Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
619
123.244.061

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
"Tuyển tập văn xuôi Việt Nam" vừa phát hành ở Mỹ
Nhà xuất bản Curbstone Press ở Mỹ vừa phát hành tuyển tập truyện ngắn Việt Nam mang tên Tình yêu sau chiến tranh – Văn xuôi Việt Nam đương đại (Love after War: Contemporary Fiction from Vietnam). Nhà văn Hồ Anh Thái, đồng chủ biên cho biết vài nét về cuốn sách.

Đây có lẽ là tuyển tập dày dặn đầu tiên xuất bản ở Âu - Mỹ cho tới nay, dày 650 trang khổ lớn, tập hợp truyện ngắn của 45 tác giả Việt Nam.

 

Độc giả Mỹ sẽ thấy hiện diện ở đây các thế hệ nhà văn Việt Nam, từ Tô Hoài sang Chu Văn, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Trang Thế Hy, Ma Văn Kháng, đến Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Quang Thân, Lê Văn Thảo tới Đoàn Lê, Trần Thùy Mai, Ngô Thi Kim Cúc, Dạ Ngân, rồi Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải, mới nhất là Nguyễn Ngọc Tư. Có nhà văn đã khuất và người đang sung sức, có nhà văn của các vùng miền, có cả đội ngũ nhà văn nữ hùng hậu.

 

Là đồng chủ biên của tuyển tập này, nhà văn Mỹ Wayne Karlin và nhà văn Hồ Anh Thái đã chọn lựa khoảng 100 truyện ngắn Việt Nam để cuối cùng nhà xuất bản chọn lấy một nửa trong số đó. Cũng đành phải bằng lòng với sự phán quyết của Nxb, người bắt mạch được gu của người đọc Mỹ. Chúng tôi tổ chức toàn bộ các truyện ngắn vào năm phần sao cho cấu trúc liên hoàn này khi đến độc giả có thể đọc từ đầu đến cuối, tuần tự như một cuốn tiểu thuyết, hình dung là một phần đời sống xã hội Việt Nam, phần nào tâm lý con người và tâm trạng thời ta đang sống. Có thể là ít nhiều diện mạo văn học Việt Nam từ sau chiến tranh nữa.

 

Bộ sách văn học Việt Nam và một nhà văn Mỹ

 

Người đứng tên chủ biên bộ sách Những tiếng nói từ Việt Nam của Nxb Curbstone Press là nhà văn Wayne Karlin. Ông tham gia dịch, hiệu đính và trau chuốt tất cả các bản dịch sách Việt Nam: hợp tuyển truyện ngắn hậu chiến của các nhà văn Việt Nam và Mỹ mang tên Phía bên kia góc trời (The Other Side of Heaven) .

 

Nhân tiện xin nói, chữ H eaven ở đây không phải là thiên đường như có người dịch sai mà có nghĩa là bầu trời. Việt Nam và Mỹ ở tận hai góc trời, giờ đây cần bắc một nhịp cầu hòa giải bằng văn học nối liền hai góc trời xa xôi ấy. Đó là ý tưởng của Wayne Karlin khi làm cuốn sách được Hội Các nhà phê bình Văn học Mỹ bầu chọn là cuốn hợp tuyển hay nhất của năm 1995.

 

Ông đã cộng tác với nhiều dịch giả người Việt và người Mỹ để cho ra những bản dịch Ngược dòng nước lũ của Ma Văn Kháng, Những ngôi sao, trái đất, dòng sông của Lê Minh Khuê, Thời gian của người của Nguyễn Khải, Trong sương hồng hiện raNgười đàn bà trên đảo của Hồ Anh Thái, sắp tới là tập truyện của Đoàn Lê và những tập của một số tác giả xuất sắc khác...

 

Năm 1998, sau khi xuất bản sách của nhà văn Lê Minh Khuê và của tôi, Nxb Curbstone Press mời chúng tôi làm cố vấn biên tập cho bộ sách Những tiếng nói từ Việt Nam (Voices from Vietnam) , bộ sách đang được tiếp tục với những cuốn sách nêu ở trên.

 

Tuy nhiên thời gian chủ yếu dành cho việc sáng tác, chúng tôi lượng sức khó theo cho hết được bộ sách còn kéo dài nhiều năm. Chính vì vậy, hai năm qua, tôi và Wayne Karlin có "sáng kiến" làm một tuyển tập, cố gắng giới thiệu càng nhiều càng tốt tác giả Việt Nam, trong đó, coi như một sự hoàn tất, trước khi rút về viết sách của mình.

