Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
474
116.747.999
 
Một người thơ không tuổi
Phạm Đức

Là lứa tuổi đời, tuổi nghề sau nhà thơ Vân Long khá xa, nhưng khi có điều  kiện gần gũi với ông, lập tức tôi đã cảm thấy thật quen thuộc, thân mật, vừa trân trọng vừa quý mến, vừa bè bạn mà như thể anh em…

 

Bắt tay viết những dòng này, tôi mới có dịp đọc kỹ, đọc hệ thống thơ ông dọc theo hành trình sống phong phú của một con người tài hoa mà tính tình lại mực thước, lặng lẽ. Năm nay đã 75 tuổi, Vân Long vẫn tiếp nối cuộc hành trình duyên nợ với thơ bằng những sáng tác mới và bằng cả những tâm sự nghề nghiệp,  những nhận xét, bàn bạc theo dòng thời sự thơ đang  bộn bề, thách thức.

 

- Về đời sống, ông vẫn hưởng lương hợp đồng ở một tờ báo suốt 14 năm sau khi nghỉ hưu ở NXB Hội Nhà văn. Hàng tuần ông vẫn sinh hoạt đều ở một “CLB bia” mà người cao tuổi nhất là họa sĩ Phan Kế An. Cái “CLB bia” mà có lúc ông phải than “Hội bia năm tháng giãi dầu / sắc bia dần chuyển sang màu… nước cam”, ấy là lúc còn sinh thời các nhà văn, nhà thơ Thanh Châu, Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện…Có ông không uống được bia, có ông uống thuốc bắc phải kiêng bia rượu, nhưng họ vẫn cần có mặt để…uống nhau. Lúc đó, ông là người trẻ nhất.

 

Một nhóm uống bia trẻ hơn, những “bia sĩ” như Hoà Vang, Trịnh Thanh Sơn…coi bia chỉ như nước la vie, dù ngồi góc nào trong thành phố, cứ “a lô” là dễ có mặt ông với chiếc xe máy đầy bụi đường. Ở đây, ông lại là người hơn họ đến hàng thập kỷ. ( Nay, hai nhà văn cỡ lục tuần này đã theo gót các đàn anh Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện…). Ông làm báo, nhưng không mấy khi đến tòa soạn, chỉ ngồi nhà gọi bài qua máy tính, qua…tình bạn vong niên, từ tuổi 90 trở xuống (như cụ Hữu Ngọc), từ cánh trẻ Tây Nguyên, Vũng Tàu trở ra. Nhận bài, biên tập bài rồi chuyển cho tòa báo qua mạng internet. Hồi ông còn làm nhà xuất bản, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm gọi ông là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các thế hệ. Ông đến lấy bài của các nhà thơ im tiếng  ba mươi năm cho tạp chí Tác phẩm mới, rồi chủ động đề nghị NXB mở ra cách “nhà nước nhân dân cùng làm” cho xuất bản thơ, mở rộng cửa NXB, in thơ cho các nhà thơ lứa đầu đổi mới: Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh…

 

Từ thời còn là học sinh cấp III ở trường Ngô Quyền - Hải Phòng tôi đã thuộc bài thơ Qua Mưa của tác giả Vân Long. Bài thơ đọc một lần là thuộc, với những câu chữ, hình ảnh giản dị. Qua dải sân mưa tôi ngắm em/ Màn mưa nhòa những nét thân quen/ Tình yêu mới nở sao mà đẹp/ Một thoáng nhìn nhau, mưa cũng ghen! Màn mưa sống động lên bởi cảm xúc thiên nhiên “ghen” với tình yêu    mới nở của con người, dăng một bức màn nước thưa thoáng, mát mẻ…Qua màn mưa “ghen” đó, người đang yêu, người được yêu hình như càng đẹp thêm, được tôn vinh hơn và càng gắn bó với nhau hơn!

