Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.427 tác phẩm
2.747 tác giả
439
117.053.149

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Phim trường Việt Nam khởi động
Những người làm phim đều biết rất rõ phim trường là cơ sở hình thành bối cảnh, tạo được không gian nghệ thuật, không gian lịch sử cho một bộ phim và quyết định không nhỏ tính hiệu quả hay chuyện thành bại của một bộ phim. Phim trường Việt Nam có được hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay…

Làm phim theo kiểu… con nhà nghèo!

 

Gọi như vậy bởi kinh phí xây một “phim trường bỏ túi” cũng ngốn kinh phí xây dựng gần bằng kinh phí thực hiện cả vài  chục bộ phim truyện tầm tầm. Trong thực tế, kể cả làm phim nhựa hay phim truyền hình, công việc đi tìm một phim trường để dựng bối cảnh là chuyện không phải dễ dàng. Ở những bộ phim đề tài hiện đại, có bối cảnh ngoại, nội gì cũng được, bởi những diễn biến của cuộc sống hiện tại xem ra  làm các chủ nhiệm và các họa sĩ thiết kế đỡ lo lắng, suy tính nhọc mệt.

 

Cách tốt nhất là  vận động được sự giúp đỡ của chủ nhà, ban giám đốc bảo tàng hay bệnh viện nào đó cho mượn điểm quay. Đó cũng là lý do khi kết thúc một bộ phim, đằng sau là lời cảm ơn dọc dài tên công ty, xí nghiệp và tên tuổi các chủ nhân có ngôi nhà được mượn làm bối cảnh trong phim. Làm phim theo kiểu con nhà nghèo là thế!

 

Tất nhiên, không phải các đoàn phim nào cũng chạy vạy, lao đao vì thiếu thốn phim trường. Để dựng một số cảnh nội cho phim Mê Thảo, Thời vang bóng hay Gái nhảy, các họa sĩ thiết kế Phạm Hồng Phong, Phạm Nguyên Cẩn từng tận dụng “phim trường nhà” của Hãng phim Giải Phóng. Đạo diễn Vinh Hương thực hiện hàng loạt tập phim hài sitcom Lẵng hoa tình yêu đã phải nhờ cả êkíp kỹ thuật, thiết kế dàn dựng ở “phim trường tạm” của Hãng TFS tại Củ Chi.

 

 Công phu là thế nhưng khi  phim phát sóng, bối cảnh  trong gia đình, bối cảnh trong công ty cứ lặp đi, lặp lại làm khán giả có người phàn nàn kêu chán vì phải dán mắt mãi vào khoảng không gian hẹp! Các hãng phim tư nhân gần đây có xu hướng làm phim rầm rộ hơn và phim trường cũng là chuyện họ tìm cách “tháo gỡ”. Qua việc thực hiện các phim Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Áo lụa Hà Đông, có thể thấy được xu hướng liên kết sản xuất phim thật rõ nét ở các hãng phim tư nhân của diễn viên Phước Sang, đạo diễn Quang Bình, nhà quay phim Trinh Hoan…

 

Một số bối cảnh phim cũng được Hãng BHD thực hiện trên “phim trường tạm” ở quận 9. Tuy nhiên, theo NSƯT Ngọc Hiệp, Phó Giám đốc Hãng phim BHD, khi các cảnh phim cuối cùng đóng máy, phim trường cũng chỉ còn lại là căn nhà trống giống như bao nhiêu phim trường tạm của các đoàn phim khác…

 

Nhìn qua phim trường các nước

 

Giới điện ảnh đã nói nhiều đến xứ sở Bollywood nhưng cũng không hình dung ở mỗi thành phố của đất nước Ấn Độ đều có phim trường. Khi tham gia đóng thế những pha đuổi bắt nguy hiểm cho nam diễn viên chính trong phim Trăng đầy, cascadeur Thanh Tuấn không thể hình dung phim trường của thành phố Hyderalbad rộng lớn đến thế.

 

Nơi đây có đến 4 phim trường diện tích hàng hécta và lúc nào cũng thấy đông đảo các đoàn phim hoạt động. Nhưng, khác với phim trường “có vẻ bí mật” của Ấn Độ, phim trường ở Trung Quốc sau khi quay, dàn dựng xong phim, còn được đầu tư như một trong các điểm đến tham quan du lịch. Cascadeur Quốc Thịnh cho rằng không riêng gì Nam Kinh trong Thái Bình Thiên Quốc, hoặc các bối cảnh trong phim trường Hồng Lâu Mộng, các phim trường thường thường bậc trung vẫn có sức hấp dẫn đối với khách du lịch.

