Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
790
116.662.431
 
Việc phê bình, trao đổi ý kiến về văn nghệ dân gian
Nguyễn Xuân Kính

Có thể phân chia việc phê bình, trao đổi ý kiến về văn nghệ dân gian ở nước ta từ năm 1955 đến nay thành ba giai đoạn: Từ năm 1955 đến ngày đất nước thống nhất 30-4-1975; Từ sau khi đất nước thống nhất (30-4-1975) đến năm 1986; Từ sau năm 1986 đến nay.

1. Việc phê bình, trao đổi ý kiến từ năm 1955 đến ngày đất nước thống nhất 30-4-1975

Những bài phê bình, trao đổi ý kiến được công bố trên Tập san Nghiên cứu văn học,Tạp chí Văn học, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử,…

Số bài phê bình sách không nhiều, nhưng đã giới thiệu hầu hết những cuốn sách quan trọng (trong lĩnh vực văn nghệ dân gian): Phạm Văn Thứ viết về cuốn Tìm hiểu sân khấu chèo (Tạp chí Văn học, 1965, số 7), Lam Giang viết về bốn tập truyện cổ dân gian do Viện Văn học chủ trì sưu tầm, biên soạn (Tạp chí Văn học, 1968, số 4), Trần Quang Nhật viết về sách Ca dao sưu tầm ở Thanh Hóa (Tạp chí Văn học, 1964, số 10), viết về Văn học dân gian của Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên (Tạp chí Văn học, 1974, số 1), Phong Châu viết về cuốn sách Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám của Đinh Gia Khánh (Tạp chí Văn học, 1971, số 3), Diệu Linh viết về cuốn Phương pháp sưu tầm văn học dân gian ở nông thôn của Cao Huy Đỉnh, Nguyễn Đổng Chi, Đặng Nghiêm Vạn (Tạp chí Văn học, 1971, số 4), Nguyễn Văn Hoàn viết về Người anh hùng làng Dóng của Cao Huy Đỉnh (Tạp chí Văn học, 1971, số 3), Anh Phong viết về Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi (Tạp chí Văn học, 1975, số 2).

Trong giai đoạn này, có bốn cuộc trao đổi ý kiến.

Trên tập san Nghiên cứu văn học, các năm 1960-1961 có bảy bài thảo luận về truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy và bài sơ kết của Phan Nhân Mấy ý kiến về vấn đề khai thác truyện dân gian và cải biên truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy (Nghiên cứu văn học, 1961, số 9). Cuộc trao đổi ý kiến có mục đích xác định chủ đề tư tưởng của truyện. Song, qua thảo luận, hầu hết các tác giả đã đề cập đến vấn đề xác minh tài liệu, từ đó xác minh cốt truyện (1).

Sau cuộc thảo luận, còn có các bài viết của Trần Nghĩa (Nghiên cứu văn học, 1962, số 4), của Trần Quốc Vượng (Tạp chí Văn học, 1965, số 1).

Trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử có cuộc trao đổi giữa Trần Khánh và Phan Hoàng Hiến, hai tác giả bài Tàn dư của chế độ mẫu hệ trong xã hội người Việt (năm 1963, số 57) với Nguyễn Đổng Chi, tác giả bài Vấn đề sử dụng tài liệu văn học dân gian (năm 1964, số 63). ở đây, Nguyễn Đổng Chi phê bình khuynh hướng nghiên cứu văn học dân gian mà không đếm xỉa gì đến bản chất nghệ thuật của văn học dân gian (2).

Trên Tạp chí Văn học năm 1965 có sáu bài trao đổi về cuốn giảng văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (chủ yếu xoay quanh truyện Trương Chi) nhằm phê phán khuynh hướng nghiên cứu văn học dân gian giống hệt như nghiên cứu văn học viết, không chú ý đến đặc thù của sáng tác dân gian (3).

Năm 1969 có cuộc thảo luận về văn học dân gian hiện đại. Có tám bài tham gia được công bố trên Tạp chí Văn học (1969-1971) và tạp chí Văn hóa (1970, số 2). Cuộc thảo luận chưa có hồi kết.