 

Đó là ban mai trong trẻo của hồn thơ Vân Long, là cốt lõi tinh tế, ý vị, tự nhiên của phong cách thơ Vân Long. Rõ ràng bài thơ, gồm  28 chữ này, có vị trí rất tiêu biểu cho giai đoạn sáng tác đầu tiên của anh. Mười năm, từ những sáng tác ban đầu, kết tinh lại trong tập thơ riêng Tia Nắng (1962, NXB Văn Học), tập thơ in riêng đầu tiên như tấm bằng chứng nhận một tác giả đã sớm có riêng phong cách. Có thể nói đó là sự bắt đầu của sợi  cảm xúc xuyên suốt đời thơ của ông chăng?

 

Không rõ vô tình hay hữu ý, bài thơ đứng cuối cùng trong Tuyển thơ (1952-2002) dường như  trở lại vẻ nguyên sơ, dè dặt, tinh khôi như thế… sau gần nửa thế kỷ đạn bom sóng gió trong đời và trong thơ của ông. Ông  ngắm đưa cháu nội say ngủ mà reo thầm: Nụ cười mụ dạy/ Đôi môi tươi mềm/ Bé vừa ngủ vừa cười/ Vừa ngủ vừa lớn lên…

 

Lại một sự im lặng của nụ cười mụ dạy, im lặng của trạng thái vừa ngủ, vừa cười, vừa lớn lên. Đến sự lớn lên, sự phát triển cũng êm ả, lặng lẽ. Đó chẳng phải là Vân Long tính đó sao? Cho nên thật xác đáng  khi ông tổng kết, đúc kết đời và thơ mình: Tôi loài cá ăn chìm/ Thơ và đời lặng lẽ…Nhưng tinh ý, ta như còn thấy sự tự tin ngầm của nhà thơ: Loài cá quen ăn chìm đâu phải loài cá nhỏ!

 

Sự êm ả, tinh tế trong phong cách thơ, phong cách người  ấy là lựa chọn của Vân Long, không phải nó xuất phát từ một cuộc sống êm ả, bởi cuộc đời Vân Long đâu có êm ả! Tuy xuất thân từ một gia đình trung lưu, nhưng bố mẹ ông đã chia tay nhau ngay khi ông ra đời, ít lâu sau mẹ lại đi bước nữa, hai chị em ở với bà ngoại, 12 tuổi đã phải tản cư khỏi Hà Nội, luôn thay đổi trường lớp để tránh những cuộc càn quét của giặc Pháp.  Theo gia đình về Hà Nội trước 1954, chưa qua tuổi học trò đã phải rời gia đình, tự kiếm sống…Từng lang thang khắp các ngõ phố Hà Nội làm thu ngân cho một Công ty, từng mở hiệu sách với bạn, rồi chăm sóc bạn ốm…,bốc hơi cả vốn lẫn lãi, từng chơi trong tốp ca nhạc trước giờ chiếu phim để kiếm thêm chút tiền còm. Rồi trở thành nghệ sĩ vĩ cầm thế hệ sáng lập dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam

 

Cái chất riêng ấy, phải chăng cũng là phong thái Hà Nội, văn hoá Hà Nội được định hình dần, lớn dần theo từng bước anh tập đi ở ngõ Tràng An, hè phố Huế…theo từng trang Tự Lực văn đoàn, Thơ Mới, đọc say mê cùng với anh bạn lớn tuổi Nguyễn Khải ở chung căn hộ số 4b Trần Nhân Tông (trước 1945),   (Chuyện ít biết về nhà văn Nguyễn Khải (Tiền Phong cuối tuần số 8, 24/2/2008).

 

- Cùng với đất nước, năm 1965 là năm biến động lớn trong đời  thơ Vân Long. Một tháng sau khi cưới vợ, ông phải chuyển công tác xuống Hải Phòng để lại người vợ trẻ ở Hà nội. Rồi mười năm chiến tranh ác liệt nhất của thành phố Cảng là mười năm anh sống đơn lẻ và viết ở đó…Lướt qua đời sống của nhà thơ Vân Long để thấy nó đầy biến động, không mấy tương ứng với tính cách của thơ ông, cũng là của tâm hồn ông. Có thể nói Vân Long là người làm chủ được cuộc sống tinh thần của mình, dù trong biến động nào, vẫn là con người điềm tĩnh, mực thước, hết lòng với công việc, có trách nhiệm với thơ, sáng tác cũng như nghiên cứu…Đấy là mẫu mực của một nhà thơ - gắn bó đời thơ với Đất nước, đứng ở vị trí của người công dân tận tụy, gương mẫu, sáng tạo.

