờ rõ rệt, rõ rết đến mức tôi có thể đọc được trong đó một câu nói mà có lẽ anh ta không tiện thốt ra, và tôi cũng không muốn nói ra đây vì sự nhục nhã.  Bởi thế mà tôi khó đi đâu khi không có lí do thoả đáng để giải thích với anh ta. Nếu tôi vâng chịu, nếu tôi lúc nào cũng gắn với anh ta như hình với bóng, ngay cả khi tôi đến cơ quan làm việc anh ta cũng ở bên tôi kè kè hẳn chẳng có chuyện gi xẩy ra và có thể như thế tôi sẽ “ hạnh phúc”. Tôi làm vợ, nhưng tôi cũng có những công việc phải làm, phải hoạt động như bất cứ một người nào đó trong xã hội này và cũng chính vì thế trong gia đình tôi luôn luôn có một quả bom ngầm , nó sẵn sàng phát nổ bất cứ lúc nào khi chỉ cần chạm nhẹ vào ngòi kích nổ, mà cái ngòi kích nổ đó đã rất nhiều lần được kích hoạt chưa nổ.

 

Hôm nay tĩnh tâm ngồi nhìn lại, tôi mới thấy mọi chuyện bắt đầu từ ngay sau ngày về chung sống với nhau. Đám cưới của chúng tôi được tổ chức vào năm cuối cùng của thời sinh viên. Tôi mới mang bầu con trai tôi được một tháng, thì được hân công làm trưởng một đoàn thực tập tại một trường cấp II gần nhà. Tôi cùng với các bạn của mình đi thăm thầy giáo hướng dẫn sau khi kì thực tập sắp kết thúc. Anh ta đã cùng tôi đi mua quà tặng thày, nhưng sau đó thì để tôi đi với chúng bạn. Có một bạn trai đi nhờ xe tôi. Biết tính chồng mình, tôi đã đề nghị một bạn gái nữa cùng đi.  Sinh viên mà, xe đạp còn không có đủ thì xe máy phải tận dụng tối đa công suất. Vừa đi được một đoạn tôi thấy chồng mình  đi đằng sau vượt lên và chỉ thẳng  tôi trước  mọi người: “Mày về ngay, con mất dạy, tao biết ngay mà”. Thì ra chồng tôi đã không về sau khi chở tôi đi mua quà cho thầy giáo mà theo dõi tôi xem tôi đi đâu với ai? Làm gì?. Tôi như bị một gáo nước lạnh dội vào người, bởi lúc đó không chỉ có đoàn của chúng tôi mà còn có một đoạn đường người ta đang họp chợ đông đúc. Không chỉ bạn bè tôi mà cả những người có mặt trong chợ cũng ngơ ngác nhìn hai chúng tôi. Tôi  thất vọng vô cùng vì lòng tự trọng bị thương tổn. Nhưng ngang đường ngang xá, biết làm sao. Đàng cắn răng chịu vậy.

 

Lần thứ hai, khi tôi mang bầu đựơc bảy tháng, đang ở nhà thì tôi có điện thoại. Trên trường gọi lên đóng nốt học phí còn thiếu, nếu không, không được làm thủ tục đăng kí thi hết học trình. Trong lòng tôi nóng như lủa đốt vì tôi đã đưa tiền, nhờ chồng mình đóng học phí rồi thì sao lại có chuyện học phí chưa đóng hết?. Chờ mãi, chồng tôi về, trong ngưòi đã có hơi men nên tôi im lặng. Vừa lúc đó thì có điện thoại, có người muốn gặp chồng tôi. Tôi bảo: “Anh chờ chút xíu để em đưa máy cho anh, hình như anh ấy đang say”. Chồng tôi lúc đó đang nôn thốc, nôn tháo, quay phắt lại bảo tôi rằng: “ Đ. me, mày ngu thế sao mày bảo tao say?”. Vì có mẹ chồng tôi đứng ngay sau lưng tôi khi đó, nên tôi cũng  không nói được một lời.

