Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
670
116.674.551
 
Chị Nhẩm
Hàn Vĩnh Nguyên

Về gần tới phòng, tôi bỗng nghe có tiếng cười rộ lên sau cái giọng đầy hóm hỉnh của thằng Bạch:

 

- Vậy chớ hăm chín, ba mươi tuổi trên đầu mà chưa có một tấm chồng. Khổ chưa - Nó hạ giọng - Phải chi dân thường còn dễ, đằn này chị ấy lại là Huyện ủy...

 

Một giọng khác trổi lên:

- Ông chưa biết bằng tôi. Chị ấy có người yêu nghe.

 

- Có hồi nào?

 

- Lâu rồi. Anh ấy đã chết.

 

- Trời đất. Vậy cũng nói. Còn chuyện gì nữa hôn?

 

- Để tôi kể hết cho mà nghe: Anh ấy tên là Ngọc. Chị thương Ngọc dữ lắm. Lúc đó nhà in còn đóng trong rừng, các bộ phận ở chung, hai người quấn qúit với nhau suốt ngày. Người ta nói trước khi anh Ngọc chết, chị ấy có hôn ảnh mấy lượt trước mắt mọi người. Rồi sau đó thơ thẩn như một người mất hồn. Từ đó tới nay, bạn bè cũng đông, nhưng chưa thấy chị ấy chớm yêu một người nào.

 

- Có chớ. Ông bỏ quên thằng Nhuận của nhà mình.

 

Chờ cho tiếng cười dứt hẳn, mọi người chuyển sang câu chuyện khác, lúc đó tôi mới đẩy cửa bước vào phòng. Không ai nghĩ rằng toio đã nghe lõm. Còn tôi cũng không vĩ lẽ gì mà làm mặt giận. Mọi người đều vui vẻ uống trà. Buổi tối qua mau. Lúc này, tôi mới thấy nhớ Nhẩm. Rõ là có một thời và ngay cả lúc này nữa, tôi đang thầm yêu Nhẩm. Nếu như những điều thằng Bạch dói đùa mà đúng thì cũng có thể Nhẩm đang thầm yêu tôi. Nhiều lần tôi linh cảm thấy như vậy. Mặc dù cho đến hôm nay, tôi vẫn gọi Nhẩm bằng chị, vì trên thực tế Nhẩm lớn hơn toi hai tuổi, và xem ra có vẻ chuẩn chạc hơn.

 

Năm đó, tôi vừa hai mươi còn Nhẩm đã tròn hai mươi hai tuổi. Nhẩm có khổ người không cao nhưng cũng không lùn, không ốm mà cũng không mập đến mức làm cộm mắt người nhìn. Theo ý kiến của nhiều người thì từ tuổi dậy thì cho tới nay chưa thấy xuất hiện sự phì nộn trên thân thể gọn gàng của Nhẩm. Hình như sự phát triển đầy đặn và cân đối của các loại tế bào đã biết dừng lại ở mức vừa đủ để người ta nhận ra vẻ đẹp của bộ ngực khỏe và những nét dịu dàng trên khuôn mặt, cái chân đất đồng nội pha trộn cái vững chãi của một người con gái sớm có dịp đi xa. Nhẩm có giọng nói nghe thật hiền, nhưng cũng không kém phần kiên quyết. Và không phải vì thế mà Nhẩm đứng ngoài những cuộc tranh luận có khi  chẳng kém phần gay gắt ở chi đoàn cơ quan.

 