 

Mười năm thơ đất Cảng, Vân Long đem hồn thơ êm nhẹ, kín đáo, hòa vào cuộc sống lửa thép, bom đạn. Đồng thời anh kéo sự nóng hổi, cuộn xiết của đời vào thơ …Đó là cuộc đấu tranh tạo một thế hài hòa giữa ảo và thực, của đôi    cánh mơ mộng chân trời với bước chân trần trên mặt đất chông gai, khúc khuỷu…

 

Nhà thơ cho ta nhìn thấy thành phố Cảng hoành tráng và dịu hiền, cần mẫn và bao dung:

 

Những hình khối lớn cao

Lầm lũi đi trong mùi dầu xe quyến rũ

Hải Phòng căng bầu ngực khổng lồ

Dòng sữa không ngừng chẩy đi khắp ngả

(Hải Phòng – Đêm mùa thu 1967)

 

Thơ Vân Long viết ở Hải Phòng vừa có sự rộng mở về đề tài, vừa thay đổi về nhịp điệu, tốc độ, hinh tượng thơ:

 

Ta trục cỗ máy màu xanh bỉển biếc

Ta trục cỗ xe màu tím mắt ai

…………………..

Cần trục thép – tay ta – gân guốc

Máy nóng bỏng – lòng ta – thâu đêm

Kìa! Vật gì bỗng đỏ hừng mỏ móc

Ồ sương tan, ta trục mặt trời lên!

 

Bài thơ chỉ tám dòng, nhưng thật hoành tráng! Tôi tưởng thấy đôi mắt mở to say sưa và tấm lòng còn mở rộng hơn của nhà thơ để ngắm nhìn, thần thánh hoá lao động của bạn bè mình vào một buổi sớm mai, sau đêm dài công việc…Mặt trời như một tù nhân của đại dương được cẩu lên từ mặt biển vừa tan sương đêm- một hình tượng rực rỡ, vạm vỡ và lãng mạn.  Một cảnh sương tan khác nảy nở trong tình thơ Vân Long: Sương đã tan, thành phố cồn như biển/ Nghe nắng đổ bốn bề bạc rắc, vàng rơi/ Thành phố đẹp bất ngờ tôi choáng váng/ Chẳng bao giờ tôi hiểu biển đến nơi!...(Hải Phòng một sáng sương mù).

Có lẽ giới hoạ Hải Phòng cũng phải chạy đua với ông để dựng những cảnh sắc đa dạng của một thành phố hoa phượng đẹp đến vậy! Không chỉ lớn lao, lam lũ, ồn ã mà còn êm ả với những nét riêng biệt trên mặt sông mùa xuân: Nắng đặc quánh, nước sông như mật. Gió lúng túng quanh những cột buồm/ Vấp phải bờ sông vạt phố cong… Con người thì: Đám cưới nhà ai hoa đỏ khoang / Đò nhà trai tới khách theo sang/ Dòng sông mặc áo hồng đưa đón/ Chẳng khác cô dâu mới ngỡ ngàng (Mùa xuân trên dòng Tam Bạc).

Nắng như cầm nắm được, nước sông sóng sánh và san sát những cột buồm khiến gió (như đứa trẻ ngu ngơ) cũng phải lúng túng va vấp... Màu hoa đỏ nổi nênh trên dòng sông hồng hào…Nét màu nhộn nhịp của một lễ hội!..

