Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
789
116.640.818

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Văn sĩ Đoàn Lê bỏ lại đa đoan về cõi vĩnh hằng
Văn sĩ Đoàn Lê - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN Văn sĩ Đoàn Lê đã ra đi vào 15h chiều 6-11, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho những người yêu mến văn chương, hội họa của bà.
 
 
 
Đoàn Lê là một trong những nữ văn sĩ hiếm hoi ở Việt Nam có tài năng, nhan sắc vẹn toàn. Sự nghiệp của bà trải rộng từ văn chương, điện ảnh đến hội họa.
Đoàn Lê sinh năm 1943 tại Hải Phòng, là con một cụ đồ Nho. Năm 17 tuổi, Đoàn Lê đã trái ý gia đình không theo nghề thuốc gia truyền, bà trốn lên Hà Nội thi vào trường điện ảnh, học khóa diễn viên đầu tiên (1959-1962).
 
Sau khi tốt nghiệp, Đoàn Lê được phân công về Hãng phim truyện Việt Nam. Dù là một người được đánh giá là tài sắc vẹn toàn, nhưng sự nghiệp điện ảnh của bà rất khó khăn.
Đoàn Lê chỉ có một vai chính duy nhất trong bộ phim Quyển vở sang trang (1975) của đạo diễn Nguyễn Ngọc Chung.
Có một thời gian Đoàn Lê gần như bị "đày" sang khu vực thiết kế mỹ thuật, nhưng bà không một lời kêu than. Ở đây bà lại tìm thấy tình yêu với hội họa.
"Thời xưa chúng tôi thỉnh thoảng lại đạp xe về nhà chị Đoàn Lê để ăn bát cơm rau muống với cà cùng chị. Bọn tôi vẫn thích đến nhà chị vì rất quý và ngưỡng mộ chị.
Đoàn Lê là một phụ nữ rất đẹp, giọng nói nhẹ, trong. Chị ấy là người rất dịu dàng, ngay cả khi giận giọng nói vẫn nhẹ nhàng. Chị ấy sống rất đơn giản, sức chịu đựng rất tốt.
Điều tôi ngưỡng mộ Đoàn Lê là chị ấy không bao giờ than phiền về số phận, luôn biết cách chuyển tải tâm tư vào tác phẩm. Chị ấy là một nghệ sĩ thực thụ".
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã
Đoàn Lê quen biết với rất nhiều họa sĩ mỹ thuật Đông Dương và được thụ học những danh họa như Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, Trần Duy…
Tự mày mò học hội họa, Đoàn Lê đã trở thành người họa sĩ thiết kế mỹ thuật cho hãng phim. Sau này bà còn có triển lãm riêng và sống được bằng việc bán tranh.
Khi ở hãng phim, Đoàn Lê còn thử sức viết kịch bản phim: Bình minh xôn xao, Cha và con, Làng Vũ Đại ngày ấy, Hồ Xuân Hương.
Sau này, đi mãi với đoàn làm phim, Đoàn Lê quyết định trở thành đạo diễn. Bộ phim Con Vá mà bà làm biên kịch và đạo diễn đã đoạt giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam.
Nhưng trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật phong phú của mình, Đoàn Lê chưa bao giờ thôi khát khao được viết. Từ năm 19 tuổi, Đoàn Lê đã được biết đến bài thơ Bói hoa. 
Vào năm 1963, bằng giọng văn rất riêng Đoàn Lê đã ngay lập tức gây ấn tượng với giới văn chương qua những truyện ngắn Đôi mắt hoa nhài, Trương Viên, Cây xoan non...
Những năm sau này, các tác phẩm lấy cảm hứng từ quê người chồng thứ hai như Trinh tiết xóm Chùa, Nghĩa địa xóm Chùa, Người đẹp xóm Chùa, Giường đôi xóm Chùa… đã làm nên một Đoàn Lê nhà văn thực thụ.
Sự nghiệp viết văn của Đoàn Lê đã được ghi nhận bằng giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (tiểu thuyết Cuốn gia phả để lại), giải thưởng báo Văn Nghệ và Hội Liên hiệp văn học toàn quốc (truyện Trinh tiết xóm Chùa), giải A tạp chí Sông Hương(truyện Đêm ngâu vào)…
Có một đời sống nghệ thuật vô cùng phong phú, nhưng đời riêng của Đoàn Lê thì lận đận như câu thơ em gái (nhà thơ Đoàn Thị Tảo) dành tặng riêng cho bà: "Ngày chị sinh trời cho làm thơ. Vấn vương với tơ trời. Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan".
Đoàn Lê đã trải qua 2 lần kết hôn. Nhưng cuộc hôn nhân thứ hai cuối cùng cũng tan vỡ. Người con trai duy nhất của bà đã qua đời năm 37 tuổi, để lại trong bà nỗi buồn vô hạn.
Có một thời gian Đoàn Lê đã quay trở về Hải Phòng để sống cùng em gái, vẽ tranh, thỉnh thoảng đi làm phim.
Đoàn Lê bị bệnh tiểu đường từ lâu. Mấy năm trước đi làm phim bà đã bị đột quỵ. Sau trận đột quỵ này sức khỏe của bà đã suy giảm rất nhiều. Khoảng 2-3 năm trở lại đây, bà đã quay trở lại Hà Nội để con cái tiện bề chăm sóc.
15h chiều nay, 6-11, văn sĩ Đoàn Lê đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 74 tuổi.
 
 
NGỌC DIỆP - TT0
Tin tức khác