Tôi đến xí nghiệp in giữa lúa Nhẩm đang là thợ chữa moa-rát, còn tôi (gọi theo bây giờ) là khách hàng của xí nghiệp. Nhẩm tự giới thiệu tên với tôi và bắt đầu làm việc. Công việc giữa chúng tôi có mối quan hệ thật mật thiết. Vì rằng từ bản thảo (đánh máy hoặc viết tay) đến bản in thử bao giờ cũng có vấp váp, hoặc ngộ nhận về chữ, về nghĩa mà bất cứ người thợ chữa moa-rát nào muốn đạt đúng sự chính xác đó cũng phải cần tới người am hiểu vè nó. Do yêu cầu công việc, tôi quan hệ với xí nghiệp in khá đều đặn,  mỗi đợt khoảng từ năm đến bảy ngày. Buổi trưa thường là tôi mắc võng qua hai cây cột ở góc nhà ăn, nằm đọc sách, mệt thì chợp mắt một chút. Lâu ngày trở thành quen, vả lại thấy chỗ mắc võng không gây cản  ngại gì, tôi đâm lười chỉ mắc một lần rồi để luôn suốt đợt công tác, đêm chùm thêm chiếc mùng, kéo một vạt choàng phủ kín dưới lưng, sáng chỉ mở chiếc mùng xếp gọn là xong. Chỗ làm việc của tôi gần như toàn trên võng. Lúc ngồi, lúc nằm, tôi tranh thủ viết lách, đọc lại bài, khi nào cần, Nhẩm chạy đến gọi tôi. Không giao ước nhưng tự hiểu ngầm như vậy. Tôi đỡ mất thì giờ còn Nhẩm ít bị chi phối vì sự có mặt của tôi trong phòng. Nhiều lúc chờ "lên khuôn", rỗi việc, Nhẩm bắc ghế ngội cạnh tôi trò chuyện thật lâu. Lâu dần, tình cảm cứ vượt lên như một bánh xe lăn đang tiến gần đến sự phủ định cái vẻ bè bạn bên ngoài của nó. Nhẩm chưa dám ngõ lời vì giữ mình là con gái. Còn tôi, tôi bị cản bởi tiếng gọi Nhẩm bằng chị; sợ ngỏ lời mà Nhầm không yêu lại đem chuyện ấy kể với bạn bè thì lúc đó có độn thổ cũng không yên. Một hôm Nhẩm trực cơm. Thấy Nhẩm vo quần làm lúi húi, tôi liền nhảy ra phụ, cốt cũng để cho vài bạn thanh niên tinh ý trong xí nghiệp tự hiểu quan hệ của tôi và Nhẩm đang ở mức độ nào. Nhẩm cũng vui ra mặt. Đầu tiên, Nhẩm nhờ tôi nhóm lửa còn Nhẩm đi vo gạo. Sau đó cả hai cùgn ngồi cạnh bếp lửa vừa làm cá, lặt rau, vừa trông chừng nồi cơm và nồi nước nấu canh vừa mới bắc lên. Vừa làm, chúng tôi vừa trò chuyện mãi cho đến lúc cả cơm canh đều sôi. Lúc này cái điều trằn trọc hồi mấy đêm trước của tôi mới trỗi dậy. Tôi định bụng sẽ hỏi Nhẩm một câu, nhưng trống ngực cứ đánh liên hồi. Cố kềm mãi, đến một lúc sau tôi mới hỏi được hai tiếng "Chị Nhẩm à!". Nhẩm quay lại cười, trên tay cầm chiếc đũa bếp, tay gia giở nắp nồi cơm định xới:

 

- Gì à?

 

Tự nhiên run quá, tôi - quên nồi cơm đã cạn - vụt nói:

 

- Cơm sôi quá chừng.

 

- Ừ, sôi nên chị mới chắt nước vừa rồi. Nhẩm vừa nói vừa nhìn vào chiếc đũa bếp đang xới trên nồi cơm.

 

Tôi cho thêm một cây củi vào bếp rồi giả bộ nực quá chạy ra ngoài. Cổ toát mồ hôi. Tôi mặc cảm vì bị Nhẩm bắt quả tang. Bữa cơm, tôi ăn chẳng ngon lành. Từ đó, mọi việc nói năng tôi đều tỏ ra cẩn trọng. Một mặt tức  mình kém can đảm, một mặt cố làm cho Nhẩm hiểu rằng tôi không có ý gì. Việc đó chẳng qua là do sự nhầm lẫn. Thay vì phải nói nồi cành sôi, tôi lại nói nòi cơm sôi. May mà lúc ấy còn có nồi canh, nếu không thì chẳng biết đổ thừa thế nào. Còn Nhẩm vẫn cứ tự nhiên, coi như không có việc gì. Chúng tôi lại quyến luyến nhau, những mặc cảm được xua dần. Một lần khác cùng đi xem phim, nửa chừng, tôi và Nhẩm rủ nhau về. (Dạo ấy trong vùng căn cứ cũng thường hay chiếu phim và người xem rất đông). Ngồi ở bờ sông chờ xuồng để quá giang, Nhẩm chỉ cho tôi xem mặt sông đang lấp lánh ánh trăng; những lượn mây nổi vân, bồng bềnh trôi và mấy hàng cau phía bên kia bờ đang ngã bóng xuống lòng sông. Nhẩm nói:

 

- Trăng đẹp quá hả Nhuận?