 

Nhận xét về phim trường Quảng Tây sau khi tham gia đóng bộ phim Nguyễn Ái  Quốc ở Hồng Công, hai diễn viên Hoàng Phúc và Trọng Hải cũng bày tỏ sự ngạc nhiên trước những bối cảnh thành phố, đường phố trong phim trường khá rộng và được thiết kế khá công phu. Còn phim trường ở Hàn Quốc và Thái Lan thì sao?

 

Chỉ một phim trường của tập đoàn làm phim Kantana đã có thể xây dựng được nhiều bối cảnh từ phim sử thi hoành tráng đến xã hội đương đại. Riêng, phim trường Yangsuri (Hàn Quốc) có diện tích đến 1.200ha , trong đó 280 ha là diện tích xây dựng các trụ sở, tòa nhà để quay nội cảnh. Chỉ nói riêng bộ phim JSA, với tòa nhà Bàn Môn Điếm tuy cách Seoul không xa, nhưng các nhà làm phim vẫn thiết kế giống hệt tòa nhà này tại phim trường.

 

Hướng tới tương lai...

 

Ở thập niên 90 của thế kỷ trước, trong khi nhà nước chưa nghĩ đến chuyện xây phim trường thì diễn viên Hai Nhất đã xông xáo và quyết tâm làm “phim trường” Nhất Phương theo quy mô “bỏ túi” để cung ứng cho những bộ phim truyện video và các chương trình ca nhạc. Diễn viên Hai Nhất cho biết ông phải bỏ ra tiền tỷ nhưng thu hồi vốn không đủ đâu vào đâu.

 

Mỗi đoàn phim đến thuê bối cảnh phim trường có khi chỉ trả đủ tiền điện phục vụ khâu ánh sáng… Nhất Phương được gọi là “phim trường” cho sang, chứ thực ra đó chỉ là các cảnh sơn thủy, hang động… Lỗ vốn! Cuối cùng, dẫu có mê nghề phim cách mấy,  diễn viên Hai Nhất cũng đành bán lại phim trường trên đường Trần Xuân Soạn, quận 4 và chuyển sang kinh doanh… resort.

 

Năm 2005, giới làm phim rất bất ngờ khi thấy diễn viên Nguyễn Chánh Tín tất bật với dự án xây dựng phim trường tại Khu công nghiệp Tân Thới Nhất, quận 12 với diện tích khoảng 2.000m². Rất tự tin khi bắt tay thực hiện dự án này, diễn viên Nguyễn Chánh Tín cho biết anh ấp ủ ý tưởng xây dựng một phim trường chuyên nghiệp theo kiểu Hollywood hơn 10 năm nay. Bây giờ ước mơ sắp trở thành sự thật khi anh cùng những người thân góp vốn gần 1 triệu USD, quyết tâm hoàn tất công việc xây dựng phim trường vào đầu năm 2006.

 

Trên một quy mô lớn hơn về việc thành lập phim trường, Công ty cổ phần truyền thông Trí Việt (TVM) đã tổ chức lễ động thổ hồi cuối tháng 10 vừa qua cho phim trường mang tên “Cánh đồng mơ ước” tại Bình Dương. Dự án phim trường này được coi là quy mô nhất ở Việt Nam với diện tích 10ha và mức đầu tư lên đến 20 triệu USD, dự kiến hoàn tất vào năm 2009.

 

Bà Lê Thị Phương Thủy, Giám đốc Công ty TVM cho rằng tại Việt Nam nền công nghiệp văn hóa truyền thông còn non trẻ và trên thực tế vẫn chưa có trung tâm truyền thông đa phương tiện với các phim trường, các trung tâm đào tạo đạt tiêu chuẩn công nghệ hiện hành. Cho nên đây là yêu cầu và đòi hỏi cấp bách nền công nghiệp văn hóa Việt Nam phải được trang bị cơ sở vật chất ngang tầm khu vực. Quan trọng hơn vẫn chính là công việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho lĩnh vực này.

 

Năm 2005, tất cả chỉ đang là những bước khởi động ban đầu của việc thành lập các phim trường. Và, tất nhiên, nhìn về con đường phát triển phim ảnh hay nói rộng hơn là lĩnh vực truyền thông văn hóa, người ta có quyền kỳ vọng từ các dự án phim trường với sự chuẩn bị chu đáo của những nhà đầu tư lĩnh vực văn hóa ª

 

Ảnh : Chủ phim Hai Nhất đã thất bại vì thử nghiệm xây dựng “phim trường” nhưng vẫn chưa hình dung hết phim trường thực sự như thế nào?

Nhóm PV VHVN - SGGP
Tin tức khác