Vân Long cho bạn đọc thấy một thành phố bình tĩnh, xốc vác, đầu sóng ngọn gió, giữa bom đạn mà vẫn ánh lên những tươi đẹp, non tơ. Ta lại thấy chính ông đang hăm hở khám phá, say mê yêu thương người và đất, nỗi đau và niềm tin …”Thành phố biển, những cuộc đời như biển/ Càng sâu đằm sau mọi bão giông / Tôi nhỏ xíu trước vô cùng của biển/ Lại lớn lên ý thức cái vô cùng” (Hải Phòng một sớm sương mù). Ở thành phố này, ông hòa mình thân thiết với các bạn thơ trẻ kém ông đến hàng chục tuổi, những Thi Hoàng, Đào Cảng, Nguyễn Tùng Linh...

Tất cả đã tạo nên một Vân Long thơ gân guốc, đằm thắm. Không chỉ là những bài thơ, tập thơ cụ thể, năm tháng này đã bồi bổ cho ông một tầm nhìn, tầm cảm, tầm nghĩ mới mẻ, rộng mở. Ông đã hoà trộn chất tinh tế, êm ả của khởi thuỷ tâm hồn ông với những cảm xúc cuộn chẩy, xô bồ, rực lửa vừa thu nhận được từ  vùng đất biển những năm lửa đạn. Đó là bước chuẩn bị cho một thời kỳ sáng tác sung mãn, chín tới sau này!

- Sự cựa quậy, tung phá ở Vân Long thâm trầm, nằm sâu trong những vấn đề của thơ, của đời người. Đó là rượu mới, êm và say hơn, không phải là bình mới, thậm chí ông không mấy để ý đến bình nữa !  Viết chữ nhân lên nền trời/ Bầy chim trách người trườn mặt đất/ Chân trời là điều có thật/ Chân trời trên cánh bay!

Chân trời là nói đến sự cao rộng, ước mơ. Không phải bầy chim trách mà chính là con người tự trách: Có dám cất cánh không? Có dám bay không một cuộc bay dài ?

Cựa quậy trong thơ ông là sự đào xới  nhũng mơ hồ trong lòng mình, trong đời mình: Đêm dài quá nằm không ngủ/ Đời ngắn quá yêu chưa đủ!  để đặt cho mình những câu hỏi, những điều tự chỉ trích: Loạt soạt nghìn trang gió thổi lạnh/ Tay thì đã ngắn mong chi cánh/ Chữ nghĩa xạc xào thua lá xanh/ Mà bông hoa lạ cuối trời kia/ Tới được chắc chi hoa vẫn thắm!  (Dưới lá xanh)

Bông hoa lạ có thể là ước mơ của đời mình, mà có thể là vấn đề lớn lao nào đó!  Cựa quậy, tung phá trong cái tạng lặng lẽ, hiểu biết, biết mình biết người, biết biện chứng của tâm hồn, của cuộc đời. Như cái Ngọn cây của ông, dù nõn lá tủa ra quyết liệt thì Rồi cũng đến tầm ấy thôi!  Nhận xét ấy chú trọng nhiều đến định mệnh văn chương của mỗi thi sĩ, của chính ông! Mặc dầu ông có không ít những câu thơ, bài thơ hay được bạn bè nhắc nhở. Cuốn Nghìn câu thơ tài hoa của Nguyễn Vũ  Tiềm (NXB Văn Học, 2000) chọn đến gần ba chục cụm câu thơ hay của ông. Tôi thử nhặt ra một số câu trong đó:  Đàn gọng vó chạy rào rào mặt nước/ Hồ nước trong lấm tấm như mưa/ Hoa cúc vàng, hoa cúc vàng thu/ Mảnh nắng em cầm chập chờn ảo giác (Hoa cúc vàng). Cuộc đời ông hết mưa dầm rồi đến nắng, nhưng là thứ nắng do con người tạo ra: Trận mưa thu ào qua/ Nắng lại xoè diêm đầu lá ướt…(Vào thu). Có thể thấy hiện diện trong cả tập tuyển: không gian sống của thơ ông là tình bạn, tình yêu: Mùa thu không nắng mang mang gió/ Ngả tím lên màu tím mắt ai/ Mùa thu vắng bạn se se nhớ/ Thả lá, hòm thư động ngõ ngoài (Thu ngõ nhỏ), Và em đồng hiện em phân thân/ Thời gian củ hành tôi bóc vỏ/ Kỷ niệm làm trận gió/ Đụng dây đàn tiếng ngân (Kỷ niệm), Phố cong một vành trăng khuyết/ Tháng năm mơ ước chưa đầy/ Tôi trong chiêm bao lẽo đẽo/ Đi về thương nhớ khôn khuây (Vào tranh). Còn lại là cơ man những chuyến đi dài ngắn, mà ông gọi là giang hồ vặt: Tôi mua vé tàu cho tàu chuyển động. Tôi mua vé đời cho trái đất quay! (Khởi hành), Xanh màu xanh chếnh choáng/ Thi tứ lên bất ngờ/ Đồng cỏ đang trăn trở/ Vắt ngực mình ra thơ (Sớm xuân châu Mộc). Một đời biết mấy lần hoang đảo/ Biết mấy chia tay nước mắt trào/ Mấy bận đi mà chẳng đến/ Mấy bận chờ đến bặt âm hao! (Thơ giữa nước). Con người làm việc quên tuổi lại khá nhiều lúc ghi lại cảm thức thời gian cay nghiệt: Đêm qua/ Mưa/ Hoa sữa/ Khóc xanh mặt hè (Thời gian), Hoa đại đầu thế kỷ/ Rụng vào tôi-bây-giờ (Ngõ Tràng An), Lem lém điếu thuốc cháy/ Tôi búng lên trời đầu mẩu thời gian (Thời gian II), Tôi phóng về em tốc - độ - hoa (Hoa mười giờ)...