 

- Ừ đẹp - Tôi trả lời - Trời này, nếu chưa đi cách mạng, ở nhà, Nhuận đẩy xuồng ra rẫy cuốc đất chắc là hết chê.

 

Vậy là trớt lớt. Nhẩm lặng thinh một hồi. Hai đứa quay ra nói chuyện phào. Về nhà, tôi đâm tức. Hết chuyện nói sao mà đem ba cái chuyện đẩy xuồng, cuốc đất ra nói ở chỗ này.

 

Năm sau đó, tôi được điều về nhận công tác ở miền Đông. Nhẩm ở lại xí nghiệp in thêm một thời gian, sau chuyển qua tuyên huấn cho đến lúc chuẩn bị vào chiến dịch Hồ Chí Minh mới được điều tăng cường cho huyện trọng điểm. Sau ngày miền Nam giải phóng, cả nước thống nhất, theo nghị định giải thể hai cấp khu và R (1), tôi trở lại tỉnh và về nhận công tác ở huyện. Trong những năm ở rừng không phải lúc nào tôi cũng nhớ đến Nhẩm. Trai một thuở gái một thì, tôi và Nhẩm chưa giao ước với nhau một lời nào, ai biết được ai để mà chờ đợi. Sau ngày về, gặp lại Nhẩm, biết Nhẩm vẫn chưa lấy chồng, tôi thật xúc động, lòng mãi nghĩ về những chuyện cũ, nhưng lại cứ đắn đo. Có người nói Nhẩm bị một vết thương lòng (sự hy sinh của anh Ngọc quá lớn) nên bây giờ Nhẩm thề ở vậy suốt đời. Nhưng cũng có người như Bạch nói rằng Nhẩm bây giờ đã ế rồi, làm lớn khó lấy chồng. Tôi cứ bị tác động từ nhiều phía, mặc dù sau gần bảy năm mới gặp lại, ngoài việc thay đổi đôi chút thần sắc trên gương mặt vừa đủ để người ta nhận biết tuổi tác vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nhẩm đã về chiều; tính tình vẫn hiền hậu, vóc dáng gọn gàng và cũng không kém phần nhanh nhẹn.

 

Còn cái chết của anh Ngọc thì lúc ở nhà in tôi đã có nghe nhiều người kể gần như bằng tất cả tấm lòng ái mộ.

 

Ngọc là một thanh niên khá điển trai - Anh lớn hơn Nhẩm ba tuổi, tính tình mềm mại, nói năng dịu dàng, lịch thiệp. Anh có thói quen nói ít hơn làm. Việc gì khi anh đã nhận làm thì dù khó mấy cũng xong. Xí nghiệp xem anh như một con chim đầu đàn. Vốn có học thức, ngoài việc hoàn thành công việc của xí nghiệp giao, anh đã đem hết nhiệt tình của mình vào việc tổ chức phong trào học bổ túc văn hóa cho toàn cơ quan. Hồi ấy, làm được việc đó là một cố gắng lớn. Hầu hết những người được anh giảng dạy đều vượt lên hai, ba lớp. Nhẩm là một trong những người đó. Nhẩm yêu anh không phải vì để trả ơn mà vì một sự đồng cảm và hiểu biết thật sâu sắc. Họ dìu dắt và giúp đỡ nhau trong công việc. Đối với những người nhỏ tuổi thuộc lớp em út, anh luôn để tâm giúp đỡ, có khi buộc phải rầy để dìu dắt. Bao giờ cũng vậy, anh rầy xong là chỉ ra nguyên nhân của khuyết điểm, hướng dẫn cách sửa chữa, không hò la, quát tháo. Chính vì vậy mà ai cũng mến. Có người lại mong được anh rầy, vì sau mỗi lần được rầy ấy, họ cảm thấy mình lớn lên. Ấy thế mà anh lại không còn.

