Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
707
116.702.300
 
Tim Page - Người mà tôi biết
Lê Thị Thái Hòa

Đến VN năm 1965 như một phóng viên ảnh còn quá trẻ, với đầy những ảo tưởng ban đầu về cuộc chiến, Tim Page ngay lập tức vỡ mộng. Và nhanh chóng bị loại ra khỏi nơi này vì một mảnh đạn pháo, nhưng Tim đã kịp ghi tên mình như một trong những phóng viên chiến trường danh tiếng nhất với những bức hình cho độc giả cả thế giới thấy bộ mặt thực của chiến tranh. Chiến tranh VN, cuộc chiến mà hệ lụy của nó còn lại đến tận giờ, còn lại như những cảm giác của sự xa lạ, của nỗi ngạc nhiên về sự tàn khốc giữa thế kỷ XX, giữa con người với con người.

 

Những ám ảnh ghê rợn của quá khứ

 

Chiến tranh không mang gương mặt của đàn bà. Hãy thử nhìn gương mặt của những người đàn ông đã kinh qua cuộc chiến... Những ám ảnh ghê rợn của quá khứ, những dằn vặt, đau đớn thể xác, và những vết thương mãi mãi không lành trong tâm khảm. Chiến tranh! Ngay khoảnh khắc này đây ở một nơi nào đó trên trái đất cũng không có nổi một phút giây ngưng nghỉ của tiếng súng. Chiến tranh là "trò chơi" phi nghĩa nhất mà con người nghĩ ra để rồi lúc nào sự tồn tại của cuộc sống cũng chênh vênh như đi trên dây, đi trên sự vô nghĩa của cái chết, thứ chết chóc không phải là khởi nguyên của những tái sinh mà đơn giản là sự hủy diệt.

 

Khi còn trẻ, quả thật người ta không biết sợ. Hơn thế, là một người đàn ông, Tim bước vào cuộc chiến ở VN dù không với tư cách một người lính nhưng có nghĩa vụ với cuộc chiến này. Và vũ khí của Tim là máy ảnh để có nhiều khi cảm giác đối mặt với mũi súng, với khói bom và cái chết. Ở VN gần 4 năm, Tim vẫn kịp để lại một huyền thoại với bất cứ ai biết ông về một con người mang trong mình dòng máu của sự mạo hiểm, liều mạng.

 

Đặt chân lên đất VN năm 20 tuổi, với Tim Page, mọi cái đều rất mới, lại là một cuộc chiến, bất cứ điều gì cũng phải học, phải  thích ứng nhanh, mọi cái giống như phản ứng của một người thiếu nữ xuân thì với cuộc sống vậy. Thậm chí phải biết đè nén tình cảm xuống và chuyển sự sợ hãi thành một thứ tình cảm tích cực hơn. Khi là một phóng viên ảnh chiến tranh, mục đích của bạn là gì? Là phải chụp được những bức hình mà ít người được thấy, cụ thể là người chết, là làng mạc bị đốt cháy... Tim đã kể giữa những phút nghỉ khi quay bộ phim VN unseen war (VN những bức ảnh nhìn từ phía bên kia): "Đừng hỏi tôi về cảm giác. Sự sợ hãi là đương nhiên nhưng cũng đồng thời với thích ứng là sự ghê tởm chiến tranh khi nhận ra bộ mặt thật của nó. Và nhu cầu bằng những bức ảnh của mình chuyển tải được hơn nữa, tạo sự quan tâm của độc giả báo đến những bức hình của mình chụp bằng cách chụp đẹp hơn, nghệ thuật hơn như yêu cầu tất yếu của nguyên tắc thuyết phục".

 

Có thể nói cái cách mà Tim Page nhìn nhận chiến tranh lúc đó giống như một nghệ sĩ đích thực, và dù chiến tranh có ghê tởm, đáng ghét thì đó vẫn là đối tượng của những tác phẩm mà Tim Page phải thể hiện bằng nhiếp ảnh. Lịch sử đã sang những trang khác. Nhưng không thể phủ nhận rằng chính giá trị của những bức ảnh chiến tranh cũng giống như sức mạnh của truyền thông đã góp một tiếng nói quan trọng ở châu Âu hay châu Mỹ giúp mọi người nhận ra có điều gì vào thời điểm đó đang xảy ra ở VN.