 

- Bởi hiểu biết, nhất là biết mình nên Vân Long trong thơ cũng như trong đời, có được một phong cách ung dung, điềm tĩnh. Phải chấp nhận, vui vẻ chấp nhận những kết quả của cuộc đời nhiều thăng trầm, biến động này! Ông tự tin đến độ có thể tự giễu mình, ngay cả khi nói về cái chết, để mỉm cười: Năm ngoái còn chơi đào thế trực/ Năm nay nhà rộng thế tung, hoành/  Ngày mai ngang dọc vừa ba thước/ Cây cỏ thế gì trên mộ anh? (Cây thế). Ông nhìn vào bệnh tật của mình mà đùa cợt: Ngày mai là u ác / Từng ác với bao người/ Nhưng với mình không thể/ Nó đã đến chậm rồi/ 65 năm trên đời/ Đã kịp làm bao việc! (Đêm chờ xét nghiệm). Đó là cái tự hào của người lao động, đã từng làm nhiều việc, không tính gì đến danh giá, giầu sang!  Đó là sự hoà nhập cả với bệnh tật, sống chết, đổi thay. Cần thế trực để hoà nhập với không gian hẹp và sẵn sàng tung, hoành ngang dọc khi đủ đất dụng võ!

Vân Long còn bàn về thơ, viết chân dung bạn bè thơ. Gần 30 đầu sách lớn nhỏ, quả là ông đã kịp “làm bao việc”. Nhưng ông có cái đức tự giấu mình đi để lặng lẽ dâng hiến như ông từng ký thác ý tưởng ấy trong hình tượng cây hoa phượng giữa mùa xuân: Cây ẩn mình như không còn mình nữa/ Bên cuộc diễu hành trăm sắc hoa!(Tiềm ẩn)…

Sau Tuyển thơ 50 năm ( 1952-2002), ông chuyển mạnh sang làm báo, viết báo, đặc biệt là dạng bút ký, chân dung văn học, ghi lại mọi chuyện văn, chuyện đời của những bậc đàn anh trong làng văn nghệ, những bạn viết ông từng thân thiết. Nhờ vậy, ông đã đóng góp cho kho tư liệu văn học, âm nhạc, hội họa…những nhân vật với sự bật mở nhiều góc khuất hành trạng, nhiều tình tiết quý giá qua suốt 6, 7 thập kỷ ông giao du, chia sẻ vui buồn với họ…(Sau Những gương mặt - những trang đời (giải thưởng chân dung văn học Hội nhà văn Hà Nội 2002) là Những người…”rót biển vào chai” cũng cùng chủng loại (NXb Phụ Nữ, quý I - 2010).