 

Bọn địch đánh vào xí nghiệp in bằng một lực lượng cấp trung đoàn theo sự chỉ điểm của một tên phản bội. Việc đầu là bắn pháo, cho trực thăng vãi đạn nhọn, sau đó đổ quânk nhảu giò. Mọi lần những khi địch càn, xí nghiệp đều được báo trước ít nhất vài tiếng đồng hồ nhờ tin tức từ các bộ phận điện đài chuyên theo dõi tình hình địch của Tỉnh ủy, Tỉnh đội. Thời gian đó vừa đủ để anh chị em trong xí nghiệp đưa toàn bộ chữ, giấy và máy in xuống hầm bí mật. Lần này chúng đánh quá bất ngờ. Cả xí nghiệp đang làm việc. Những mâm chữ, nặng trịt bày ngổn ngang. Hai chiếc máy máy in ty-pô đang lên khuôn chữ còn nằm sờ sờ trên mặt đất. Không chờ sự phân công, Ngọc dẫn gần một tiểu đội - những anh em trong xí nghiệp được trang bị vũ khí - băng rừng chạy ra chốt tiền duyên, cầm cự với địch để mọi người kịp thu xếp, cất giấu. Khi các hầm bí mật đã được ngụy trang cẩn thận, anh em định cho người ra báo tin với Ngọc và đưa phần lớn thợ về phía sau. Giữa lúc đó, ngoài xí nghiệp có tiếng động, nhìn ra thấy có bóng người đang kè nhau bước đi loạng choạng trong bóng cây. Nổi lên một bên vai người thanh niên là Ngọc. Toàn thân anh bê bết bùn, bên hông trái máu chảy ướt cả vạt áo màu xám tro. Trông có vẻ như Ngọc đang kìm giữ từng bước đi. Mặt anh hơi chau lại, nhưng cố giữ vẻ điềm tĩnh khi chợt thấy mọi người. Đôi môi như muốn cười mà không cười còn giữ lại trên khuôn mặt hơi đỡ đẫn của anh. Thấy Ngọc còn bước được, ai nấy đều mừng. Khi đến gần, nhận ra gương mặt anh tái đi và vết thương do một mảnh pháo cỡ lớn chặt qua tay đứt động mạch ở gần nách, mặc dù đã được ga-rô vẫn chưa ngừng hẳn sự chảy máu. Mọi người tính ngay đến chuyện chuyển Ngọc về trạm phẫu. Đường từ đây sang đó phải lội qua hơn ba cây số rừng, trong tình hình địch đánh phá này chưa chắc đại bộ phận còn ở đó. Dầu sao thì cũng phải chuyển ngay. Tủ thuốc của cơ quan có đủ loại kháng sinh và thuốc cầm máu, nhưng thuốc đối với anh trong lúc này chỉ có tác dụng làm giảm đau và kéo dài sự kiệt máu mà thôi. Mọi người đều lo cho Ngọc, chỉ có anh thì như không hay biết. Anh hỏi máy móc đồ đạc đã cất giấu xong chưa và cầm tay Nhẩm nhìn ngắm khi Nhẩm vừa tiêm xong cho anh ống thuốc cầm máu.

 

Trên đường võng Ngọc đi (lúc này Ngọc không còn sức để bước), hai người thanh niên có mặt ở tiền duyên mới kể lại rằng: địch xung phong đến bốn đợt. Chúng tràn vào như vịt hảng thả chạy trên đồng. Ngọc cùng anh em dùng lựu đạn và súng đánh trả lại. Hết đợt thứ tư, khi địch vừa tháo lui, Ngọc nhoài người lên khỏi công sự xem xét trận địa, thình lình một quả pháo nổ chụp (2) ngay trên đầu... Lúc bị thương, anh có gọi tên hai người. Nhưng một loạt pháo nữa đang chụp tới; công sự của hai người lại cách xa nên khi họ đến được thì máu của Ngọc đã chảy nhiều. Sau khi đã làm xong việc ga-rô, anh em đề nghị đưa Ngọc về phía sau, nhưng anh không chịu. Anh thấy máu đã bớt chảy, vả  lại, cái tay lành còn có thể ném lựu đạn được. Theo anh, sau đợt pháo chụp này thế nào địch cũng tổ chức xung phong lần thứ năm. Mặt khác rời tiền duyên sớm e anh em trong xí nghiệp không cất giấu đồ đạc kịp. Đến lúc thấy mình bị kiệt sức, máu cũng còn chảy mà địch thì chưa thấy xung phong, anh mới đồng ý để hai thanh niên kè anh về...