Nhìn chung, trong việc phê bình, giới thiệu sách, không có hiện tượng sách dở được khen là sách có chất lượng, sách hay bị hạ xuống thành sách dở. Trong các cuộc thảo luận, rất hiếm có biểu hiện của sự đả kích, mạt sát cá nhân.

Sở dĩ có được kết quả như vậy là vì đời sống tinh thần của xã hội rất ít hiện tượng tiêu cực. Tập san Nghiên cứu văn học và Tạp chí Văn học dưới sự điều hành của Hoài Thanh thực hiện được vai trò cầm cân nảy mực, tập hợp, thu hút cộng tác viên. Lúc đó không có quan niệm tờ báo, tờ tạp chí là sân chơi để hai bên tranh luận tự do tung hoành, tổng biên tập không bao giờ cầm còi. Lúc đó cũng không có một quan niệm như một tổng biên tập hiện nay phát biểu: Tác giả là cây bút có tiếng tăm, sửa chữa của ông ta một vài chữ cũng ngại (dù là những chữ thô tục, kém văn hóa - N.X.K thêm) nên cứ để in nguyên xi! (4).

2. Việc phê bình, trao đổi ý kiến từ sau khi đất nước thống nhất (30-4-1975) đến năm 1986.

Chúng tôi chọn năm 1986 là cái mốc mở đầu cho quá trình đổi mới. Trong giai đoạn này, một số cuốn sách quan trọng được giới thiệu.

Đặng Văn Lung giới thiệu cuốn Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam của Cao Huy Đỉnh (xuất bản năm 1974) trên Tạp chí Văn học, năm 1975, số 4 (tháng 8).

Vũ Dung phân tích rất kỹ những chỗ chưa được của phần sưu tập trong cuốn Tục ngữ Việt Nam (in năm 1975) của nhóm soạn giả Chu Xuân Diên, Lương Văn Đang… (Tạp chí Văn học, 1976, số 3). Việc phân tích rất xác đáng. Đáng tiếc, cuốn sách dày dặn gồm hai phần, phần sau là phần sưu tập đã được bình giá, còn phần đầu là chuyên luận về tục ngữ do Chu Xuân Diên chấp bút. Phần này rất có giá trị nhưng không được ai phân tích.

Nguyễn Xuân Kính đọc cuốn Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam (in lần thứ bảy, 1971) của Vũ Ngọc Phan (Tạp chí Văn học, 1976, số 2), phê bình sách Qua những trang văn cũng của Vũ Ngọc Phan (có nhiều bài viết về văn học dân gian, xuất bản năm 1976), trên tuần báo Văn nghệ năm 1977.

Hồ Tuấn Niêm giới thiệu Qua những trang văn trên Tạp chí Văn học, 1978, số 3.

Phan Nhật (bút danh của Phan Đăng Nhật) phê bình sách Đẻ đất đẻ nước trên Tạp chí Văn học, 1977, số 3.

Trần Việt Ngữ viết về sách Hề chèo chọn lọc của Hà Văn Cầu (Tạp chí Văn học, 1978, số 2).

Nông Quốc Thắng giới thiệu sách Mấy vấn đề về then Việt Bắc của nhiều tác giả (Tạp chí Văn học, 1979, số 6), sách Sli lượn - dân ca trữ tình Tày Nùng của Vi Hồng (Tạp chí Văn học,1980, số 3).

Tăng Kim Ngân đọc cuốn Thơ văn xô viết Nghệ Tĩnh của Ninh Viết Giao (Tạp chí Văn học, 1979, số 2), viết về Truyện cổ DaoTruyện cổ Mường (Tạp chí Văn học, 1980, số 4).

Lê Chí Quế nhận xét cuốn sách Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam của Võ Quang Nhơn (xuất bản năm 1983) trên Tạp chí Văn học (1986, số 3).