 

Lần thứ ba, khi con trai tôi được mười  sáu tháng tuổi, tôi bế con đi mua bút. Trời mưa tầm tã, không về được tôi ghé vào nhà một chị bạn ở chung cơ quan, chờ tạnh mưa rồi về. Nhưng cơn mưa hoài không tạnh. Mười giờ đêm nên  tôi đành mượn con chị cái áo rét và cái ô đi về. Về đến đầu đường, cách nhà tôi khoảng năm mươi mét, tôi đã thấy chồng tôi đứng chờ. Thấy tôi,  anh ta bắt đầu chửi tôi từ đó cho đến khi về nhà. Mọi người ở hàng xóm đều mở cửa xem chúng tôi. Nghe tiếng anh ta la lối, một số người sợ tôi bị đánh nên đã theo vào can thì đều bị bố chồng tôi đuổi ra.  Người sau cùng bị ông túm tóc và xô đẩy. Khi ông quay vào, ông chỉ thẳng vào mặt tôi rồi nói: “Mày đi đâu, mày đi đâu thì mày phải để con mày ở nhà chứ. Mày đi đâu chết mặc mày. Nhưng phải để con mày ở nhà chứ. Mà muốn chết ông cho mày chết”. Sự im lặng của tôi từ ngoài đường vì nén nhịn chồng mình đã bùng lên bởi câu nói của bố chồng. Tôi quay lại nói với chồng: “Đi, tôi đưa anh đi tới chỗ mà tôi đã đi”. Vừa nói được câu đó thì mẹ chồng tôi ở trong nhà quát: “ Mày có lỗi, mày không xin lỗi, mày lại còn đổ dầu thêm lửa”. Tôi lên trên tầng nói với chồng tôi: “ Khi bế con đi, trời không mưa. Nhưng rồi, trời mưa to anh biết, tôi biết, cả xã hội này biết. Vậy thì tôi đưa con về trong lúc trời mưa có phải tôi là một người mẹ điên không?. Tôi không đi lăng nhăng, không đi trai trên gái dưới thì liệu tôi có phải là người có lỗi?”. Con tôi khóc thét lên khi chồng tôi tát tôi, bố chồng tôi giằng lấy con tôi và bảo: “ Chúng mày muốn đánh nhau hả? Đưa con mày, đây để tao cho hai đứa chúng mày đánh nhau”. Tôi thấy mình cô đơn quá, không biết đâu là điểm tựa, chồng mình thì ghen tuông vô lối, bố mẹ chồng thì cho là mình có lỗi khi mình bảo vệ con. Vậy là tôi đưa đơn ly hôn lân thứ nhất. Lần ấy, hình như anh ta biết mình có lỗi ( cám ơn trời, nếu đó đúng là sự thật) nên khi làm lành, chúng tôi đã làm một bản cam kết với năm điều do chính anh ta viết và ký vào bản cam kết ấy. Trong đó có một điều hẳn những người đàn bà trên đời này ai cũng mong muốn: không uống rượu và quát mắng vợ con. Thế nhưng…

 

Ngày mồng 8/3, ngày của phụ nữ, buổi trưa, cơ quan tôi tổ chức liên hoan cho chị em. Tôi gọi điện về cho chồng coi như đó là một lời xin phép. Sau khi liên hoan xong, tất cả mọi ngưòi cùng đi hát karaoke.  Anh ta đã đến quán karaoke đòi gặp tôi. Thì gặp, có sao đâu. Chồng mình mà. Nhưng vừa gặp mặt, không cần chào hỏi ai, anh ta chửi tôi trước mặt mọi người sau khi bảo rằng: đã gọi cho tôi mười cú điện thoại mà tôi không nhấc máy.  Tôi mở máy thì đúng là có bốn cuộc gọi nhỡ của chồng tôi. Am thanh ồn ã của phòng hát khiến tôi không nghe được tiếng chuông reo. Tôi không giải thích, nhưng thật đắng lòng, ngày hôm ấy, tôi đã không nhận được một lời chúc, một bông hoa vào ngày của phụ nữ, mà lại là những tiếng nguyền rủa tôi ngay trước mặt bạn bè, anh em cùng cơ quan. Sau đó ít lâu, ngày 30/4, ngày mừng đất nước thống nhất, ai cũng vui trong một cuộc liên hoan. Là người của cơ quan, tôi không thể từ chối ( và sau này tôi nghĩ càng không nên từ chối) tham gia cùng vui với tất cả mọi người trong một cuộc hát Karaoke. Nhưng cuộc vui chưa tàn thì anh ta đã đến , bắt tôi về. Về cũng không sao, nhưng thêm một lần nữa tôi lại đắng lòng khi trước mặt bao nhiêu người anh ta chửi: “Con mất dạy, tao đã cấm mày đi Karaoke rồi mà mày con cố tình. Về ngay!”. Thêm một lần nữa những bạn đồng nghiệp cơ quan tôi phải trố mắt nhìn khi thấy anh ta nắm lấy tóc tôi xô về. Karaoke có tội tình gì mà anh ta cấm đoán. Nhất là khi ở cơ quan, mọi người vui với nhau có gì đen tối mà anh ta cũng không muốn. Một loại hình sinh hoạt văn hoá đã bị đối xử thiếu văn hoá. Hình như anh ta đã quên bản cam kết mà anh ta đã ký. Hỡi những người đàn bà, có phải đã có chồng rồi thì không được sống vui vẻ với cộng đồng ? Nếu đúng thế thì tôi là kẻ có lỗi…