 

Tại một khoảnh đất trống, bên trên có tàng cây to che rợp, những người trong xí nghiệp theo nhiều đường rút khác nhau, tụ hội gần như đầy đủ. Lệ thường đây là lúc tập hợp để kiểm xem ai còn ai lạc; nhận định hướng đánh phá của địch và bày cách đối phó. Hai người thanh niên theo đề nghị của Ngọc chọn một chỗ đất bằng đã được trải lá cây để Ngọc nằm xuống. Lúc này Ngọc đã yếu nhiều. Nhận biết tình trạng vết thương không còn cho phép mình sống tới tay người phẫu thuật, Ngọc cương quyết bắt mọi người phải để anh ở lại. Bao năm ròng gắn mình với tập thể, lau lách trong bom đạn chiến tranh, từ người thợ xếp chữ mới tập sự cho đến lúc lành nghề rồi chuyển qua chữa mo-rát, buồn vui, sướng khổ, anh và mọi người cùng chia xẻ với nhau. Bây giờ sắp tới lúc chia xa, Ngọc chỉ mong mình được thấy mặt hết mọi người. Nghe Ngọc nói, ai nấy đều rưng rưng.

 

Anh bình thản:

 

- Ấy là tôi nối chơi. Chứ tôi thì còn lâu mới chết được.

 

Nói rồi anh tì cánh tay còn lại cố nhoài người lên, nhưng sức anh không còn, giọng lạc hẳn đi. Anh ra dấu cho những người đứng gần hãy sát lại bên anh. Anh sờ nắn tay từng người, không muốn rời. Đoạn anh ngã đầu ra. Hai giọt nước mắt chực trào nhưng lại thôi.

 

Nhẩm từ phía sau, đôi mắt đỏ hoe, vừa chặm nước mắt vừa chen lách mọi người bước đến. Nhẩm cầm lấy tay Ngọc. Hai mắt anh từ từ mở ra. Hình như tất cả sức lực còn lại của anh đều dồn vào đôi mắt. Anh nhìn Nhẩm thật lâu, không nói, bàn tay còn lại để yên trong tay Nhẩm. Nhẩm cúi người, sờ nhẹ lên má anh. Anh cố gượng cười nhưng sức đã kiệt. Anh cố để gọn tay mình trong tay Nhẩm. Không nói kịp. Đôi đồng tử của anh đã từ từ giãn ra.

 

Sau bữa kỵ cơm của tía tôi, bạn bè khách khứa từ giã ra về. Trong nhà, phần người lớn còn lại má tôi và một người thiếm dâu. Bà này có điểm hay than nghèo, nhưng cũng hay khoe của. Lúc tiền vô thì cả làng đều biết. Khi túng hụt cả xóm đều hay. Bù lại nhược điểm đó, bả có biệt tài trong món chọn dâu. Hai cô gái, vợ của thằng Tư và thằng Năm người nào mặt mũi cũng dễ coi, tính tình hiền hậu, còn giỏi dang thì không ai bì kịp.

 

Nhẩm ở lại cùng người chị thứ hai của tôi rửa hết mớ chén dĩa, rồi xin phép ra về. Chờ cho Nhẩm đi một đỗi, bà thiếm khều vai tôi, nháy nháy mắt chỉ về phía lưng áo của Nhẩm.

 

Tôi cười, giả vờ:

 

- Già chết đời.

 

- Vậy chớ mày còn trẻ lắm hả?

 

Má tôi xen vào:

 

- Tuổi tác không nệ con à. Không nghe ông bà mình hồi trước nói "nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một" đó sao. Hệ trọng hơn là tính nết. Ăn đời ở kiếp với nhau, không có cái đó là không được. Chuyện vợ con má phải tùy nơi con, nhưng con Nhẩm thì má thấy được. Con suy nghĩ thêm.

 

- Người ta đi làm việc. Cưới rồi ai ở với má?

 

- Không cần. Miễn hai đứa thuận thảo ở đâu mà chẳng được.

 

- Thiệt hả má?

 

- Sao không thiệt. Nếu sợ sau này có con nuôi không nổi thì gởi về đây - bà thiếm tôi phụ họa - tao với chỉ (3) giữ đàn cháu nội cho đỡ buồn. Ừ đi chị.

 

- Thì ư.

 

- Ừ thì má nhớ nghen.

 

- Má không quên đâu. Chỉ còn chờ nơi con, con ừ một tiếng má lo liền.

 

Tôi cười, bỏ lửng, không nói ưng mà cũng không nói không - tôi đang nghĩ về Nhầm.

 

- Ừ đi cho chỉ mừng - Thiếm tôi góp thêm - Lù khù như con không chừng nữa vợ nó "oánh" đũa bếp trên đầu. Hèn chi người ta  nói "Nhuận gà rót".