Nhìn chung, trong giai đoạn này không có thật nhiều bài phê bình, không có những cuộc trao đổi, thảo luận học thuật đáng chú ý.

3.Việc phê bình, trao đổi ý kiến từ sau năm 1986 đến nay

Trong giai đoạn này, tình hình phê bình, tranh luận nhộn nhịp hơn giai đoạn từ sau khi đất nước thống nhất đến năm 1986.

Các bộ sách Kho tàng ca dao người Việt (xuất bản năm 1995, tái bản: 2001), Kho tàng tục ngữ người Việt (xuất bản năm 2002), các cuốn Thi pháp ca dao (xuất bản năm 1992), Bình giảng ca dao (Hoàng Tiến Tựu, xuất bản năm 1992), Văn học dân gian Việt Nam (Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn, tái bản: 1997), Địa chí văn hóa dân gian Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội (Đinh Gia Khánh và Trần Tiến chủ biên, xuất bản năm 1991), Mấy vấn đề phương pháp giảng dạy, nghiên cứu văn học dân gian (Hoàng Tiến Tựu, xuất bản năm 1983), Nội dung xã hội và mỹ học tuồng đồ (Phan Ngọc và Lê Ngọc Cầu, xuất bản năm 1984), Truyện cổ tích dưới mắt các nhà khoa học (Chu Xuân Diên, xuất bản năm 1989),… đều có các bài giới thiệu, đánh giá đăng trên báo Nhân Dân, báo Văn nghệ, Tạp chí Văn học, Tạp chí Văn hóa dân gian, Tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật.

Có nhiều bài phê bình phần văn học dân gian trong sách giáo khoa, trong đó nhiều nhất là các bài viết của Nguyễn Xuân Đức. Không phải tất cả các ý kiến của nhà giáo này đều thoả đáng, song hầu hết đều là những suy nghĩ nghiêm túc.

Có trường hợp đáng tiếc là cuốn sách Bình giảng ngụ ngôn Việt Nam của Trương Chính, một cuốn sách kém chất lượng nhưng lại được Mạnh Hồ khen ngợi trong bài: Một cuốn sách hay: Bình giảng ngụ ngôn Việt Nam (Tạp chí Văn học, 1998, số 7).

Có nhiều cuộc thảo luận:

Về hai chữ cầu kiều trong bài ca dao Muốn sang thì bắc cầu kiều

Về câu tục ngữ Có của lấy của che thân, không có của lấy thân che của.

Về nghĩa của tục ngữ nói chung.

Về các bài ca dao Thằng Bờm có cái quạt mo…, Trèo lên cây bưởi hái hoa, Gió sao gió mát sau lưng, Mình nói dối ta mình hãy còn son…, …

Về thể thơ lục bát trong văn học dân gian giữa nhà nghiên cứu Phan Ngọc và nhà phê bình Hồng Diệu. Theo chúng tôi, chân lý thuộc về Hồng Diệu.

Về tranh dân gian Đám cưới chuột giữa các tác giả Hiền Hồng, Phương Anh (bút danh của Chu Quang Trứ), Kiều Thu Hoạch trên Tạp chí Văn hóa dân gian từ cuối năm 1989 đến tháng 6 năm 1994 mới kết thúc.

So với giai đoạn từ năm 1955 đến ngày đất nước thống nhất, ở giai đoạn này, trình độ lý luận và trình độ nghiên cứu của cả giới nghiên cứu đã cao hơn trước nhiều, nhưng văn hóa tranh luận lại kém trước.

Có trường hợp, sau cuộc thảo luận, bên đuối lý vẫn giữ ý kiến của mình khi in sách (tuyển tập các bài viết). Về trường hợp này có thể kể đến tác giả Vũ Nho trong cuộc thảo luận với các tác giả Lê Trường Phát, Nguyễn Luân về bài ca dao Hôm qua tát nước đầu đình… trên báo Người Hà Nội, báo Văn nghệ và Tạp chí Văn hóa dân gian.

