Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.420 tác phẩm
2.747 tác giả
603
116.914.232

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
'Miền Tây' của Quảng Trị: Đi học ở càng
Lớp học ghép ở càng Cây Da - Ảnh: Nguyễn Phúc Cho đến tận bây giờ, tìm đỏ mắt ở những vùng càng (H.Hải Lăng, Quảng Trị) mới ra dăm ba sinh viên đại học.

 

 

Sự thua thiệt về con chữ đẩy đưa tương lai của những đứa trẻ lên những con thuyền lênh đênh trên cánh đồng sâu, như số phận của bố mẹ chúng.

 

Địa thế ngặt nghèo

 

Trong nhiều ngày lang thang ở vùng càng vào cuối tháng 10, người viết đã có một cuộc khảo sát bỏ túi về số lượng sinh viên đại học ở một số càng. Dù đã dự đoán từ trước nhưng kết quả cũng thật bất ngờ. Càng Cây Da: không, càng Hưng Nhơn: không, càng Hội Điền: không... Duy nhất ở càng An Thơ, có 3 sinh viên đại học nhưng đều là anh em ruột, là con của ông Nguyễn Văn Phương. “Ba cháu đó không chỉ là niềm tự hào của riêng gia đình anh Phương đâu mà là niềm tự hào của cả càng An Thơ này, thậm chí là cả vùng càng này”, ông Nguyễn Văn Họng, Trưởng càng An Thơ (xã Hải Hòa) nói.

 

Theo những cư dân vùng càng, sự thua thiệt về việc học hành đối với con em vùng càng là có... truyền thống, qua nhiều thế hệ. Nguyên nhân chính là địa thế ngặt nghèo mà những xóm càng này ngự trị. “Trước đây, ngành giáo dục chưa xây dựng các điểm trường lẻ ở càng. Lúc ấy, cũng chẳng có đường đê vào càng như bây giờ. Nên muốn đi học, con em chúng tôi phải đi ghe vào làng, cách nhà 5 cây số. Bình thường cũng gắng nhưng mùa lụt thì chúng nó nghỉ hết cả lũ. Mình không dám ép vì lỡ chèo đò ra có mệnh hệ gì thì tính sao”, ông Trần Dũng, Trưởng càng Cây Da (xã Hải Thọ), giãi bày. Và thông tin từ vị trưởng càng này cũng cho hay ở Cây Da để có 4 em đang là sinh viên của các trường cao đẳng như hiện nay là sự nỗ lực lớn của gia đình và nhà trường.

 

Để cải thiện tình hình, ngành giáo dục địa phương đã nỗ lực mở những điểm lẻ ở vùng càng. Tuy nhiên, tại một lớp học ở càng Cây Da, các học sinh lại lớn bé khác nhau. Giáo viên đứng lớp vội vàng lý giải: “Vì không đủ học sinh, không đủ phòng nên lớp này là lớp... ghép. Hàng bên trái là học sinh lớp 4, hàng bên phải là học sinh lớp 5”.

 

Giấc mơ đổi đời

 

Ghép nối những mảnh ký ức ngày xưa của những người dân vùng càng mà tôi đã gặp, có thể khẳng định một điều rằng, so với trước, vùng càng đã đổi thay nhiều. Lớn lao nhất đó chính là sự xuất hiện của 41 km đê bao vùng trũng Hải Lăng với số vốn đầu tư hàng triệu USD từ vốn của Ngân hàng Thế giới (WB). Bởi 41 km đê cũng là 41 km đường giao thông, làm cho vùng càng “gần” hơn bao giờ hết. Vùng càng đã không còn biệt lập 100% khi lũ về như ngày xưa nữa.

 

Tỉnh Quảng Trị, H.Hải Lăng đã thực sự đổ sức, đổ của để vực dậy vùng càng, một vùng đất giàu văn hóa, nhưng vẫn còn nghèo nàn và tụt hậu. Về càng bây giờ sẽ dễ dàng thấy những con đường bê tông đến từng ngóc ngách, những đường ống nước sạch đã được kéo đến tận nhà... Nhưng không chỉ chính quyền mà cả những giáo xứ cũng có công trong việc làm đổi thay bộ mặt vùng càng. Các cha đã đứng ra quyên góp từ các nhà hảo tâm và các giáo dân để xây cầu bắc qua sông, làm đường, kéo điện... Mỗi mùa hè đến, các nhà thờ đều mở lớp dạy hè và trao thưởng cho các em học khá.

 

Dân vùng càng bây giờ cũng rất hào hứng làm ăn, không chỉ chăm chăm vào rẻo ruộng nhỏ gần nhà và mấy con cò, con cá ngày nước nổi. Họ đã mạnh dạn dám đến thuê đất ở những cánh đồng xa, canh tác trên đó và thu hoa lợi sau khi đã trả phí cho chủ đất. Những ngôi nhà phên đất, tạm bợ dần được thay thế bằng những ngôi nhà gạch, xây nền rất cao để chống lũ.

 

Chợt nhớ, những cụ cao niên ở càng Hưng Nhơn (xã Hải Hòa) bảo rằng, từ thời xưa, ông bà đã dạy “Tiền nhân khai phá ma lâm xứ/Hậu thế bảo tồn Vĩnh Hưng thôn” (đại ý người đi trước có công khai phá chốn rừng thiêng, thế hệ cháu con phải bảo tồn, gìn giữ mảnh đất Vĩnh Hưng). Hiện câu đối này vẫn còn khắc trong miếu thờ của càng Hưng Nhơn này. Vùng càng như một thôn nữ, đang chờ mọi người đến “làm quen” và khi đã thân thiết, cô gái ấy tạo nên nỗi nhớ, nỗi ray rứt khôn nguôi...

 

 

Nguyễn Phúc - TN0