 

Thêm một lần nữa và đây là lần đã đưa tôi đến quyết định cuối cùng: Chúng tôi không thể chung sống cùng nhau nữa, mặc dù con tôi còn rất nhỏ. Tôi đang học một lớp văn bằng hai kế toán doanh nghiệp. Cuối tháng bảy chúng tôi thi môn cuối cùng để nghỉ hè. Ban cán sự lớp đưa ra kế hoạch: sau khi thi xong mời các thầy cô giáo liên hoan chia tay. Tôi cũng đã nói với chồng tôi điều đó. Thay vì sau khi liên hoan là đi hát Karaoke nhưng nghĩ đến những lần hát trước tôi không thể đi. Tôi rủ một người bạn cùng về. Thôi thì chiều chồng, anh không thích thì tôi không đi. Nhưng  không hát karaoke cũng không thoát khỏi sự hằn học của anh ta. Vừa về đến nhà vừa thấy tôi anh ta đã nói: “Mày đi đớp ở đâu bây giờ mới về, lại đi hát karaoke hả?”.  Đến bụt cũng phải lên tiếng trước một câu nói đạt trên trình độ thiếu học thức như vậy. Tức giận trào lên trong tôi. Đã tránh  không đi mà vẫn bị mang tiếng.  Anh ta quát nạt buộc tôi phải vào nhà. Tôi không còn chịu được, thách thức: “Em không lên, còn đợi Gấm đến đón em đi hát tiếp”. Gấm là người bạn đã chiều tôi cùng về và mới vừa quay xe chạy ra đường. Tôi không ngờ được hậu quả của lời thách thức đó. Từ trên lầu chạy xuống anh ta giơ bàn tay hộ pháp nắm lấy gáy tôi và đẩy tôi lên trên nhà. Sau đó là những câu chửi mắng như tát nước, có những câu còn ngoa ngoắt và tồi tệ đên mức tôi không dám kể ra đây. Trong lúc tức giận anh ta đã bóp cổ tôi, túm tóc tôi xô tôi ngã ra nền đất. Trái bom lại thêm một lần kích hoạt, lần này nó đã muốn nổ tanh bành. Nhưng rồi hàng xóm, những người xung quanh đã can gián. Trơ tráo thay, trước mặt tôi, trước cô tổ trưởng dân phố, trước bác Bí thư chi bộ, anh ta đã nói rằng: “Với tư cách là một người Đảng viên ( chao ôi, chuyện vợ chồng sao phải mang cái tư cách cao qúy ấy ra mà làm chứng) , cháu xin thề với bác là mặc dù cháu có chửi vợ cháu thật nhưng cháu chưa bao giờ đánh vợ cháu một cái.” Người ấy mà là đàn ông sao? Tôi thường nghe:  quân tử, dám làm dám chịu. Thế mà một đấng nam nhi vừa xuống tay bạo lực, miệng đã chối leo lẻo, chối đến trơn tru cái miệng. Thử hỏi liệu có thể tôn trọng được nữa không. Cuộc sống sẽ còn tiếp diễn. Ngần nấy năm trời đủ để tôi thấy được bản chất của anh ta. Trước thì chỉ là quát tháo, nạt nộ, văng tục, chửi thề, nay thì đã xuống tay. Trước đã mấy lần van xin năn nỉ, làm cam kết xin tôi tha thứ. Thế rồi quên, để hôm nay xuống tay. Những hành động thô thiển không đúng với một người có học mỗi ngày một tăng thêm. Liệu tiếp tục cuộc sống với anh ta, sẽ còn chuyện gì nữa sẽ xẩy ra, khiến tôi không còn chịu nổi nữa. Khi anh ta chửi, tôi nhún nhường, anh ta chửi nữa. Anh ta đã xuống tay, nếu tôi nhún nhường, lệu anh ta có xuống tay thêm lần nữa? Có, nhất định có. Nhất là bên tôi không có ai. Tôi cô đơn bên cha chồng, mẹ chồng và chính chồng tôi. Tôi đi.