Có thể có quan niệm cho rằng văn học dân gian là thứ văn học quen thuộc, dễ hiểu nên có cơ quan khi tổ chức cuộc thi bình ca dao đã không tranh thủ sự tham gia của nhiều chuyên gia về folkore ngôn từ. Xin nêu một thí dụ: Năm 2000, mừng tròn 6 tuổi, Tạp chí Thế giới trong ta (của Hội Tâm lý - Giáo dục học Việt Nam) tổ chức cuộc thi bình ca dao. Văn bản được chọn làm đề thi là văn bản 6 dòng:

Mình nói với ta mình hãy còn son

Ta đi qua ngõ thấy con mình bò

Con mình những trấu cùng tro

Ta đi gánh nước tắm cho con mình

Con mình vừa đẹp vừa xinh

Một nửa giống mình, nửa lại giống ta
.

Số tiền trao cho giải nhất là 600.000 đồng, có nghĩa là “giá trị giải cao nhất cũng bắt đầu bằng con số 6. Lúc đầu ban tổ chức dự kiến hạn chế mỗi bài dự thi chỉ gói gọn trong 600 chữ, nhưng rồi e số lượng chữ ấy là quá hẹp, quá thắt, có thể gây khó khăn cho người dự thi nên nới rộng là 1.000 chữ (5).

Văn bản sáu dòng trên được Hoàng Tiến Tựu sưu tầm năm 1982. Còn có một văn bản khác. Nó chỉ có bốn dòng (Mình nói... Ta đi...), được in ở nhiều sách sưu tầm, trong đó sớm nhất là sách Tục ngữ phong dao của Nguyễn Văn Ngọc, in năm 1928 tại Hà Nội.

Sau khi Tạp chí Thế giới trong ta tổng kết cuộc thi và trao giải, báo Giáo dục và thời đại, số 32, ngày 15-3-2001, và tuần báo Văn nghệ, số 11 ngày 17-3-2001 cùng đăng bài Băn khoăn về một đề thi của nhà giáo Nguyễn Thị Lan. Tác giả cho rằng văn bản bốn dòng hay hơn văn bản sáu dòng và chàng trai trong văn bản bốn dòng đáng yêu hơn.

Trong Tạp chí Thế giới trong ta có hai bài viết của ông Đàm Ngọc Xuyến và ông Đào Nam Sơn trao đổi ý kiến với bà Nguyễn Thị Lan. Sau đó trên Tạp chí Văn hóa dân gian có bài của ông Đào Thản và bài của chúng tôi.

Chúng tôi đồng tình với tác giả Nguyễn Thị Lan khi bà phân tích vẻ đẹp trong cách ứng xử của chàng trai trong dị bản bốn dòng. Các ông Đào Nam Sơn, Đào Thản cũng gặp gỡ bà ở điểm này.

Chúng tôi chưa đồng cảm khi bà viết, ở dị bản sáu dòng, “chàng trai thực hiện xong một nghĩa cử cao đẹp còn nán lại gặp cô gái tán một đôi câu thô thiển tầm thường, cơ hội”. Nhận xét như vậy có phần khe khắt và nghiêm khắc quá chăng? ở điểm này, chúng tôi chia sẻ với ông Đào Nam Sơn.

Về phía công chúng tiếp nhận, chúng tôi tin rằng, nếu được lựa chọn giữa hai dị bản, tâm đắc với văn bản sáu dòng vẫn có một bộ phận (có thể là thiểu số). Trong bộ phận này, lại chia thành hai nhóm: một nhóm hiểu đây là lời ca dao hài hước, bịa chuyện như một trong nhiều cách hiểu của ông Đào Thản; một nhóm ca ngợi chàng trai vị tha, cao thượng. Tiêu biểu cho cách hiểu này là những tác giả được tặng giải cao của Tạp chí Thế giới trong ta. Xin được nói thêm, trong tình huống này, chúng tôi không cho chàng là người cơ hội và cũng chưa đồng tình với ông Phạm Văn Tình (một trong hai người được trao giải nhất) khi ông viết: “Đoạn cuối cùng khép lại, khiến ta vừa thương vừa thông cảm, vừa cảm phục chàng”. ở chàng trai này, có gì đáng thương đâu?