 

Tôi lại cười, pha chút tự hào. Dầu sao thì nhận xét của các bà cũng còn ngược lại với thằng Bạch. Tôi chưa đến mức không tìm ra cội nguồn của từng loại nhận xét. Dễ thường những cô gái có trọng trách vừa có sắc đẹp và hơi cao tuổi một chút mà chưa lấy chồng hay thành đề tài cho nhiều chàng trai bàn tán trong các cữ trà.

 

Tôi định "hỏi ý kiến" Nhẩm không phải từ sau lễ giỗ tía tôi. Có điều là cho đến hôm nay, tôi vẫn chưa rõ Nhẩm có định lấy chồng chưa. Ngỡ Nhẩm chưa mà mình lại đặt vấn đề thì thành ra vội. Còn nấn ná sợ người khác xoắn tay áo nhảy vào. Trằn trọc suốt cả tháng, tôi bậm gan viết đại cho Nhẩm một lá thư. Tôi nói trong thư: "Nhẩm à! Có chuyện này: Mình yêu Nhẩm và cảm thấy hình như Nhẩm cũng yêu mình. Đúng vậy không? Mình nghĩ vậy. Nếu không đúng thì thôi, Nhẩm đừng buồn. Tình chị em vẫn như cũ. Nhẩm đừng kể cho ai nghe, hoặc đem ra cuộc họp Huyện ủy mở rộng mà phê bình thì chết Nhuận". Ký tên. Tôi viết thật ngắn như vậy vì nghĩ rằng ở cái khoản tuổi của Nhẩm mà "Em ơi!". Rồi "mây, trăng, trời nước" thì chắc chắn là thua. Tôi nói tới cuộc họp Huyện ủy mở rộng không phải đánh giá Nhẩm "nừng" mà để gián  tiếp nói rằng nếu Nhẩm không yêu tôi thì cũng xin tha cho tôi một bàn. Viết xong bức thư, tôi đọc lại, ngồi cười một mình. Bây giờ không còn run như hồi trước. Tôi cẩn thận cho vào phong bì rồi để vô ngăn giữa của cặp táp. Cặp của tôi thì không ai dám lục. Định đea cho Nhẩm càng sớm càng tốt, nhưng lần lựa mãi cho đến hơn ba tháng mà vẫn chưa đưa được. Tôi gặp Nhẩm thường, nhưng lần nào cũng gặp ngay trong hội nghị hoặc chỗ đông người.

 

Một hôm, tôi nhận được công văn gọi đi hội nghị chuyên đề ở tỉnh. Trong công văn có ghi rõ mời một đồng chí ủy viên Thường vụ Huyện ủy cùng đi để khi về  chủ trì cho công việc triển khai. Vậy là mừng rồi. Tôi nghĩ trong chuyến đi này thế nào tôi cũng nói chuyện với Nhẩm không để lỡ thời cơ nữa. Tôi cầm công văn đến gặp Nhẩm. Chúng tôi hẹn gặp nhau, chờ xe tại góc công viên ở cạnh đường Cách mạng Tháng Tám vào lúc ba giờ khuya, để ngày mai lên tỉnh đúng bảy giờ, kịp vào buổi làm việc sáng. Dạo đó, xe riêng của Huyện ủy, Ủy ban đều tập trung để đưa một phái đoàn đi tham quan. Tôi và Nhẩm quyết định đi xe đò. Chúng tôi không có ý định lấy vé ở bến vì sợ xếp hàng chen lấn sẽ trễ hội nghị. Tôi vặn đồng hồ reo lúc hai giờ ba mươi lăm phút, thức dậy chải gỡ, làm vệ sinh cá nhân và thu xếp đồ đạc, cố làm sao đến được góc công viên đúng ba giờ, trước Nhẩm chừng vài phú để làm Nhẩm ngạc nhiên chơi. Không ngờ tôi và Nhẩm lại đến cùng một lúc. Nhầm ngồi ngay xuống băng đá và hỏi tôi "lạnh hôn". Tôi nói "lạnh" à dè dặt ngồi xuống bên cạnh. Dạo đó trời mới vào đông, lạnh nhưng chưa buốt.

Nhẩm hỏi tôi:

 

- Đêm qua ngủ được không mà đến sớm?

 

Tôi cười:

 

- Ngủ ngon!