 

Sức mạnh không lời!

 

Ban đầu Tim Page đã không ngay lập tức nhận ra điều đó, không nhận ra sức mạnh không lời của nhiếp ảnh chiến trường cho đến khi ông nhìn thấy trong những cuộc biểu tình, người ta phóng to và mang theo những bức ảnh của Tim Page chụp như một bằng chứng xác thực nhất, tố cáo bộ mặt thật của chiến tranh VN mà nước Mỹ đang cố gắng che giấu. Có thể nói giống như sự tỉnh ngộ vậy, Tim Page hiểu rằng ông sẽ phải giúp cho những độc giả của những tạp chí, tờ báo đăng hình ông nhận thức được, "chiến tranh thực ra như thế nào?" giống như những người đã mang theo ảnh của ông xuống đường biểu tình phản chiến kia. Không phải là dễ dàng gì, chiến tranh không phải là trò đùa, chiến tranh là máu, là chết chóc và tàn phá... Nên hôm nay giữa Sài Gòn, có một Tim Page bước những bước đi với cái chân bị khập khiễng, với một bên tay tật nguyền, 1/4 bộ não bỏ lại VN, tai nghe kém... Tim Page đã bị thương bởi chính đạn của lính Mỹ trong một trận càn ở Tây Ninh.

 

* Bây giờ ông vẫn còn chụp hình và vẫn có những collection để ra những cuốn sách ảnh gây nhiều chú ý, nhưng chụp ảnh chiến tranh và ảnh đời thường, thực sự cái gì mang lại cho ông nhiều cảm xúc hơn?

 

- Khi mình còn trẻ, còn nhiều sức sống và năng lượng thì cảm giác mình khó bị tổn thương. Chiến tranh giống một sự thách thức có hấp lực với những người trẻ như tôi khi đó. May mắn là tôi đã chụp được những bức ảnh tốt, kiếm được nhiều tiền từ đó và tất nhiên là cũng đã tiêu hết tiền rồi (cười). Tên tuổi của tôi cũng gắn với những huyền thoại điên rồ về tôi. Tôi không cưỡng lại được sự "enjoy" với những mạo hiểm khi đi xe máy xuống vùng chiến sự, thực sự sống với những giây phút cận kề cái chết đó và "feeling" với mỗi 6 trang ảnh của mình trên các tạp chí.

 

Điều này thì chính xác không đo được bằng tiền! Nhưng bây giờ giữa cuộc sống đời thường, nâng máy ảnh lên chụp bất cứ thứ gì với tôi cũng là sự thú vị bởi những sự kiện đó luôn chạm được vào trái tim tôi. Tôi đã trưởng thành từ chiến tranh ở VN và cuộc chiến ấy đã cho ra những chuẩn mực về tất cả những bức ảnh chiến tranh cho đến tận sau này. Khó có sự lặp lại lần thứ hai. Nhưng xét cho cùng, chiến tranh thực ra là một cái "big business" của một số người mà thôi!

 

Cuộc chiến ở VN, mọi người đã có thể thường xuyên nhìn thấy, cảm giác được nó bằng sức mạnh của những bức ảnh. Truyền hình, internet sau này ít nhiều đã giết chết hoặc hạn chế sức mạnh của báo chí. Một xã hội mà mọi người thờ ơ, không có thời gian dành cho sách vở, báo chí in trên giấy, và dường như chỉ quen với cách vừa nghe vừa xem như những gì mà truyền hình mang lại. Cuộc chiến tranh ở VN là cuộc chiến tranh đầu tiên có live (trực tiếp) tường thuật trên radio. Những năm 1960, nước Mỹ có hẳn một văn phòng quản lý hình ảnh của các phóng viên chiến trường từ khắp nơi gửi về.