Trong khi phản bác tác giả Nguyễn Thị Lan, ông Đàm Ngọc Xuyến đã trích dẫn ý kiến của bà không thật chính xác và chê bai bà: "lẩm cẩm đáng cười", "hiểu ca dao một cách thiển cận"(6). Viết như vậy, theo chúng tôi là không nên.

4. Để nâng cao chất lượng việc phê bình, thảo luận về văn nghệ dân gian

Các tạp chí Nghiên cứu văn học, Văn hóa dân gian, Nguồn sáng dân gian, Văn hóa - Nghệ thuật nên thường xuyên duy trì mục đọc sách (hoặc điểm sách). Bài viết có thể dài ngắn khác nhau nhưng những cuốn sách viết về văn nghệ dân gian được giới thiệu nên là những cuốn đáng chú ý hoặc là công phu, có chất lượng, hoặc là có phát hiện mới về luận điểm, hoặc có tư liệu mới, hoặc sách kém chất lượng.

Trên các báo không chuyên ngành nếu có đăng những bài về văn nghệ dân gian, trước khi công bố, tòa soạn nên tranh thủ ý kiến của nhà chuyên môn. Nếu một tờ báo, tờ tạp chí đăng nhiều bài phê bình văn nghệ không được sự đồng tình của dư luận, thiếu văn hóa tranh luận thì tổng biên tập phải chịu trách nhiệm. Vấn đề thảo luận có tính chất học thuật chuyên sâu nên đưa về các cơ quan ngôn luận chuyên ngành. Thí dụ, các ý kiến trao đổi về nội dung chương trình, kiến thức văn học dân gian trong sách giáo khoa nên đăng tải trên Tạp chí Nghiên cứu văn học hoặc Tạp chí Văn hóa dân gian.

Thảo luận, tranh luận là cần thiết. Nếu có những ý kiến, những nhận xét khác nhau về một cuốn sách, về một vấn đề học thuật thì đây là điều bình thường. Có điều, trước những ý kiến khác nhau đó tòa soạn phải có chủ kiến, phải có sơ kết hoặc tổng kết cuộc trao đổi, thảo luận. Trong phê bình, tranh luận, chúng ta không bao giờ quên văn hóa tranh luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1919, tại Nghị viện nước Pháp, Người bị một kẻ dùng lời lẽ thiếu văn hóa công kích. Người đã điềm đạm, bình tĩnh tranh luận. Người viết: "Tôi sẽ tránh không nổi nóng, la lối, chửi rủa, đáp lại sự thô tục bằng sự thô tục, vì như vậy là tự hạ giá mình. Không phải hễ cứ ném được bùn lên địch thủ là mình có lý đâu"(7).

N.X.K

--------------------------------------

1, 2, 3. Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Văn học dân gian, Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp, 1972.

4. ở đây chúng tôi chưa có điều kiện viết về tình hình phê bình văn nghệ diễn ra ở miền Nam trước ngày đất nước thống nhất
.

5. Tổng kết cuộc thi bình ca dao mừng Thế giới trong ta tròn 6 tuổi. Khép lại một cuộc bình văn đầy lý thú và hào hứng, Thế giới trong ta, 2001, số 137, tr.5
.

600 chữ ở đây có nghĩa là 600 tiếng, 600 âm tiết (N.X.K
).

6. Đào Nam Sơn, Trao đổi với một đồng nghiệp, Thế giới trong ta, 2001, số 135.

7. Hồ Chí Minh, Tuyển tập, tập I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.18.

Nguyễn Xuân Kính
Số lần đọc: 5200
Ngày đăng: 28.10.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tục thờ đá trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam - Nguyễn Việt Hùng
Văn hoá truyền thống của người Kinh ở Vạn Vĩ trong quá trình giao lưu, biến đổi - Nguyễn Thị Phương Châm