 

Còn nhiều tác phẩm chúng tôi đề xuất nhưng không được Nxb chấp nhận, kể cũng đáng tiếc. Tuy vậy mọi thiếu hụt, khiếm khuyết chắc vẫn được thể tất, vì nói cho cùng đây chỉ là cố gắng của cá nhân những người làm sách, chúng tôi đã làm hết sức để có được tuyển tập này.

 

Wayne Karlin là tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết gây dư luận như Đường cắt, Cho chúng ta, Vai phụ, Những người tù, Tiếng đồn và bia mộ, Xứ sở ao ước..., Wayne Karlin đã đoạt một số giải thưởng văn học lớn của Mỹ. Ông là nhà văn có văn phong đẹp, ngôn ngữ chắt lọc và giàu nhạc điệu một người dịch và hiệu đính có nghề.

 

Thời báo New York đã khen những cuốn sách Việt Nam kể trên "được dịch bằng một thứ ngôn ngữ tiếng Anh hạng nhất" (first-rate English language). Công này chủ yếu là của Wayne Karlin.

 

Công việc của những đồng chủ biên

 

Tôi trực tiếp dịch một nửa trong số 50 truyện ngắn của tuyển tập, nhưng với tư cách chủ biên, cả Wayne Karlin và tôi đều phải vất vả nhiều với toàn bộ tập sách. Trong quá trình cùng nhau dịch, không thể nhớ hết những lần tranh luận gay gắt. Chúng tôi đều cầu toàn, và tất nhiên tranh luận phát sinh cũng vì độ chênh giữa hai ngôn ngữ vốn sẵn có nhiều điểm khác biệt, giữa lối tư duy của hai dân tộc cũng rất nhiều khác biệt.

 

Chẳng hạn ở đầu truyện Cô gái đầm sen, nhà văn Nguyễn Phan Hách viết: "Một lần về quê, tránh nắng, anh khởi hành đi bộ từ sáng tinh mơ... Sương sớm mù mịt. Gió nhẹ hây hây đem theo mùi sen thơm ngát. Đang đi trong ánh trăng mờ, Tuệ thấy một cô gái từ đầm sen bên đường bước lên...".

 

Người đọc Việt Nam dễ dàng xác định được thời gian của câu chuyện này: đó là một sáng sớm, trời còn mờ tối, còn sương và còn trăng. Nhưng Wayne Karlin đã thêm vào đây hai chữ xác định thời gian: That night (đêm ấy). Tôi không chịu, trong nguyên bản là sáng sớm, làm sao có thể đổi thành đêm được? Wayne Karlin cũng không chịu, độc giả Mỹ sẽ không sao hình dung nổi là early in the morning (sáng sớm) lại có thể xảy ra câu chuyện trong sương mù, trong ánh trăng và trên trời còn sao.

 

Tranh luận mãi, cuối cùng tôi phải nhượng bộ. Lý do: bản tiếng Anh là dành cho độc giả Mỹ, những người vốn duy lý, đòi hỏi sự chính xác về không gian, thời gian, sở hữu... chứ không chấp nhận sự mập mờ thấp thoáng. Tất nhiên đây là do hai cách tư duy và tiếp nhận khác nhau, còn trên thực tế khoảng 3-4 giờ sáng như thế, bên này có thể gọi là sớm hôm ấy, bên kia lại gọi là đêm ấy.

 

Sang đến truyện Lúa hát của Võ Thị Xuân Hà, đúng là tư duy chính xác của người Mỹ phải gây giật mình. Tác giả viết rằng ở làng ấy có tục làm lễ rước muối quanh cánh đồng, rồi người ta rắc muối vào bếp, lấy tro bón ruộng cho lúa xanh.

 

Wayne Karlin giật mình: người Mỹ tin rằng đất mặn là đất xấu không trồng trọt được, đọc thế ai mà tin nổi? Tôi điện thoại hỏi tác giả, chị bảo đó chẳng qua là tín ngưỡng của làng, như là làm phép, người ta đâu có đổ muối xuống ruộng làm cho đất mặn. Đoạn này cũng không thể lược đi, người dịch phải trung thành. Rốt cục hai người dịch chúng tôi chấp nhận đặt thêm cái chú thích về lễ rước muối như một tín ngưỡng, bằng cách ấy hạn chế được phản ứng của người đọc bản tiếng Anh.

 

Cũng vẫn ở truyện này, Wayne Karlin bàn cái tít Lúa hát có thể gây hiệu quả trong tiếng Việt, nhưng trong tiếng Anh nó véo von văn vẻ và quá nhẹ. Ông đề nghị đổi tên truyện gây ấn tượng hơn cho người đọc Mỹ: Lúa và muối (Rice and Salt).