 

Tuân theo quy định nghiêm ngặt của tự do báo chí, văn phòng này nằm ngoài tầm kiểm soát và chi phối của Chính phủ, thế nên bất cứ nơi nào cần cũng có thể tìm kiếm những bức ảnh chân thực nhất ở đây. Bên cốc bia ở "The wine bistro SG" nơi cuối đường Đồng Khởi, Tim Page trầm ngâm: "Một sự chuyên nghiệp về truyền thông, sự chuyên nghiệp đầu tiên và cuộc chiến đầu tiên mà nước Mỹ phải thừa nhận thua cuộc. Dù sự thực Mỹ chưa bao giờ thắng trong bất kỳ cuộc chiến nào, họ chỉ là những người gây ra chiến tranh và để mặc cuộc chiến đó tiếp diễn...".

 

Những tưởng niệm lặng lẽ

 

Những năm 1980, Tim Page quay trở lại VN, khi đó VN còn nghèo, đường phố vắng lặng và chỉ có máy bay của Liên Xô, những chiếc máy bay cũ đầy mạo hiểm để leo lên nó, còn tàu hỏa Nam - Bắc mất hơn 3 ngày, gần như không có khách du lịch. Rồi năm 1985, Tim quay lại như một khách mời nhân kỷ niệm 10 năm kết thúc cuộc chiến tranh VN: "Sau đó 3 năm thì VN đổi mới. Và bây giờ, VN giống như một quả bóng tuyết khổng lồ đầy sức mạnh đã lăn rồi thì không có gì ngăn cản được con đường đi của nó".

 

Bây giờ đi lại rất dễ dàng, nhiều dự án lớn tại VN mà Tim Page là một trong những người được lựa chọn thực hiện. Ở đây, Tim có nhiều bạn, nhiều người trong số họ ở các vị trí quan trọng trong chính quyền và cơ hội thường xuyên được đến VN mở ra hơn lúc nào hết với ông. "Tôi theo đạo Phật, tôi tốt bụng và chưa từng làm điều xấu. Có phải vậy không? Nên tôi đã được quay trở lại VN ngay từ những năm 1980, khi đất nước này còn chưa thực sự mở cửa?

 

 

Năm 1990, khi bắt đầu dự án IMMF (Quỹ báo chí tưởng niệm Đông Dương) cũng là lúc tôi đã mang về VN một cây bồ đề từ Campuchia, tôi đã mang đến sông Bến Hải và trồng nó ở đó như một tưởng niệm âm thầm cho tất cả những người ở cả hai phía đã hy sinh trong cuộc chiến. VN là một phần trong trái tim tôi, tôi bắt đầu sự nghiệp ở đây, thành công ở đây, tôi đã chết đi ở đây và cũng chính nơi đây, tôi hồi sinh. Điều lớn nhất mà tôi đã làm ở VN có ý nghĩa đến giờ với tôi chính là bộ sách ảnh và triển lãm Requiem - Hồi niệm, nếu tôi chết, cuốn sách đó cũng chính là một hồi niệm cho tôi. Tôi chỉ tiếc không giàu hơn để có thể sống ở hai nơi, ở Úc và VN".

 

Tim Page có rất nhiều dự án nhiếp ảnh ở khắp nơi trên thế giới, ông vừa ra một cuốn sách về đạo Phật. Sự theo đuổi các dự án liên quan đến chiến tranh và hậu chiến với Tim Page giống như một sự tự giải phẫu, một cách tự hàn gắn cho mình những vết thương. Như Tim thú nhận, ông muốn hướng tới con người, hướng tới con cái những người đã chết trong chiến tranh, những người mù, những người điếc, những người tàn tật sau cuộc chiến, cả những vong hồn của những người đã chết nữa.

 

Tim Page mãi là một người bạn cũ mà tôi yêu quý. Thân thiết. Có thể ngồi vài tiếng với nhau giữa những cảnh quay trên Khoang Xanh năm 2000 (trong khi cùng nhóm làm phim của National Geographic Television thực hiện bộ phim VN- unseeen war) để nghe Tim nói lan man gì đó. 1/4 bộ óc để lại VN đôi khi đã làm cho ông có trạng thái của người hơi tâm thần! Mà thực ra ông đã phải vào bệnh viện tâm thần sau lần bị thương cuối cùng. Tim nghiện cần sa, thứ được coi là trái phép ở VN nên mỗi lần qua đây ông chỉ hút thuốc lá. Tim cần cần sa, thứ ma túy này làm dịu thần kinh, nếu không ông sẽ rất khó ngủ. Tim Page - chính xác là một nhân chứng cũng là một nạn nhân điển hình của những ám ảnh chiến tranh!