 

Tôi đi, mang theo cả đứa con yêu dấu nhất trên đời của mình để trốn chạy một cuộc sống không thể gọi là sống ấy. Trong suốt cuộc hành trình đó, cháu không một lần nhắc đến bố nhưng chỉ một hình ảnh cháu đi chơi trốn tìm với mấy đứa trẻ hàng xóm, khi tôi hỏi cháu “ Con đang tìm ai vậy?”: “Con đang  đi tìm bố”. Tim tôi nhói lại, hay là quyết định của mình đã sai?.

 

Tôi cũng đã trải qua một tuổi thơ không đầy đủ, nhưng tôi lúc nào cũng ý thức được rằng sự chia tay của bố mẹ là cần thiết khi hai người không thể tiếp tục với nhau. Có thể tôi còn hạnh phúc hơn những đứa trẻ khác vì không phải chứng kiến những cảnh bố mẹ chửi nhau, đánh nhau như kẻ thù. Họ chia tay nhau mà gặp lại họ hồn nhiên vui vẻ như những người bạn. Tôi chưa từng thấy mẹ tôi trách cứ bố tôi một lời. Còn bố tôi, mỗi lần gặp là một lần cảm ơn mẹ đã chăm sóc tôi nên người. Họ không là vợ chồng nữa. Nhưng tôi thật hạnh phúc khi được gần hai người trong cùng một lúc. Nhưng còn tôi. Thấy cháu ngơ ngẩn tìm tôi tự hỏi: hay là chập nhận. Tôi quyết định gọi điện cho chồng, nói anh ấy vào với mẹ con tôi một thhành phố cách Thái nguyên cả ngàn cây số. Anh ấy vào thật, cũng giống như bất kể lúc nào khác là những câu ăn năn, xin lỗi và khuyên tôi quay trở về. Nhưng thú thật, tôi làm như thế là vì con mình, mong rằng anh ấy sẽ vào trong này sống với mẹ con tôi chứ còn bảo tôi quay về nhà chồng , tiếp tục đối diện với hai tầng áp bức là chồng mình, chị chồng mình và bố mẹ chồng thì tôi không thể bởi họ luôn luôn coi chồng tôi là một cục cưng, không bao giờ sai cả. Sau tất cả những việc làm ấy, gia đình chồng tôi vẫn nói: “Chồng tôi hay ghen như vậy là phải có nguyên nhân.” Nguyên nhân gì, không ai nói. Kêu họ làm cho rõ nguyên nhân họ không làm, cứ buông trên đầu tôi một câu nói, giống như một sợ dây thòng lọng tròng vào cổ mà không chịu xiết vào cho tôi chết hẳn hoặc tháo ra cho tôi khỏi bị hồi hộp giữa sống và chết.

 

Anh ta vào. Thật sai lầm. Người ta nhiều khi cứ bị tình cảm làm cho ngu đần. Nhiều khi thấy anh ta năn nỉ, tôi cũng thấy ái ngại. Phía trước tôi là cả một thế giới bao la. Những ngày đưa con đi, là những ngày tôi ngồi tìm kiếm việc làm trên mạng. Lúc anh ấy vào, tôi đã được nhận vào dạy Anh ngữ cho một trung tâm ngoại ngữ. Công việc bộn bề, tôi đã nghĩ đến việc để anh ấy mang con gửi ông bà nội một thời gian. Và nếu anh ta đồng ý, thì chúng tôi sẽ làm lại từ đầu nơi tôi vừa đến. Nhưng chưa kịp bàn bạc thì một buổi chiều anh ta mang con tôi trốn biệt ra Thái Nguyên. Sau đó là những dòng tìn nhắn trên điện thoại:  “Mày phải bước qua xác tao thì mới lấy được con, dù luật pháp có xử con cho mày nuôi thì phải bắn chết tao mày mới được đón con đi nuôi”. “May mẹ mày vớ được một thằng con rể tốt, chứ như những thằng rể khác thì nó đã đập chết mẹ mày từ lâu rồi”. Bố tôi biết chuyện, nhắn tin cho anh ta: “ Bố tưởng con là một người đàn ông chứ?”. Tưởng rằng anh ta thơi không nhắn tin lại, nhưng anh ta lại nhắn: “ con làm thế vì con của con. Con mong vợ con tha thứ cho con mà về với con”. Bố tôi đưa tôi đọc cái tin ấy. Ô hay, một người vừa chửi đó mà lại có ngay những lời tử tế như thế. Tôi không tin cả chính mình nữa.