 

- Thiệt hôn?

 

- Thiệt năm mươi phần trăm.

 

- Vậy là nửa ngủ nửa thức phải không?

 

Ngọn đèn hơi chếch về bên trái chúng tôi chừn mười mét. Ánh sáng trắng hơi ngã màu xanh dọi đến vừa đủ để chúng tôi nhận rõ mặt nhau, không gây chóa mắt. Con đường Cách mạng Tháng Tám trải ngay phía trước mặt như còn đang ngái ngủ. Hai hàng cây sao, bạch đàn đứng yên, lâu lâu mới khẽ ngo ngoe lá theo cơn gió bấc thổi nhẹ. Mặt đường phẳng lặng. Thỉnh thoảng mới thấy một chiếc xe đạp chạy vút qua. Nhìn ra phía sau lưng, khu công viên với những chậu hoa, bồn nước, băng đá ẩn hiện bởi những lớp sáng không đồng đều của các ngọn đèn nê-ong bố trí thưa, rải rác.

 

Nhẩm thò tay vào túi áo, hỏi tôi:

 

- Có mang theo áo lạnh hôn?

 

- Có - Tôi đap.

 

Tôi và Nhẩm cùng nhìn ra mặt đường. Lát sau xem đồng hồ, Nhẩm nói với tôi:

 

- Có chuyện gì vui kể nghe, Nhuận? Xe đâu mà chưa thấy tới.

 

- Có chuyện thật hay, nhưng kể sợ chị rầy.

 

- Không rầy.

 

Tôi định rút bức thư còn nằm im trong cặp từ mấy tháng nay đưa cho Nhẩm và nói dóc là thư của một người khác nhờ chuyển, nhưng sợ Nhẩm bốc thư ra xem liền thì "bể". Bàn tay làm Phó Bí thư trực suốt mấy năm nay của Nhẩm làm gì không quen việc đó.

Tôi lại hỏi:

 

- Không rầy thiệt nghen.

 

- Thiệt.

 

- Vậy thì kể - Tôi nói trong sự hồi hộp.

 

Tôi cho Nhẩm biết rằng có người nhờ tôi "hỏi ý kiến" Nhẩm. Nhưng người ấy còn ngại, không biết Nhẩm có định lập gia đình chưa?

 

- Ai? - Nhẩm hỏi lại.

 

Tôi hơi run. Nhẩm tiếp:

 

- Tên gì, nói đại đi. Đúng thì mình trả lời.

 

- Nói đại "bật mí" làm sao - Tôi vừa nói vừa nhìn vào mắt Nhẩm. Một tia gì đó gần như tấn công mà cũng gần như phòng ngự từ trong mắt Nhẩm phát ra.

Tôi tiếp:

 

- Phải trẳ lời cái vế sau. Rằng chị có định lập gia đình chưa? Chị mà trả lời trước được, tôi sẽ nói sau.

 

Nhẩm cười, đôi mắt hơi đượm buồn một chút:

 

- Hồi trước thì không. Còn bây giờ... chưa biết.

 

Nhẩm nói với tôi rằng ít ai có thể ở vậy mà sống đến suốt đời được. Nhưng với Nhẩm, trong thời gian qua việc đó gần như ngoại lệ. Tình yêu Ngọc, những ngày được sống và làm việc bên Ngọc - mặc dù rất ngắn - đã thành cái khó mờ trong Nhẩm. Nhẩm có thể lấy một người chồng, nhưng tình yêu Ngọc thì không thể nào quên được, dẫu biết từ đấy là một đoạn đời khác.

 

- Vậy thì người chồng mới cũng nên hiểu rằng việc ấy hoàn toàn không ảnh hưởng đến hạnh phúc của họ - Tôi góp vào - Có khi còn làm cho họ trở nên gắn bó và sống cao đẹp hơn.

 

- Biết có chắc như vậy không?

 

- Chắc. Tôi nghĩ phải như vậy.

 

- Nhưng mà thôi - Nhẩm ngừng một chút rồi hỏi lại - Bây giờ mình hỏi thử như vầy: có phải người đó kém tuổi hơn mình không?

 

- Có thể lắm.

 

- Không sợ già chắc?

 

- Có thể là không.

 

- Sao Nhuận cứ "có thể" hoài làm "người ta" khó hiểu quá. Thôi thì cho "người ta" hỏi lại một lần nữa - Nhẩm hơi hạ giọng - Có phải người ấy có nốt ruồi son - nốt ruồi làm biếng - ở ngay giữa lưng không?