 

 

Tim biết ông là một người hùng, Tim biết ông có giá trị ở điều gì và đôi khi tôi có cảm giác thấy dường như ông lạm dụng điều đó hơi thái quá. Nhưng thường thì người ta tha thứ và chấp nhận ông vì tất cả quá vãng mà ông đã có, đã sống hết mình và không có gì để tiếc nuối. Tôi nhớ quá nhiều về Tim như tình cảm của tôi dành cho người bạn lớn ấy. Tim và David Clark (đạo diễn của VN unseen war) đã rất muốn tôi có mặt trong các workshop của IMMF, muốn tôi học được nhiều hơn để trở thành một phóng viên ảnh hoặc một người làm phim tài liệu. Lần nào gặp lại Tim, ông cũng nhắc điều đó, có thể bởi vì sự yêu quý, có thể là một kỳ vọng một “think different” cho cuộc sống thực dụng mà Tim Page đang thất vọng này.

 

* Ông còn tin vào sức mạnh của nhiếp ảnh chiến trường ở thời điểm hiện tại không?

 

- Những năm 1960, 1970 nhiếp ảnh trong chiến tranh rất quan trọng. Nhưng bây giờ thậm chí những bức ảnh có thông điệp rất mạnh thì cũng ít người sẵn sàng đăng nó lên báo. Hoặc không thì trang này đăng ảnh chiến tranh, trang bên là quảng cáo Coca Cola chẳng hạn. Và hiệu ứng của Coke đã lấn át bức ảnh chiến tranh kia. Thời đại bây giờ là thời đại tiêu dùng, thời đại shopping. Nếu tôi có một bức ảnh rất "strong" về dioxin chẳng hạn, thì cũng khó mà tìm ai sẵn sàng dùng nó như một bức ảnh "hit". Đơn giản vì nó không đem lại quảng cáo. Độc giả muốn nhìn thấy những gì làm họ hạnh phúc và tiêu dùng tốt. Ngày trước những bức ảnh chiến tranh ảnh hưởng cả đến các chính trị gia thì ngày nay chính trị thực sự lại chính là tiêu dùng. Hiện tại ở Iraq hay Afghanistan vẫn có những cuộc chiến đẫm máu nhưng thử hỏi bao nhiêu người trong số chúng ta thực sự nhìn thấy những bức ảnh phản ánh chân thực cuộc chiến ấy?

 

Sự sống không bao giờ chán nản

 

Tim đang làm tiến sĩ về nhiếp ảnh ở trường ĐH tổng hợp Griffith, Úc. Tim Page cười phá lên tự chế nhạo mình. "Tất cả những điều này suy cho cùng cũng là sự vớ vẩn, bởi vì từ khi biết cầm máy ảnh, tôi đã chỉ có một mục đích đem lại cảm giác cho người xem nó chứ không phải và chưa bao giờ là để lấy một tấm bằng! Ngay như việc làm tiến sĩ ở Griffith - thú thật là tôi làm vì trường này muốn vậy, có lẽ họ muốn tăng thêm uy tín cho ngôi trường. Nhìn xem, tôi già thế này rồi, thật là một việc ngớ ngẩn! Tôi chẳng thể học nghiêm túc được khi đó không phải là mục đích của tôi. Không phải đơn giản là chuyện mất thời gian, mà giống một câu chuyện buồn cười thì đúng hơn!".