Mừng ông có cuốn sách mới, tôi hỏi thêm ý nghĩa của tên sách. Ông cười: “Đáng lẽ cuốn sách sẽ dầy gần gấp đôi (phần II viết về chân dung một số bạn trong giới trí thức) nên sách mang tên khác, nhưng NXB e dầy khó bán nên đề nghị bớt lại phần II. Thế tất phải đặt cái tên cho hợp với văn nghệ sĩ. Trong tập, tôi có viết về chân dung nhà thơ Trịnh Thanh Sơn: Người rót biển vào chai…thời đại tráng, bởi anh có câu thơ nổi tiếng Nắng tắt mà người không đến/ Anh ngồi rót biển vào chai. Thì cánh văn nghệ chúng ta đều là những người…rót biển trời, sông núi vào chai riêng của mình mà! Thế là mượn luôn chữ dùng của Trịnh Thanh Sơn!”

Ông có hai người bạn thơ vong niên gần gũi nhất như tình ruột thịt, đã qua đời. Với nhà thơ Trần Lê Văn, ông đã hoàn thành biên soạn cuốn Trần Lê Văn - những chặng đời- những chặng thơ (NXB Hội nhà văn, 2008, 570 trang). Tôi được biết ông đang sửa bản can cho tập Ngô Quân Miện - Đất núi-làng văn cũng ông biên soạn (trên 500 trang) do Hội nhà văn ủy thác. Ông đồng thời sửa bản can cho tập thơ được tài trợ Thơ Vân Long 1954-2009, (tái bản có giản lược 8 tập thơ in rải trước đây cùng một tập mới mang tên Đỉnh gió) mà ông nói vui “Mình đóng gói sẵn cả thơ cũ, thơ mới cho gọn, biết đâuSau đó mới tuyển một tập mỏng những bài mình thích nhất! Cuốn dầy là dành cho ai cần nghiên cứu, nếu có một người như vậy…! Còn tặng bạn chỉ hai ba chục bài tâm huyết là quá đủ!”

Hiểu biết mình, hiểu “mệnh trời” như nhà thơ Vân Long, kể cũng không khó hiểu. Vốn chưa bao giờ ông tự đánh giá mình cao hơn những gì làm được, cộng thêm với một phần tư thế kỷ “tri thiên mệnh”, ông thường thích thú nhắc đến hai câu thơ của bậc đàn anh: Chiều êm ả ngấm như men rượu / Tôi đang già chẳng vội già đi!(Ngô Quân Miện). Đó cũng là nhịp sống ung dung nhưng không uổng  phí  thời khắc nào của người thơ quên tuổi Vân Long!./.

(Phụ nữ & Thời đại t1-tháng 5-2010).Bản của tác giả

Phạm Đức
Số lần đọc: 1625
Ngày đăng: 14.07.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cùng một lứa bên trời… - Vân Long
Khi nhà toán học bắc chiếc cầu thơ... - Thái Doãn Hiểu
100 Năm “Vang Bóng Một Thời” - Đoàn Minh Tuấn
Nhà thơ Hoàng Tố Nguyên một ấn tượng Nam Bộ - Vân Long
90 Năm Tác Giả “Dế Mèn” Tô Hoài - Đoàn Minh Tuấn
Quách Tấn , Người giữ đền tài hoa - Lê Ngọc Trác
La Nhiên, Người Nhạc Sĩ Tài Hoa Một Thời… - Mang Viên Long
Thạch Quỳ - Người nuôi ảo mộng giữa chiêm bao - Thái Doãn Hiểu
Nhà kỹ nghệ và doanh nghiệp Việt nam - Trương Văn Bền (1884-1956) - Nguyễn Đức Hiệp
Hoàng Cầm – Thi Sĩ Kinh Bắc thuộc Dòng Mậu Hệ -tt - Thái Doãn Hiểu
Cùng một tác giả