 

Khi anh ta mang con tôi đi, tôi đã tưởng mình điên, tôi chỉ còn có con trai tôi là niềm an ủi duy nhất. Đi đến một nơi đất khách quê người, xa gia đình, người thân, bè bạn, chỉ có công việc và con trai là tôi còn nghĩ đến chuyện sống. Những thông tin từ ngoài kia liên tục đến với tôi. Ngày nào cũng có điện thoại. Những gì đang diễn ra ở ngoài ấy tôi đều biết hết.

- Chị ơi, người ta nói chị bị vỡ nợ nên phải bỏ trốn- Một người con gái cùng tuổi với tôi đã điện cho tôi và nói như vậy. – Nhưng chúng em biết mà, chị có vay mượn của ái đâu mà vỡ nợ. Ngày xưa chị có mở dịch vụ internet, tốn mấy chục triệu đồng. Gia đình “ hắn” thế chấp đất nhà cho hai vợ chồng chị làm. Thua lỗ, nhưng chị cũng đã giải quyết xong hết rồi mà, phải không? Thế mà người ta ác mồm bảo chị trốn nợ.

- Chị này. Em nghe chuyện “ hắn”  nói vô lý quá. Ngay chị về nhà chồng, mẹ chị cho chị cái xe máy, phải không? Em biết vì chiều chồng, chị đẩ “ hắn” bán đi, mua xe khác. Mấy lần mua đi bán lại rồi. Cái xe ban đầu đã mất. Cái xe chị chạy, tụi em biết mà. Nay chị mang đi, thế mà hắn kêu chị “ ăn trộm”  xe đó. Nói thế mà nghe được hả chị?Đàn ông gì “hắn” buôn chuyện như đàn bà. Hay ho gì chuyện đi nói xấu vợ mình.

- Ối trời ơi, “hắn”  đang làm rùm beng lên là chị theo trai đó.

 

… những chuyện như thế cứ hằng ngày đến vơi tôi. Tôi không cần, ai nói ngả nói nghiêng gì tôi cũng mặc. Chỉ trừ tôi sớm chết, chớ còn sống, tôi sẽ làm cho mọi người thấy tôi là một con người như thế nào. Thú thực có những lúc tôi đã yếu lòng. Đã có những lúc tôi nghĩ rằng mình sẽ quay lại. Mẹ gọi tôi ra vì sợ một mình tôi sẽ chịu không nổi sự côn đơn. Cô đơn sợ thật, nhưng cứ chuẩn bị làm điều đó thì tôi lại nhận được điện thoại của anh ta lúc thì mười phút, lúc thì hai mươi phút. Ban đầu bao giờ cũng là những lời năn nỉ, nhưng sau đó chỉ là những câu xằng bậy, chỉ là những câu nói tục tĩu. Có hôm anh ta hỏi tôi: “ em làm như vậy, em có ân hận không” . Tôi trả lời: “ sao anh nghĩ là em phải ân hận”. “ Thì em đang sống có chồng, có con, có gia đình chồng, có nhà cửa đấy đủ. Không thiếu bất cứ cái gì. Nay phải cô độc nơi đất khách quê người…”. Tôi bảo anh ta: “ Em sẽ có tất cả những cái anh vừa nói, nhưng em sẽ mất chính em. Theo anh như thế có đáng không?”. Nghe xong anh ta réo lên: “ Đồ ngu! Người ta mơ còn không có đó, biết không?” . Tôi cười, cúp máy. Tiếng động từ chiếc máy điện thoại khô khốc dội vào tôi một nỗi buồn. Tôi muốn vồ lấy máy tính để hỏi thêm mấy lời về con. Nhưng thôi, thế nào rồi cũng có ngày con tôi về với tôi. Cái tôi cần là sống đã. Sống tốt, nhất định mẹ sẽ có con.

 

Tôi ngồi vào máy vi tính, gõ thật nhanh dòng chữ: ĐƠN XIN LY HÔN…  nhưng khoan, trước lúc làm đơn xin ly hôn thì phải làm cái đơn xin miễn hoà giải cái đã…

Hương Hà
Số lần đọc: 2798
Ngày đăng: 22.12.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cõi hư - Nguyễn Thanh Đức
Tần Doanh Chính - Phạm Lưu Vũ
Mộng du - Đào Bá Đoàn
Kịch bản một chuyện tình - Đặng Hoàng Thái
Đất mặn - Phạm Ngọc Cảnh Nam
Đoạn kết một bộ phim - Phan Thị Thu Loan
Con nước đi rong - Phạm Ngọc Cảnh Nam
Bão quét - Phạm Ngọc Cảnh Nam
Chuyện chị Tư Mót ở xóm Mồng Tơi - Đặng Hoàng Thái
Đêm chờ đợi - Quân Tấn
Cùng một tác giả