 

Một nhà xuất bản yêu văn học Việt Nam

 

Hệ thống giáo dục Mỹ vẫn thường để ngỏ một phần giáo trình cho các trường tự tìm thêm sách giảng dạy. Nhà văn Wayne Karlin là giáo sư Đại học St. Mary ở Maryland, ông cùng với Nxb Curbstone quảng bá bộ sách Việt Nam tới các trường đại học và nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt.

 

Người Mỹ ít đọc sách dịch. Hàng ngàn Nxb chỉ quan tâm đến việc sách in ra có bán được hay không.

 

Wayne Karlin đã tìm ra Nxb Curbstone nhận in sách Việt Nam và đưa sách hiện diện chính thức trên thị trường sách toàn quốc có mặt trong hệ thống hiệu sách, và bán cả trên mạng (hãng Amazon.com).

 

Số lượng phát hành lần đầu, như mọi Nxb khác ở Mỹ, thường là 5.000 bản, nhưng khác một điều là sách của Nxb Curbstone hàng năm vẫn đều đều được in nối bản. Nhân tiện xin nói con số 1.000 bản mà người phiên dịch chuyển ngữ nhầm cho một đoàn nhà văn Việt Nam thăm Mỹ gần đây thực ra là số lượng phát hành của Nxb ở các trường đại học. Sách do các trường xuất bản thông thường chỉ bán trong hệ thống trường đại học toàn quốc với số lượng hạn chế như vậy, hầu như không có nối bản hàng năm. Số lượng sách phát hành là một bí mật kinh doanh, chỉ có Nxb và cơ quan thuế biết với nhau, chứ không ghi đằng sau mỗi cuốn sách như ở ta.

 

Curbstone Press là một nhà xuất bản không lợi nhuận. Tính chất không lợi nhuận khiến thu nhập của người làm xuất bản và nhuận bút cho tác giả, dịch giả là rất hạn chế. Không lợi nhuận còn có nghĩa là nhà xuất bản không phải nộp thuế thu nhập. Để đáp lại việc không phải đóng thuế, họ phải làm nghĩa vụ phát triển văn hóa xã hội bằng cách tặng sách cho các thư viện trên toàn quốc, cho các trường học... Sách của Nxb vì thế được in với số lượng lớn, ít nhất 5.000 cuốn bán trên toàn quốc để trang trải nhuận bút (tượng trưng) và nuôi sống người làm sách, ngoài ra còn có một số lượng đáng kể được đem tặng đến tận tay sinh viên và trí thức.

 

Những luồng dư luận ban đầu

 

Giờ đây tuyển tập truyện ngắn Việt Nam đã phát hành và dư luận ban đầu trên báo chí là khả quan. Nhà văn Robert Olen Butler, tác giả cuốn Hương thơm từ núi lạ đoạt Giải thưởng Sách Quốc gia viết: "Nhiều nhà văn Việt Nam là những nghệ sĩ tầm quốc tế và tuyển tập này là biểu hiện đầy đủ nhất có thể tìm thấy bằng tiếng Anh. Wayne Karlin và Hồ Anh Thái đã chủ biên và dịch một cuốn sách bậc thầy sẽ còn lại mãi".

 

Báo Biên niên sử San Francisco ngày 2-11-2003 nhận định: "Tình yêu sau chiến tranh là tuyển tập văn xuôi đương đại Việt Nam lớn nhất bằng tiếng Anh và không còn lời nào khác ngoài chữ hoành tráng để nói về cuốn sách này. Tuyển tập cụ thể dễ dàng sánh với những bậc thầy truyện ngắn đươc khuếch trương nhiều của chúng ta như Raymond Carver, John Cheever và Grace Paley hoặc những nhà văn có tính thưởng thức của tạp chí New Yorker và Playboy. Chủ ý so sánh với Playboy bởi vì trái ngược với huyền thoại về các nước cộng sản, không có hạn chế nào đối với những nhà văn ở đây, ít ra là trong mọi sự bày tỏ đa dạng và phức tạp về năng lượng sắc dục của con người".

 

Còn Thời báo St.Petersburg ra ngày 14-9-2003 bình luận: "Tình yêu sau chiến tranh" là một tuyển tập văn xuôi sinh động của những tác giả mà tác phẩm sánh với những gì hay nhất của văn chương thế giới. Văn phong đẹp, Tình yêu sau chiến tranh cho thấy rằng văn học Việt Nam, và cả đời sống ở đó, đang phát triển mạnh".

- Theo Văn nghệ
Tin tức khác