 

Tôi như sắp bay lên trời, mặc dù nghe Nhẩm nói nốt ruồi làm biếng mà tôi kiểm thấy mình không làm biếng cũng hơi tự ái. Lẽ nào trên đời này có thêm một người đàn ông thứ hai có nuốt ruồi giống hệt như tôi? Từ bé đến giờ, ngoài mẹ sinh ra tôi, chưa từng có ai biết về tôi như vậy.

 

- Nhưng mà nếu đúng như vậy thì sao? - Tôi hỏi, giọng vừa hơi run vừa tinh nghịch.

Nhẩm hơi cúi đầu, giấu một chút cười gượng:

 

- Chưa được. Cho mình hỏi thêm một điều nữa: có phải người ấy hồi nhỏ khờ lắm - khờ tới mức ngày xuân có người cho tiền không dám nhận; tiền đã nhét vô túi rồi còn òa lên  khóc, sợ đêm về nhà cha mẹ rầy. Có phải đúng như vậy không? Khờ hồi nhỏ, chớ bây giờ thì... - Nhẩm vừa nói vừa dò sắc mặt tôi.

 

Tôi hồi hộp:

 

- Phải thì sao. Còn không phải thì sao?

 

- Phải hay không? - Nhẩm mỉm cười - Nhuận nói trước đi.

 

Tôi ngẫm một hồi:

 

- Thì cứ cho là phải.

 

Nhẩm lại cười, nhìn tôi, ra chiều am hiểu:

 

- Vậy là biết rồi. Thôi bây giờ... Nhẩm nhờ Nhuận trả lời với người ấy rằng: Nhẩm thuận trong điều kiện người ấy phải nói thật  và trả lời đúng một câu hỏi của Nhẩm.

 

- Câu gì?

 

- Hỏi ngưòi ấy có ích kỷ không?

 

- Vì sao?

 

- Vì dầu sống với người chồng là ai thì Nhẩm vẫn không thể nào quên anh Ngọc được - Nhẩm quả quyết - Đừng bắt Nhầm quên. Hỏi người ấy có chịu nổi không? - Nhảm vừa nói vừa nhìn tôi, cười bằng mắt.

 

Tôi nói không do dự:

 

- Nếu Nhẩm có yêu cầu thì Nhuận sẽ hỏi. Nhưng Nhuận biết chắc chắn chẳng những người ấy bằng lòng mà còn mến phục nữa. Theo Nhuận nghĩ một đời người quanh đi quẩn lại rồi ai cũng nhận một cái chết. Nhưng không phải ngươi nào cũng được chết điềm nhiên và thanh thản như anh Ngọc đâu.

 

Nhẩm cười tôi hai chữ "được chết" rồi hỏi lại:

 

- Sao Nhuận dám chắc vậy?

 

- Sao không chắc!

 

- Ờ, vậy là biết rồi - Nhẩm lặp lại hai chữ "biết rồi", rồi vừa nói vừa nắm tay tôi, khi chợt nghe có tiếng còi ô tô.

 

Tôi bỗng sực nhớ tới bức thư còn để trong cặp. Bức thư đang khẽ ngọ nguậy và thủ thỉ cùng tôi:

 

- Thôi! Cất đi. Không cần gởi nữa!...

 

Tháng 7 năm 1986

 

--------------------------------------

(1) Mật hiệu của Trung ương cục miền Nam

(2) Loại pháo bắn nổ trên không, cách mạt đất chừng mươi thướt.

(3) Chị ấy, gọi thân mật.

 

Hàn Vĩnh Nguyên
Số lần đọc: 2335
Ngày đăng: 19.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngón tay phật tổ - Phạm Lưu Vũ
Nỗi đau - Triệu Xuân
Bia mộ - Lê Đình Trường
Quán rượu người câm - Nguyễn Quang Sáng
Dân chơi - Nguyễn Quang Sáng
Bạn nhỏ - Thanh Giang
Sự tích núi mồ côi - Phạm Lưu Vũ
Vẻ đẹp - Lê Đình Trường
Mộng xuất ngoại - Hoàng Thu Dung
Như có như không - Trần Thị Thùy Trang
Cùng một tác giả
Chị Nhẩm (truyện ngắn)
Thời gian thầm lặng (truyện ngắn)