 

Nguyên cớ của việc Tim Page rời London hoàn toàn do tình cảm. Một cô đạo diễn phim tài liệu của Úc, một người rất ngưỡng mộ danh tiếng ông đã là lý do ông đến sống ở mảnh đất này. Tôi đã gặp cô gái đó năm 2005 khi cô theo Tim sang VN, một cô gái mạnh mẽ, có cái nhìn tha thứ và thấu suốt. Hoang dã vừa đủ, lịch lãm vừa đủ, vừa đủ tất cả để chấp nhận và níu được  chân Tim! Úc là một đất nước cho ông nhiều cơ hội, phong cách sống thân thiện, đồ ăn ngon, khí hậu tốt hơn cho một người ở độ tuổi như Tim. "Ban đầu tôi cũng thấy sốc với sự xa cách một châu Âu của mình, xa cách cả về văn hóa nhưng mà ở Úc cũng có nhiều điều hấp dẫn chứ? Nhiều chất liệu để tôi nâng máy lên, dân số ít nên tôi cũng dễ dàng tìm được những người tài trợ cho công việc của tôi. Ở Anh có hơn 50.000 người chụp ảnh, muốn tìm người tài trợ rất khó. Úc lại gần với Đông Dương. Rất dễ dàng đi từ Sydney đến TP.HCM cũng như nhiều vùng đất khác trên thế giới".

 

Có một bức ảnh nude duy nhất Tim Page từng chụp, đó là thời điểm đứa con trai duy nhất của ông chuẩn bị chào đời. 14 năm đã trôi qua.

 

* Bây giờ thì sao? Con trai của ông? Nó sống ở London hay ở Úc?  

 

- Mẹ nó là một người đàn bà ghen tuông và đầy cay đắng với tôi. Cô ấy không tha thứ nên thậm chí còn cấm thằng bé viết thư cho cha nó. Tuy nhiên hằng tháng tôi vẫn trả 1.200 USD cho việc học của nó, con tôi mà, không vấn đề gì. Tôi tin là nhanh thôi, nó sẽ đến Úc thăm tôi, tháng 12 này nó tròn 14 tuổi. Nó có giọng hát rất hay, nó hát trong dàn đồng ca của tu viện Wesminster - nơi tổ chức tang lễ cho Công nương Diana. Nó có thể chơi sáo, piano, violon và một số loại kèn nữa. Nó là một nghệ sĩ bẩm sinh! Nó còn rất giỏi về toán trừu tượng...

 

Đừng hỏi tôi về dấu chấm hết, tôi không dừng lại, có nhiều nhà nhiếp ảnh chết trong khi đang chụp ảnh. Còn tôi, tôi không ngưng nghỉ và nếu cái chân này không cho phép tôi đi nữa, có lẽ tôi sẽ viết sách về nhiếp ảnh!

 

* Tim Page sinh năm 1944 tại Anh, là phóng viên chiến trường cho UPI và AP tại VN từ năm 1965 đến 1969. Ông là người sáng lập ra Indochina Media Memorial Foundation (IMMF - Quỹ tưởng niệm báo chí Đông Dương) một quỹ từ thiện phi lợi nhuận - tưởng niệm các nhà báo, các nhà nhiếp ảnh đã hy sinh từ năm 1945 đến 1975 và hỗ trợ truyền thông ở các nước Đông Dương.

 

* Tim Page là nhân vật chính của bộ phim tài liệu VN unseen war - VN những bức ảnh nhìn từ phía bên kia do kênh truyền hình nổi tiếng thế giới National Geographic Television thực hiện, ông cũng có mặt trong nhiều phim tài liệu khác, đồng thời là tác giả của 9 cuốn sách ảnh trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến cuốn Requiem - Hồi niệm, tập hợp những bức ảnh của các nhà nhiếp ảnh từ hai phía đã hy sinh trong chiến tranh ở Đông Dương.

 

Lê Thị Thái Hòa
Số lần đọc: 2490
Ngày đăng: 01.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ao sen trắng - Trương Công Khế
Bãi dừa Phú Quốc - Trương Công Khế
Bà Nà Đà Nẳng - Trương Công Khế
Hội khỏe Phù Đổng - Phạm Nhựt Thưởng
Nghề truyền thống - Ngô Viết Ngọc
Bến đò Tân Long - Võ Hùng Anh
Công trình Rạch Miễu - Duy Sơn
Công trình xây dựng - Lý Bé
Điện về vùng sâu - Phạm Nhựt Thưởng
Được mùa - Nguyễn Thiểu
Cùng một tác giả